Chung
đụng với lúa miến và cỏ lùng
(Suy niệm của Lm
Trần Bình Trọng)
Để
giúp người nghe hiểu về sự phát triển
của nước Trời, Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn
để chuyển đạt ý niệm. Dụ ngôn về hạt cải ám
chỉ nước Trời bắt đầu rất
nhỏ bé như hạt cải với việc chọn có
mười hai tông đồ. Dụ ngôn nắm bột
dậy men ám chỉ việc bành trướng của
nước Chúa lúc đầu cũng nhỏ bé. Và nước Trời được ví như
một thửa ruộng được gieo hạt
giống. Trong khi người gieo giống thiếp
ngủ, thì kẻ thù đến gieo vãi cỏ lùng vực vào
ruộng lúa của chủ như Phúc âm hôm nay ghi lại: Khi
mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông
đến gieo thêm cỏ lùng vào ruộng lúa, rồi đi mất
(Mt 13:25).
Theo ý
nghĩa dụ ngôn thì lúa miến và cỏ lùng tượng
trưng cho thiện và ác, sự lành và sự dữ. Thánh kinh dạy ta có
sự hiện diện của sự dữ trong thế
gian. Theo thần học và Thánh kinh công
giáo thì thần dữ không chịu tuân phục Thiên Chúa.
Như vậy sự dữ là sản phẩm của tự
do mà Thiên Chúa đã ban cho loài thụ tạo: cho thiên thần
cũng như loài người. Lucifer vì
bất tuân phục Thiên Chúa, nên đã trở thành thần
dữ. Ađam vì không vâng lệnh Thiên Chúa nên đã
để cho tội lỗi lọt vào thế gian..
Vì thế bao lâu con
người còn tại thế, thì thiện ác, tốt
xấu, vẫn xen lẫn nhau như lúa miến và cỏ
lùng và gây xung đột trong lòng người. Kẻ thù
của nước Trời hằng rình chực lúc con cái
sự sáng ngủ mê, không tỉnh thức cầu nguyện,
không sống và thực hành lời Chúa, để gieo vãi
cỏ dại là tội lỗi và các thứ tính mê nết
xấu vào tâm hồn loài người. Dưới chiêu bài
tự do: tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do
tư tưởng và tôn trọng quan điểm cá nhân,
người ta tự do gieo vãi hạt giống cỏ lùng
vào thế gian, trong xã hội ta đang sống bằng
đủ mọi phương tiện truyền thông xã
hội như sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền
hình, phim ảnh, mạng tin tức hầu làm tắc
nghẽn lời Chúa, làm sa đoạ lòng người, làm
lũng đoạn vườn nho của Giáo hội. Tội ác phạm đến Chúa, đến tha
nhân và đến chính mình xẩy ra hằng phút trên thế
giới.
Loài người
thường có khuynh hướng hay đổ lỗi cho
quỉ. Hễ cái gì xấu xa, dơ bẩn hay tội
lỗi, thì cho là tại quỉ. Vì thế mà người ta
ví nghịch như quỉ, xấu như quỉ, ác như
quỉ.. Có lẽ người ta ví
nghịch như quỉ cho nên hoạ sĩ mới hay
vẽ hình thằng quỉ có cái đuôi dài? Mà
thực vậy, hễ con vật gì có đuôi dài là nó
thường nghịch, chẳng hạn như con khỉ.
Về phương diện này thì kể ra
cũng tội nghiệp cho thằng quỉ. Không biết còn gì giống như quỉ nữa
không? Có một linh mục Việt Nam kia, trước
khi qua Mỹ tu nghiệp có gặp một linh mục
Mỹ, học làm linh mục cho giáo phận Đà nẵng,
sau khi mãn lính Mỹ ở Việt Nam. Linh mục người
Mỹ nói với linh mục người Việt: 'Cha
cứ sang đó mà coi. Nó lạnh như
quỉ vậy!' Ông cha Việt nam nghĩ
bụng từ trước tới nay đọc sách nói
về hoả ngục với lửa sinh lửa diêm, thì
phải nóng chứ. Sao bây giờ ông cha Mĩ lại
ví: nó lạnh như quỉ vậy?
Hôm nay mỗi
người cần nhận thức rằng nhiều cám
dỗ để làm bậy là do khuynh hướng xấu
trong con người chứ không hẳn là do ma quỉ
bầy đặt. Đó chính là điều mà Thánh Phaolô
đã nhận ra là có hai khuynh hướng hay hai lề
luật phản nghịch nhau nơi loài người: Theo
con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên
Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại
thấy một luật khác: luật này chiến đấu
chống lại luật của lí trí và giam hãm tôi trong
luật của tội là luật vẫn nằm sẵn
trong các chi thể tôi (Rm 7:22-23). Thánh Phaolô
muốn nói là thần trí ta muốn vươn lên, nhưng
xác thịt cứ kéo ghì ta xuống.
Gương
xấu và sự dữ trong thế gian giống như
cỏ lùng, có thể gây ảnh hưởng xấu và làm
hại ta bất cứ lúc nào. Và hậu quả của sự dữ có
ảnh hưởng đến người xung quanh,
tốt cũng như xấu. Để
bảo vệ mùa gặt lúa trong Phúc âm hôm nay, đầy
tớ đề nghị với chủ phải nhổ
cỏ lùng. Tuy nhiên chủ lại bảo phải
để cỏ lùng mọc chung với
lúa miến, cho tới mùa gặt là lúc mà người ta
mới có thể dễ dàng tách biệt lúa ra khỏi
cỏ. Chủ trương để cỏ lùng mọc chung với lúa miến cho tới mùa gặt
nói lên lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa và lòng khoan dung của
Người mà ta cần phải học. Biết đâu
người gian ác được ơn sám hối
để trở lại cùng Chúa như sách Khôn Ngoan hôm nay
ghi lại: Ngài đã cho con cái niềm hi vọng tràn trề
là người có tội được Ngài ban ơn sám
hối (Kn 12:19). Có những người có thể
phản đối giải pháp trì hoãn này. Lý do họ
đưa ra là nếu Giáo hội hay nước Chúa ở
trần gian là phương tiện cứu rỗi thì
phải diệt cội rễ của sự dữ và
nết xấu. Tuy nhiên thời giờ tách
biệt thiện hảo ra khỏi gian ác một cách
hiệu quả và toàn diện thì chưa tới lúc. Bài học thứ hai ta cần học là thời
giờ phán xét cũng là của Chúa và thuộc về Chúa.
Còn bài học thứ
ba ta có thể rút tỉa trong Phúc âm hôm nay là việc
thiện cũng như thói xấu đều bắt
đầu bằng những việc nhỏ bé, nảy
mầm từ những cám dỗ phạm những lỗi
nhỏ, rồi đưa đến tội tầy
đình. Việc luyện tập nhân đức cũng
phải bắt đầu bằng những việc nhỏ
bé dễ dàng. Vì thế mà ta cần luyện
tập để thắng lướt những cám dỗ
nhỏ trước để lấy đà hầu có
thế thắng vượt cám dỗ lớn. Muốn được như vậy, ta phải
tỉnh thức cầu nguyện, luyện tập nhân
đức để có thể chống trả cám dỗ.
Bao lâu còn tại thế, ta phải chung
đụng với lúa miến và cỏ lùng: chung
đụng với sự lành và sự dữ, tốt
xấu và thiện ác. Vì thế ta phải canh
chừng kẻo bị cỏ lùng lấn át.
Lời nguyện xin
cho được ơn đứng vững trước
cỏ lùng:
Lạy Chúa, mọi công trình Chúa tạo
dựng đều là tốt đẹp.
Mà tội lỗi của thần dữ
và ông bà nguyên tổ đã làm ra xấu.
Xin cho con được nhận
thức rằng bao lâu còn tại thế
con phải chung đụng
giữa cỏ lùng và lúa miến
trong xã hội loài ngưòi cũng
như trong chính bản thân con.
Xin cho những người đang gieo
vãi cỏ lùng vào thế gian
có được tâm hồn
biết kính sợ Chúa.
Và xin cho con được đứng
vững, khỏi bị cỏ lùng lấn át. Amen.
|