Ân tình
Willton Rix có kể
một câu chuyện đầy kịch tính như sau “Vào
một sáng mùa đông tuyết lạnh, Sadhu Sundar Singh và
một người bạn du lịch qua miền núi Bắc
Ấn Độ. Thình lình một cơn bão tuyết ào ào
đổ tới, gió lạnh gào thét bên tai họ, khiến
hai người phải chống trả hết sức khó
khăn.
Đang lúc “dầu
sôi lửa bỏng” ấy, họ lại thấy một
người đàn ông nằm vất vưởng bên
đường chờ chết. Sadhu muốn dừng
lại để cứu giúp người bị nạn,
nhưng bạn ông cho rằng, nỗ lực ấy chỉ
hoài công thôi. Vì để cứu lấy chính mình trong lúc này
cũng đã vất vả lắm rồi. Và ông bạn
ấy đã bỏ đi.
Chạnh lòng xót
thương, Sadhu ở lại bên kẻ bất hạnh,
xoa nóng tay chân con người sống dở chết dở
ấy. Với sức lực còn lại, Sadhu cố
gắng cõng anh trên lưng và khó nhọc đi qua vùng bão
tuyết. Hơi ấm của hai thân thể hòa quyện
lấy nhau khiến người kia hồi sinh và cả hai
cùng mạnh sức.
Đi khoảng
một dặm, họ kinh ngạc khi nhìn thấy một xác
chết lạnh cóng bên vệ đường. Họ càng
sững sờ hơn nữa khi nhận ra đó chính là anh
bạn cùng đi với Sadhu sáng nay.
Nghĩa
cử yêu thương của Sadhu đã minh chứng hùng
hồn cho lời nói của Đức Giêsu trong bài Tin
mừng hôm nay:”Ai giữ lấy mạng sống mình, thì
sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì
Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. Ông bạn
của Sadhu đã cố giữ lấy mạng sống mình
nên đã mất mạng, còn Sadhu liều mất mạng “Vì
anh em” nên đã được sống. Một người
không có khả năng từ bỏ mình “Vì anh em” thì họ
cũng không có khả năng yêu thương. “Phải
liều mất đi” để “tìm thấy lại”. Đó
là nghịch lý mà Đức Giêsu đã trải qua để
nêu gương cho chúng ta. Người đã sẵn lòng
chịu chết ô nhục để rồi sống lại
vinh quang, và cũng để nói lên lời yêu thương
con người.
“Ai
liều mất mạng sống mình vì Thầy”. “Vì Thầy”
cũng chính là “Vì anh em”. Biết bao lần, Đức Giêsu
đã đồng hóa mình với tha nhân. Đó là sợi
chỉ hồng xuyên suốt các Tin mừng. Người
tuyên bố:”Ai đón tiếp anh em là đón tiếp
Thầy”. Đến ngày phán xét, Người cũng sẽ
nói với mỗi người chúng ta:”Mỗi lần các
ngươi làm cho một người nhỏ bé nhất
của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy”.
“Người
bé nhỏ nhất” không cần phải tìm đâu xa. Họ
không ở tận Châu Mỹ, Châu Âu, cũng không sống
nơi chân trời góc biển. Họ ở trước
cửa nhà chúng ta, họ là những kẻ nghèo hèn khốn
khổ, họ là những người cô thế cô thân,
họ là những ai không cửa không nhà, họ là những
người già cả cô đơn, họ là những
kẻ nghiện ngập sa đọa, họ là những ai
bị hất hủi lãng quên.
Đức
Giêsu còn hứa: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ
này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì
kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì không
mất phần thưởng đâu”. Cho “một chén nước
lã” là cử chỉ nhỏ bé ai cũng có thể làm
được, dù là một đứa trẻ.
“Một
chén nước lã” đối với Chúa lại là “một
chén ân tình”. Điều đó cho thấy, Thiên Chúa không
hề bỏ sót một nghĩa cử yêu thương nào
của chúng ta. Đồng thời Người cũng
muốn nói, cho dù chỉ là nghĩa cử bé nhỏ âm
thầm, một khi đã được khoác vào tấm áo
tình yêu thì nó liền trở nên vô cùng cao cả. Tình yêu chính
là trọng tâm của đời sống người tín
hữu.
Tình
yêu là chiếc đũa thần biến thập giá trở
nên nhẹ nhàng, vừa sức cho mỗi người.
Tình
yêu là liều thần dược giúp người tín
hữu dám liều mất mạng sống vì Thầy.
Tình
yêu đã làm cho người tín hữu mến Chúa hơn cha
mẹ, con cái, cũng sẽ giúp họ yêu thương
phục vụ mọi người cách thiết thực,
chân tình.
Sức
mạnh phi thường khiến thánh Phaolô vượt qua
bao gian nan thử thách trên đường truyền giáo chính
là tình yêu. Ngài viết: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”.
Lạy Chúa, xin cho
chúng con dám sống chết cho tình yêu Chúa, cho chúng con
biết: Chân thành hơn trong yêu thương, bác ái hơn
trong lời nói, nhân từ hơn trong cách cư xử.
Xin cho cuộc
đời chúng con mãi mãi là mùa hoa nhân ái.
|