Đức
Giêsu - Con đường
cứu độ duy nhất
(Suy niệm của Lm. Bùi Quang Tuấn)
"Ngước mắt lên, các
ông thấy chẳng còn ai, trừ ai một mình Chúa Giêsu"
(Mt 17:8).
Trong cuốn sách
tựa đề "Gương Hiếu Thảo", tác
giả Phan Như Huyên có thuật lại gương chí
hiếu của Công Chúa An Thường
như sau: An Thường là con gái thứ tư của vua
Minh Mạng. Nàng rất thông minh và thảo hiếu. Năm
lên 9 tuổi, mẹ của công chúa bị bịnh. Lúc đó
vào dịp lễ Vạn Thọ, các hoàng tử công chúa
đều được triệu vào cung để chúc
tuổi vua cha. Nhà vua cho các hoàng tử được ăn thịt dê. An
Thường chỉ ngậm thịt trong miệng chứ
không nuốt. Vua thấy lạ mới hỏi nguyên do, cô
trả lời: "Con nghe nói thịt dê bổ lắm, nên
con ngậm về cho mẹ đang bị bịnh ăn cho mau khỏe". Nghe vậy, vua
cảm động quá, mới truyền đem khay lấy
thêm thịt để An Thường
đưa về cho Mẹ. Đến khi Vua Minh Mạng
chết, nàng để tang ba năm, sống bên lăng cha
cho trọn đạo hiếu.
Khi đề cập đến đạo
hiếu trong văn hoá Việt Nam,
Đức TGM Stephanô Nguyễn Như Thể của TGP
Huế tại Thượng Hội Đồng Giám Mục
Á Châu, đã phát biểu: Người Việt Nam
chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng
giáo, Lão giáo, Phật giáo. Cả ba tôn giáo đó đều
cho lòng hiếu thảo là nhân đức căn bản
của gia đình và xã hội. Việc sốt
sắng tôn kính và phục vụ cha mẹ khi còn sống
cũng như lúc qua đời là một bổn phận
ưu tiên. Luân lý và văn minh đều
tùy thuộc vào bổn phận này.
Có lẽ trong những quốc gia mà
đạo hiếu bám rễ sâu vào lòng người như
Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ..., nơi
mà "tứ đại đồng đường",
ba bốn đời vẫn ở chung nhau dưới
một mái nhà, thì việc rao giảng hay đón nhận Kitô
giáo sẽ không phải là một chuyện dễ dàng. Tại sao thế?
Lý do là vì nhiều người cảm
thấy băn khoăn muốn phải kháng khi nghe
Đức Giêsu nói: "Ai đến với Ta mà không
bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng
sống mình thì không thể làm môn đệ của Ta"
(Lc 14:26).
Vấn đề được đặt
ra là: "Trên thế gian này có gì cao đẹp cho bằng
tình cảm cha mẹ con cái, vợ chồng, anh em, và có gì quí
giá cho bằng sự sống, ấy thế mà Đức
Giêsu nào đó lại bảo người ta phải hy sinh
từ bỏ để có thế gắn bó với Ngài. Thử hỏi Đức Giêsu là ai mà đòi
hỏi người ta một việc làm quá đáng như
vậy? Phải chăng Đức Giêsu đang
dạy con người sống bất hiếu?"
Điều cần xác minh trước
hết, ấy là Chúa Giêsu không hề dạy người ta
bất hiếu hay bất nghĩa. Ngài đã từng
nhắc đi nhắc lại điều răn thứ 4 là
giới răn dạy người ta thảo kính với
mẹ cha. Khi một chàng thanh niên đến hỏi Chúa
Giêsu làm thế nào để được hạnh phúc đời
đời, câu trả lời của Ngài đã có phần:
"ngươi phải thảo kính cha mẹ". Ngay khi
trên thập giá, trước lúc tắt hơi, Ngài vẫn quan
tâm đến Mẹ Maria và lo liệu để Gioan đón
Mẹ về nhà chăm nom. Thế nên không thể nào nói Chúa
Giêsu bất hiếu hay dạy người ta sống
bất hiếu được.
Vậy thì làm sao để lý
giải được câu nói trên đây của Chúa Giêsu?
Thật ra có gì khó hiểu đâu nếu
như có những con người đã vì một
đất nước trần thế, một đất
nước nay còn mai mất, nay vào tay chế độ này
mai vào tay chế độ khác, mà họ còn dám dấn thân và
hy sinh cha mẹ anh em cùng sự sống, thì với một
đất nước vĩnh hằng, một đất
nước được thống trị bởi Đức
Giêsu, vua tình yêu và chân lý, thì có gì là khó hiểu khi có những
con người dám liều bỏ hết tất cả
để đi theo vị vua đó và xây dựng
đất nước đó.
Mấy ai lại không biết một Thomas
More dám bỏ vua Henry VIII, chấp nhận xa vợ con, và
cuối cùng là mất mạng sống để bênh vực
cho chân lý trung tín yêu thương, một vợ một
chồng, mà Vua Giêsu đã truyền dạy.
Mấy ai lại không biết một
Giêrađô Majella trốn nhà ra đi sau khi ghi vội cho
mẹ mấy lời: "Mẹ ở nhà con đi làm
thánh". Hay một Charles Cornay đã can đảm
bước qua mình song thân, lên đường đi rao
truyền chân lý Nước Trời cho Việt Nam,
chấp nhận biết bao khốn khó nghèo khổ, và
rồi cuối cùng chấp nhận cái chết lăng trì vì con người có tên Giêsu.
Nhưng không phải là ai cũng hiểu rõ
được bản chất thực sự của
Đức Giêsu để dám bước theo
Ngài cách can đảm và quyết liệt. Lắm khi
người ta lại cho Ngài chỉ giống như một
hiền triết, hay một vĩ nhân,
hoặc một nhà sáng lập tôn giáo nào đó. Nhưng
một hiền triết, một vĩ nhân, hay một
người sáng lập tôn giáo như Đức Khổng,
hay Đức Lão, hoặc Đức Phật, thì cũng
chỉ là những con người nói về yêu thương
và dạy về chân lý, khuyên bảo chúng sinh làm lành lánh
dữ, chứ các ngài không là yêu thương, hay là chân lý.
Nhưng Đức Giêsu thì trái lại, Ngài là yêu
thương, là Đường, là Sự Thật, và là
Sự Sống. Quan trọng là chỗ đó! (ĐC
Fulton J. Sheen).
Thế thì, một khi nhận thức và xác
tín Đức Giêsu chính là chân lý soi sáng đường
đi cho con người, là tình yêu đưa đến
một sự sống phong phú tràn đầy, thì việc
bước theo Ngài, làm môn đệ của Ngài sẽ là
bước đi tất yếu cho những ai muốn
sống sự thật, muốn sống yêu thương, và
muốn trở nên con người toàn vẹn. Ngoài Đức Giêsu Kitô, sẽ không còn ai có thể
lấp đầy khát vọng đó.
"Ngước mắt lên, các
ông thấy chẳng còn ai, chỉ trừ một mình Chúa
Giêsu". Hai nhà đại tiên tri và lãnh
đạo tôn giáo là Êlia và Môisen biến mất. "Chỉ còn một mình Chúa Giêsu". Theo
nhận định của một nhà chú giải: rồi
đây "mọi chủ thuyết triết học,
mọi ý thức hệ vang bóng một thời rồi
cũng sẽ bị lãng quên". Các tinh hoa
của mọi nẻo đường cũng chỉ qui về
một mối trong Đức Giêsu, Đấng là
Đường duy nhất dẫn đến Chân Thiện
Mỹ của muôn vật muôn loài.
Thật chí lý thay niềm xác tín của Giáo
hội: "Không có ơn Cứu Độ ngoài Đức
Giêsu".
|