Như hạt
giống tốt
(Suy
niệm của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Bài tin mừng Chúa nhật nầy
gồm ba dụ ngôn về Nước Trời: Dụ ngôn
lúa và cỏ lùng (13:24-30), dụ ngôn hạt cải (13:31-32); dụ ngôn men trong bột (13:33); lý do dùng dụ ngôn (13:34-35) và giải thích dụ ngôn lúa và
cỏ lùng (13:36-43). Ba
dụ ngôn nầy có nhiều điểm chung: - Tất
cả đều hướng về “ngày thu hoạch”,
chứ không phải tình trạng hiện thời; -
Phương thức làm là hạt giống/men
được gieo vào trong một môi trường; - Các
dụ ngôn nhấn mạnh kết quả mà hạt
giống/men mang lại cho môi trường (cc. 30b.32.33).
Dụ
ngôn lúa và cỏ lùng (13:24-30)
Liên hệ với dụ ngôn
trước, dụ ngôn nầy tiếp tục nói về
Nước Trời bằng câu chuyện hạt giống.
Khác với dụ ngôn trước, dụ ngôn nầy không
nói về các loại đất trong đó các hạt
giống được gieo vào, mà nói về hạt
giống. Dụ ngôn trước nói về đất
tốt (13,8.23) giúp cho hạt giống trổ sinh nhiều
bông hạt. Dụ ngôn nầy đề cập đến
hạt giống tốt (c. 24), không bị cỏ lùng làm
chết đi, mà sẽ sinh nhiều hạt và
được thu vào kho lẫm (c. 30). Điểm khác
biệt nữa trong dụ ngôn nầy là sự can thiệp
bởi các yếu tố bên ngoài: một đàng là kẻ thù
gieo cỏ lùng vào ruộng lúa (c. 25); đàng khác là quyết
định của chủ ruộng để cho lúa và
cỏ lùng mọc chung với nhau cho đến ngày gặt,
bởi ông biết phẩm tính của hạt giống (c.
30). Có thể phân chia bố cục của đoạn
nầy như sau: - Khởi điểm về hạt
giống tốt (c. 24); - Hạt giống lớn lên chung
với cỏ lùng (cc. 25-26); - Lúa tốt được tách
ra khỏi cỏ lùng trong mùa gặt (cc. 27-30)
Khởi điểm về hạt
giống tốt (c. 24)
Matthêô dùng tĩnh từ kalos, “tốt”
trong một số hình ảnh ẩn dụ như trái
tốt (3,10; 7,19), công việc tốt (5,16), cây tốt
(12,33), hạt giống tốt (13,24), hạt ngọc
tốt (13,45), cá tốt (13,48). Các hình ảnh nầy
đều nằm trong văn mạch của trình thuật
về ngày cánh chung. Đến thời sau cùng, cây nào sinh trái
tốt thì được giữ lại, cây nào không sinh trái
hoặc sinh trái xấu sẽ bị chặt đi và
vất vào lửa; cá tốt sẽ được bỏ
vào giỏ, còn cá xấu thì bị quăng ra ngoài. Cũng
thế hạt giống tốt sẽ được
cất vào kho lẫm, trong khi cỏ lùng sẽ bị gom góp
lại thành bó và bị đốt đi.
Hạt giống lớn lên chung với
cỏ lùng (cc. 25-26)
Trong đoạn nầy dưới hình
thức trình bày, Matthêô nói đến sự xuất hiện
của cỏ lùng và lớn lên chung của nó với hạt
giống trong cùng một thửa ruộng. “Kẻ thù”,
echthros, là người gieo cỏ lùng vào đó, cũng là ma
quỉ, diabolos (c. 39), là kẻ đối nghịch với
“ông chủ”, kyrios (c. 28). Kẻ thù gieo cỏ lùng lên trên
hạt giống tốt nhằm phá hoại hạt giống
tốt và ngăn cản hạt giống sinh trái.
Câu 25 mô tả các hành động liên
tiếp và hoàn thành của kẻ thù: èlthen, “đã
đến”, epespeiren, “đã gieo lên trên” và apèthen, “đã ra
đi”. Các hành động diễn ra rất nhanh trong khung
cảnh thoi gian là “lúc mọi người đang ngủ”,
en tò katheudein. Matthêô thường mô tả một biến
cố “sự dữ” diễn ra trong khi một người
đang ngủ: Chúa Giêsu đang ngủ trên thuyền thì giông
bão ập đến (8,24), trong khi các môn đệ đang
ngủ, Chúa Giêsu chiến đấu với cám dỗ trong
Vườn Cây Dầu, và người tội lỗi đang
đến bắt Ngài (x. 26,40-45). Ở đây Matthêô chỉ
nhắm mô tả sự kiện là ma qủi lợi dụng
lúc người ta đang ngủ để gieo cỏ lùng
vào. Cỏ lùng được kẻ thù gieo vào giữa
hạt giống tốt và lớn lên cùng hạt giống (c.
26). Trong 10,16 Matthêô nói đến việc chiên
được sai đến giữa đàn sói. Trong cả
hai trường hợp Matthêô đều cho thấy là
hạt giống và chiên không bị biến dạng hay hư
hỏng bởi việc sống chung nầy. Cỏ lùng và
hạt giống tốt cùng lớn lên và chúng phát triển
theo cách của chúng. Ở đây cả hai được
mô tả là lớn lên cùng thời. Trong 13,30, có sự
quyết định của gia chủ nữa, “Hãy
để chúng cùng lớn lên”. Hạt giống tốt
kết trái, cỏ lùng cũng phơi bày mình ra. Tỏ
hiện, phainò, ở đây là tự phơi bày mình ra cho
người khác thấy (x. 9,33; 24,30); khi còn là hạt, khó
phân biệt được đâu là cỏ lùng và hạt
giống.
Chủ đề chính của dụ ngôn
là hạt giống. Chủ ruộng đã gieo hạt
giống, speirò, vào ruộng của mình. Kẻ thù
đến và gieo thêm cỏ lùng “giữa hạt giống”;
động từ epi-speirò chỉ việc gieo lên trên. Cách mô
tả nầy cho thấy mục đích xấu của
kẻ thù. Tuy nhiên, hạt giống vẫn mọc lên và
kết trái. Matthêo nói đến việc kết trái, karpos,
như trong dụ ngôn trước (13,8). Việc kết trái
chứng tỏ là hạt giống tốt, nên mới sinh
trái tốt (7,18.20), và không bị ảnh hưởng
bởi việc lớn lên chung với cỏ lùng.
Lúa tốt được tách ra khỏi
cỏ lùng trong mùa gặt (cc. 27-30)
Đoạn nầy ở hình thức
đối thoại giữa chủ ruộng và các tôi
tớ. Các tôi tớ đặt các câu hỏi, và gia chủ
trả lời và ra mệnh lệnh. Kẻ thù ra đi, các
tôi tớ đến với gia chủ trình bày về sự
hiện diện của hạt giống xấu trong
ruộng (c. 27). “Người gieo hạt giống tốt”
trong câu nhập đề, bây giờ được xác
định chính là gia chủ, oikodespotès. Gia chủ nầy
chính là hình ảnh của Thiên Chúa (20,1; 21,33); bởi đó
kyrie cũng hiểu theo nghĩa nầy. Các tôi tớ
đặt vấn đề về nguồn gốc hạt
giống xấu giữa ruộng của ông chủ: “Ông
đã chẳng gieo hạt giống tốt hay sao?” Câu
trả lời chờ đợi khẳng định “Vâng,
tôi đã gieo hạt giống tốt”. Câu hỏi tiếp
theo về nguồn gốc cỏ lùng “Bởi đâu lại
có cỏ lùng?” Trong Matthêô, khi đặt vấn đề
về nguồn gốc một sự kiện, thường
cho thấy sự kiện ấy vượt qua trí hiểu
của con người, và cả sự bất lực
của con người trong giải quyết vấn
đề (13,27; 13,54.56; 15,33; 21,25). Bởi đó, ông chủ
không để cho các tôi tớ làm theo cách suy nghĩ của
họ là đi nhổ ngay cỏ lùng ra khỏi ruộng.
Chỉ gia chủ mới biết
nguồn gốc của cỏ lùng, còn tôi tớ không
biết điều nầy, nên họ phải chờ
đến ngày gặt (c. 28). Ông gọi đó là kẻ thù
của ông, vì cỏ lùng đã được gieo vào trong
ruộng của ông. Chính ông quyết định thời
hạn để cho cỏ lùng lớn lên chung với
hạt giống, và khi nào thì chúng sẽ bị đốt
trong lửa. Động từ syllegò, “thu góp” (cc. 28.29.30)
được dùng đến 3 lần trong đoạn
ngắn nầy. Các tôi tớ muốn thu góp ngay cỏ lùng
(c.28), nhưng gia chủ lo ngại việc thu góp nầy sẽ
ảnh hưởng đến hạt giống tốt (c.
29). Bởi đó ông để cỏ lùng mọc chung trong
ruộng của ông cho đến ngày gặt (c. 30). “Mùa
gặt” và “thời gian” gắn liền với nhau và mang ý
nghĩa cánh chung. Chính “thời gian”, kaipos, xác định
tính chất của mùa gặt. Đó là mùa gặt của
thời cánh chung (8,29; 21,34). Chính đợi đến ngày
cánh chung, mọi sự mới tỏ lộ ra và
được giải quyết (13,47-50; 22,1-14; 25,31-46).
Hạt giống tốt thì sinh hạt, còn cỏ lùng thì
không; như thế ông chủ dùng nguyên tắc “xem quả
thì biết cây” (7,18) để chỉ cho tôi tớ biết
cách phân biệt và hành động trong ngày gặt. Cỏ
lùng thì bó lại và đốt đi, còn lúa tốt cất
vào trong kho lẫm của gia chủ (13,30b.40; 3, 12). Thiên Chúa
gieo hạt giống tốt xuống, và Ngài thu gặt hoa
trái. Trên mảnh ruộng của Thiên Chúa ở trần gian,
hạt giống tốt và cỏ lùng sống chung. Hạt
giống tốt phải sinh hoa trái tốt, vì chỉ như
thế nó mới được thu hoạch và cất vào
kho lẫm của Thiên Chúa.
Dụ
Ngôn Hạt Cải (13,31-32)
Lần nữa Chúa Giêsu nói về dụ
ngôn một hạt giống khác. Đó là hạt cải.
Dụ ngôn nầy được thuật lại trong Mc
4,30-32 và Lc 13,18-19. Hạt cải mọc dọc theo vùng
Biển Galilêa. Chiều cao loại cây một năm nầy
thay đổi từ 0,6096 m - 1,8288m. Lá mọc từ
gốc mà lên. Đến mùa cây trổ sinh rất nhiều
bông nhỏ màu vàng. Hạt cải dùng làm dầu, một
thứ hương liệu (ABD 2,812).
Khác với dụ ngôn hạt giống
tốt, dụ ngôn nầy nhấn mạnh đến
kết quả cuối cùng của hạt cải, rất
tương phản với tình trạng khởi
đầu. Tính cách tương phản nầy
được diễn tả bởi hai tính từ
mikroteron, “nhỏ nhất” và meizon, “lớn nhất” (c.32).
Sự tương phản nầy nhấn mạnh sự
sống lớn mạnh và năng động của
Nước Trời. Hạt cải lớn lên thành “cây”,
devdron, nghĩa là nó có hình dáng và kích thước như
một thân cây. Hình ảnh ẩn dụ “chim trời
đến ẩn náu trong cành của nó” lấy từ
Cựu ước. Sách Đaniel 4 và Ezekiel 31 so sánh vua
Aicập như một cây to lớn, “thân nó cao lớn
hơn mọi cây cối trong cánh đồng, chồi
lộc ra nhiều, cành lá vươn rộng” (Ezk 31,5), mà các
chư hầu như chim trời tìm đến ẩn náu và
làm tổ, “Trên cành cây, mọi giống chim trời đến
làm tổ, dưới bóng lá cành, mọi dã thú nẩy nở
sinh sôi, và dưới bóng nó, vô số dân tộc đến
cư ngụ” (Ezk 31,6; Đaniel 4,9.18). Bởi đó, hình
ảnh nầy được dùng trong dụ ngôn ám chỉ
việc các dân tộc tìm đến Nước Trời vào
thời cánh chung, để được cư ngụ và
hưởng sự sống trong đó. Cây cải của
Nước Trời thay thế cây sự sống trong
vườn Eđen, bởi Nước Trời ban sự
sống cho mọi dân tộc và mọi người.
Dụ
Ngôn Men Trong Bột (13,33)
Dụ ngôn nầy không dùng hình ảnh
hạt giống nữa, mà một nhúm men, zymè. Giống
như dụ ngôn trước, dụ ngôn nầy nói
đến sự nhỏ bé lúc ban đầu và lớn
mạnh vào lúc cuối. Tuy nhiên dụ ngôn nầy còn nhấn
mạnh một khía cạnh khác. Đó là sự sống
của Nước Trời làm biến đổi cả môi
trường nơi men Nước Trời được
bỏ vào.
Kết luận: Nước Trời là
Chúa Giêsu Kitô. Ngài đến trần gian như hạt
giống chịu chôn vùi trong lòng đất. Không để
tỏ lộ công khai một dáng vẻ to lớn và huy hoàng
nào; trái lại nhỏ bé và thầm lặng. Tuy nhiên Ngài
đã làm dậy lên trần gian và khi đã hoàn thành sứ
mạng, Ngài trở nên nơi ơn cứu độ duy
nhất cho mọi người.
|