Sống
đức
tin – Lm. Giacôbê Phạm
Văn
Phượng
Trong khi dân chúng còn thắc mắc về Chúa
Giêsu, mỗi người nghĩ về Ngài một cách, thì
ông Phêrô đã thay mặt nhóm môn đệ thân tín của Chúa
tuyên xưng: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên
Chúa". Lời tuyên xưng này là thành quả của giai
đoạn huấn luyện của Chúa. Được
theo sát bên Chúa, được chứng kiến mọi
hoạt động của Chúa, lại được Chúa
dạy dỗ riêng nhiều điều, các môn đệ
được dẫn dắt từng bước
để nhận ra Chúa Giêsu là ai. Nhưng cho đến lúc
này các ông mới chỉ thấy quyền năng của
Chúa, còn con đường Ngài phải đi thì các ông
chưa biết, Chúa Giêsu muốn các ông phải chấp
nhận toàn thể sứ mạng và thân phận của
Ngài. Vì thế, khi ông Phêrô vừa tuyên xưng Ngài là
Đấng Kitô, Ngài liền nói đến việc Ngài
sẽ phải chịu đau khổ, bị xỉ nhục
và phải chết rồi sống lại. Sau đó Ngài
rời miền Galilê tiến lên Giêrusalem. Nhưng
trước khi đi lên Giêrusalem, Ngài còn cho các ông
được thấy vinh quang của Ngài, nghĩa là Ngài
tỏ lộ cho các ông thấy phần nào chân dung thật
của Ngài, mà chúng ta thường gọi là Chúa biến
hình.
Nói rõ hơn, Chúa Giêsu đã đem theo ba môn
đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Ta-bo, đang lúc cầu
nguyện, Chúa biến hình: sắc diện Ngài biến
đổi và có một dung mạo khác thường,
nghĩa là Chúa tỏa lộ một ánh sáng đặc biệt
cho các môn đệ thấy chính Ngài là ai, là "vinh quang
của Thiên Chúa", là "Chúa vinh quang". Trước
đây, các môn đệ sống bên Chúa, đã hiểu
phần nào về con người của Chúa, nhưng hôm nay
nơi núi biến hình, các ông mới đích thực cung chiêm
uy linh vinh quang của Chúa.
Trong lúc Chúa biến hình có hai người
đàm đạo với Chúa, đó là ông Môsê và Elia. Đàm
đạo về cuộc khổ nạn mà Chúa sắp
trải qua ở Giêrusalem, còn ông Phêrô và các bạn thì ngây
ngất trong ánh sáng siêu linh ấy, nhưng giữa lúc đó
có một đám mây bay đến phủ rợp các ngài,
rồi mất hút hai vị đại ngôn sứ, và mọi
sự trở lại bình thường.
Quang cảnh trên cho chúng ta thấy có ánh sáng
rồi có bóng mây. Đời là thế. Có vinh quang có đau
khổ, có vinh có nhục, có buồn vui đắp
đổi, có khóc có cười, có nước trời có
trần gian, có vàng thau lẫn lộn...Vì thế, ngay trong
vinh quang của Ta-bo, Chúa đã đàm đạo với các
ngôn sứ về cuộc khổ nạn của Ngài
để nhắc nhở và củng cố đức tin
của thánh Phêrô và các tông đồ, để giúp họ
đứng vững giữa những thử thách và trung
thành với sứ mệnh nặng nề của ngày mai.
Thánh Phêrô, trong một khoảnh khắc thời gian,
được sống trong hai thế giới: trần gian
và thiên đàng. Và khi được cung chiêm hạnh phúc
nước trời, ngài đã sung sướng quá và
thốt lên: "Lạy Thầy, được ở
lại đây thì tốt quá". Nhưng rồi bóng mây bao
phủ trên họ, và họ phải xuống núi, trở
về với nhiệm vụ của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điều
đáng ghi nhớ, nhưng chúng ta đặc biệt ghi
nhớ câu nói của thánh Phêrô trên đây và hình ảnh
đám mây bao phủ trên các tông đồ lúc ấy làm bài
học cho chúng ta. Chúng ta thấy đó, thánh Phêrô đã
thốt lên như thế khi được thấy
hạnh phúc nước trời ngay tại thế, nhưng
chỉ trong một khoảnh khắc thôi rồi họ
lại trở về với cuộc sống cam go và
nhiệm vụ nặng nề của mình. Lời nói
của thánh Phêrô được coi là niềm vui, đám mây
tượng trưng cho nỗi buồn.
Chúng ta cũng vậy, có lẽ trong cuộc
đời theo Chúa, chúng ta cũng sẽ được
một số những an ủi, niềm vui, phước
lộc. Nhưng chúng ta cần nhớ: bao lâu còn sống
ở trần gian, niềm vui nào cũng mau qua, như
người ta vẫn nói: Vui qua sầu tới. Cho nên, chúng
ta cần phải có một thái độ đúng
trước niềm vui, là đừng bao giờ chỉ
biết có niềm vui của riêng mình, nhưng phải
biết giới hạn và san sẻ niềm vui đó, và
đừng bao giờ để cho niềm vui của mình
trở nên đau khổ cho người khác, vì khi chúng ta vui
thì còn nhiều người khác đang buồn. Cũng
đừng bao giờ say sưa trong niềm vui mà quên
bổn phận hay nhiệm vụ của mình. Lúc có niềm
vui thì hãy nhớ tới lúc hết niềm vui. Nếu chúng
ta có thái độ đúng đắn như thế, chúng ta
sẽ không còn ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước
thuận cảnh hay nghịch cảnh, trước niềm
vui hay nỗi buồn. Ngược lại, khi chúng ta không có
được niềm vui như người khác, thì chúng
ta cũng đừng bao giờ thất vọng, chán
nản, buông xuôi.
Vì thế, chúng ta phải làm chủ
được cuộc đời mình, là cuộc
đời được đan dệt bằng những
niềm vui và nỗi buồn. Chúng ta hãy sống với hoàn
cảnh thực tại của mình, chúng ta hãy chu toàn
nhiệm vụ hằng ngày của mình, chúng ta hãy lấy
nhiệm vụ làm nguồn vui, chúng ta chỉ có quyền
hưởng niềm vui khi đã làm xong nhiệm vụ.
Nhiệm vụ nào cũng là gánh nặng, nhưng gánh
nặng được chúng ta hoàn thành lại trở nên
niềm vui cho chúng ta. Đó là bài học Chúa dạy các tông đồ
xưa kia và dạy chúng ta hôm nay: "Qua đau khổ
sẽ tới vinh quang", sau cơn mưa, trời
lại sáng.
|