Lễ Mình
Máu Thánh Chúa Kitô
(Suy niệm
của Lm. Phêrô Nguyễn Xuân Hòa)
Sau đây là tâm trạng của hai
hoàn cảnh khác nhau, một của vị linh mục và
một của giáo dân, để giúp chúng ta thấy sự
khao khát và sự biến đổi từ Nhiệm tích Thánh
Thể:
- Có một thương gia Công giáo
người Đức đã đến đảo Green
Land, miền Bắc cực vào thời đạo Công giáo
còn bị cấm hoạt động ở đây. Vì công việc làm ăn, ông phải ở lại
đảo suốt mùa Giáng Sinh. Được
biết ông là người Công giáo, một gia đình ở
đó, đã mời ông đến nhà để cầu
nguyện cùng với họ trong đêm Giáng Sinh. Trong
đêm tối lạnh buốt, họ quây quần quanh
một chiếc bàn nhỏ và cùng nhau cầu nguyện.
Sau lời chào chúc, họ
đọc, nghe Kinh Thánh và một vài lời nguyện, ông
lão kéo ngăn bàn và lấy ra một hộp nhỏ. Trong
hộp, có một khăn Thánh đã vàng úa theo
thời gian. Vừa nâng chiếc khăn Thánh lên, ông lão
vừa run run, vừa bày tỏ: “Cách đây 50 năm, Thánh
Lễ Giáng Sinh cuối cùng trên mảnh đất này đã
được dâng trên chiếc khăn Thánh mà tôi đang
cầm. Lúc đó, tôi là một chú giúp lễ và chiếc
khăn này là vật duy nhất còn lại khi ngôi Thánh
Đường bị thiêu rụi. Mình Máu
Thánh Chúa Giêsu đã ngự trên chiếc khăn này”. Sau
khi nghe những lời ấy, tất cả mọi người
quì gối và cầu nguyện trong tiếng nghẹn ngào:
“Lạy Chúa, xin cho chúng con được tự do. Xin
gởi các Linh mục đến để chúng con
được phúc có lễ Chúa Giáng Sinh, để chúng con
được dự phần vào Mình Máu Chúa." Mọi
người lúc đó, chẳng một ai cầm
được nước mắt. Đôi
mắt của người thương gia Đức
đã rơi lệ chẳng biết từ lúc nào. Lòng
ông cảm động, bùi ngùi với tràn đầy
ước muốn, tha thiết được rước
Thánh Thể. Một sự khao khát mà trước đây ông
chưa hề có, cho dù ông vẫn đến Nhà Thờ
dự lễ mỗi ngày.
- Và đây là trang nhật ký
của một Linh mục:“… Đức Giêsu
và Hội Thánh bấy giờ xuất hiện với tôi
như một cái gì thật khô cứng, sự khô cứng
của những khái niệm Thần học, những
bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu
thiết tha tung cánh… Rồi chẳng biết từ đâu,
triết đông và Phật giáo len lỏi vào tâm hồn tôi,
phất phơ nhẹ nhàng nhưng nó lại có sức
giật tung những gì mòn mỏi trong
lòng tôi. Tôi nằng nặc đòi nhà dòng cho tôi
được ra ở một mình trên núi, sống với
nắng, với gió mưa, với đói khát, và với cả
sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi để tâm
suy, trí niệm thì vấn đề Đức Giêsu lại
vang lên, đeo bám mãi. Sau một năm, tôi hết phép.
Với thân tàn ma dại, tôi thua cuộc, lại mò về nhà
dòng hoàn toàn tay trắng! Nhưng
Chúa Giê- su cứ đeo bám tôi mãi. Một năm
trời nổi loạn, thất bại đã trôi qua và
kể như trắng tay, tôi
được bề trên gọi làm… Linh
mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối
bời, tan nát, tôi vào ngồi bất động trong Nhà
Nguyện trầm lặng nhưng lòng như bị đay
nghiến, như một mất mát đòi tôi đền bù.
Trước khi làm Linh mục vài
hôm, một đêm tôi thử tiến lên đứng sát Nhà
Chầu. Có cái gì đó hơn là một cảm giác, hơn là
một sự rung động, phủ chụp lấy toàn
bộ cuộc đời và con người tôi. Ngay từ
giây phút đó, tôi hiểu rằng, cho dù có là hòn đá, hòn
sỏi, dù tôi có là con người bê bết lấm bùn, thân
tàn ma dại, dù đã làm hỏng cuộc đời, thì
Đức Giêsu vẫn gọi và chọn tôi. Việc đó
làm cho tâm hồn tôi bừng sáng lên huy hoàng. Và tôi gọi Ngài
là Chúa, Cứu Chúa cuộc đời của tôi…"
Thưa
Cộng đoàn.
Có
thể phần đông chúng ta hoặc chính mình, có khi nào
cảm giác trống vắng phải xa lâu Thánh Thể mà có
sự khao khát là lùng như thế? Hơn nữa, vì quá
quen thuộc, chúng ta chẳng lưu tâm nhiều, thậm
chí, còn cảm thấy nhàm chán hoặc làm cho xong, chiếu
lệ.
- Đọc
lại trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ biết rõ hơn sự
sống của Thiên Chúa đã trao cho nhân loại và ngay
cả Con Thiên Chúa cũng không chối từ:
Đối
với những người đã đi theo Chúa vào sa
mạc, và những người đang đói khát, Thiên Chúa
đã ban cho họ bánh ăn hằng ngày, nhờ đó,
đã làm thỏa mãn được cơn đói thể lý
của họ. Còn với người phong cùi, thân thể
đang bị héo tàn, Đức Giêsu đã ban tấm bánh có
ý nghĩa là chữa lành bệnh tật. Đối với
người phụ nữ đang ở tại giếng
Gia-cóp, người đã ban cho bà tấm bánh của lòng
tử tế, và do đó, đã làm thỏa mãn lòng khao khát
được chấp thuận. Đối với
những người tội lỗi, Người đã ban
cho họ tấm bánh của ơn tha thứ, do đó,
đã làm thỏa mãn lòng khao khát được cứu độ.
Đối với những người bị khước
từ và ruồng bỏ, bằng cách hòa hợp với
họ, cùng ăn uống với họ,
Người đã ban cho họ tấm bánh của tình thân
hữu. Do đó, Người đã làm thỏa mãn lòng khao
khát được thấy mình có giá trị. Người
góa phụ thành Na-im đã chôn cất đứa con trai duy
nhất, kể cả chị em Mát-ta và Maria khóc
thương em trai La-da-rô vừa mới chết,
Người đã ban cho họ tấm bánh của lòng thương
xót và chứng tỏ cho họ biết, ngay cả trong
sự chết, con người vẫn có thể
được Thiên Chúa cứu giúp. Đối với
Gia-kêu, một tên thu thuế giàu có, đã
chiếm lấy bánh từ bàn ăn của người
nghèo, Người đã đánh thức nơi anh ta một
niềm khao khát của một đời sống ý nghĩa
hơn, đã hướng dẫn anh biết chia sẻ cho
người nghèo, một cách làm giàu của niềm tin.
Với kẻ trộm bên cạnh mình, Người đã ban
cho anh tấm bánh của yêu thương, tha thứ, giúp anh
giải thoát khỏi bối rối và tạo nên sự bình an trong tâm hồn…
Đức Giêsu
đã chia sẻ chính sự sống của Người cho
con người qua nhiều cách khác nhau và dưới
nhiều hình thức phong phú, trước khi ban cho con
người bản thân mình như là thức ăn
và nước uống trong bữa Tiệc Ly để
gọi mời con người đón rước.
Trong Thánh
Thể, mỗi người được nuôi
dưỡng tư tưởng, tâm hồn và ý chí của mình.
Trong đó, mỗi người cảm
nhận sự hiện diện kéo dài của Chúa Ki-tô
với chính mình. Người không hiện diện
với tư cách như một ký ức, mơ hồ
của một con người đã sống trong quá
khứ, nhưng là một sự hiện diện hiện
tại để ban sự sống biến đổi con
người của ta.
Chúa
Giêsu không chỉ dâng Thánh Lễ trong Nhà Thờ, mà
Người còn dâng Thánh Lễ cả cuộc đời. Người không
dâng một lễ vật nào, nhưng là dâng chính bản thân
mình. Người không chỉ bẻ
một tấm bánh mà còn bẻ chính thân mình để ban cho
muôn người. Việc Chúa Giêsu làm,
khiến chúng ta phải nghĩ suy? Hơn nữa,
nếu thiếu việc cử hành ngoài Nhà Thờ, ngoài
cuộc đời thì những nghi lễ trong Nhà Thờ
sẽ trở thành một mớ công thức và dễ dàng xa
rời thực tế.
Xin Chúa Thánh Thể ban cho chúng con
thêm niềm tin vững vàng, một niềm yêu mến Thánh
Thể để mỗi người chúng con có đủ
can đảm chịu được theo gương Chúa,
biết khiêm tốn sống yêu thương, hiến mình cho
Chúa và phục vụ vui tươi cho anh chị em.
|