Gieo giống
Bài Tin mừng là
dụ ngôn người gieo giống. Đây
là dụ ngôn đầu tiên trong một loạt các dụ
ngôn Chúa Giêsu giảng dạy. Trước hết, chúng
ta có thể thắc mắc: Một kiểu gieo giống gì
mà kỳ lạ thế? Tại sao không chỉ
gieo trên đất tốt thôi mà lại gieo cả trên
chỗ đá sỏi, đường đi và cả
chỗ gai góc nữa? Thưa, gieo như
thế, vì đây là cách làm ruộng của người dân
miền thánh địa, xứ Palestin, họ có cách gieo
giống khác với người Việt Nam chúng
ta. Họ gieo trước rồi mới cày sau,
nghĩa là họ dọn đất xong thì gieo hạt
rồi cày lấp đi. Như vậy,
người gieo giống trong dụ ngôn này đi gieo trong
thửa ruộng chưa cày bừa gì cả.
Đàng khác,
đất đai ở đây nhiều
đá. Người Do thái thường nói khôi hài rằng:
“Khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất, có ba túi
đá thì Chúa đã làm rớt hết hai túi xuống
đất Palestin”. Vì thế, trong việc làm
ruộng của dân Do thái, việc lượm đá là
một việc làm quen thuộc cũng như việc làm
cỏ. Đá lượm ra xếp thành
bờ ngăn các thửa ruộng, do đó mép bờ
cũng là nơi gai mọc. Ở
những vùng đất thiếu nước, thì gai là
loại cây dại phổ biến nhất, vì nó có sức
chịu khô lâu nhất.
Biết qua khung
cảnh địa dư và cách làm ruộng của
người Do thái xưa kia như
thế, chúng ta mới dễ hiểu bốn vị trí mà
hạt giống có thể rơi xuống khi người
nông dân gieo lúa: đất đá, lối đi, bụi gai và
đất tốt. Muốn gieo cho kín ruộng, người
nông dân phải chấp nhận có sự hao hụt, vì khi
vung tay gieo hạt, một số nào
đó sẽ rơi vào ba loại vị trí không kết
quả.
Tuy nhiên, chúng ta nên
nhớ, đây là một dụ ngôn của Chúa Giêsu, và chân lý
về tôn giáo đang núp sau bức màn dụ ngôn đó. Điều Ngài
thực sự muốn giảng dạy là kết quả
của Lời Chúa: Hạt giống tượng trưng cho
lời Thiên Chúa gieo vào lòng người, và tùy theo
đất, tức là tùy theo lòng người, mà có những
kết quả khác nhau, như Chúa đã giải thích rõ ràng.
Vì thế, ở đây chúng ta không giải thích nữa mà chú
ý đến một điều khác, đó là cử chỉ tung hạt thật quảng đại
của người gieo giống, và đây chính là thái
độ quảng đại của Thiên Chúa đối
với chúng ta.
Quả thật, Thiên
Chúa vô cùng quãng đại. Mặc dầu Chúa biết chúng ta
sẽ lãng phí thật nhiều ân huệ của Ngài,
nhưng Ngài vẫn cứ vung tay phân phát
thật rộng rãi. Chúng ta thử tưởng
tượng: Nếu Chúa tính toán để không uổng phí
chút nào thì tình cảnh chúng ta sẽ ra sao? Nhưng sự
quảng đại của Chúa trong việc ban phát mọi
ơn lành cho chúng ta, làm cho chúng ta an tâm và
tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Ngài
chẳng bao giờ rút lại tình yêu ấy, chỉ có chúng
ta có thể từ chối hoặc bóp nghẹt, không cho tình
yêu của Ngài triển nở trong chúng ta thôi.
Tình yêu
được biểu lộ bằng quà tặng, bằng
sự hiện diện, bằng hành động, và cuối
cùng bằng sự trao cho nhau bản thân mình hoặc trong
tình yêu hôn nhân, hoặc bằng sự tận hiến trong
đời sống tu trì. Thiên Chúa bộc lộ tình
yêu của Ngài bằng tất cả những cách thức
đó, bằng quà tặng, bằng sự hiện diện
và hành động không ngừng của Ngài trong mọi
sự đối với mỗi người chúng ta.
Ngài cho chúng ta cả chính mình Ngài, Ngài cho chúng ta cả
người con một yêu dấu của Ngài. Và Con của
Ngài đã cho chúng ta đến giọt máu cuối cùng
đọng lại trong tim.
Khi yêu chúng ta Thiên Chúa
muốn chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài, bởi vì
tình yêu mời gọi tình yêu và tình yêu đáp lại tình yêu. Khi chúng ta đã
đón nhận tình yêu của Chúa như thế, thì trái tim
chúng ta đập cùng nhịp với trái tim Ngài và cùng
mở rộng như trái tim Ngài, và chúng ta sẽ rộng tay
để cho tình yêu của Ngài đến với mọi
người bằng cuộc sống của chúng ta, dù
người ta có biết đón nhận hay không. Bởi vì
có những hạt lúa sẽ chết đi, sẽ mất
không, do rơi vào sỏi đá, do chim trời lượm
mất, hay do gai góc đè chết. Nhưng
số hạt rơi vào đất tốt vẫn nhiều
hơn, và sẽ sinh hoa kết quả ba mươi, sáu
mươi hay một trăm. Bởi vì
mỗi hành động yêu thương được
đón nhận sẽ làm nảy sinh những hành
động yêu thương khác.
Nói rõ hơn, mỗi
hành động yêu thương chúng ta làm cho người
khác, là một hạt giống chúng ta gieo, không phải
chỉ gieo vào chính người thụ hưởng, mà gieo
vào cả những người chứng kiến nữa. hạt
giống ấy sinh hoa kết trái khi chính người
thụ hưởng hoặc người chứng kiến
lại để cho tình thương thúc đẩy họ
phục vụ người khác. Cứ thế
mà tình yêu được nhân lên mãi, và cuộc sống này, xã
hội này, thế giới này sẽ tốt đẹp
hơn.
Tóm lại, những
hạt giống yêu thương chúng ta gieo vào bất cứ
nơi đâu, cho bất cứ người nào, cũng
đều có hiệu quả tốt đẹp, chúng ta hãy
bắt chước người gieo giống có thái
độ hào phóng, quảng đại trong dụ ngôn, là
Thiên Chúa, để tất cả những hạt giống
chúng ta gieo vãi, là những cử chỉ, thái độ,
việc làm yêu thương của chúng ta đều đâm
bông kết trái, và như thế cuộc sống này, xã
hội này, thế giới này càng ngày càng tốt đẹp
hơn.
|