Biến hình
Cách đây vài
năm khi đang đi bộ lang thang khu siêu thị, tôi
để ý thấy đám đông chăm chú nhìn vào một
cái gì đó trong tủ kính trưng bày của một cửa
tiệm. Tò mò, tôi bước tới nhìn xem. Người ta
ngắm một bức tranh. Bức tranh vẽ đủ
mọi màu sắc sáng với những biểu tượng
và hình thù chẳng có ý nghĩa gì. Ban đầu tôi chợt
nghĩ: “Chắc là một loại nghệ thuật
trừu tượng. Và mình sẽ không bao giờ có thể
hiểu được loại nghệ thuật này!”
Tình cờ,
một trong những người khách chỉ vào bức
tranh và nói: “Tôi thấy Ngài rồi! Tôi thấy Ngài rồi!”
“Thấy cái gì? Thấy ai?” một vài người
đứng đó hỏi. “Thủng thẳng đã, tôi không
chắc chắn lắm, và tôi cũng không muốn quấy
rầy quí vị”. Sau
đó một người khác cũng la lên: “Rồi, tôi
cũng thấy Ngài nữa!”
Một vài
người lắc đầu bỏ đi. Và chỉ còn
vài người chúng tôi ráng đứng lại nhìn. “Xin
lỗi, bà có thể nói lại cho tôi biết cái gì vậy?”
Tôi hỏi một trong những người đã nói
rằng bà trông thấy “Ngài”. Bà cắt nghĩa: “Đây là
một bức hình ba chiều, nếu nhìn vào bức hình khi
có ánh sáng phù hợp vào đúng góc cạnh, sẽ nhìn
thấy một bức hình ở đó”. Thế hả? Tôi
đáp lại nhưng vẫn còn nghi ngờ. “Nhưng nó
không dễ nhìn thấy đâu!” Bà nói thêm. “Tôi phải
mất gần ba chục phút mới nhìn ra đấy.
Nhưng kìa thấy rồi”. Bà chỉ ngón tay vào bức hình:
“Bộ không thấy sao?” Bà hỏi. Tôi cố gắng nhìn
tập trung vào bức tranh muốn chóng cả mặt. “Tôi
chẳng trông thấy gì cả”, tôi
phải tự thú như vậy, “Hay là tưởng
tượng đấy?” Bà mỉm cười, rồi quay
mặt bước đi, nhưng vẫn không quên khích
lệ tôi: “Đừng bỏ cuộc! Cố nhìn thêm chút
nữa!”
Tôi đã phải
nhìn vào bức hình đó hằng chục lần nữa mà
cũng không thấy gì. Trên đường trở ra bãi
đậu xe, tôi quyết định trở lại
để thử nhìn thêm một lần nữa. Khi tôi nhìn
vào bức tranh, hơi cúi khom đầu xuống một
chút, những đường nét trang trí bắt đầu
mờ nhạt, và một khuôn mặt xuất hiện.
Một cách rất khoan khoái tôi nhận ra đây là khuôn
mặt của Chúa Giêsu. “Tôi đã trông thấy Ngài! Tôi đã
trông thấy Ngài!” Rồi mất thêm một tiếng
đồng hồ nữa để giúp cho những
người xung quanh cũng nhìn thấy Ngài. Thật là thú
vị trông thấy khuôn mặt của họ tươi
sáng hẳn lên khi nhận diện ra khuôn mặt của Chúa
Giêsu lần đầu tiên sau những nỗ lực
vất vả.
Hôm nay, Lễ Chúa Hiển Dung, bài Phúc âm thánh
Matthêu nói về cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi.
Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nhìn thấy khuôn mặt vinh quang
của Con Thiên Chúa lần đầu tiên. Họ đã
ở với Chúa Giêsu hằng ngày trong khoảng thời gian
ba năm. Họ đã nhìn thấy Ngài, lắng nghe Ngài
giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Ngài
làm, nhưng họ vẫn chưa thực sự nhận ra
Ngài là ai.
Trong cuốn “Jésus: A Fait De Moi, Un Témoin”, “Chúa
Giêsu Đang Sống Qua Nhân Chứng”, cha Emiliano Tardif chia
sẻ như sau: “Một sứ giả Tin Mừng
trước tiên phải là một chứng nhân có một
kinh nghiệm cá nhân về sự chết và Phục sinh
của Chúa Giêsu Kitô và là người truyền đạt
cho kẻ khác, không chỉ là một đạo lý, mà một
Đấng-Vẫn- Sống đang ban sự sống
dồi dào”. “Không ai có thể trở thành sứ giả
đích thực của Tin Mừng, nếu người
đó không có kinh nghiệm đời sống mới mà Chúa
Giêsu ban cho”.
Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ trải qua
kinh nghiệm về hình ảnh vinh quang của Ngài
để giúp họ học hỏi và sống đời
sống chứng nhân sau này.
1. Thiên Chúa nâng chúng ta lên.
Trong Cựu ước, ngọn núi cao
thường là nơi mô tả sự gặp gỡ
giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa đã mời
gọi Môsê đi lên núi để lãnh nhận Mười
điều răn. Phêrô, Giacôbê và Gioan là những
người Chúa Giêsu tuyển chọn, được
đưa lên núi cao để hưởng đặc ân
của Thiên Chúa. Họ đã chứng kiến một
điều sẽ ảnh hưởng sâu xa trong cuộc
đời chứng nhân sau này như Phêrô đã thú nhận:
“Là chứng nhân những đau khổ của Đức
Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ
hiện trong tương lai”.
Ngài cũng có chương trình riêng cho mỗi
người chúng ta. Bằng những cách gọi rất cá
nhân và khác nhau, Thiên Chúa đã mời gọi mỗi
người và nâng chúng ta lên. Chúng ta sẽ cảm nghiệm
được điều này nếu biết cầu xin và
đón nhận với lòng biết ơn. Cha Emiliano Tardif
đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của ngài: “Chúng ta có
thể gặp được chính Tin Mừng là Chúa Giêsu
Kitô, Đấng hôm qua và hôm nay vẫn là thế, và hằng
sống muôn đời”.
Sách Giáo lý Công giáo, số 556 cũng đã
viết: “Sự biến hình cho ta nếm trước ngày
quang lâm vinh hiển của Chúa Kitô, “Đấng sẽ
biến đổi thân xác khốn khổ của chúng ta,
để hóa nên giống như thân xác vinh hiển của
Ngài”.
2. Thiên Chúa đem chúng ta xuống.
Sau kinh nghiệm cực kỳ sung
sướng vừa thấy Chúa Giêsu biểu lộ vinh quang
sáng ngời của Ngài, thì có tiếng từ trong đám mây
phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp
lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. “Nghe vậy,
các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống
đất”. Vừa mới lên cao đến tột
đỉnh sáng ngời, liền bị hạ sấp
mặt xuống đất trong kinh hãi. Thiên Chúa nâng họ
lên cao và hạ họ xuống thấp. Đây là những
chi tiết thú vị của câu chuyện.
Dân gian Việt Nam gọi cái thăng trầm,
và thử thách của cuộc đời là: “Lên voi xuống
chó”, “Lên bổng xuống trầm”, “Lên ngàn xuống bể”, “Lên
thác xuống ghềnh”. Những thành ngữ rất gợi
hình này nói lên một phần thực tại của cuộc
sống lữ hành.
Thánh Kinh cũng thường diễn tả
việc Thiên Chúa hạ những kẻ cao sang và kiêu căng
xuống. Tiên tri Isaia đã viết: “Vì Đức Chúa, các
đạo binh đã dành sẵn một ngày để
trị tất cả những gì kiêu căng ngạo
nghễ, trị tất cả những gì tự cao tự
đại: chúng sẽ bị hạ xuống”. Sách 1 Samuel
nói: “Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có,
Người hạ xuống thấp, Người cũng
nhấc lên cao”. Thánh vịnh 75 nói rằng: “Chỉ Thiên Chúa
mới là thẩm phán, Chúa hạ bệ người này,
cất nhắc kẻ kia”. Trong bài ca “Ngợi Khen”. “Kinh
Magnificat” xác định: “Chúa hạ bệ những ai
quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm
nhường”.
Thánh Phaolô đã trải qua kinh nghiệm này,
đang “hằm hằm những lời đe dọa và
giết chóc…” thì “bỗng nhiên có một luồng ánh sáng
từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông
ngã xuống đất và nghe có tiếng nói…”. Và chính Chúa
Giêsu cũng đã bước qua những thăng trầm
này: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?”
3. Tin tưởng vào Chúa Giêsu và tiếp tục
cuộc sống:
Thiên Chúa đã đưa ba tông đồ lên
núi, làm họ ngã sấp mặt xuống đất, thì
cũng chính Ngài, qua Đức Giêsu Kitô lại nâng họ
lên: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”.
Rồi cùng với họ đi xuống núi. Trên
đường đi xuống núi lòng họ hoang mang,
đầy những câu hỏi, nghi vấn, nhưng Chúa Giêsu
đã nói với họ rằng: “Các con không được
nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con
Người từ cõi chết sống lại”. Bí mật
của cuộc biến hình này tạo nên sự tin
tưởng cho các tông đồ khi phải đối
diện với đau khổ và sự chết của Chúa
Giêsu trên thập giá và của chính các ông sau này.
|