. Gió và mặt trời.
(Trích trong
‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong
tập “Những ngụ ngôn của Ê-xốp”có một câu
chuyện ngụ ngôn kể về cuộc tranh cãi giữa
mặt trời và gió. Hai nguồn năng
lượng này cãi nhau xem ai mạnh hơn ai.
Ngày nọ, một cơ hội xảy
đến giúp cả hai dàn xếp được cuộc
tranh cãi. Hôm đó, có một người mặc áo choàng
đang đi trên một con đường quê hoang
vắng. Mặt trời liền thách thức với gió: “Ai
làm cho người ấy cởi bỏ chiếc áo choàng ra
mau hơn thì người ấy là người thắng
cuộc”. Gió ta chẳng những đồng ý mà con
quyết định ra tay trước.
Chàng gió bèn thổi tới tập, nhưng càng thổi thì
người kia càng giữ chặt
lấy chiếc áo choàng, sợ nó tung bay mất. Cuối cùng, kiệt sức, gió ta đành phải
chịu thua. Lúc đó mặt trời mới ra tay. Ông mặt trời chiếu
toả hết vinh quang của mình ra. Chỉ trong
mấy phút, người nọ nóng quá phải cởi
bỏ chiếc áo choàng ra.
Cuối câu chuyện ngụ ngôn, Ê-xốp bàn
luận: “Bạn có thể thành công nhờ sự dịu
hiền dễ thương hơn là nhờ bạo
lực”.
Anh chị em thân
mến,
Trong một thế
giới mà những quy luật “mạnh được
yếu thua”, “lý của kẻ mạnh bao giờ cũng
thắng”, hoặc “được làm vua thua làm giặc”,
gần như là tất yếu và phổ biến, thì
lời giảng dạy của Chúa Giêsu về đức
hiền lành và khiêm nhường, quả thực rất khó
được chấp nhận và xác tín, nếu không
muốn nói là chướng tai và ngược đời.
Hôm nay, Lời Chúa
vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta: “Hãy học
cùng Thầy vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm
nhường”. Hiền lành và khiêm
nhường là hai đức tính đặc biệt
nhất ở nơi Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói:
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất
quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân
nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như
người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng
lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết
trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Phải chăng đó là một sự khiêm
nhường tột cùng của một Thiên Chúa làm
người; hạ mình xuống rốt chót mọi
người, lãnh nhận cái chết của tên nô lệ
bị đóng đinh thập giá.
Trong Tin Mừng hôm
nay Chúa Giêsu còn cho biết: những người có tâm
hồn bé nhỏ, khiêm nhường là những người
được Chúa yêu thương đặc biệt và
được Chúa tỏ ra cho biết những Mầu
nhiệm Nước Trời. Vì chỉ những ai có tâm
hồn bé nhỏ mới có tinh thần và trái tim
rộng mở đón nhận Lời Chúa. trong
lời cảm tạ Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha,
Con ngợi khen Cha vì đã giấu không cho bậc khôn ngoan
thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, mà
lại mạc khải cho người bé mọn”.
Nhưng ai là
những kẻ bé mọn?
Theo Tin Mừng Thánh
Matthêu, những kẻ bé mọn là những người
nghèo khổ, những người yếu thế, những
kẻ đang vất vả và phải mang gánh nặng. Trong Do Thái giáo, cái ách hay là gánh nặng
thường là hình ảnh của những luật lệ.
Các thầy thông luật tự cho mình là khôn ngoan thông thái,
thường hay bày vẽ ra đủ thứ luật
lệ mà những kẻ đơn sơ, bé mọn dù
cố gắng đến đâu cũng chẳng thể nào
tuân giữ trọn vẹn được. Làm sao
đầu óc đơn sơ chất phác của họ phân
biệt nổi cái gì chính yếu, cái gì thứ yếu trong
những luật lệ chi li lắt léo mà đầu óc
mấy ông Pharisêu, những kẻ có tinh thần nệ
luật, chỉ biết sống nô lệ, như cái máy,
đã chỉ có khả năng là giăng lưới gài
bẫy, khiến những kẻ đơn sơ chất
phác không thể nào lọt vào được bên trong cái
thế giới thánh thiêng cao cả mà họ đã dựng
lên. Chúa Giêsu không thể chấp nhận
một thứ vương quốc của Thiên Chúa chỉ
dành riêng cho những kẻ khôn ngoan thông thái và những
kẻ đạo đức giả chỉ biết cậy
vào thành tích giữ luật của mình. Ngài
đã đến như một người nghèo sống
giữa người nghèo và loan báo Tin Mừng cho
người nghèo. Nước Trời mà Ngài loan báo là
một vương quốc mở ra cho những
người bé mọn, nghèo hèn, nghèo về thể chất
đã đành, nhưng cũng nghèo về tinh thần
nữa, nghĩa là những người tội lỗi.
Nhưng
Chúa Giêsu không phải là người chủ trương vô
luật lệ. Ngài cũng có những đòi
hỏi của Ngài. Nhưng luật
lệ của Ngài là “cái ách êm ái”, “cái gánh nhẹ nhàng”. Vì ách đó, gánh đó chính là lòng yêu thương.
Lòng yêu thương này Ngài mời gọi chúng
ta cùng chia sẻ với Ngài. Nhưng
để có thể yêu thương, con người
phải biết sống hiền từ và khiêm tốn.
Bởi vì kẻ kiêu ngạo không thể biết yêu
thương: họ chỉ biết chiếm đoạt và
thống trị. Họ cũng không thể
hiền từ với tha nhân, trái lại, luôn luôn là
những kẻ độc ác.
Thưa anh chị em,
Cuộc đời
của Chúa Giêsu thật đơn sơ
giản dị. Ngài sống giữa loài người như
một người anh em nhỏ bé nghèo hèn, không thích giàu
sang, chẳng muốn dùng quyền để thống
trị và cũng chẳng tỏ ra khinh khi chê ghét một
người nào, cho dù là kẻ tội lỗi. Trái lại Ngài đã đặc biệt ưu ái
những người này, tới mức bị thiên hạ
dị nghị, coi Ngài là bạn thân của những người
tội lỗi. Sở dĩ như thế là vì chân lý
Ngài mặc khải không phải là thứ chân lý trừu
tượng cao siêu mà những bậc khôn ngoan thông thái
của trần gian ưa suy luận, nhưng chân lý của
Chúa là chân lý của tình thương mà tình thương là
ngôn ngữ mà cả trẻ thơ măng sữa cũng
hiểu được.
Nhân
loại chúng ta có quá nhiều những nhà bác học,
những nhà hiền triết thông hiểu những
điều cao siêu huyền bí. Và trong Giáo Hội chúng ta cũng không
thiếu những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng có lẽ
chúng ta hơn bao giờ hết lại cần đến
thứ ngôn ngữ giản dị nhất, đó là tình
thương, một thứ ngôn ngữ có khả năng
tuyệt vời để mặc khải chân lý của
Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình thương và chỉ có ai yêu
thương mới biết Thiên Chúa, còn ai không yêu
thương thì không biết Ngài. Mà đã không biết Thiên
Chúa thì làm thế nào có thể rao giảng hay làm chứng
về Ngài được?
Là con cái của Chúa
và là anh chị em của nhau, chúng ta hãy lấy tình
thương, lòng hiền hoà mà đối xử với
nhau, thay vì tàn nhẫn, xâu xé lẫn nhau. Hãy
khiêm tốn phục vụ nhau, thay vì tự tôn, tự
phụ mà đè đầu cỡi cổ người khác.
Chính tình yêu làm cho con người trở nên đơn
sơ, hiền hoà và khiêm tốn. Cũng chính tình yêu làm cho
con người sẵn sàng nâng đỡ gánh nặng cho
người khác, hơn làm khổ cho người mình yêu.
Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, Đấng là hiện thân
của chân lý tình thương lại sống đơn
sơ, hiền từ, khiêm tốn và đã mời gọi
chúng ta hãy đến học với Ngài.
Là Kitô hữu, chúng ta
tin rằng sự dịu hiền của Chúa Kitô và tình yêu
của Ngài cuối cùng sẽ thắng được
bạo lực và áp bức.
|