Sức sống
của hạt giống
(Suy
niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Vào
một đêm nọ, người phụ nữ nằm
mơ. Chị thấy mình bước vào
một siêu thị. Khách hàng tấp
nập. Có một quày hàng đặc biệt,
người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đứng
bán ở quày hàng này. Chờ đợi đến phiên
mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa
bán cái gì ở đây vậy? Chúa trả lời: Ta bán
mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con. Chị nói liền một hồi:
Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có
khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc,
chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho
chồng, cho con và cho những người thân yêu của con
nữa. Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu,
ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ
bán hạt giống thôi.
(Anthony de Mello).
Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Mt 13,1-23) có tên gọi là “Dụ ngôn người
gieo giống”. Thiên Chúa là người gieo
giống. Chúng ta là đất. Hạt giống là lời giảng dạy của
Chúa Giêsu. Tùy vào thái độ của
mỗi người, chân thành đón nhận hay lười
biếng khước từ, Lời Chúa sẽ sinh những
hiệu quả khác nhau.
Hạt giống được gieo trên
bốn loại đất, đất vệ
đường, đất lẫn sỏi đá,
đất có nhiều gai góc và đất tốt. Đất nào cho năng
suất nấy. Làm sao bên lề
đường khô cằn sỏi đá, hạt giống có
thể sinh hoa kết trái được? Trong bụi gai chằng chịt cỏ rác không
mọc nổi, hạt giống làm sao vươn lên
để thánh cây xanh tốt được? Chúa Giêsu
ví lời giảng dạy của Ngài như hạt
giống trong tay người nông dân. Hạt giống gieo trên những loại
đất khác nhau, số phận các hạt giống khác
nhau. Lời Chúa cũng có nhiều số
phận khác biệt. Có lời sinh
lợi muôn vàn lời. Có lời sống
èo uột bị bóp nghẹt. Có lời
làm tròn sứ mạng được uỷ thác. Có lời biến mất như rơi vào cõi hư
không. Khác biệt về thành quả không
hệ tại bởi hạt giống tốt xấu mà
bởi phẩm chất ruộng đất. Thửa
ruộng mà Chúa Giêsu nói đến không phải ruộng trên
mặt đất mà là cõi lòng con người. Vì thế, dụ ngôn hạt giống gieo trên các
loại đất khác nhau gợi lên những ý nghĩa.
Tấm lòng quảng đại của
người đi gieo.
Người đi gieo đã gieo hạt
giống trên những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ. Những mảnh
đất sỏi đá, gai góc, lối mòn có bước
chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo hạt không bỏ rơi một
mảnh đất nào vì tấm lòng quãng đại của
ông, chỉ muốn cho hạt giống được gieo vãi
khắp chốn. Thiên Chúa quảng
đại nhìn mọi người với chính phẩm giá
của họ trong niềm hy vọng của Ngài. Vì thế, mảnh đất nào cũng nhận
được hạt giống đồng đều.
Ai cũng có cơ may nhận được ân
sủng cứu độ Tin Mừng nếu như họ
thành tâm thiên chí. Lòng quảng đại không phân biệt
đối xử, không ưu tiên ai mà cũng chẳng
loại trừ ai, không thất vọng về hiện
tại của người khác mà biết kiên tâm đợi
chờ hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.
Không ai hoàn toàn là “lề
đường”, là “sỏi đá” hay là “bụi gai”. Trong mỗi con người luôn có
một mảnh đất tốt cho dù nó chỉ nhỏ bé
thôi. Có thiện chí đón nhận hạt giống cũng
sẽ có một mùa gặt bội thu
“đến nỗi có hạt được một
trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi” (Mt
13, 23). Thiên Chúa vẫn gieo Lời Ngài vào lòng chúng ta, vì Ngài chắc
chắn rằng: “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ
không trở lại với Ta mà không sinh kết quả,
nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm tròn
sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55, 11).
Thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa,
nhưng trong ngài vẫn còn một mảnh đất
tốt của lòng sám hối. Thánh Phaolô hăng say bách hại các kitô hữu,
nhưng trong ngài vẫn còn đó một mảnh đất
tốt của lòng nhiệt thành và khiêm tốn. Thánh Augustinô
bị những bụi gai của tri thức, kiêu căng và
dục vọng vây bủa, nhưng vẫn còn có một
mảnh đất tốt hướng tìm chân lý, chỉ
chờ hạt giống gieo trồng là nở rộ mùa
gặt phong nhiêu… Còn nhiều lắm những
mảnh đất tốt như thế trong Giáo Hội và
trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Tất cả những mảnh đất tốt đó, cho
dù có nhỏ nhoi đi chăng nữa, nhưng một khi
đã được đón nhận Lời Chân Lý thì
đúng như lời Chúa nói, đã sinh lợi “hạt
một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba
mươi”.
Hạt giống tiềm ẩn sự
sống.
Hạt giống có vỏ cứng
bảo vệ, khi được gieo vào lòng đất
vỏ sẽ vỡ ra cho mầm đâm chồi. Chồi non lên xanh là hình
ảnh của sự sống mới. Sự
sống vào đời mới bằng một cuộc phiêu
lưu, bằng niềm phó thác cho tương lai.
Hạt giống là ánh sáng, là Tin mừng,
là thiện hảo tốt lành, là giá trị Nước
Trời. Tự nó, hạt giống có một
sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Trong
hạt giống có mầm sự sống, hễ cứ
gặp điều kiện thuận lợi là mọc lên.
Trong mầm sống có sự sống tiếp
nguồn từ sự sống của Thiên Chúa. Nếu
“Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29)
là hình ảnh sức sống tiềm tàng thì “Hạt lúa
mục nát đi” (x. Ga 12,24) lại là một hình ảnh khác
nói lên niềm hy vọng một mùa gặt mới sau khi
chịu ‘mục nát”. Hạt giống là hồng ân Thiên Chúa, phong phú bao la và vô cùng mạnh
mẽ. Điều quan trọng là hãy cho
hạt giống một cơ hội để mọc lên.
Niềm hy vọng mùa gặt phong phú
Nếu người gieo hạt đã
đặt hy vọng vào từng mảnh đất bất
kể mức độ tốt xấu thì bổn phận
của đất là không được phụ lòng
người quảng đại gieo hạt. Thiên Chúa làm được mọi
sự nhưng Ngài cần con người cộng tác.Thiên
Chúa vẫn luôn tin tưởng và hy vọng nơi con
người.
Trong các hoạt động tông
đồ, không cần phải phân tích người nào là
lề đường, là sỏi đá hay bụi gai. Hạt giống cứ
gieo vào đất, chúng ta hãy làm việc tốt cho
người khác. Chính Thiên Chúa mới là
Đấng làm cho hạt giống mọc lên và sinh hoa
kết quả (x. 1 Cr 3, 5-9).
Niềm hy vọng phải là một
đặc trưng của đời sống người
kitô hữu. Chính niềm
hy vọng đó sẽ giúp chúng ta vượt qua những
khó khăn, thử thách trong cuộc sống hiện
tại, hướng tới một tương lai
tươi sáng và một cuộc sống vĩnh cửu
của người được làm con cái Thiên Chúa.
Mầu nhiệm Nước Trời còn
ẩn chứa nhiều điều huyền diệu và
chỉ cõi lòng nào chân thành, khiêm nhường đón nhận
mới có cơ duyên thưởng thức những huyền
diệu của Lời Hằng Sống. Nhận lấy
hạt giống Lời Chúa trong mình, chúng ta từ từ
sinh hoa trái trong Giáo Hội cho vinh quang của Thiên Chúa ( GLCG # 1724).
Người nông dân có câu: “nhất
nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Giống là cần thiết, nhưng nước,
phân bón và công chăm sóc thật là quan trọng. Giống tốt, gieo xạ đúng quy trình kỹ
thuật, nhưng để đất khô hạn thì lúa
không lên xanh. Có giống, có nước mà
không có phân bón thuốc trừ sâu, thì lúa sẽ èo uột
không kết quả. Có được giống
tốt, nước bảo đảm, phân thuốc
đầy đủ, nhưng chẳng chăm sóc thì không thu lợi được bao nhiêu.
Người sáng, người mù hay
người câm điếc cũng đều có thể nghe
Lời Chúa, đón nhận hạt giống Lời Chúa gieo
vào lòng, nhưng quan trọng là đem ra
thực hành.
Có một
mảnh đất hoang cỏ mọc um tùm. Ông Tư
mua lại thửa đất ấy rồi cày xới, làm
sạch cỏ, rồi ông trồng cây, trồng hoa,
trồng rau. Một thời gian sau, mảnh đất
trở thành một khu vườn thật đẹp.
Một hôm, ông Tư đang làm việc trong vườn, cha
xứ đi qua và nói: "Khu vườn thật là
đẹp! Ông Tư thấy không, khi ông biết cộng tác
với Thiên Chúa thì kết quả như thế đó".
Ông Tư trả lời: "Vâng, cha cứ thử nghĩ
lại xem, miếng đất này như thế nào khi
chỉ có một mình Chúa làm việc ở đây".
Cầu
Nguyện
Lạy
Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con
đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú
nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra
thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái
nơi chúng con.
Xin cho
chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa
trở nên xa lạ.
Xin giúp
chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được
tự do tăng trưởng.
Ước
gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền
tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi
phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
(Mana)
|