TRÁI
TIM NHÂN HIỀN
Giáo Hội dành tháng Sáu hằng
năm để tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Tâm là biểu tượng của tình
yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Thánh Gioan đã
viết: “Người đã yêu thương
họ (các
môn đệ) đến
cùng” (Ga,13,1). Ý
niệm “đến
cùng” này
được chứng minh qua cái chết trên thập giá, cũng như qua việc trái tim của
Chúa bị đâm thâu. Bởi trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở nên người nghèo
khó và đau khổ như những kẻ cùng cực nhất trên thế gian. Cũng trên thập
giá, Trái tim Người đã mở ra, như một kho tàng phong phú, rộng mở để ban tặng
hết những vật phẩm quý giá cho mọi người. Chính vì vậy, Giáo Hội ca tụng
tình yêu của Chúa và tung hô: Ôi Trái tim nhân
hiền!
Đức
Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Người đã chia sẻ phận
người và đồng hành với con người còn mang nhiều khổ đau. Trong con người
của Chúa Giêsu, trái tim vô hình của Thiên Chúa cao cả, và trái tim hữu hình
của con người hữu hạn đã trở nên một. Vì vậy, trái tim của Người vừa hàm
chứa tình yêu bao la của Đấng tạo thành, vừa mang những thổn thức rung động
của một con người. Trái tim ấy vừa yêu thương chúc lành, vừa đồng cảm
trước nỗi khốn khó của con người. Các tác giả Phúc âm đều diễn tả Chúa
Giêsu với những cảm xúc rất nhân loại, đồng thời có những nghĩa cử rất thiên
linh. Người vỗ vai an ủi người mẹ trong đau khổ tang thương, đồng thời
làm cho người con của bà đã chết được sống lại trong niềm vui của dân làng lối
xóm; Người rơi lệ khi chứng kiến nỗi đau của thân nhân ông Lagiarô là người đã
chết bốn ngày, đồng thời ra lệnh cho ông bước ra khỏi mồ trong sự ngạc nhiên
thán phục của dân chúng. Qua lời giảng dạy và qua những phép lạ, Chúa
Giêsu bày tỏ tình thương của Thiên Chúa. Qua con người của Đức Giêsu,
chính Thiên Chúa cúi mình xuống, trở nên gần gũi con người để cảm thông và
chia sẻ nỗi đau của kiếp nhân sinh.
Đức Giêsu là Đấng Thiên sai,
đến trần gian để đem ơn cứu rỗi cho con người. Trong lời giáo huấn,
Người lấy lại hình ảnh người mục tử của Cựu ước để diễn tả sứ mạng phục vụ con
người. Người đã khẳng định: “Tôi là mục tử nhân
lành…” (Ga 10, 11). “Mục
tử nhân lành” có nghĩa là mục tử có đầy đủ mọi đức tính: bao dung, kiên trì,
nhẫn nại, khiêm tốn, tận tình. Người mục tử chân chính bao giờ cũng lo
cho đàn chiên và đặt lợi ích của đàn chiên là ưu tư hàng đầu. Trong suốt
thời gian rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thể hiện là một mục tử nhân
lành. Người luôn quan tâm giúp đỡ những ai đến với Người, bất luận đó là
hạng người nào. Người đón tiếp những người tội lỗi, đối thoại với những
người bất đồng ý kiến, thương xót những người cơ hàn khốn khổ. Hình ảnh
một mục tử chăm sóc và chữa lành con chiên bệnh tật, nâng đỡ con chiên yếu
đuối, cất công đi tìm con chiên lạc… đã thể hiện rõ nét nơi Chúa
Giêsu.
Tiếp
nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn quan tâm săn sóc người nghèo, nâng
đỡ họ về tinh thần cũng như vật chất. Như vị Ngôn sứ thành Nagiarét đã
cần mẫn rảo khắp xứ Palestina để loan báo Tin Mừng, hai ngàn năm qua, Giáo Hội
không ngừng đến với mọi nền văn hóa, đối thoại với mọi hệ thống chính trị,
nâng đỡ và cứu giúp những người đau khổ, là nạn nhân của chiến tranh, nghèo
đói và kỳ thị. Khi loan báo Tin Mừng qua nhiều ngả đường khác nhau, nhất
là bằng những hoạt động bác ái, Giáo Hội trình bày tình thương của Thiên Chúa.
Tình thương ấy thể hiện qua Đức Giêsu Kitô. Ai đón nhận Đức Giêsu là đón
nhận tình thương của Thiên Chúa. Ai thực hành giáo huấn của Đức Giêsu là
góp phần diễn tả hình ảnh của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình
yêu.
Chúa Giêsu đã về trời sau khi
hoàn tất sứ mạng Thiên Sai, nhưng Người vẫn hiện diện giữa chúng ta như lời
Người đã hứa: “Này đây, Thày ở với anh em
mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người
hiện diện để tiếp tục tỏ bày tình yêu thương đối với nhân loại. Người ở
giữa chúng ta để cùng vác thập giá với chúng ta giữa cuộc sống đầy lao nhọc và
gian nan khốn khổ. “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi
những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy
mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong
lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái
và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). Mỗi
chúng ta đều đã hơn một lần trải nghiệm điều này, là nếu trao gửi những lắng
lo cho Chúa và trông cậy tín thác nơi Người, Người sẽ nâng đỡ ủi an chúng
ta. Gánh nặng cuộc đời vì thế mà bớt đắng cay. Cuộc sống trở nên
nhẹ nhàng và lạc quan hơn.
Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa
không chỉ nhằm nhắc cho chúng ta một câu chuyện dĩ vãng xa xưa, nhưng mời gọi
chúng ta hãy sống cụ thể sứ điệp yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.
Lời Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ vào lúc cuối bữa tiệc ly cũng là lời Chúa
căn dặn mỗi người tín hữu chúng ta: “Nếu Thày là Thày và là Chúa
mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho
nhau” (Ga 13,14). Đó
chính là bài học yêu thương mà Chúa Giêsu muốn để lại cho chúng ta, để rồi mọi
thế hệ, bất cứ nơi đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi chúng ta thực thi
đức yêu thương là chúng ta làm cho người khác nhận biết
Chúa.
“Lạy
Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên
giống trái tim Chúa” (Kinh
cầu Trái Tim). Lời cầu nguyện rất đơn sơ này diễn tả mong ước cho mỗi
người tín hữu trở thành hình ảnh sống động của Chúa Giêsu giữa trần
gian. Hãy sống với nhau bằng trái tim, để làm cho cuộc sống này thấm
đượm yêu thương. Hãy phản ánh “Trái tim nhân hiền” của Chúa Giêsu qua
lời nói và việc làm hằng ngày. Một khi mang trong mình trái tim giống
trái tim của Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng kết nối yêu thương với mọi người và làm
cho yêu thương lan tỏa trong cuộc sống hôm nay.
Gm
Giuse Vũ Văn Thiên
Tháng
Thánh Tâm Chúa Giêsu 2017
|