Sứ giả
Không có chỗ
nào sự chân thành của Chúa Giêsu được bộc
lộ thật linh động bằng ở đây. Ngài phán
với các môn đệ đúng điều họ sẽ gặp
nếu họ chấp nhận chức năng làm sứ
giả của Ngài. Tại đây Ngài đưa ra những
đòi hỏi rất cao, rất mạnh và không thể dung
hòa được, và cũng cho họ biết chẳng
những được Thiên Chúa chăm sóc nhưng cũng
được thiện cảm của loài người.
Trước
hết Chúa Giêsu cho biết cái giá phải trả khi chấp
nhận làm sứ giả:
1. Một lựa
chọn quyết liệt:
khi một chính
nghĩa xuất hiện, hậu quả tất nhiên là chia
rẽ giữa con người, những kẻ đáp
ứng và những kẻ chối từ chính nghĩa đó.
Đối diện với Chúa Giêsu là phải đối
diện với một chọn lựa, hoặc tiếp
nhận hoặc chối bỏ Ngài. Thế gian bị chia
đôi bởi những người thừa nhận Chúa
Giêsu và những người không chấp nhận Ngài.
Điều chua chát nhất trong cuộc chọn lựa này
là kẻ phải loại bỏ lại chính là người
thân. Có thể một người vì quá yêu gia đình
đến nỗi không dám dấn thân phục vụ và hi
sinh. Không dám theo Chúa vì không dám xa gia đình hoặc e ngại
nguy hiểm.
Một
người có thể đã từ chối phục vụ
trong một sứ mạng nào đó vì người đó
để tình cảm riêng làm tê liệt. Con người ít
khi phải đối diện với sự lựa
chọn này, có người suốt đời không hề
gặp, nhưng sự thật vẫn là: những
người thân yêu có thể trở thành kẻ cám dỗ
nếu những lo nghĩ về họ có thể ngăn
cản chúng ta làm theo điều Chúa muốn.
2. Chúa Giêsu hứa ban
thập giá:
Người dân
Galilê hiểu rất rõ thập giá. Khi tướng La mã Varus
dẹp tan cuộc phản loạn của Giuđa ở
Galilê, ông đóng đinh 2000 người Do thái vào thập
giá trồng dọc hai bên đường cái xứ Galilê .
Thời đó phạm nhân phải vác thập giá của mình
đến chỗ hành hình. Những kẻ nghe Chúa nói đã
từng thấy kẻ tử tội loạng choạng
dưới sức nặng của cây gỗ và chết trong
đau đớn cực độ. Những vĩ nhân
của đức tin biết rõ điều họ đang
làm. Khi một vị tử đạo bị dẫn
đến trước quan tòa, ngài nói với quan tòa:
"Thưa quan, luật pháp của Chúa chúng tôi đã dự
bị hai cách tuân thủ: một là làm cách tích cực
điều lương tâm tôi tin rằng buộc mình
phải làm; hai là nơi nào mà tôi không thể tích cực vâng
phục lương tâm tôi được, thì tôi sẵn lòng
nằm xuống để chịu mọi đau khổ
người ta đem tới cho tôi."
Kitô hữu có
thể phải hy sinh những tham vọng riêng, sự
thoải mái và tiện nghi mình được hưởng,
hi sinh công trình mình đã thành đạt, cũng có thể
dẹp bỏ mơ ước, phải biết rằng
những cái huy hoàng mình thoáng thấy không phải là
để cho mình. Sẽ phải hy sinh ý muốn mình, vì không
có kitô hữu nào có thể làm điều mình muốn mà
phải làm điều Chúa muốn. Trong Kitô giáo bao giờ
cũng có thập giá vì Kitô giáo là Đạo thập giá.
3. Ngài ban cho một
cuộc phiêu lưu:
Chúa bảo
họ:"Ai giữ mạng sống thì mất, còn ai
đành mất mạng sống vì Ngài sẽ giữ lại
được". Nhiều lần điều đó
đã được chứng minh cụ thể. Một
điều luôn luôn đúng là nhiều người có
thể cứu mạng sống mình cách dễ dàng, nhưng
cứu được rồi thì lại mất, vì
chẳng còn nghe ai nói đến nữa.
Epicteus nói
về Socrates: "Bởi chịu chết mà ông
được sống, vì ông không chạy trốn".
Socrates có thể cứu mạng sống mình cách dễ dàng,
nhưng làm thế con người Socrates rồi cũng
sẽ chết và sẽ chẳng còn ai nghe thấy tên ông
nữa.
Trong đời
sống kitô hữu không có chỗ nào cho chính sách thủ thân.
Người nào dành ưu tiên đi tìm sự thoải mái,
yên ổn cùng sự thỏa mãn những khát vọng riêng,
người đó có thể được tất cả
những điều này, nhưng sẽ không bao giờ
hạnh phúc, vì bạn đã được sai đến
trần gian để phục vụ Chúa và anh chị em
mình. Người ta có thể ôm giữ sự sống mình
nếu muốn, nhưng bạn sẽ mất tất
cả những gì làm cho cuộc đời đáng sống
và có giá trị cho người khác. Con đường
phục vụ Chúa và tha nhân, con đường làm trọn
mục đích Chúa cho chúng ta, con đường dẫn
đến chân phúc là dấn thân, sử dụng cuộc
đời mình cách không ích kỷ, vì chỉ như thế
mới tìm được sự sống trong đời này
và cả trong cõi vĩnh cửu “chính lúc chết đi là khi
vui sống muôn đời”.
Người
sứ giả đích thực được Thiên Chúa ân
cần săn sóc và sẽ được dân chúng tôn
trọng. Khi Chúa Giêsu phán những lời này thì Người
cũng dùng lối nói thông thường của người
Do thái. Bao giờ họ cũng cảm thấy đón
tiếp sứ giả của ai là tiếp nhận chính
người đó. Tỏ lòng tôn kính sứ giả là tôn kính
nhà vua đã sai người đến. Hoan nghênh
người đại diện bạn cũng chính là hoan
nghênh chính bạn mình. Người Do thái bao giờ cũng
cảm thấy tôn trọng người đại diện
là tôn trọng chính người đã ủy thác.
Điều này áp dụng cho những nhà thông thái, những
người dạy chân lý của Thiên Chúa . Các rabi
thường nói:"Kẻ nào tiếp đãi người
khôn ngoan không khác gì đem trái đầu mùa dâng cho Thiên Chúa .
Kẻ nào chào hỏi người học thức chẳng
khác gì chào mừng Chúa". Nếu ta tiếp một
người thật thuộc về Chúa tức là tiếp
nhận Đấng đã sai người ấy.
Lời Chúa
đây trình bày bốn mắc xích trong sợi dây cứu
chuộc:
- Thiên Chúa yêu
thương, từ đó khởi sự toàn thể
tiến trình cứu chuộc.
- Chúa Giêsu
đem sứ điệp yêu thương đến với
loài người.
- Loài
người làm sứ giả, các tiên tri rao giảng, các
người tốt làm gương, các môn đệ học
hỏi và truyền lại cho người khác Phúc Âm mà chính
họ đã nhận.
- Người
tiếp nhận sứ giả và sứ điệp của
Thiên Chúa nhờ đó tìm được sự sống cho
linh hồn mình.
Trong
đoạn Lời Chúa này có một điều thật
đẹp, thích hợp cho những tâm hồn đơn
sơ khiêm cung.
a) Chúng ta không
thể đều là tiên tri, giảng và rao truyền lời
của Thiên Chúa, nhưng người nào tiếp đãi
sứ giả của Chúa sẽ nhận phần
thưởng không kém chính vị sứ giả đó. Có
nhiều người đã từng làm nhân vật
đối với công chúng, có nhiều người với
tiếng nói có thể nhen lửa trong lòng hàng vạn con
người, có những người đã từng mang
một gánh nặng vô cùng lớn lao về trách nhiệm và
sự phục vụ công chúng; tất cả những
người đó đều vui mừng làm chứng
rằng họ không bao giờ duy trì được nỗ
lực và yêu cầu của công tác nếu không có tình
thương và sự chăm sóc, thiện cảm và tâm tình
phục vụ của những người ẩn tích
ở nhà. Khi đó sự cao trọng thật trước
mặt Chúa người ta sẽ rất thường
thấy một người chuyển động thế
gian mạnh mẽ hơn cả lại hoàn toàn tùy thuộc
vào một người khác, một người ẩn danh
không ai biết đến. Các tiên tri cũng phải có
bữa ăn, phải có áo quần, tiên tri cũng có một
gia đình. Mong những ai thường làm những công tác
dẫu dễ bị quên ơn như dọn dẹp nhà
cửa, nấu ăn, giặt quần áo, coi
em...đừng bao giờ suy nghĩ đó là những công
việc chán ngắt và buồn tẻ mà là công tác cao
trọng nhất của Chúa: và chắc sẽ
được lãnh phần thưởng của tiên tri
hơn là những người chỉ lo hội họp
bỏ bê gia đình.
b) Tất
cả chúng ta không thể đều là những gương
sáng về việc lành, cũng không thể tất cả
đều được cả thế giới biết là
công chính, nhưng ai có thể giúp một người
trở nên tốt sẽ nhận được phần
thưởng của người tốt. G.H. Gee kể
một câu truyện khá hay. Một cậu bé trong làng kia, sau
nhiều gian nan, đã đạt đến chức
mục sư. Người đã giúp cậu trong những
ngày còn đi học là người thợ sửa giày trong
làng. Ông này như nhiều đồng nghiệp khác, là
người đọc nhiều, thấy xa và đã giúp
cậu bé rất nhiều. Rồi đến ngày cậu
được phép giảng dạy, ông thợ giày nói:
"Mơ ước của tôi là được làm người
rao giảng Phúc Âm, nhưng hoàn cảnh đời tôi không
cho phép. Còn anh, anh đã đạt được
điều mà tôi không thể đạt được. Tôi
muốn anh hứa rằng sẽ để tôi đóng và
sửa giày miễn phí cho anh. Tôi cũng muốn anh mang giày
tôi đóng mỗi khi lên tòa giảng, như vậy tôi
sẽ cảm thấy rằng anh đang đứng trên
giày của tôi để giảng một Phúc Âm mà tôi mong
muốn rao giảng". Bằng cách đó, người
thợ giày đang phụng sự Chúa y như người
truyền đạo và phần thưởng sau này của
người thợ giày cũng y như vậy.
c) Không phải
tất cả chúng ta đều dạy trẻ
được, nhưng mỗi người đều có
thể phục vụ trẻ. Có lẽ chúng ta không biết
phương pháp dạy, nhưng buộc phải làm
những nghĩa vụ đơn sơ mà nếu thiếu
trẻ không sống được. Có lẽ trong
đoạn này có ý không nói nhiều đến trẻ con
về phương diện tuổi tác, nhưng nói về
phương diện đức tin. Rất có thể các rabi
thường gọi các môn sinh là bầy nhỏ. Có thể
về phương diện kỹ thuật và văn hóa chúng
không biết dạy, nhưng vẫn có thể dạy
bằng đời sống và gương sáng mà một
người đơn sơ nhất cũng có thể làm
được.
Vẻ cao
đẹp của giáo huấn này là nhấn mạnh
đến sự vật đơn giản. Chúa và Hội
Thánh bao giờ cũng cần đến những
người hùng biện, những gương sáng của
cuộc đời thánh thiện, các giáo sư lớn,
những người mà tên tuổi thường
được nhắc đến, nhưng Chúa và Hội
Thánh cũng cần đến những người có
một gia đình hiếu khách, những bàn tay săn sóc
việc nhà, có tấm lòng quan tâm chăm sóc do tình yêu kitô
hữu: "Tất cả mọi phục vụ
đều bằng nhau trước mặt Thiên Chúa "
(Browning) "hãy cám ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó ,
nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên
nhẫn đứng trong đêm"(Tago).
|