NĂM BÁNH HAI CÁ
Bước ra
khỏi thuyền, Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương xót,
ủi an, dậy dỗ, chữa lành và ban phát của ăn nuôi dân. Gặp những người
cùng khổ và bệnh tật, Chúa xót thương chữa
lành họ: Người thấy dân chúng đông đảo,
thì thương xót họ, và chữa những người bệnh
tật trong họ (Mt 14,14). Chúa dậy dỗ và mở mang kiến thức
để họ hiểu biết về mầu nhiệm
Nước Trời và tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương và quan phòng cho mọi
loài thọ tạo. Hãy xem chim
trời: chúng không gieo, không gặt, không thu
tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? (Mt
6,26). Để tiếp tục ban phát ơn lành, Chúa
Giêsu cần lòng quảng đại và sự góp phần nhỏ
bé của chúng ta. Thánh Matthêô diễn tả: Các ông thưa
lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm
chiếc bánh và hai con cá". Người bảo các ông rằng:
"Hãy đem lại cho Thầy"( Mt
14,16). Chúa nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, Chúa
đã đọc lời chúc tụng, tạ ơn và phân phát
cho mọi người. Chúa ban cho dân đầy dư tràn trề
và ăn uống thỏa thuê. Chúa Giêsu duỡng
nuôi con dân bằng của ăn tinh thần
và cả của ăn thể xác.
Năm
bánh hai cá là biểu tượng nguồn tốt lành mà mỗi
người chúng ta đang sở hữu. Mỗi cá nhân
đều có một kho tàng vô giá ẩn sâu trong tâm hồn.
Tôn giáo giúp chúng ta khơi dậy những tâm tình, những ân huệ và những khả năng được
trao ban. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta
không có gì để cho đi. Mỗi
người có cả một kho tàng tình yêu, sự cảm
thông, tình xót thương và lòng quảng đại. Cái
gì cũng có thể cho được, chúng ta có thể cho
đi một nụ cười thân thiện, một lời
nói êm nhẹ, một cử chỉ yêu thương, một
thái độ tử tế, một ánh mắt thông cảm,
một vòng tay ấm áp, một tâm tình chia sẻ tế nhị
và một chút bánh, một ly nước. Khi
chúng ta biết cho đi, chúng ta sẽ nhân đôi niềm vui
cả vốn lẫn lời. Cho đi là
làm giầu thêm cho chính mình. Khi lồng ngực còn thở
và trái tim còn đập, chúng ta còn có cái
để cho, cho đi niềm tin, niềm hy vọng và cậy
trông. Càng cho càng có thêm. Xởi
lởi trời lại cho mà.
Ngày
xưa, khi đi giảng đạo tại những nước
nghèo đói xa xôi, các nhà truyền giáo đã dùng mọi cách thế
để đi vào lòng dân. Một trong những cách cụ thể là lo cho dân
có nơi ăn chốn ở, giúp đỡ,
dậy dỗ và dùng thuốc thang chữa lành bệnh tật.
Có nhiều người theo đạo
vì: Theo đạo có gạo mà ăn. Điều
này không sai nhưng nếu lạm dụng sự giúp đỡ
thì mất đi ý nghĩa của việc truyền đạo.
Chúng ta thường nghe nói: Có thực mới vực
được đạo. Đúng vậy,
con người không sống trên mây trên gió mà là cuộc sống
cụ thể chân chạm đất. Những nhu cầu
thể xác về ăn mặc không thể
thiếu. Không phải ngày xưa khi mơi truyền đạo
mà cả ngày nay cũng thế, những nơi vùng sâu vùng xa
nghèo đói cũng cần sự trợ giúp về cái ăn cái mặc. Không thỏa
mãn nhu cầu thể xác thì khó có thể tập trung cầu
nguyện, thờ phượng và trau dồi kiến thức
văn hóa về đạo giáo hay về xã hội.
Ở
Ấn Độ, người dân bị phân biệt giai cấp,
những người cùng đinh nghèo đói và bị khinh bỉ. Mẹ Têrêxa đã
phục vụ lâu năm tại đây. Mẹ
đã lập nhiều nhà Tế Bần. Có nơi các chị
Dòng Bác Ái mỗi ngày phải lo phục vụ cả 9 ngàn
người ăn. Một ngày không
nấu là một ngày họ không có gì ăn. Vào ngày nọ,
có một cặp vợ chồng mới cưới đến
thăm và dâng cúng món tiền lớn. Mẹ Têrêxa hỏi:
Ở đâu anh chị có món tiền lớn thế? Anh chị
trả lời: Họ mới cưới nhau được
hai ngày. Chúng tôi quyết định không tổ
chức đám cưới vì muốn dành số tiền này
để nuôi người nghèo. Mẹ hỏi: Tại
sao anh chị lại muốn làm như thế? Họ trả lời rằng vì chúng tôi yêu nhau và muốn
bắt đầu cuộc sống hôn nhân với hành động
hy sinh này. Biết rằng họ thuộc
hàng quý phái. Cử chỉ thật đẹp
từ cõi lòng.
Tu
thân tích đức là hướng nội. Từ bi hỉ xả
và từ thiện bác ái là hướng ngoại. Khi có nội công thâm hậu, thì con người sẽ
có sức mạnh phi thường. Ý chí
là nguồn sức mạnh. Không phải
mọi người to lớn, khỏe mạnh và cường
tráng là người có nội lực thâm sâu. Ý chí giúp
con người thành nhân và thành thánh. Vị
thánh nào cũng có một ý chí kiên cường. Vị thánh nào cũng biết xả thân và cho
đi. Cho đi mà không cạn kiệt.
Cho đi là hướng ra tha nhân. Càng xả thân càng làm cho sự hiện hữu của
mình thêm phong phú. Các thánh nhân đã cho
đi không ngừng để làm giầu cho tha nhân và cho
chính mình. Chúa Giêsu xuống trần gian, Ngài cho đi với
cả trái tim yêu thương, sự tha
thứ, thông cảm, chữa lành, sự bình an và cả mạng
sống của chính Ngài.
Khi
Chúa Giêsu chữa lành, Chúa chữa tận căn và bệnh tật
chấm dứt.
Khi Chúa ban của ăn, Chúa ban dư tràn. Mọi
người đều ăn no. Và người
ta thu lượm được mười hai thúng đầy
những miếng bánh vụn (Mt 14,20). Khi Chúa yêu thương, Chúa hiến cả thân mình
đến giọt máu cuối cùng. Chúa
không ban ơn nửa vời. Bước theo Chúa, Chúa
cũng đòi hỏi một sự dứt khoát: Cũng vậy,
ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì
không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14,33). Xem ra sự đòi hỏi
của Chúa không dễ. Làm sao chúng ta có thể
từ bỏ hết những gì chúng ta có? Chúng ta
thường tìm cách tránh né vấn đề và nêu ra nhiều
lý do để chối từ. Các tông đồ
xưa đã thực hành lời Chúa một cách triệt
để. Các ngài sống trọn vẹn
lý tưởng và chết cho sứ mệnh của mình.
Thánh Phaolô đã lên tiếng nói rằng: Tôi sống,
nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống
trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm
tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến
mạng vì tôi (Gal 2,20).
Chúa trao quyền
năng cho các tông đồ và sai các ngài ra đi trong tin yêu
và phó thác: Đi đường, đừng mang bao bị,
đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy.
Vì thợ thì đáng được nuôi ăn (Mt 10,10). Tôi nghe kể các tu sĩ Dòng Tên trong những
năm huấn luyện tập tu. Mỗi
tu sĩ ra đi vào đời trong một tháng thử thách,
họ không được mang theo đồ
dùng tiền bạc. Họ phải tự lo liệu tất
cả, khát xin uống, đói xin ăn, tự tìm nơi ăn chốn ở và mọi nhu cầu thể
xác tự giải quyết. Sống hoàn toàn
trong sự phó thác nơi Chúa và cậy nhờ lòng tốt
người khác. Trong những ngày lang
thang giữa chợ đời, cũng có khi các tu sĩ bị
xua đuổi, bị khinh rẻ, bị nghi ngờ và bị
coi là kẻ ăn bám xã hội. Luyện tập nhân đức
cần trải qua những gian truân
và nhẫn nại sẽ giúp họ trưởng thành trong
đời sống phục vụ sau này.
Thiên Chúa quan phòng
cho mọi loài thảo mộc sinh hoa trái và ban nguồn thực
phẩm để dưỡng nuôi con người trong thiên
nhiên. Trong lịch sử cứu độ, một đôi
khi Thiên Chúa can thiệp ban phát ân sủng
trực tiếp như nước uống, Manna
và chim cút cho dân Do-thái suốt hành trình lữ hành trong hoang
địa. Nay Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh và
cá hóa nhiều để nuôi dân. Bánh và cá là hình ảnh
của bánh hằng sống mà Chúa sẽ ban chính là Mình và Máu
Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã chọn chính bánh rượu là của
ăn hằng ngày để hiến
thánh. Khi bánh rượu được hiến dâng trên bàn
thờ, qua lời truyền phép của linh mục, bởi
quyền năng của Chúa Thánh Thần, bánh rượu
đã trở nên Mình và Máu Thánh Chúa để dưỡng
nuôi toàn dân. Của ăn thần
lương này đã giúp thỏa mãn mọi khát khao của
con người dẫn vào cuộc sống đời đời.
Chúa ban cho
dư tràn nhưng Chúa cũng nhăc nhở con người
không được phung phí. Sau khi dân chúng ăn no thỏa,
Chúa kêu gọi mọi người thu dọn:
Mọi người đều ăn no. Và người ta
thu lượm được mười hai thúng đầy
những miếng bánh vụn (Mt 14,20). Không
một ân huệ nào là vô ích. Dù là một chút ít miếng vụn, đó cũng là
hồng ân. Trong thế giới chúng ta đang sống,
đang có biết bao nhiêu người lên giường ngủ
mà bụng còn đói, trong khi nhiều người ăn uống thừa thãi và hoang phí. Xã hội
bất công đưa dẫn đến con người tham
lam và ích kỷ. Chỉ muốn gom góp và làm giầu
cho chính mình. Chúng ta biết rằng thu
vào là tiêu hao và tan biến. Có biết bao nhiêu nguồn sung túc
của thế giới đã bị chiếm đoạt bất
công. Có những người sống như nhà
phú hộ giầu có, hằng ngày yến tiệc linh
đình, trong khi bên cạnh nhà có Lazarô đói khổ, bệnh
tật và thèm khát chén cơm thừa mà chẳng ai cho. Câu truyện đời như thế vẫn xảy
ra hằng ngày. Hậu qủa thưởng
phạt ngày sau tách biệt mỗi người một
nơi.
Năm
bánh hai cá là vốn liếng mà mỗi người chúng ta có
được. Chúng ta đừng đem chôn vùi, nhưng hãy trao tặng
lại cho Chúa, để Chúa biến hóa ra nhiều phân phát
cho mọi người. Mỗi người hãy cùng chung góp khả năng, sức lực, của
cải và thời giờ để sinh hoa kết qủa
trong cuộc sống này. Không có một cuộc
sống nào là vô ích. Ai cũng có thể
góp phần làm tốt cho xã hội và Giáo Hội. Lạy
Chúa, xin khơi dậy kho tàng ân sủng
trong lòng con, để chúng con biết đem ra phân phát và
chia sẻ với mọi người. Tất
cả là hồng ân. Chúng con cảm tạ danh Chúa đến
muôn ngàn đời.
Lm. Giuse Trần
Việt Hùng
Bronx, New York
|