CƠN ĐÓI VÀ TẤM BÁNH
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Đức
Giê-su Ki-tô làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để cho “Số
người ăn khoảng chừng 5.000 đàn ông, không kể
đàn bà và trẻ con”(Mt 14, 21). Suy niệm bài Tin Mừng,
tôi lại nhớ tới thời gian gần đây đã
xôn xao về một nguỵ thư mang danh là bản dịch
Kinh Thánh Tân Ước, được bày bán ở một
nhà sách Công Giáo tại Saigon. Trong nguỵ thư
này, khi nói về biến cố hoá bánh ra nhiều, thì đã
trình thuật rằng: Khi các môn đệ nghe Đức
Giê-su hỏi: “Anh chị em có gì ăn không?” thì mọi
người liền giấu bánh của mình đi. Đợi đến khi Đức Giê-su làm phép lạ
xong, mới lấy bánh của mình chia cho mọi người.
Tòa Tổng Giám Mục cũng đã nghiêm khắc
cảnh cáo nhà sách này.
Ở đây không dám lạm bàn về việc sách báo, bởi
với thời điểm trắng đen lẫn lộn,
thiệt giả khôn phân này, thì kiếm nguỵ thư không phải là chuyện khó. Chỉ xin
đặt câu hỏi: Nếu nói rằng các môn đệ giấu
bánh của mình đi đợi khi Đức Giê-su bảo
đem phân phát cho mọi người mới đem ra, thì mục
đích là để làm gì? Thử tài Thầy
mình chăng? Hay là muốn giúp Thầy mình làm được
phép lạ? Và xin trả lời: Chẳng cần phải thử,
thì cũng đã quá nhiều lần Đức Ki-tô làm phép lạ
rồi. Còn việc giúp Người thì lại càng vô lý! Vì với
số người ăn trên năm ngàn,
không kể đàn bà và trẻ con, thì số bánh của các
môn đệ có thấm tháp gì. Cứ cho rằng mỗi môn
đệ có 50 cái bánh và 20 con cá (gấp 10 lần số bánh
mà tất cả các môn đệ thưa với Đức
Giê-su), rồi đem nhân lên với số 12 môn đệ,
thì tổng số bánh và cá của các môn đệ có
được là 600 bánh (50 x 12) và 240 cá (20 x 12). Với số
bánh cá ấy đem chia cho trên 5.000 người ăn mà lại
còn dư tới 12 thúng đầy, thì thử hỏi có nghe
được không? Ấy là chưa nói đến, với
hành động như vậy thì các môn đệ có còn tin
vào Thầy mình nữa không, và nếu đã không tin tưởng
thì còn lẽo đẽo theo làm gì? Bởi
chỉ cần các môn đệ và cả chúng ta bây giờ, nếu
đã tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật,
thì chuyện hoá bánh ra nhiều không cần phải bàn cãi nữa.
5000 người, chớ 5000 lần 5000 (hoặc 5 triệu
lần 5000 hay hơn thế nữa) cũng chỉ là chuyện
nhỏ đối với Đức Giê-su Thiên Chúa.
Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa luôn bày tỏ sự
liên đới với cái đói khát của con người
trần thế (từ cơn đói cơm bánh vật chất
đến cơn đói tinh thần). Cơn đói thể
xác thì cần nỗ lực tìm kiếm cơm bánh vật chất.
Còn cơn đói tinh thần thì cũng cần – rất cần
– nỗ lực, gắng sức tim bánh
trường sinh là chính Thịt và Máu Chiên Thiên Chúa. Đó
chính là Lời Thiên Chúa vậy, bởi vì "Đã có lời
chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ
cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên
Chúa phán ra." (Mt 4, 4) Làm thế nào để có thể
thực sự trở nên con người đói khát Lời
Chúa? Khi đói thì tìm kiếm lương thực, mà
“lương thực là thực hiện thánh ý Chúa Cha và hoàn
thành công việc của Người” (Ga 4,34), vậy khi
đói khát Lời Chúa cũng phải biết đi tìm – tìm
Lời Chúa trong Kinh Thánh và – nhất là – tìm Lời Chúa trong
cuộc sống. Tôi cũng đã có một bài
viết về “Đi tìm Lời Chúa trong cuộc sống”
(xc. trang “Các Tác giả” – Thanhlinh.net), nay xin được
chia sẻ “Tìm Lời Chúa trong Thánh Kinh”. Sẽ có một
câu hỏi: Thánh Kinh là Lời Chúa rồi, sao còn phải
đi tìm Lời Chúa trong Kinh Thánh? Vấn đề
chính ở điểm này. Hỏi thì ai cũng trả
lời vanh vách : “Lời Chúa là Thánh Kinh, Kinh Thánh là Lời
Chúa”, nhưng giả thử bị cật vấn: “Vậy
khi anh (chị) nghe hay đọc Thánh Kinh, anh có thấy Chúa
nói gì với anh không?” thì chắc chắn lại “Ờ, e
hèm…”, rồi gãi tai, gãi gáy, bứt tóc lia lịa… mà thôi! Thế
đấy! Trước hết cần tìm hiểu xem Lời
Chúa là gì và ở đâu có Lời Chúa?:
1- Lời Chúa là tiếng nói của Thiên Chúa: Lời
Chúa dĩ nhiên là tiếng nói của Thiên Chúa nói với loài
người, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với loài
người như với bạn hữu (“Anh em là bạn hữu
của Thầy, nếu anh em thực hiện những
điều Thầy truyền dạy. Thầy
không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết
việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn
hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được
nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” – Ga 15,14-15). Thiên Chúa luôn luôn đối thoại
để mời gọi và đón nhận loài người
như người cha nhân hậu đối với con cái.
Chính Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa đã dạy
: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống
không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời
miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4, 4). Lời Chúa luôn
vang dội trong lòng Giáo Hội và thông qua Giáo Hội, làm vang
dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu
nhận biết toàn thể chân lý cứu độ.
a- Lời Chúa là Thiên Chúa Ngôi Cha, suối và nguồn
của Lời: Ngay từ khởi nguyên, khi tạo
dựng vũ trụ, con người và vạn vật, Lời
Chúa đã vang lên (“một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời,
một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” – Tv 33,6).
Chính Người đã phán cùng nguyên tổ loài người:
"Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy
mặt đất, và thống trị mặt đất"
(St 1, 28). Cũng chính Người đã thiết lập Giao
Ước trên núi Si-nai (Cựu Ước) và tiếp theo là Giao Ước mới nơi chính Con Một
Người là Đức Giê-su Ki-tô (Tân Ước).
b- Lời Chúa là Lời
Chúa Con: Tất cả những Lời dạy bảo
các môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô là Lời nói của
Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã tuyên xưng :
"Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến
với ai? Thầy mới có những lời
đem lại sự sống đời đời" (Ga
6, 68). Không những thế, tất cả cuộc
đời trần thế của Ngôi Hai Thiên Chúa là một
kho tàng vô giá và vô tận về Lời Chúa, đến nỗi
mà, Thánh Gioan phải khẳng định: “Còn có nhiều
điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu
viết lại từng điều một, thì tôi thiết
nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ
chứa các sách viết ra” (Ga 21, 25).
c- Lời Chúa là hoạt
động của Chúa Thánh Thần: Lời Chúa
được phát biểu bằng lời con người
nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Sứ
mệnh của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần không thể
tách biệt được và đã tạo ra một nhiệm
cục cứu rỗi duy nhất. Cũng một Chúa Thánh Thần
từng hành động trong việc nhập thể của
Ngôi Lời trong lòng Trinh Nữ Maria, cũng là Thần Khí dẫn
Chúa Giê-su trong suốt hành trình thi hành sứ vụ và
được hứa ban cho các môn đệ của Người.
Cũng một Chúa Thánh Thần từng nói qua các tiên tri, ngôn
sứ; đang nâng đỡ và linh hứng cho Giáo Hội
trong nhiệm vụ công bố lời Chúa; sau cùng, cũng
chính Thần Khí Sự Thật đã linh hứng cho các tác giả
Sách Thánh.
2- Lời Chúa là chính Thiên
Chúa: Khi Đức Giê-su vâng lệnh Chúa Cha xuống thế
loan báo Lời Thiên Chúa Cứu Độ thì Người
đã dùng toàn bộ con người của mình (từ lời
nòi đến việc làm và cả mạng sống mình)
để thi hành sứ vụ. Như vậy, Đức
Giê-su không phải là “phát ngôn viên” của Chúa Cha, mà chính
Người là Lời của Chúa Cha, Lời Thiên Chúa,
như Thánh Gio-an, người môn đệ được
Chúa Ki-tô yêu dấu, đã khẳng định: “Ngôi Lời
nhập thể và sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa
Con: Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,
điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy
tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự
sống” (1Ga 1,1). Lời Chúa là Ngôi Lời nhập
thế và nhập thể, là chính Thiên Chúa vậy.
3- Lời Chúa là Thánh Kinh và Thánh truyền:Tông huấn Lời Chúa đã khẳng
định:”Trong cuộc quá độ từ chữ viết
qua tinh thần và trong truyền thống vĩ đại của
Giáo Hội, ta cũng học được cách nhìn ra tính
thống nhất của mọi Sách Thánh, một sự thống
nhất đặt cơ sở trên sự thống nhất
của Lời Chúa, vốn thách thức cuộc sống ta
và không ngừng mời gọi ta hồi tâm”. Cũng bởi
vì Thiên Chúa dùng sự bất toàn của con người
để công bố Lời Toàn năng, dùng miệng lưỡi
nhơ uế của con người để nói Lời
Chí thánh, nên có thể nói một cách cụ
thể: Lời Chúa là lời các ngôn sứ, thánh sử trình
thuật trong các Sách Thánh. Ngoài ra Lời Chúa cũng là Thánh
truyền “Lời mà Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần đã ủy
thác cho các tông đồ, rồi các tông đồ lưu lại
toàn vẹn cho những kẻ kế vị các ngài, nhưng
Lời ấy được lưu lại bằng
gương sáng, thể chế và lời rao giảng”.
(GL/HTCG-HĐGMVN, bài 3)
Thánh Truyền và Kinh Thánh "liên kết,
phối hợp mật thiết với nhau; vì cả hai phát
xuất từ cùng một nguồn mạch và cùng hướng
về một mục đích" (MK, 9). Nguồn mạch
ấy là Thiên Chúa, Đấng "muốn cho mọi người
được cứu độ và nhận biết chân
lý" (1Tm. 2,4). Và mục đích ấy
là để cứu độ con người
(GL/HTCG-HĐGMVN, bài 3). Tuy nhiên, Thánh Truyền
và Kinh Thánh được phân biệt với nhau vì là hai
cách lưu truyền mạc khải khác nhau. Một đàng, trong Kinh Thánh "Lời Chúa
được ghi chép lại dưới sự linh hứng
của Chúa Thánh Thần". Đàng khác, trong Thánh Truyền,
cũng là Lời Chúa, “Lời mà Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần
đã ủy thác cho các tông đồ, rồi các tông đồ
lưu lại toàn vẹn cho những kẻ kế vị
các ngài, nhưng Lời ấy được lưu lại
bằng gương sáng, thể chế và lời rao giảng”
(ibid).
4- Lời Chúa là Phụng vụ Thánh:
“Sách Thánh có tầm quan trọng hết sức lớn lao trong
việc cử hành phụng vụ. Từ Sách Thánh, các bài
đọc được lấy ra để được
giải thích trong bài giảng lễ, cả các thánh vịnh
dùng để ca hát nữa. Từ Sách Thánh, các lời cầu
xin, các kinh nguyện và phụng ca có được sự
linh hứng và chất liệu của chúng. Từ
Sách Thánh, các hành vi và dấu hiệu phụng vụ rút tỉa
được ý nghĩa của chúng” (“Hiến Chế về
Phụng Vụ Thánh - Sacrosanctum Concilium”, 24). Còn hơn thế nữa, phải nói rằng chính
Chúa Ki-tô “hiện diện nơi Lời của Người,
vì chính Người lên tiếng khi Sách Thánh được
đọc lên trong Giáo Hội” (ibid, 7). Thực thế,
việc cử hành phụng vụ trở thành việc trình
bày Lời Chúa một cách liên tục, trọn vẹn và hữu
hiệu, trải dài theo nhịp điệu thời gian của
năm phụng vụ, trước nhất diễn ra trong
việc cử hành Thánh Thể và trong Các Giờ Kinh Phụng
Vụ. Trung tâm điểm việc cử hành phụng vụ
chính là mầu nhiệm Vượt Qua ngời sáng lên, đồng
thời tỏa sáng mọi mầu nhiệm của Chúa Ki-tô
và lịch sử cứu rỗi trở thành hiện tthực
một cách bí tích. Mọi tín hữu học
được ý nghĩa thâm hậu của Lời Chúa được
biểu lộ hàng năm trong phụng vụ, mạc khải
cho họ các mầu nhiệm nền tảng của đức
tin. Đó chính là nền tảng của lối
tiếp cận chính xác đối với Sách Thánh. Như vậy, Thiên Chúa nói với tín hữu trong
chính cuộc sống của họ nơi khung cảnh tuyệt
vời là Phụng vụ thánh.
4- Lời Chúa là các Bí tích: Chắc chắn
có một mối tương quan giữa Sách Thánh và hành
động của các bí tích. Mối
tương quan giữa lời và cử chỉ bí tích chính
là biểu thức phụng vụ của hoạt động
Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi. Trong lịch sử cứu rỗi, không hề có sự
phân biệt giữa điều Chúa nói và điều Người
làm. Lời Người luôn tỏ ra sống động
và linh hoạt (“Lời Thiên Chúa là Lời sống động,
hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai
lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt
với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như
tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ
trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều
trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng
có quyền đòi chúng ta trả lẽ” – Dt 4, 12-13).
Như vậy, điều Chúa nói và việc Người làm
cũng chỉ là một, và đó chính là sự gắn kết
chặt chẽ giữa Thánh Kinh và các Bí tích, nhất là Bí
tích Thánh Thể. Tính thống nhất sâu sắc giữa Lời
và Bí Tích Thánh Thể đặt cơ sở trên chính chứng
tá của Sách Thánh (xc. Ga 6; Lc 24). Như vậy,
“Đức tin nhìn nhận Lời của Thiên Chúa bằng
cách chấp nhận các lời và hành động Người
dùng để tự mạc khải cho chúng ta. Đặc
điểm bí tích của mạc khải, ngược lại,
chỉ cho ta thấy lịch sử cứu rỗi, thấy
cách thế Lời Chúa bước vào thời gian và không gian
và nói với con người, những chủ thể
được mời gọi đón nhận hồng ân của
Người trong đức tin” (“Tính bí tích của Lời
Chúa” – T/H Lời Chúa).
Nói tóm lại, vì bản tính Giáo Hội là truyền giáo,
nên có thể nói đời sống của Giáo Hội là sống
và công bố Lời Chúa cho toàn thế giới. Giáo Hội
không thể giữ riêng cho mình các Lời Hằng Sống từng
được ban cho Giáo Hội nhờ cuộc gặp gỡ
với Chúa Giê-su Ki-tô: Sứ điệp Lời đó dành
cho mọi người, cho loài người nói chung. Trách nhiệm của mọi Ki-tô hữu là phải
nhờ ơn Chúa, chuyển giao cho người khác điều
chính mình đã tiếp nhận được. Các Ki-tô
hữu đầu tiên đã coi việc giảng giải có
tính truyền giáo của họ như một nhiệm vụ
cấp thiết bắt nguồn từ chính bản chất
đức tin của họ: Thiên Chúa mà họ tin chính là
Thiên Chúa của mọi người, Thiên Chúa duy nhất chân
thật, Đấng đã tự mạc khải trong lịch
sử Israel và sau cùng nơi Con Một của Người.
Như thế, việc học hỏi Lời
Chúa không những chỉ là bổn phận mà còn là trách nhiệm
của toàn thể Giáo Hội, của từng Ki-tô hữu.
“Bụng có đầy miệng mới nói ra”,
Người Thầy Chí Thánh đã dạy như vậy,
không học thì làm sao có đầy cho được, mà
không có thì lấy gì mà cho? Mỗi tín hữu phải
nhìn lại mình xem mình có thực sự đói khát Lời
Chúa không, và hãy đi tìm, chấp nhận gian khổ, hy sinh,
kiên trì nhẫn nại đi tìm cơm bánh Lời Chúa. Hãy nhớ rằng chỉ có một Tấm Bánh Lời
Chúa trên bàn tiệc thánh, nhưng muôn triệu người sẽ
được no thoả, nếu tin rằng “Người
ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ
mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt
4, 4) Ước được như vậy.
Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
|