Thập giá
Anh chị em có
biết tại sao khi nghe hai chữ thập giá, chúng ta không
thấy sởn gai ốc, và có khi còn dửng dưng
nữa, trong khi các môn đệ Chúa Giêsu nghe nói đến
thập giá thì nổi da gà, và ông Phêrô run rẩy can ngăn
Chúa đừng đi tới đó? Có lẽ vì chúng ta
chỉ nhìn thấy những cây thập giá bằng vàng,
bằng bạc, bằng đồng, bằng gỗ quí
nhẵn bóng hay bằng xi măng tô đá rửa, đá mài,
nên hình ảnh mà hai chữ thập giá gợi lên trong chúng ta
không có gì đáng sợ. Còn các môn đệ Chúa thì trái
lại, các ông chưa bao giờ thấy những cây
thập giá bằng vàng, bằng bạc… và hai chữ này
không chỉ gợi lên một cây khổ giá trần
trụi, mà gợi lên hình ảnh một con người
quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn và
nhục nhã ê chề, lơ lửng giữa trời và
đất, giữa sống và chết, trước
những cái nhìn thù ghét và khinh bỉ, trước những
con mắt tò mò và dửng dưng. Chính vì thế mà các tông
đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến
thập giá.
Nhưng Chúa
Giêsu không phải là ông thầy dễ dãi hay nhu nhược.
Chúa vẫn nói thẳng, nói thật và Chúa đòi ai theo Chúa
phải nhìn thẳng vào thập giá và chấp nhận nó: “Ai
muốn theo Thầy, hãy bỏ mình đi, vác thập giá
của mình hằng ngày mà đi đằng sau Thầy”. Ông
Phêrô vừa thay mặt anh em tuyên xưng Ngài là Đức
Kitô, Con Thiên Chúa, thì Ngài lại nói đến thập giá.
Thập giá Chúa nói ở đây như mặt sau của
tấm huân chương. Rồi sau đó Chúa lại
đưa ba môn đệ thân tín lên núi, cho các ông thấy
vinh quang chói lòa của Ngài và sự có mặt làm chứng
của Môisê và Êlia: một vị đã được Chúa
dùng để giao ước Sinai, còn vị kia thì
được Chúa trao nhiệm vụ tái lập giao
ước Sinai.
Chúng ta có
thể đảo lại thế này: sau khi chỉ cho các môn
đệ thấy cây thập giá làm cho các ông run sợ, Chúa
Giêsu lật cho các ông thấy đằng sau cây thập giá
có gì. Cũng vậy, sau này, trên đường Emmau, chúng ta
thấy Chúa quở trách hai môn đệ thất vọng
bỏ đi, vì các ông chỉ thấy mặt trước mà
không thấy mặt sau của cây thập giá: “Chẳng
phải là Đức Kitô phải chịu đau khổ
để vào trong vinh quang của Ngài sao?”.
Nếu ôm
lấy cây thập giá và thỏa mãn với nó thì đúng là
một kẻ điên khùng hoặc bệnh hoạn. Không,
Chúa Giêsu không kêu gọi chúng ta trở nên điên khùng,
bệnh hoạn. Chúa đã nhận lấy thập giá
như đường tới vinh quang. Đàng sau thập
giá là vinh quang mà chỉ có đức tin mới cho chúng ta
thấy được. Chúa không gọi chúng ta vác thập
giá đi một mình, nhưng là đi theo sau Chúa, vì chỉ
có đi theo Chúa, chúng ta mới tới được vinh
quang ở phía sau cây thập giá.
Cuộc
sống có những lúc êm đềm thanh thản, có
những ngày tưng bừng hoa lá, nhưng cũng lắm
khi cảm thấy tất cả nỗi ê chề của cây
thập giá sù sì và những lời độc địa,
chát chúa của khách qua đường. Chúng ta cảm
thấy nỗi cô đơn của kẻ bị treo lơ
lửng giữa trời và đất. Chúng ta khát khô cổ
muốn có một lời an ủi, một chút cảm thông,
nhưng quanh chúng ta chỉ có thờ ơ và thinh lặng,
hoặc tệ hơn nữa, chỉ có phỉ báng và xua
đuổi. Những lúc ấy chúng ta mới cảm
thấy tất cả sự rùng rợn của cây thập
giá. Có khi chúng ta cảm thấy chán nản muốn buông xuôi
tất cả. Chúng ta cảm thấy như Chúa Giêsu đã
cảm thấy và phải kêu lên: “Lạy Chúa, nhân sao Chúa
bỏ con…”.
Những lúc
ấy chúng ta phải vận dụng sức mạnh
của lòng tin, hết ánh sáng đức tin, để
thấy được đằng sau cây thập giá. Chúng
ta hãy nhìn thẳng vào Đấng đang vác thập giá
đi đằng trước chúng ta, chớ rời
mắt xa Ngài. Nhưng chúng ta đừng chờ tới lúc
đó mới nhìn vào Ngài. Chúng ta phải giữ tầm nhìn
luôn hướng về Ngài trong mọi nơi, mọi lúc,
mọi việc. Chúng ta hãy làm tất cả với Ngài, vì
Ngài và trong Ngài. Nếu chúng ta biết sống với Ngài
trong niềm vui, chúng ta cũng biết sống với Ngài
trong nỗi buồn. Nếu chúng ta biết sống trong Ngài
khi hạnh phúc, chúng ta cũng biết sống trong Ngài lúc
đau khổ. Nếu chúng ta biết sống với Ngài
trong ngày hội, chúng ta cũng biết sống với Ngài
giữa cô đơn. Nếu chúng ta biết sống trong
Ngài lúc đầy tiền của, chúng ta cũng biết
sống trong Ngài khi trắng tay…
Điều
chúng ta cần ghi nhớ là chúng ta đừng mang thập
giá một mình. Chúng ta sẽ không bước nổi đâu,
và nếu chúng ta có đem tất cả sự kiêu hãnh
của con cái Ađam mà lết đi được thì
cũng chẳng ích lợi gì, cây thập giá của chúng ta
chỉ là cây gỗ chết mà thôi. Bởi vì cây thập giá
chỉ trở nên xanh tươi và đầy hoa trái khi nó
mang con Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống: “Nếu
chúng ta cùng chết với Ngài, chúng ta sẽ sống với
Ngài”.
Như vậy,
Chúa Giêsu hiển dung là để củng cố đức
tin của các môn đệ. Bởi vì Chúa thấy các môn
đệ quá sợ các đau khổ, không chấp nhận
cuộc khổ nạn của Ngài, nên Chúa đã hé mở
vinh quang của Nước Thiên Chúa cho các ông thấy để
đem lại cho các ông một niềm tin và một hy
vọng vào ngày mai. Do đó, việc Chúa hiển dung cũng
dạy bảo cho các môn đệ biết: phải trải
qua đau khổ rồi mới vào vinh quang. Chính Thầy
của các ông là Con Thiên Chúa, mà còn phải chịu đau
khổ mới bước đến vinh quang thì các ông
cũng phải đi theo con đường đó: không
thể đến cõi hằng sống mà không phải qua
đau khổ, thử thách.
Sống ở
đời, không ai trong chúng ta tránh được những
đau khổ chúng ta gọi là những thánh giá mà Chúa
muốn chúng ta vác. Dù trong bậc nào vẫn phải vác thánh
giá của mình. Ngay chính lúc này, mỗi người chúng ta
đều cảm thấy những lo âu, những buồn
phiền, những khổ đau… Tất cả đều
là thánh giá. Nếu biết vác cho nên, với một thái
độ khiêm ngường, với lòng cậy tin, thì Chúa
sẽ ở bên chúng ta, và sẽ thưởng công cho chúng ta.
Những công phúc tuy vô hình, chúng ta không trông thấy, nhưng
chúng sẽ là những hạt men, những hạt giống
sẽ nở ra trong đời sau và trong thế hệ con
cháu chúng ta.
|