Dấu
Thánh nhiệm mầu.
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn
Hữu An)
Ca khúc “Làm Dấu” với giai
điệu nhẹ nhàng mang tâm tình cầu nguyện, lời
ca tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa mỗi khi làm
dấu thánh giá. Có lẽ nhiều người thuộc lòng
và ngân nga bài ca này hàng ngày.
1. Con
đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng.
Con đưa tay xuống ngực chúc
tụng Chúa Con tình yêu.
Đưa tay sang trái phải, vinh danh
Chúa Thánh Thần nguồn ơn thánh thiên hồng phúc
đời con.
Mỗi lần làm dấu thánh xin
ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu
nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con, xin cho con
giống Ngài trong lời nói việc làm, ước mong
đời con nên dấu chỉ yêu thương của Ngài
giữa đời.
ĐK:
Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời,
khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu
thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu nhắc nhở
con luôn hướng lòng lên Chúa.
Con
làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời,
khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu
thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu Chúa mãi ở trong
con con ở trong Chúa.
2. Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi
thờ ơ.
Bao phen con ngại ngần lúc làm
dấu tuyên xưng niềm tin.
Đã có lúc yếu hèn, không làm dấu
giữa đời, Ngài ơi giúp con bừng cháy niềm
tin.
Giữa hiểm nguy khốn khó con làm
dấu xin ơn bình an, trong an vui ngập tràn con làm dấu
hân hoan tạ ơn. Khi cô đơn thất vọng, khi
mệt mỏi chán chường, Chúa ơi ở bên con nhé vì
con đây luôn cần tới Ngài.
Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên
xưng đức tin, tôn vinh Chúa Ba Ngôi của người
Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những
người môn đệ của Chúa Giêsu và những
người theo đạo khác.
Mùa Phục Sinh kết thúc với
đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo
hội nhìn lại chương trình cứu độ
được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử
nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu
độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì
thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa
Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống,
luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm
về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Giáo Hội là công trình của tình yêu
Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo
Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo
Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa
mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước.
(Thư Chung 2011, Số 19).
Giáo hội được Chúa Cha
tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động
của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội
phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa
Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi
thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm
Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ
Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để
tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa,
tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây
dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội
như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông
giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ
của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại
(x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng
đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba
Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần
lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.
1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm
trung tâm của đức tin Kitô giáo.
Đây là một mầu nhiệm thâm
sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay
cả óc tưởng tượng của con người,
cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung
được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là
một vấn đề, càng không phải là một vấn
đề toán học. Mầu nhiệm không phải là
vấn đề hay bài toán: 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài
toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không
phải là những con số. Không thể làm trò ảo
thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình
tam giác mà ví von được.
Vậy ai đã cho chúng ta biết
mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không
dạy bảo thì loài người không thể nào biết
được. Cho tới trước khi Chúa Kitô
đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân
Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về
mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới
một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ
vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai
giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài
đã từng bước vén lên bức màn của mầu
nhiệm Ba Ngôi.
Ngài cho biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn
Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài
ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính
với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là
một Thiên Chúa.
Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh
Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là
Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy
nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không
phải là ba Chúa.
2. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm
Tình Yêu.
Tại sao Chúa Giêsu lại mạc
khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như
thế? Chắc chắn không phải là để thử
thách thiện chí của con người, hoặc để
xây lên bức tường chặn đứng suy luận và
óc tưởng tượng của con người. Nhưng
vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống
nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là
Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.
Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu
thương con người. Đó là một công thức
khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu
thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người
giống hình ảnh Chúa, ban cho con người
được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con
người đã phạm tội phản nghịch đánh
mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con
người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu
dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con
người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha
đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu
thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa
Thánh Thần đến để tiếp tục công
việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa
Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục
được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi
về sau nữa.
Vì thế, khi mừng kính mầu
nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc
nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này,
nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu
nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp
nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa
đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu
thương của người Kitô hữu cũng vậy,
phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu
thương là cách diễn tả đúng và đầy
đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm
con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc
sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp
nhất.
3. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm
gần gũi nhất trong đời sống đạo.
Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao
cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã
nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy
Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời
sống con người.
Chúng ta có thấy tình yêu không, và
thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn
thấy qua những hành vi yêu thương.
- Yêu thương là ban tặng: khi yêu
người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu
thương sâu đậm là cho đi điều quý báu
nhất cho người mình yêu, như trường hợp
của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi
đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3, 16). Hay chính
trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình
thương nào lớn hơn tình thương của
người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,
13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến
chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến
bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái
lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu
thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.
- Yêu thương là chia sẻ: yêu
nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau
hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất
cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất
cả, từ của cải vật chất đến gia
sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà
cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ
của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng
thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống
thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất
làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự
sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ
cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời
mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.
- Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón
nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu,
đón nhận tất cả, đón nhận chính bản
thân của người yêu. Người được yêu
có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu.
Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta
sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón
nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón
nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn,
lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính
bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà
đồng bản thể với Chúa Cha.
- Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng
yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là
một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức
độ cao nhất thì trở nên một: một
xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu
vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình
của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn
là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó
với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và
chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn
suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con
người (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).
Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm
Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là
điều vượt quá trí hiểu của loài
người. Tuy không thể hiểu thấu mầu
nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy
được biểu hiện của mầu nhiệm
Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.
Chúng ta được tạo dựng
nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu.
Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi
biết yêu thương. Chúng ta chỉ được
hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa.
Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc
méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.
Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn
mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất
với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho
đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái.
Để thực hiện những điều ấy, ta
phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ
của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng,
hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình
như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi
hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ
được kết hiệp với tình yêu của Thiên
Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là
đích điểm của đời chúng ta.
Trước khi dùng cơm, phần
lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và
đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc
kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt
đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có
những người có thói quen tốt là trước khi làm
bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh
giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta
thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế
làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới
đối phương, hoặc trước khi đá
phạt đền.
Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng
Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất,
muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng
ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ
trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ
Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên
xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự
sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra,
Người được phụng thờ và tôn vinh cùng
với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm
chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải
trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần đối với nhân loại.
Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng
đức tin vắn tắt nhất của người
Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những
người môn đệ của Chúa Giêsu và những
người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con
và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã
nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là
ba điều khoản lớn của đức tin công
giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa
Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con,
điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần
và Hội thánh.
Dấu Thánh Gía là một công thức
ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy
đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa
Ba Ngôi.
Như vậy cách thực tế và
đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là
chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức,
với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.
Lạy
Chúa, khi làm dấu Thánh Giá, xin cho con biết khắc ghi tình
yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm
mầu, dấu ấn tình yêu, Chúa mãi ở trong con, con ở
trong Chúa. Amen.
|