Gánh nặng
“Tất cả
những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy
đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi
dưỡng”. Đó là một lời kêu gọi, một
lời nhắn nhủ, một lời khích lệ
đầy an ủi và phấn khởi
Chúa Giêsu nói với tất cả và từng người
chúng ta.
Theo nguyên nghĩa Hy
Lạp, thì chữ “vất vả mang gánh nặng nề”
Chúa Giêsu nói ở đây được hiểu là cái bao
đựng vật dụng cá nhân như cái ba-lô
người ta đeo trên lưng, còn theo
nghĩa thông thường, đó là những vất vả,
khó khăn, trách nhiệm mà người ta phải chấp
nhận. Dù theo nghĩa nào thì chúng ta
cũng hiểu ngay là mỗi người đều có
những vất vả và đau khổ, được
gọi chung là gánh nặng riêng cho đời mình.
Thực vậy,
đời người giỏi lắm là được
trăm năm trần thế. Ba vạn sáu ngàn ngày là
mấy? Trăm năm nào có gì đâu? Nhưng từ
lúc trắng răng đến lúc bạc đầu, không
lúc nào vất vả, đau khổ không theo
đuổi chúng ta, đến nỗi ca dao tục ngữ
đã nói: “Gánh khổ mà đổ lên non. Còng lưng mà
chạy khổ còn chạy theo”.
Đời là bể khổ, đời là thung lũng
nước mắt, không ai chối cãi, không ai phủ
nhận, sinh ra và có mặt trên đời là khổ:
“Hữu sinh hữu khổ” là thế. Với thời gian,
lớn lên, đau khổ, vất vả hằng theo sát gót con người, dù ở đâu và
làm gì, ai cũng có những vất vả và đau khổ
của riêng mình.
Chúa Giêsu đã
nhận thấy điều đó, Chúa đã hình dung
bằng hai tiếng “vất vả và gánh nặng”, và Chúa
động viên, khích lệ, kêu gọi: “Hãy đến
với Chúa” để Chúa an ủi, nâng đỡ. Thực
vậy, ở đời này có nhiều gánh nặng: gánh
nặng bản thân, gánh nặng gia đình, gánh nặng xã
hội, gánh nặng của bệnh tật, thất
bại, mất mát, hiểu lầm của tình người
và tình đời. Đã gọi là gánh nặng thì phải
vất vả gánh vác: vất vả với cuộc mưu
sinh, vất vả đêm ngày, phải đổ mồ hôi
sôi nước mắt đổi lấy miếng ăn,
thế mà có khi vẫn không đủ sống; vất
vả sớm tối với bầy con, vất vả khi
chúng còn nhỏ bé, vất vả khi chúng đã khôn lớn,
nhất là khi chúng hư hỏng, quậy phá.
Ngoài ra, “gánh nặng”
còn được hiểu là những đau khổ của
đời người. Đời người sống
giỏi lắm là trăm năm, nhưng thử hỏi có
ai là không đau khổ chăng? Ai cũng có những đau
khổ riêng mình: người trước người sau,
người ít người nhiều, người tinh
thần người thể xác, người đi tu hay
sống đời gia đình… không ai dám nói đời mình
không có đau khổ. Cuộc đời
trần gian là thế.
Như vậy, chúng
ta dễ dàng chấp nhận: vất vả và gánh nặng
đời này thì nhiều thứ, nhiều cỡ, nhiều
kiểu và chúng ta cũng nhìn nhận rằng: trước
những gánh nặng đó, nhiều khi tự sức chúng
ta, chúng ta không làm gì được, chúng ta buông xuôi, chán
nản ư? Thậm chí có những
người khi gặp khó khăn, khủng hoảng thì
bỏ cả việc đạo đức và chán cả
cầu nguyện, như vậy là sai lầm lớn. Những lúc vất vả, khó khăn, đau
khổ càng nhiều và càng nặng, chúng ta càng phải
đến với Chúa mau hơn và nhiều hơn. Hãy đến với Chúa để cảm
nhận được sự nâng đỡ và bổ
sức của Chúa. Nhưng chúng ta nên nhớ: Chúa nói
Ngài nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta thôi chứ Ngài
không cất gánh nặng cho chúng ta, Ngài làm cho nhẹ gánh
chứ không cất gánh nặng đi. Có
nghĩa là chính chúng ta phải cố gắng làm việc và
tìm mọi cách để giải tỏa gánh nặng
đời mình rồi Chúa sẽ giúp sức thêm, chứ
đừng ngồi mà than thân trách phận, hoặc chỉ
cầu xin, khấn vái thôi thì chưa đủ.
Có một câu
chuyện ngụ ngôn kể rằng: Có một bác tiều
phu đi kiếm được một xe bò củi
chất đầy, nhưng khi đi tới một khúc
đường sình lội thì đôi bò khựng lại, vì
xe của bác bị sụp lún xuống bùn, bác ta ngồi than
vãn, rồi sực nhớ ra một vị thần và kêu xin
cứu giúp. Vị thần hiện ra nói: “Thay vì ngồi than
vãn thì hãy cố đẩy xem sao”, bác đứng lên cố
sức đẩy, đang đẩy thì có hai thanh niên tình
cờ đi qua, thương tình giúp đỡ bác, thế
là xe bác vượt qua được. Đó là một câu chuyện ngụ ngôn dạy
chúng ta phải cộng tác với một sức mạnh
hơn để làm việc, để giải quyết
những khó khăn. Nếu trong cuộc
sống chúng ta còn biết nhờ vả vào những
người quyền thế hơn, tài năng hơn, thì
tại sao chúng ta lại không cậy nhờ vào Chúa. Cho
nên, lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: trong mọi hoàn
cảnh của cuộc đời, nhất là những khi
vất vả hay khổ đau, chúng ta hãy đến
với Chúa, Chúa sẽ nâng đỡ, bổ sức cho chúng
ta.
|