KHO BÁU NƯỚC TRỜI LÀ ĐỨC KITÔ
CN 17 A
Xuyên suốt trong các Chúa Nhật vừa
qua, hình ảnh nổi bật trong các bài Tin mừng là ruộng
đất. Từ hạt lúa gieo trên ruộng đồng
đến lúa tốt và cỏ lùng chen vai
mọc lên trên ruộng đất và Chúa nhật hôm nay là kho
báu chôn giấu trong ruộng lúa.
Palestine là miền
đất có nhiều tranh chấp và nguy hiểm rình rập:
chiến tranh, bệnh tật, nạn dịch, đói khát,
cướp bóc, nô lệ…hay bất cứ một sự bất
hạnh nào cũng có thể lấy mất tài sản và cuộc
sống của người dân. Nhiều
người đã chôn giấu của cải dưới
đất, hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ trở
lại, nhưng có nhiều người ra đi vĩnh viễn.
Do đó, người ta thường tìm thấy kho tàng.
Dụ ngôn ‘Kho báu chôn dấu trong thửa
ruộng” là một câu chuyện không có gì xa lạ với
dân chúng Do Thái, bởi vì họ vẫn thường kể
cho nhau nghe về một câu chuyện cổ tích tương
tự như thế.
Ngày hôm ấy, Abba Giuđa đang cố gắng
cày nốt thửa ruộng còn lại, thì bỗng con bò của
anh ta bị ngã qụy và gãy mất một chân vì gặp phải
một cái hố nhỏ. Bực mình, anh
ta dừng lại vuốt những giọt mồ hôi trên
trán, rồi qùy xuống nâng chân con bò lên.
Đột nhiên, Đức Giavê mở mắt
cho anh ta và anh ta đã nhìn thấy một kho tàng quí giá ngay
trong cái hố nhỏ ấy. Anh ta tự nhủ :
- Chính vì chú bò này mà mình được lợi đây.
Kho tàng ấy là của một ai đó
đã chôn dấu, có lẽ từ lâu lắm, vì sợ trộm
cắp, giặc giã hay chiến tranh. Anh ta cẩn thận
vùi đất lại, trở về nhà, thu
góp tiền bạc, bán tất cả những đồ
đạc, để gom cho đủ số tiền hầu
mua thửa ruộng đó, bởi vì anh ta chỉ là một
nông dân nghèo đi cày thuê cuốc mướn mà thôi.
Dĩ nhiên, anh ta mua được thửa ruộng ấy,
dù với một giá hơi mắc, nhưng anh ta trở
thành triệu phú, bởi vì luật pháp đã qui định : kể từ ngày làm chủ mảnh
đất, anh ta cũng làm chủ tất cả những
gì có trong mảnh đất ấy.
Có lẽ Chúa Giêsu đã lấy chính câu chuyện
bình dân này để nói về Nước Trời.
Ý nghĩa của dụ ngôn chính là thái độ của
người nông dân: tìm được kho tàng, anh ta rất
vui mừng, vội chạy về nhà, tìm đủ mọi
cách như bán tất cả đồ đạc, thậm
chí kể cả việc vay mượn bà con lối xóm, để
có đủ tiền mua thửa ruộng ấy. Hành động của anh ta thật khôn ngoan, nhanh
nhẹn và hợp lý. Anh đã dám liều,
dám hy sinh tất cả vì kho tàng quí giá ấy.
Dụ ngôn “Viên ngọc quý”: thương gia khi
đã khám phá ra viên ngọc quý, đã bán tất cả những
gì mình có để mua cho được viên ngọc ấy.
Đây là một sự lựa chọn đáng
ca ngợi và khích lệ.
Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên
ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của
Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài
năng nào sánh được. “Kho báu” và
‘Viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài
là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là
hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu.
Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức
Kitô. Có Ngài, chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô
hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được
kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh
Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời
mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức
Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt
đến Nước Trời.
1. Nước Trời
có một giá trị tối thượng
Chúa Giêsu nói về kho báu và viên ngọc mà người cày ruộng
và thương gia dám bán tất cả những gì họ có
để mua lấy. Bởi đó là giá
trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa
cho cuộc đời họ. Đó là
điều làm cho họ hân hoan vui sướng, dám đánh
đổi tất cả mọi sự trên trần gian
để có nó (GLCG # 546). Tính chất cao
quý ấy được các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm
nổi bật bằng cách đưa ra những so sánh ví
von. Cao quý như sự khôn ngoan được
vua Salômon coi trọng hơn phúc lộc thọ của ngai
vàng (bài đọc 1). Salômon kế vị
Vua cha là Đavít. Salômon nhận rõ mình “trẻ
người non dạ” và những hạn chế của bản
thân trước trọng trách làm vua. Salômon được
Thiên Chúa yêu thương, ân ban cho ông
được quyền xin ơn gì ông cần. Salômon không xin giàu có, không xin vinh quang và cũng không
xin trường thọ. Salômon xin ơn khôn ngoan để
hướng dẫn dân được tuyển chọn
đúng theo đường lối của
Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Thiên Chúa và ông
được nhậm lời. Salômon trở
nên một vị vua tài trí bậc nhất trong thiên hạ.
Sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi
biên giới Israel. Trước ông không ai như
ông và sau ông không ai bằng ông. Cao quý
như lề luật được Dân Chúa coi trọng tựa
Nguồn Sáng dẫn lối (bài đọc 2). Cao quý như “Kho báu chôn trong ruộng” như “Viên ngọc
quý”. Nước Trời là một ân
ban cao quý Thiên Chúa dành cho mọi kẻ kiếm tìm.
2. Chọn lựa và quyết định.
Sau khi đã nhận ra kho báu, người cày
ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã
biết cái gì quan trọng, họ phải chọn lựa
và đi đến một quyết định.
Là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tìm
kiếm cái gì? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết
chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của
trần thế: ‘Vì thế, anh em đừng lo lắng tự
hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay
mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại
vẫn tìm kiếm…Trước hết hãy tìm kiếm Nước
Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất
cả những thứ kia, Người sẽ
thêm cho.” (Mt 6,31-33).
Sách Giáo lý Công giáo cũng khuyên dạy: ‘Chúa Giêsu kêu gọi
mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ
ngôn của Ngài, nét đặc trưng của việc giảng
dạy của Ngài. Qua các dụ ngôn này, Ngài mời người
ta tới dự tiệc của Nước Trời,
nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự
chọn lựa triệt để:
để được nước Trời, người
ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn
cần phải có những hành vi”
(GLCG # 546).
Nước Trời đòi buộc phải
hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả
những gì mình có. Đây là một chọn
lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng.
Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu chính là
thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy
Nước Trời, thấy được giá trị cao
quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm
hy sinh từ bỏ tất cả để có được.
Người nông dân bán tất cả để mua cho
được mảnh ruộng có kho báu ;
vị thương gia bán tất cả tài sản để
mua cho bằng được viên ngọc quý là hình ảnh
nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước
Trời.
3.Tìm
được Nước Trời là niềm vui cuộc
đời
Người nông dân, vị thương gia đều vui mừng
khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của người
đã gặp Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc
sống là thái độ hân hoan vui mừng. Tìm kiếm
được niềm vui này mới làm cho con người
có khả năng dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất
cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết
giá trị so với niềm vui mừng có được
Thiên Chúa. Có Chúa là có tất cả. Đây là kinh nghiệm không dễ có được
một khi thờ ơ không dám lên đường tìm kiếm
Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Nếu
chỉ biết loanh quanh trong việc tìm kiếm của cải
trần thế, thú vui xác thịt thì sẽ không bao giờ
khám phá được niềm vui Nước Trời, niềm
vui trong Chúa.
Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ
tất cả để đạt cho bằng được
là niềm vui của đời Kitô hữu chính là thái độ
chọn lựa khôn ngoan. Trong Chúa mới
làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống,
nơi Chúa mới tìm kiếm được nguồn mạch
thỏa mãn mọi nỗi khát khao hạnh phúc.
Thái độ “vui mừng bán tất cả”, không phải ai cũng dễ dàng có
được. Câu chuyện Phúc âm “Người
thanh niên giàu có” là một ví dụ. Anh ta đã sụ mặt
xuống và quay đi vì anh ta có nhiều của cải khi
nghe Chúa Giêsu bảo : “Anh hãy về bán
hết của cải, phân chia cho người nghèo, rồi
hãy đến theo Ta…”. Làm sao bán hết Chúa ơi khi con
đã một đời vất vả tảo tần để
có được cơ nghiệp như ngày hôm nay ? Làm sao vui mừng để từ chối
một mối tình vụng trộm mà con mới cất công
xây nên ? Làm sao con từ bỏ một thói
đã đem lại cho con nhiều thích thú và thỏa mãn sự
biếng lười ? Làm sao con có thể
bỏ lỡ một cơ hội kiếm tiền chỉ
để giữ luật Ngày Chúa Nhật ?
Làm sao con có thể bố thí nhiều đến thế, cho
dù con sẵn sàng bỏ ra gấp trăm ngàn lần để
nhậu nhẹt mua vui? Làm sao con có thể hạ mình xuống
trong khi con là đấng bậc vị vọng? Làm sao con có
thể bỏ học thêm để dành cho việc học
giáo lý?...Và cuối cùng chắc con cũng
sẽ sụ mặt xuống quay đi, vì con có quá nhiều
tham vọng và của cải…
Cuộc đời vẫn luôn có những “chàng thu thuế
Lêvi” sẵn sàng bỏ cả địa vị hái ra tiền
để đi theo Đấng không có viên
đá gối đầu. Vẫn còn những Giakêu, sẵn
sàng chia nửa gia tài cho kẻ nghèo và đền gấp bốn
những ai bị thiệt hại. Vẫn còn những
Phanxicô Xavie, Phanxicô Asissi, vẫn còn những Têrêxa Calcutta…bỏ
cả cuộc đời để ra đi rao giảng tin
mừng và phục vụ người nghèo; vẫn còn những
Maximilien Kolbe, Anrê Phú Yên dám bỏ cả mạng sống
để đáp đền mạng sống...
Điều quan nhất là phải biết
khám phá, trong bản thân mình, ai cũng có một kho báu quí giá.
Kho báu ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con
người là “hình ảnh của Thiên Chúa”,
được dựng nên “giống Thiên Chúa” (St
1,26.27; 9,6), là “con cái Thiên Chúa” (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm
8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), “được thông phần
bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4). Ý thức và xác tín những
điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá con người
hết sức cao quí. Đó là niềm vui và là
hạnh phúc. Phẩm giá ấy cao quí
hơn tất cả những gì mà ta có thể có được
ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy
như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng
cần thiết, con người có thể có tất cả,
nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian
này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái
Ngài.
Trong Đức Kitô, sự khôn ngoan Thiên
Chúa đã được tỏ bày qua sự yếu đuối
nhân loại. Ai chân thành với Đức
Kitô sẽ gặp thấy Ngài chính là kho báu. Ai trung thành
làm theo lời Đức Kitô sẽ sở
hữu trọn vẹn kho báu ấy. Ai nhiệt
thành gắn bó với Đức Kitô sẽ được
chia sẽ cùng Ngài kho báu hạnh phúc Thiên đàng.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
|