Hãy mang
lấy ách của Ta
(Suy niệm của Lm. Đaminh
Trần Quang Hiền)
Trong bài Phúc Âm Chúa
Nhật tuần này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mang
lấy ách củaNgười trên đôi vai chúng ta. Phải
chấp nhận những lao nhọc, vất vả,
bệnh tật, khổ đau và tất cả những
ngang trái ngoài ý muốn như là cái ách phải mang lấy
trong cuộc đời. Người
Do Thái dùng thành ngữ cái ách để chỉ sự vâng
phục, phục tùng. Họ nói về cái ách
của lề luật, cái ách của các giới răn, cái
ách của Vương Quốc và cái ách của Thiên Chúa. Chúa
Giêsu đã dùng hình ảnh cụ thể này để
diễn tả lời mời gọi của Người.
Ai trong chúng ta cũng
phải mang nhiều cái ách trong cuộc sống của mình,
dù nặng hay nhẹ đều phải vác cả. Cái ách
gánh nặng của chồng, vợ, con cái, cái ách của
công ăn việc làm, cái ách của nghèo khổ, của
bệnh tật, của thử thách.... Có những lúc chúng ta
chán chường và mệt mỏi, có những lúc chúng ta
muốn bỏ hết tất cả cho yên thân vì không
muốn đối diện với nó. Có những lúc chúng ta
quá căng thẳng, bị stress vì áp lực của cuộc
sống. Cái ách trở nên quá nặng nề, vì thế chúng
ta thường trách Chúa tại sao Ngài gởi quá nhiều
thánh giá, nhiều cái ách nặng nề quá sức chịu
đựng cho chúng ta thế. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta
hãy đến với Ngài vì ách của Ngài thì êm ái, gánh
của Ngài thì nhẹ nhàng. Không phải Chúa Giêsu cất
hết tất cả những cái ách nặng nề của
chúng ta, mà Chúa Giêsu sẽ nâng đỡ và dạy chúng ta
biết cách đón nhận và vác cái ách của chúng ta như
thế nào cho nhẹ nhàng. Chúa không muốn chúng ta phải
trốn tránh cái ách của mình cho dẫu nó có nặng nề
và đòi hỏi chúng ta phải trả giá rất
đắt. Chúa Giêsu đã làm gương trước cho
mỗi người chúng ta, Ngài đã mang lấy ách của
chúng ta là tội lỗi của chúng ta trên vai của Ngài và
Ngài đã vác hết chặng đường khổ
nạn của mình, cho đến chết trên thập giá.
Là người kitô
hữu, chúng ta cũng phải mang lấy ách của mình và
bước đi trên con đường thập giá mà Chúa
đã đi xưa kia. Chúa Giêsu sẽ không bỏ rơi chúng
ta, Ngài vác cái ách cùng đi với chúng ta, Ngài không để
chúng ta vác một mình, Ngài không để chúng ta quá sức
chịu đựng.
Cùng mang lấy ách và vác
đi cùng với Chúa Giêsu chúng ta sẽ cảm thấy
nhẹ nhàng và được an ủi biết chừng nào. Cái ách sẽ trở thành nhẹ nhàng khi
chúng ta vác nó với một niềm tin tưởng, phó thác
vào tình yêu thương của Thiên Chúa, Ngài là người
Cha luôn muốn điều tốt lành cho mỗi
người chúng ta, không bao giờ muốn những
điều đau khổ cho chúng ta. Cái
ách và đau khổ là thước đo cho lòng mến
của chúng ta đối với Chúa, cho sự kiên trung trong
tình yêu mến, vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa. Cái ách cũng
là cơ hội để chúng ta biết kết hiệp vào
mầu nhiệm khổ nạn đang còn dở dang của
Đức Kitô.
Trong tiểu sử
cuộc đời thánh nữ Têrêsa Avila có kể một câu
chuyện về việc ma quỉ giả dạng giống
Chúa Giêsu sống lại hiện ra với thánh nữ.
Vừa nhận ra sự giả dạng thánh nữ
đuổi nó đi ngay. Trước khi ra đi, Satan
hỏi: “Làm thế nào bà đã biết được tôi là
một người mạo nhận?” Thánh nữ đáp
lại: “Bởi vì mày không có những vết thương”.
Trong bài suy niệm của thánh nữ về đời
sống tinh thần, The Interior Castle – Lâu Đài Nội Tâm –
thánh nữ Têrêsa đã nói đi nói lại về hình ảnh
của Chúa Kitô chịu đau khổ đến hơn 40
lần. Thánh nữ thường xuyên đề cập
đến đau khổ là vì, đối với thánh
nữ, hình ảnh Chúa Kitô mang thương tích đã
đến với chúng ta trong chính thương tích của
chúng ta là chìa khóa để tìm hiểu cuộc hành trình thiêng
liêng.
Mầu nhiệm đau
khổ là mầu nhiệm mà mỗi người kitô hữu
được mời gọi thông phần, suy niệm và
sống trong mọi giây phút của cuộc sống mình. Cuộc
đời kitô hữu của chúng ta không thể nào vắng
bóng cái ách, đau khổ, thập giá... đó chính là một
phần trong chương trình cứu độ của Thiên
Chúa và là con đường dẫn chúng ta đến
mầu nhiệm phục sinh. Phải qua thập giá mới
đến vinh quang.
|