Một nửa ánh sáng – một nửa bóng
tối.
Thiện Ác cùng
hiện diện trong mỗi con người, mỗi
cộng đồng cũng như trong thế giới:
Trong các tài liệu của
Giáo Hội chúng ta thường thấy tựa đề
này: "Ánh sáng và bóng tối trong... ví dụ: trong thế
giới loài người hôm nay, trong gia đình hiện nay,
trong giới trẻ hiện nay". Đó chính là vấn
đề mà dụ ngôn cỏ lùng trong Tin Mừng theo thánh Matthêu muốn nêu lên.
Trong cuộc
sống, chúng ta luôn chứng kiến một thực tại
là Thiện và Ác luôn có mặt cùng lúc, cùng nơi, bên cạnh
nhau và tranh giành nhau. Thực tại ấy xẩy
ra nơi mỗi tâm hồn, mỗi cộng đồng,
mỗi xã hội. Mỗi người
mỗi cộng đồng và thế giới luôn bị
giằng co, lôi kéo bởi hai lực, hai khuynh hướng,
hai trào lưu nội tâm trái nghịch nhau, một kéo về
hướng tốt, một kéo về phía xấu. Thánh
Phaolô đã diễn tả thực tại
ấy như thế này: "Những điều (tốt)
tôi muốn làm thì tôi không làm, trong khi những điều
(xấu) tôi không muốn làm thì tôi lại làm".
Một nhạc
sĩ trẻ đã sáng tác một bài hát rất hay mang
tựa đề "Một nửa ánh sáng, một nửa
bóng tối trong tôi" để diễn tả thực
tại ấy. Nội dung bài hát đại khái như
vầy: Trong tôi, trong mỗi người chúng ta có một
nửa là ánh sáng (tức là phần tốt lành, vị tha,
thánh thiện) và một nửa là bóng tối (tức là
phần xấu xa, vị kỷ, tội lỗi). Làm sao
để nửa phần ánh sáng bừng cháy lên, đánh tan
hoặc che phủ hoàn toàn nửa phần bóng tối kia đi.
Kinh nghiệm cho chúng
ta thấy: chẳng có ai hoàn toàn tốt lành, vị tha, thánh
thiện; mà cũng chẳng có ai hoàn toàn xấu xa, vị
kỷ, tội lỗi. Vấn đề là làm
sao đề phần tốt lành, vị tha, thánh thiện
hiện rõ và thắng thế. Trong
mỗi cộng đoàn đức tin cũng thế. Trong trong thế giới loài người cũng
thế. Ngày nay có biết bao người
dám xả thân vì tha nhân, vì công lý và hoà bình thì
cũng có không ít người chỉ biết huỷ
diệt, tìm mọi cách để huỷ
diệt. Giữa ánh sáng và bóng tối luôn luôn có sự
đấu tranh giành giật loại trừ nhau một cách
quyết liệt. Ánh sáng càng lan toả thì bóng tối càng bị thu hẹp và
ngược lại. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Gio-an Phaolô II luôn kêu gọi mọi người
thành tâm thiện chí và nhất là các Kitô hữu hãy tích
cực xây dựng một nền văn minh sự sống,
chiến đấu chống lại nền văn minh
sự chết đang hoành hành trong các quốc gia.
Thiện xuất phát
từ Thiên Chúa, Ác là do ma quỷ:
Đứng
trước sự kiện hiển nhiên "một nửa
ánh sáng, một nửa bóng tối" ấy, con
người không ngừng thắc mắc như các
đầy tớ của dụ ngôn cỏ lùng trong Phúc Âm:
"Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt
trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng
ở đâu mà ra vậy?"
Đối với
những người tin rằng thế giới này do
nhiều thần linh cai trị thì
những điều tốt lành là do các thần tốt lành
mà ra; còn các điều xấu, điều ác thì tất
nhiên phải xuất phát từ những ác thần. Còn đối
với chúng ta là những kẻ tin rằng Thiên Chúa là
Chủ duy nhất của vũ trụ vạn vật và là
Đấng toàn thiện, vậy thì sự ác, sự dữ
do đâu mà có?
Thánh Kinh cho biết:
ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa tạo dựng nên
vũ trụ vạn vật và Ngài đã đánh giá công trình
ấy là tốt đẹp. Nhưng Thánh Kinh cũng cho chúng
ta biết ngay từ buổi đầu, chính Sa-tan đã lôi
cuốn tổ tông loài người bất tuân lệnh Chúa
mà ăn trái cấm trong vườn địa đàng và gây
tai hoạ cho con cái loài người. Giáo
huấn trên ăn khớp với
điều Đức Giêsu giải thích về dụ ngôn:
"Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt
giống tốt, đó là con cái Nước Trời.
Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng
là ma quỷ". Thế giới vũ trụ vạn
vất là công trình tốt đẹp do quyền năng và
tình thương của Thiên Chúa dựng nên; còn mầm
mống sự ác là cỏ lùng đã được gieo vào
lòng con người và lòng xã hội là do ma quỷ, do ác
thần. Cỏ lùng mọc xen với lúa và cùng
lớn lên với lúa. Lúa tốt và cỏ
lùng tranh giành nhau đất sống. Đó
là cuộc chiến tranh khốc liệt xảy ra hằng
ngày trong mỗi tâm hồn, trong mỗi cộng đồng.
Tại sao Thiên Chúa
không huỷ diệt sự ác ngay lập
tức?
Một thắc
mắc nữa là tại sao Thiên Chúa không huỷ
diệt sự Ác ngay lập tức mà lại để cho
sự ác hiện hữu, tác động xấu trên con
người và xã hội? Trong dụ ngôn cỏ lùng, ông chủ
không nghe theo đề nghị của các
đầy tớ là cho nhỏ hết cỏ lùng khỏi
ruộng lúa, mà cứ để cho cỏ lùng phát triển
song song với lúa tốt. Lý do ông nêu lên là nếu cho nhổ
hết cỏ lùng thì "sợ rằng khi gom cỏ lùng,
các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ
để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa
gặt". Sẽ đến giờ,
đến lúc cỏ lùng và lúa tốt được tách
riêng ra.
Thiên Chúa có nhiều
lý do để hành động như thế. Trước
hết vì Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, không
nỡ bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập
tắt tim đèn còn khói. Ông
chủ ruộng không ra lệnh nhổ hết cỏ lùng
cũng là vị mục tử bỏ chín mươi chín con
chiền lành để đi tìm một con chiên lạc,
cũng là người cha ngày ngày đứng ngóng
đợi đứa con hoang trở về.
Thứ đến là
vì Thiên Chúa tin rằng người xấu có thể thay
đổi thành người tốt, người tội lỗi
có thể trở nên người công chính, nhờ hồng ân
của Thiên Chúa và sức mạnh của Thánh Thần. Kinh
nghiệm cho chúng ta thấy rằng khi một người
ý thức mình là người có tội và phải vất
vả lắm mới thoát ra khỏi cảnh tội thì
người ấy sẽ sống khiêm tốn và yêu thương
hơn.
Chúng ta có nhiều ví
dụ trong Phúc Âm: Phêrô phút trước vẫn còn là
người đánh cá, phút sau đã trở thành môn
đệ Đức Giêsu. Cũng Phêrô phút trước còn
là kẻ hèn nhát chối Thày trước mặt một
người tớ gái, phút sau đã trở thành
người sám hối vĩ đại,
quyết sống chết với Thày Giêsu. Phaolô
phút trước còn là kẻ bách hại các Kitô hữu, phút
sau đã trở thành vị tông đồ dân ngoại.
Matthêu và Da-kêu phút trước còn là một nhân viên thu thuế, phút sau đã trở thành môn
đệ Chúa. Madalêna phút trước còn là
một phụ nữ bán mình mua vui cho thiên hạ, phút sau
đã trở thành người gắn bó chặt chẽ
với Đức Giêsu. Người trộm lành phút
trước còn là tên trộm dữ, phút sau đã là
người được Đức Giêsu đưa vào
thiên đàng hưởng hạnh phúc bên Chúa v.v..
Chúng ta cũng có thể tìm ở chung quanh mình
những ví dụ khác mới mẻ hơn.
Lý do sau cùng là Thiên
Chúa muốn con người đóng góp vào việc phát
triển sự Thiện và tiêu diệt sự Ác nơi mình,
nơi tha nhân và trong thế giới.
Làm thế nào
để phát triển sự Thiện và tiêu diệt sự
Ác nơi mình, nơi tha nhân và trong xã hội?
Chúng ta phát triển
sự Thiện và tiêu diệt sự Ác nơi mình, nơi tha
nhân và trong xã hội bằng cách làm cho một nửa ánh sáng
bừng sáng lên và nửa bóng tối thu hẹp lại
tức là tạo điều kiện cho các khuynh
hướng tốt, các ước vọng tốt, các
nỗ lực tốt thành hiện thực và đồng
thời làm cho các khuynh hướng xấu, ước
vọng xấu, hành động xấu không có cơ hội
hình thành.
Nửa ánh sáng là lòng
yêu thương, bác ái, nhân hậu, từ bi, quan tâm giúp
người. Nửa bóng tối là ích kỷ,
hận thù, khắt khe, sống thờ ơ với
người bên cạnh. Nửa ánh sáng là khiêm
nhường, hiền lành. Nửa bóng tối
là kiêu căng, tự mãn, coi thường tất cả.
Nửa ánh sáng là trong sạch, khiết tịnh, điều
độ, siêu thoát. Nửa bóng tối là tham sân si, chạy theo lạc thú, ham hố của cải,
chức quyền, địa vị. Nửa ánh sáng là công lý
và hoà bình. Nửa bóng tối là bất công và
chiến tranh... Mỗi lần chúng ta chọn phần
nửa ánh sáng và từ khước phần nửa bóng
tối là chúng ta phát triển sự Thiện và tiêu diệt
sứ Ác nơi mình, nơi tha nhân và trong xã hội.
Lạy Thiên Chúa là Cha
từ bi nhân hậu, Cha đã tạo dựng vũ trụ
vạn vật và con người. Cha lại còn giao phó
cho con người sứ mệnh gìn giữ, cai
quản và làm chủ công trình tốt đẹp ấy,
để loài người cộng tác với Cha làm cho công
trình ấy luôn luôn tốt đẹp và hữu ích. Xin Cha
giúp chúng con biết quý trọng thiên nhiên và tôn trọng
những định luật tự nhiên mà Cha đã
đặt để trong đó. Xin Cha giúp
chúng con biết tích cực bảo vệ và phát triển
sự Thiện và đấu tranh tiêu diệt sự Ác
nơi mình, nơi tha nhân và trong xã hội chúng con đang
sống.
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã được Cha sai đến trần gian
để gieo vãi hạt giống tốt trong cánh
đồng thế gian và làm cho hạt giống ấy phát
triển thành cánh đồng cao sản. Chúa
đã chiến đấu hết sức mình, chiến
đấu đến nỗi bị kẻ thù giết
hại để thực hiện Ý Cha và đem lại
chiến thắng cho Vương quốc của Cha.
Xin Chúa giúp chúng con biết cách đấu tranh bênh vực
sự Thiện trong chúng con, trong cộng đồng và xã
hội chúng con và đẩy lùi sự Ác ra khỏi lòng chúng
con, khỏi cộng đồng và xã hội chúng con.
Lạy Chúa Thánh
Thần là sức mạnh Thiên Chúa, xin Chúa luôn ở cùng chúng
con, luôn chiến đấu với chúng con để đem
lại chiến thắng cho Nước Thiên Chúa.
|