Suy Niệm Chúa
Nhật XIII Thường Niên – Năm A
Vào một đêm mưa bão cách
đây đã nhiều năm, có một cặp vợ
chồng già bước vào gian tiền sảnh của
một khách sạn nhỏ ở thành phố Philadelphia của Mỹ và hỏi thuê phòng.
Họ ghé vào tránh bão và hy vọng có thể mướn
được căn phòng trọ qua đêm.
Tiếp
đón họ là một chàng trai có nụ cười rất
dễ mến. Chàng trai giải thích rằng trong thành
phố của họ đang có ba hội nghị lớn nên
tất cả các phòng đều đã có người thuê. Chàng
trai ngập ngừng một lát rồi nói tiếp:“Nếu
thời tiết tốt, tôi sẽ gửi hai vị
đến một khách sạn khác, nhưng làm sao tôi có
thể để một đôi vợ chồng đáng
mến như hai vị ra ngoài trong trời mưa gió như
thế này vào lúc một giờ khuya được? Hai
vị có thể ở tạm trong phòng của tôi
được không? Nó không phải là phòng sang trọng gì
cho lắm, nhưng nó cũng gọn gàng và sạch sẽ.
Vì tôi phải trực vào khoảng thời gian này nên tôi có
thể nghỉ ngơi ở đây cũng được.
Xin ông bà đừng ngại.”
Cặp
vợ chồng rất biết ơn và nhận lời
trọ lại trong căn phòng đó của anh. Chàng nhân viên
nhìn cặp vợ chồng già và mỉm cười với
họ, và họ cũng mỉm cười lại với
anh.
Nhiều
năm sau đó, khi chàng trai trẻ dường như
đã quên câu chuyện này, thì bất ngờ, anh nhận
được một lá thư kèm cặp vé máy bay. Lá
thư là từ cặp vợ chồng già. Họ nhắc
lại đêm mưa bão hôm đó với lòng biết ơn
sâu sắc cùng lời mời cậu đến thăm New
York.
Chàng trai
trẻ có đôi chút ngạc nhiên. Cả đêm đó,
cậu không ngủ được và nằm suy nghĩ
ngẩn ngơ: có lẽ ngày mai họ sẽ dẫn mình
đi thăm thành phố một vòng và dùng bữa ở
một nhà hàng sang trọng nào đó chăng? Nhưng nghĩ lại, cậu thấy mọi
thứ có vẻ hơi quá, vì chỉ là một sự giúp
đỡ nhỏ thôi, liệu có cần phải tới
mức như vậy không?
Sáng hôm sau,
cậu đáp máy bay xuống New York.
Cặp vợ chồng già có vẻ như đã đứng
đợi cậu ở đó từ lâu. Họ mỉm
cười, vẫy tay chào từ xa và đón cậu lên
một chiếc xe sang trọng. Sau khi đi qua vài con
phố, cặp vợ chồng già đưa cậu tới
góc ngã tư đại lộ Fifth Avenue, người
chồng đưa tay chỉ tòa nhà tráng lệ mới xây
ở đó – một cung điện toàn bằng đá
đỏ với những ngọn tháp cao vươn
thẳng trên nền trời xanh, rồi nói với chàng trai:
“Đây là tòa khách sạn mà tôi xây cho cậu, và tôi hy
vọng cậu có thể quản lý nó”.
“Ông không
đùa đấy chứ?” – Cậu ngỡ ngàng.
“Không.
Đây là một đề nghị hoàn toàn nghiêm túc”,
người chồng già trả lời bằng một
giọng chắc nịch với nụ cười thấp
thoáng trên môi.
Công trình
tráng lệ kia chính là khách sạn nổi tiếng Waldorf
Astoria – nơi tụ họp của tầng lớp quý
tộc lớn của New York
vào thời điểm đó. Đây cũng là nơi mà các
nhân vật cao cấp trên toàn thế giới thường xuyên
lui tới để nghỉ ngơi, đặc biệt là
các Tổng thống Mỹ khi họ đang còn tại
chức.
Người
đàn ông già trong câu chuyện này chính là William Waldorf Astor
của dòng họ Astor, một trong những gia đình giàu
có nhất ở New York
vào thế kỉ đó. Còn chàng trai tốt bụng kia chính
là George Charles Boldt – vị giám đốc đầu tiên
của khách sạn này! (Nguồn: daikynguyenvn.com).
Thái
độ đầy ắp tình người của chàng
trai tốt bụng trong câu chuyện trên đây, phần nào
giúp chúng ta hiểu sứ điệp của Lời Chúa
trong Chúa Nhật hôm nay. Ở
bài đọc I, trích sách các vua quyển thứ hai kể
lại rằng, trên con đường đi thi hành sứ
mạng, tiên tri Êlisa đi ngang qua Su-nêm và được
một phụ nữ sang trọng mời ở lại dùng
bữa tại nhà bà. Mỗi lần lưu lại đây,
tiên tri Êlisa được bà đón tiếp một cách chu
đáo. Không những thế, bà còn coi vị Tiên tri như
một Đấng Thánh đến từ Thiên Chúa và
muốn dọn cho vị Tiên tri một nơi ở
xứng đáng trong nhà của mình. Bà nói với chồng
rằng: “Tôi biết rằng
người thường trọ nhà mình là một vị
thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một
căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó
một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và
một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở
đó” (2V 4,9-10). Sự hiếu khách của bà đã làm
cho tiên tri Êlisa hết sức cảm kích. Vì thế, khi
biết vợ chồng bà đã già mà chưa có con, Êlisa
đã khẩn cầu cùng Chúa, và lời khẩn cầu
của Ngài đã được Thiên Chúa chấp nhận.
Tiên tri Êlisa nói với bà rằng: “Năm
tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng
bế một bé trai” (2V 4,16).
Cùng một
sứ điệp ấy, sau khi đòi buộc các môn
đệ và những ai muốn theo Ngài phải yêu mến
Chúa trên hết mọi sự, trên cả cha mẹ và
mạng sống của mình, bài Tin mừng hôm nay cũng
đề cập tới việc Đức Giêsu mời
gọi mỗi người chúng ta thể hiện lòng
hiếu khách bằng sự đón tiếp và giúp đỡ.
Chắc chắn, Ngài mong muốn chúng ta đón tiếp và
giúp đỡ hết mọi thành phần trong xã hội,
không phân biệt giàu nghèo sang hèn, khỏe mạnh hay ốm
đau, bạn hay thù, chủng tộc hay màu da. Tuy nhiên, trong
khuôn khổ của bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ
mời gọi chúng ta đón tiếp ba thành phần sau:
Thứ
nhất, đón tiếp các môn đệ: “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp
Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón
tiếp Ðấng đã sai Thầy.” (Mt 10,40). Chính
Đức Giêsu đã đồng hóa mình với các môn
đệ, cũng như Ngài tự đồng hóa mình
với Chúa Cha. Có lẽ cũng vì sự đồng hóa
đó mà trong thực tế chúng ta thấy, từ thời
Đức Giêsu cho đến hôm nay, các môn đệ và các
đấng kế vị Ngài đi đâu cũng
được đón tiếp một cách trân quý.
Đặc biệt, ở Việt Nam chúng ta, các Giám mục,
linh mục, tu sĩ, những người làm việc nhà
Chúa đi bất cứ nơi đâu cũng
được người giáo dân yêu mến, và đón
tiếp một cách trang trọng như là đón tiếp
chính Chúa vậy. Ở cuối đoạn Tin mừng,
Đức Giêsu còn cho biết: “Kẻ
nào cho một trong những người bé mọn này
uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh
nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói
với các con, người ấy không mất phần
thưởng đâu”(Mt 10,42). Những kẻ bé mọn
ở đây không chỉ hiểu là các môn đệ của
Chúa, mà còn là những nạn nhân của cường
quyền, bạo lực, những người đang
phải chịu cảnh đói khát, trần truồng,
bệnh tật, hay tù đày(x. Mt 25,35-36). Như vậy, giúp
đỡ kẻ bé mọn chính là giúp đỡ các môn
đệ, giúp đỡ kẻ bé mọn tức là giúp
đỡ chính Đức Giêsu.
Thứ hai,
đón tiếp các tiên tri: “Kẻ
nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên
tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri.”(Mt
10,42). Các “tiên tri” ở đây được hiểu là các
kitô hữu. Đặc biệt là các kitô hữu
được giao nhiệm vụ thi hành một tác vụ
nào đó trong Giáo hội: nhiệm vụ dạy giáo lý; nhiệm
vụ làm việc bác ái; nhiệm
vụ loan báo Tin mừng cho dân ngoại…Họ có thể
gặp khó khăn hay bị bách hại trong khi thi hành
nhiệm vụ. Họ có thể phải chạy trốn
“từ thành này qua thành khác”. Những lúc như thế,
họ cần đến sự đón tiếp và chở che
của mọi người. Vì vậy, nếu ai đón
tiếp họ, nhất là trong những lức nguy hiểm
như thế thì chắc chắn sẽ được Chúa
ghi công, được Chúa trao “phần
thưởng của tiên tri.”
Thứ ba,
đón tiếp những người công chính: Đây là thành
phần được tôn trọng trong cộng đoàn Giáo
hội. Họ là những tấm gương phản
chiếu lối sống mẫu mực: mẫu mực trong
đời sống gia đình; mẫu mực trong
đời sống cộng đoàn; mẫu mực trong
đời sống bác ái yêu thương; mẫu mực
trong đời sống đức tin... Vì vậy, họ
xứng đáng để được mọi
người đón tiếp và tôn trọng. Cho nên, Đức
Giêsu mới nói: ai đón
tiếp họ thì sẽ được đón nhận
phần thưởng của người công chính (x. Mt
10, 41).
Như
vậy, lòng hiếu khách không chỉ là một đức
tính thiết yếu, một việc bổn phận “cho khách độ nhà” mà còn
mang lại cho chúng ta những phần thưởng cao quý.
Từ mẫu gương hiếu khách của chàng trai tốt
bụng trong câu chuyện trên đây đến mẫu
gương hiếu khách của người phụ nữ
giàu sang tại Su-nêm và những giáo huấn của
Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, mỗi
người chúng ta hãy nhìn lại chính mình để xét xem:
Tôi có lòng hiếu khách không? Tôi có sẵn sàng đón tiếp
và giúp đỡ những kẻ bé mọn là hiện thân
của Chúa không? Tôi có sẵn sàng đón tiếp và giúp
đỡ những sứ giả của Chúa không?
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
biết chu toàn bổn phận “cho khách độ nhà”, biết
sống quảng đại, sẵn sàng đón tiếp và
giúp đỡ các sứ giả của Chúa, nhất là
những kẻ bé mọn. Nhưng trước hết, xin
cho chúng con có lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự.
Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
|