Phêrô
Qua đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ
về thái độ của Phêrô.
Như chúng ta
đã thấy: trước sự hiện diện của Môisê
và Êlia cùng với ánh vinh quang bao phủ, Phêrô đã vui
mừng hớn hở thưa lên:
- Lạy Thày,
được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thày muốn, chúng con xin làm ba lều.
Thế nhưng
sau đó, cũng chính Phêrô đã lên tiếng can ngăn Chúa
khi Ngài tiên báo về những khổ đau sẽ phải
chịu, để rồi Ngài đã phải nặng lời
quở trách:
- Hỡi Satan,
hãy xéo đi, ngươi chỉ biết những việc
thuộc về trần thế mà chẳng biết chi
những việc thuộc về Thiên Chúa.
Rồi
cũng chính Phêrô trong sân nhà thày cả thượng phẩm
đã chối Chúa ba lần chỉ vì câu hỏi bâng quơ
của một đứa nữ tỳ. Phải chăng thái độ
của Phêrô cũng là thái độ của người
đời như tục ngữ đã nói:
- Khi vui thì
vỗ tay vào,
Đến
khi hoạn nạn thì nào thấy ai.
Đúng
thế, khi chúng ta có tiền và có quyền thì cũng
thường có nhiều tình. Người xưa đã từng bảo:
- Bần cư chung thị vô nhân vấn, phú tại sơn
lâm hữu khách tầm. Nghèo mà ở ngay
giữa phố chợ thì cũng chẳng ai thăm, còn giàu
mà ở tận chỗ núi cao rừng thẳm, thì vẫn
khối người tìm đến.
Hay như
tục ngữ cũng nói:
- Thấy
người sang bắt quàng làm họ.
Thế nhưng
khi tiền hết và quyền hết thì tình cũng
thường chắp cánh bay cao:
- Hết cơm
hết gạo hết ông tôi.
Không những
hết tình mà đôi khi vào lúc sa cơ
thất thế, những kẻ trước kia đã hàm
ơn, không chừng sẽ trở mặt, phản lại
chúng ta, giậu đổ bìm leo, để rồi chính chúng
ta sẽ phải âm thầm và cay đắng ghi nhận:
- Thế thái
nhân tình gớm chết thay,
Nhạt
như nước ốc bạc như vôi.
Hay lẩm
bẩm kêu trách:
- C’est la vie,
đời là thế.
Tuy
nhiên chúng ta đừng vội trách người cũng
như đừng vội trách đời, mà hãy trách chính
bản thân chúng ta trước, bởi vì đó cũng chính
là thái độ của chúng ta đối với những
tha nhân và nhất là đối với Thiên Chúa.
Thực
vậy, kinh nghiệm cho hay: Khi gặp được may
mắn và hạnh phúc chúng ta dường như cảm
thấy Thiên Chúa thật gần gũi,
thật dễ thương, thế nhưng khi gặp
phải những gian nguy thử thách, những đớn
đau buồn phiền, chúng ta lại cảm thấy Thiên
Chúa thật xa vời và độc địa như
lời thơ cổ:
- Trẻ
tạo hóa đành hanh chi ngán,
Chết
đuối người trên cạn mà chơi.
Rồi
từ đó chúng ta bực bội tức tối và lên
tiếng nguyền rủa Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta chỉ muốn
bước theo Chúa lên đỉnh Taborê,
chứ không muốn bước theo Chúa lên đỉnh Canvê.
Chúng ta chỉ muốn cắm lều trong vinh
quang, chứ không muốn đóng đinh mình vào thập giá.
Chúng ta đã nhìn đau khổ qua cặp kính màu đen
tuyệt vọng, chúng ta kéo lê thập giá chứ không vui
vẻ vác lấy và coi thập giá như phương
tiện cứu độ.
Tuy nhiên, chúng ta
phải nhớ rằng:
- Đỉnh
Canvê mới chính là nơi để Chúa Giêsu chu
toàn sứ mạng cứu độ của mình, mới
chính là nơi để Ngài gieo mầm phục sinh cho nhân
loại.
Là môn đệ
của Chúa chúng ta không có một con đường nào khác ngoài
con đường thập giá, như lời Ngài đã nói:
- Ai muốn theo ta, phải từ bỏ mình, vác thập
giá mình hằng ngày mà theo ta.
Chúng
ta không dừng lại tại thập giá và khổ đau,
nhưng cùng với Đức Kitô tiến vào vinh quang và
phục sinh. Vì thế, mặc dù vai vác thập giá nhưng
mắt chúng ta vẫn luôn hướng tới trời cao.
Trời cao, sự sống và hạnh phúc
phải là điểm kết thúc cho con đường
thập giá. Những hy sinh chúng ta gặp phải
sẽ kết thành cây thập giá đời thường,
nếu chúng ta trung thành vác lấy, cây thập giá đời
thường ấy sẽ là con đường dẫn
chúng ta tới vinh quang phục sinh.
|