NGHỆ
SĨ và TÁC PHẨM
[bài
chủ đề báo ĐMHCG, số tháng
8-2017, DCCT xuất bản tại Hoa Kỳ]
Nghệ
sĩ và tác phẩm không thể tách
rời nhau, như xác với hồn vậy,
bởi vì nghệ sĩ là người
chuyên hoạt động (sáng tác hoặc
biểu diễn) trong một bộ môn nghệ
thuật nào đó. Họ là người
sáng tạo ra các loại hình nghệ
thuật như tranh vẽ, hình ảnh, đồ
họa, chạm trổ, chụp ảnh, soạn
nhạc, làm thơ, viết văn, diễn
kịch,... Nhưng có điều quan trọng:
Nghệ sĩ chân chính phải là người
có thiện chí, mỹ ý, với các
ý tưởng và cảm xúc lành
mạnh đối với văn hóa xã
hội.
Khái
niệm về nghệ sĩ gắn liền với
khái niệm về nghệ thuật. Vì
vậy, khái niệm nghệ sĩ phụ thuộc
nhiều vào cách hiểu về nghệ
thuật. Về lĩnh vực tôn giáo cũng
có các loại hình nghệ thuật
đặc trưng theo từng tôn giáo.
Cái
gì tốt thì luôn đẹp, nhưng
cái gì đẹp thì chưa hẳn là
tốt. Người ta phân định có
bảy loại hình nghệ thuật: [1] Kiến
trúc, [2] Điêu khắc, [3] Hội họa,
[4] Âm nhạc, [5] Văn chương, [6] Sân
khấu, [7] Điện ảnh (thường gọi
là “nghệ thuật thứ bảy”).
Trong
các loại hình nghệ thuật, hội
họa và điêu khắc là hai loại
hình dễ nhận thấy, bởi vì chúng
hữu hình chứ không trừu tượng
như âm nhạc hoặc thi ca. Riêng về
hội họa, người ta không thể không
nhớ tới các danh họa huyền thoại
đã làm thay đổi lịch sử
nghệ thuật thế giới, đó là
các danh họa nổi trội như Masaccio
(1401–1428), Leonardo da Vinci (1452–1519), Michelangelo
(1475–1564), Raphael (1483–1520), và Picasso
(1881–1973).
Nói
về mối liên quan giữa tác giả và
tác phẩm, văn hào Ái-nhĩ-lan Oscar
Wilde (1854–1900) nhận định: “Một tác
phẩm nghệ thuật là kết quả duy
nhất của một khí chất duy nhất.
Vẻ đẹp của nó xuất phát từ
một thực tế mà tác giả của
nó chính là nghệ sĩ. Điều
đó không liên quan gì tới việc
người khác mong muốn cái họ
muốn. Thật vậy, một khi nghệ sĩ
ghi nhận những gì người khác
muốn, và cố gắng đáp ứng
nhu cầu của người khác, anh ta không
còn là nghệ sĩ nữa, mà đã
trở thành một gã đần độn
hoặc một thợ thủ công làm trò
giải trí, một gã lái buôn thật
thà hoặc gian manh. Từ lúc đó
trở đi, anh ta không còn có thể
tự cho mình là nghệ sĩ được
nữa”.
Không
ai tôn phong danh hiệu nghệ sĩ, cũng
không thể tự phong, chính tác phẩm
khả dĩ tôn phong và vinh danh họ. Nhân
sao, vật vậy. Tác phẩm thể hiện
“bản lĩnh” của tác giả, thể
hiện cả con người của họ. Thật
vậy, Chúa Giêsu cũng đã nói:
“Xem
quả thì biết cây”
(Mt 12:33; Lc 6:44). Chắc chắn không ai có
thể mua danh bán tước. Ấy thế mà
thời nay vẫn có những người dùng
tiền bạc để làm điều đó.
Thật là hão huyền!
Về
thơ, Gibran (Li-băng) nhận định: “Thơ
không phải là một ý kiến suông.
Nó là một ca khúc được cất
lên từ miệng vết thương hoặc
từ một nụ cười”.
Thơ đâu phải cứ ghép chữ mà
thành, cứ đếm chữ là xuôi?
Riêng về thơ lục bát của Việt
Nam, loại này dễ làm nhưng khó
hay. Không phải cứ xuôi vần bằng
và trắc là được, mà nó
còn phải đúng luật yêu vận
(vần eo, lưng) và cước vận (vần
chân). Nhiều người làm thơ lục
bát mà vần “lạc trôi” đi
đâu mất. Lục bát còn có
dạng biến thể, tức là chữ thứ
sáu của câu lục bắt vần với
chữ thứ tư của câu bát –
chứ không phải là chữ thứ sáu
của câu bát như bình thường.
Khó “nuốt” nhất có lẽ là
thơ Đường, loại thất ngôn bát
cú, niêm luật rất khó!
Balzac
nói về thơ: “Tình
yêu là bài thơ của giác quan”.
Một cách nói nhẹ nhàng mà sâu
sắc. Làm thơ mà chỉ “xếp
chữ” thì không phải là thơ,
cái độc đáo là phải có
tứ thơ “khác người”. Thơ
phải súc tích. Ngắn mà hay, đọc
vài từ hoặc vài câu mà cảm
thấy cuốn hút, đó là bài
thơ hay. Dài luộm thuộm thì chỉ
như “bà già kể chuyện” mà
thôi. Quả thật, làm thơ không dễ
chút nào như người ta lầm tưởng
rồi hóa ra ảo tưởng!
Về
âm nhạc, Longfellow (Mỹ) xác nhận: “Âm
nhạc là lời nói chung của nhân
loại”.
Có thể nói rằng, âm nhạc là
quốc tế ngữ, nó có thể biểu
cảm mọi mức độ. Người không
biết nhạc cũng vẫn có “máu
nhạc” trong mình và cảm nhận
theo mức độ riêng. Thật vậy,
Sidney (Anh) nói: “Âm
nhạc là điều kỳ diệu nhất
có thể kích thích cảm giác”.
Âm nhạc có sức mạnh kỳ lạ,
đúng như nhà soạn nhạc Beethoven
(Đức) cho biết: “Âm
nhạc khiến tinh thần của con người
bộc phát ra những đốm lửa”.
Ông còn thổ lộ điều này:
“Tạ
ơn Chúa, con viết được nhạc,
ngoài ra con chẳng làm được gì
khác”.
Chắc là ông khiêm nhường thế
thôi!
Sách
Khải Huyền có đề cập âm
nhạc: “Kìa
Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng
với Con Chiên, có một trăm bốn
mươi bốn ngàn người, mang danh của
Con Chiên và của Cha Con Chiên ghi trên
trán. Và tôi nghe thấy tiếng từ
trời như tiếng nước lũ, như
tiếng sấm lớn. Tiếng tôi nghe thấy
tựa hồ tiếng những nhạc sĩ vừa
gảy đàn vừa hát. Họ hát
một bài ca mới trước ngai Thiên
Chúa, trước bốn Con Vật và các
vị Kỳ Mục. Không ai có thể học
được bài ca này, ngoài một
trăm bốn mươi bốn ngàn người
ấy, là những người đã được
chuộc về từ mặt đất”
(Kh 14:1-3).
Và
rồi cả giới văn chương cũng
không thể làm ngơ với âm nhạc.
Văn hào W. Shakespeare nói: “Âm
nhạc là lương thực tinh thần của
chúng ta chỉ sau tình yêu”.
Còn văn hào Victor Hugo bộc bạch: “Âm
nhạc thể hiện những điều không
thể nói ra, nhưng cũng không thể
lặng câm”.
Thơ cần có tứ thơ, nhạc cũng
cần ý nhạc, không thể cứ “ráp
nối” bảy nốt là thành khúc
nhạc. Đối với ca khúc còn cần
ca từ nữa, tức là cũng vẫn cần
có chất thơ trong ca từ, chữ nghĩa
phải “độc đáo” chứ
không thể dùng ngôn ngữ của dân
chợ búa. Nhạc và thơ trợ giúp
lẫn nhau, trong thơ có nhạc, và trong
nhạc có thơ – tất nhiên kể
cả văn nữa.
Còn
mục đích của âm nhạc là
gì? Nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach
(Đức) xác định: “Mục
đích tối thượng của âm nhạc
không nên là gì hơn ngoài việc
vinh danh Chúa và làm khỏe khoắn tâm
hồn”.
Rất chí lý, rất thâm thúy, và
cũng rất đáng quý!
Nghệ
thuật là lĩnh vực của “cái
đẹp”. Nhưng, như đã nói
trên đây, “cái gì tốt thì
luôn đẹp, nhưng cái gì đẹp
thì chưa hẳn là tốt”. Nghệ
sĩ là người làm nghệ thuật,
chắc chắn không thể không vì cái
đẹp. Cái đẹp cơ bản đầu
tiên là sự chân thật – chân
thật với chính mình và với
người khác. Văn sĩ Emile Zola nói:
“Nghệ
sĩ chẳng là gì nếu thiếu tài
năng, nhưng tài năng chẳng là gì
nếu không có lao động”.
Thế nhưng con người luôn mưu mô,
làm việc nào cũng có dạng “đạo
tặc”, lĩnh vực nghệ thuật cũng
không thoát khỏi sự gian dối –
nghĩa là cũng vẫn có những kẻ
bất tài mà háo danh, thế nên
họ không ngần ngại đạo văn,
đạo thơ, đạo nhạc,... Với lối
nói thẳng thắn và cụ thể, Bela
Bartok mỉa mai: “Sự
tranh đua chỉ dành cho ngựa chứ không
dành cho nghệ sĩ”.
Kinh
Thánh cũng đã từng đề cập
“những nghệ sĩ đầy tham vọng”
(Kn 14:17-20). Họ chính là những kẻ
giả tạo, giả danh, giả hình, bất
chính. Đối với con người mà
họ còn không được chấp nhận
thì nói chi tới Thiên Chúa, chắc
chắn Ngài không thể nào chấp
nhận những dạng người như vậy.
Về
tác phẩm, Claude Debussy nói: “Tác
phẩm nghệ thuật tạo nên nguyên
tắc, nguyên tắc không tạo nên tác
phẩm nghệ thuật”.
Cái gì cũng có nguyên tắc nhất
định, ngay cả sự tự do còn có
giới hạn kia mà!
Nghệ
thuật chân chính liên quan các vấn
đề khác, và cái gì cũng
có dạng nghệ thuật đặc trưng.
Cuộc sống đời thường cũng cần
có nghệ thuật sống, ngay cả những
thứ đơn giản nhất: “Học
ăn, học nói, học gói, học mở”.
Quả thật, những thứ bình thường
mà không đơn giản chút nào!
Kinh
Thánh cho biết: “Một
tác phẩm được ca tụng là
nhờ tay nghệ sĩ, ai lãnh đạo dân
thì phải khôn ngoan trong lời ăn tiếng
nói. Kẻ lắm mồm lắm miệng, trong
thành ai cũng ngán cũng sợ, người
nói năng láu táu, ai cũng ghét
cũng chê” (Hc
9:17-18). Cách nói năng và cách im
lặng cũng là cả một nghệ thuật,
thể hiện sao cho có nghệ thuật là
điều không dễ.
Đó
là chuyện con người đối với
con người, còn đối với Thiên
Chúa? Thánh Phaolô chỉ bí quyết
cho chúng ta: “Hãy
cùng nhau đối đáp những bài
thánh vịnh, thánh thi và thánh ca
do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả
tâm hồn mà ca hát chúc tụng
Chúa”
(Ep 5:19). Và thánh nhân khuyên: “Để
tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem
cả tâm hồn mà hát dâng Thiên
Chúa những bài thánh vịnh, thánh
thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng”
(Cl 3:16).
Cái
đẹp không thể hiểu trọn vẹn,
mỗi người mỗi cách. Nói về
cái đẹp của con người, chàng
mô tả nàng thế này: “Đẹp
chừng nào, công nương hỡi, gót
sen thả nhẹ, đôi hài xinh xinh! Lưng
ong uốn mềm như chiếc vòng trang sức
bàn tay nghệ sĩ khéo tạc nên”
(Dc 7:2). Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
có cách mô tả khác: “Dài
tay em mấy thuở mắt xanh xao…”
(Diễm Xưa). Cái này với người
này là đẹp, nhưng với người
kia lại không đẹp – và ngược
lại. Mỗi người có một cách
nhìn và với tầm nhìn khác
nhau. Biết sao được!
Thi
ca có luật thơ – vần bằng và
vần trắc, yêu vận và cước
vận, thất ngôn, tứ tuyệt, lục
bát,… làm thơ không khéo thì
chỉ là văn xuôi. Âm nhạc có
luật nhạc – cao độ, trường
độ, âm sắc, hòa âm, đối
âm, phối khí,… Chỉ có 7 nốt
được kết hợp với các dấu
hóa và trường độ mà tạo
ra thiên hình vạn trạng. Hội họa
có luật vẽ – phối cảnh, phối
màu,… Nó chung, cái gì cũng
có luật riêng. Nghệ thuật quá
mênh mông!
Tuy
nhiên, nếu bài thơ chỉ một vần
sẽ gây nhàm chán; bài nhạc chỉ
một tiết điệu với một nốt sẽ
đơn điệu; bức tranh chỉ một
màu thì chẳng ai muốn thưởng
lãm. Và cuộc đời cũng thế,
cần có nhiều vần, nhiều điệu,
nhiều nốt, nhiều màu,… thì
cuộc đời mới có ý nghĩa.
Trong nghệ thuật, “khoảng sáng”
và “khoảng tối” có thể hỗ
tương lẫn nhau. Cuộc sống cũng tương
tự, hạnh phúc mãi cũng nhàm
chán, sung sướng quá hóa điên
rồ, cần có chút đau khổ mới
thú vị. Ăn ngọt nhiều không tốt,
cũng chẳng ưa, người ta lại thích
chút cay, chút đắng, thế mới
ngon. Triết lý sống đấy!
Mỗi
người là một nghệ sĩ trong cuộc
đời này. Mỗi người cũng là
một vần trong thi phẩm của Thiên Chúa,
là một nốt nhạc trong bài hợp
xướng của Thiên Chúa, và là
một màu sắc trong bức tranh của Thiên
Chúa. Một giọt nước không là
gì so với đại dương, nhưng
thiếu một giọt nước thì đại
dương sẽ “khuyết” một chút.
Là
thụ tạo của Thiên Chúa, giống
như tác phẩm nghệ thuật của nghệ
sĩ, chúng ta không chỉ có trách
nhiệm tôn vinh Thiên Chúa mà còn
có bổn phận mời gọi người
khác cùng xưng tụng Ngài. Hãy
hòa lời chúc tụng với Thánh
Vịnh gia: “Ca
tụng Chúa đi, trong đền thánh
Chúa, ca tụng Người chốn cao thẳm
uy linh. Ca tụng Chúa vì công trình
hùng vĩ, ca tụng Người lẫm liệt
uy phong. Ca tụng Chúa đi, rập theo tiếng
tù và, ca tụng Người, hoạ tiếng
cầm tiếng sắt. Ca tụng Chúa, bằng
vũ điệu trống đưa, ca tụng
Người, theo cung đàn nhịp sáo. Ca
tụng Chúa đi, với chũm chọe vang
rền, ca tụng Người cùng thanh la inh
ỏi. Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng
Chúa đi nào! Ha-lê-lui-a!”
(Tv 150:1-6).
Hãy
để Thiên Chúa hoạt động theo
Thần Khí của Ngài để mỗi
chúng ta trở nên một tác phẩm
nghệ thuật đích thực của Ngài
– có thể là một khúc nhạc,
một bức họa, một bức tượng,…
với những nốt bổng trầm, những
nét điêu khắc hoặc những nét
cọ số phận với màu sắc khác
nhau, nhưng tất cả đều là hồng
ân và để vinh danh Đấng là
Nghệ Sĩ Tuyệt Đối đã tạo
tác nên các tác phẩm là mỗi
chúng ta.
Lạy
Thiên Chúa tuyệt hảo, nếu Ngài
muốn, xin biến đổi chúng con nên
những tác phẩm nghệ thuật tâm
linh để vinh danh Ngài bằng chính cuộc
sống đời thường của chúng
con hôm nay. Chúng con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ
chúng con. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
|