Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
(Giảng
lễ thiếu nhi – Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt CSsR)
Hôm
nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội long trọng
mừng lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng Chúa Ba Ngôi là sao? Ai có
thể trả lời được?... Là Một Thiên Chúa
có Ba Ngôi, Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ
ba là Thánh Thần. "Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế
ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, và Chúa Cha và
Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy." (GLCG
số 253). Vì sao có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà không
phải là ba Thiên Chúa nhưng chỉ một Thiên Chúa?
Phải giải thích thế nào đây, có bạn nào giúp cha
không?...
Tèo và Tí là đôi
bạn thân học chung lớp tại trường
Nguyễn Trường Tộ. Tí là người Công Giáo, còn
nhà Tèo thờ Phật. Có lần Tèo đến chơi ngay
lúc Tí đang học bài giáo lý "Chúa Ba Ngôi", chuẩn
bị cho cuộc thi "Em hiểu Lời Chúa" do cha
xứ tổ chức trong trại hè năm ấy. Tèo
vừa nghe liền thắc mắc hỏi Tí: "Làm sao mà
một có ba, mà ba lại chỉ có một được
hả Tí?" Nếu có bạn nào đó hỏi chúng con
về mầu nhiện Chúa Ba Ngôi như Tèo hỏi Tí, chúng
con có trả lời được không?... Tí trả
lời với Tèo là "được". Tí nói:
"Cũng như một tam giác đều có ba cạnh
bằng nhau nhưng chỉ có một tam giác thôi. Hay bạn
xem ngón tay của mình nè. Một ngón có ba đốt, ba
đốt nhưng chỉ có một ngón tay thôi." Tí trả
lời như thế tốt lắm nhưng không cho
biết gì về ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa
Ba Ngôi, mầu nhiệm trọng tâm của đức tin
Kitô giáo.
Có
truyền thuyết kể rằng thánh Augustinô, một
vị thánh lớn của Giáo Hội, sống vào thế
kỷ thứ tư. Ngài rất thông thái, đã viết
nhiều cuốn sách về Đạo, đặc biệt
là cuốn "Tự Thuật". Ngài đã cố
gắng suy nghĩ để tìm cách giải thích tại sao
một Thiên Chúa có Ba Ngôi, mà Ba Ngôi lại chỉ có một
Thiên Chúa chứ không phải là ba Thiên Chúa. Một hôm, ngài đi dạo trên bờ biển
đẹp. Ngài thấy một em nhỏ đào cái lỗ
trên bãi cát dài bị những cơn sóng xô lên đập
xuống phẳng lì một màu trắng ngà rất xinh. Em
cầm chiếc vỏ sò liên tục múc nước biển
đổ vào lổ. Nước thấm nhanh xuống cát
chẳng để lại dấu vết gì. Em bé cứ mãi
miết làm chẳng để ý chung quanh. Có cái gì đó thúc
đẩy, thánh Augustino bước tới hỏi em bé: “Con
đang làm gì vậy?” Em bé ngước mặt lên nhìn thánh
Augustino và nói: “Con có thể múc hết nước biển
đổ vào cái lỗ này, còn ngài, ngài không thể hiểu
hết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi." Thánh
Augustinô sững sờ! Tại sao một em thiếu nhi
lại biết được mình đang nghĩ gì?
Đến khi thánh nhân bình tĩnh trở lại thì không còn
thấy em bé nữa, và người ta coi đó như là
thiên thần đến nhắc nhở thánh Augustino về
sự siêu vời vượt quá trí tuệ con người
của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tìm
cách giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có cái hay, là
qua đó cho thấy, niềm tin vào Mầu nhiệm không mù
quáng; xét về phương diện lý trí, cuộc sống
có rất nhiều hình ảnh cho chúng ta hiểu
được phần nào. Tuy nhiên, điều quan
trọng không phải là tìm cách giải thích: “Một mà Ba, Ba
mà Một”, nhưng là lắng nghe Lời Chúa để
biết Thiên Chúa Ba Ngôi đối với chúng ta thế nào.
Các
con có nhớ bài đọc thứ nhất trích từ sách gì
không?... "Sách Xuất Hành." Đúng rồi. Con giỏi
lắm! Tác giả sách thánh kể, có một hôm, ông Mô-sê
thức dậy lên núi Xinai theo lệnh của Đức
Chúa. Chúa hiện ra với ông. Chúa nói gì?... Chúa giới
thiệu về Chúa, Chúa đi qua trước mặt ông Môsê
và nói to: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân
hậu, từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.”
Còn
bài đọc hai trích từ sách nào?... "Từ thứ hai
của thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu
Côrintô". Con giỏi!... Trong đó, thánh Phaolô nói cho chúng ta
biết như thế này: “Thiên Chúa là nguồn yêu
thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.” Khi gần
kết thúc bài đọc, chúng ta nghe thánh Phaolô nói thêm:
“Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn
ân sủng của Chúa Kitô, đầy tình thương của
Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần."
Nếu trong bài đọc một, chúng ta chỉ
được biết về Đức Chúa là Thiên Chúa
"nhân hậu, từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và
thành tín” thì trong bài đọc hai, chúng ta được
thấy một cách rõ ràng về Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha là
nguồn tình thương và bình an, Chúa Giêsu là nguồn ân
sủng tức là nguồn ơn cứu độ vô
tận ban cho con người, Chúa Thánh Thần là ơn
hiệp thông có nghĩa là nối kết chúng ta lại
với nhau và với Chúa. Như thế, mỗi Ngôi mỗi
cách nhưng đều chung một điểm là yêu
thương ta. Do đó, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa
nghe công bố, thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Thiên Chúa
yêu....” Ai nhớ đọc tiếp giúp cha?... “Thiên Chúa yêu
thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết nhưng được sống muôn
đời."
Như
vậy, cả 3 bài đọc trong Thánh lễ hôm nay
đều nói cho chúng ta biết: Chúa Cha thương chúng ta,
Chúa Con tức là Chúa Giêsu thương chúng ta và Chúa Thánh
Thần thương chúng ta, Ba Ngôi Thiên Chúa cùng thương
chúng ta. Nhưng cha hỏi thật các con nhé: các con có
thấy Chúa thương mình không? Con thấy Chúa
thương con thế nào?... Cha thấy Chúa thương
cha, vì hồi đó cha thích đi tu mà cha cứ sợ cha tu
không được. Vậy là cha cầu nguyện, cha
đi, cuối cùng cha tu được. Chúa nhậm lời
cha nên cha thấy Chúa thương cha. Hay như bạn
Thảo chia sẻ, bạn ấy thấy Chúa thương
bạn vì nhờ ơn của Chúa mà kỳ thi vừa
rồi bạn được điểm cao. Bạn
Tuấn thì cảm nhận Chúa thương gia đình mình
khi mẹ được ơn Chúa thoát qua cơn bệnh
hiểm nghèo. Tất cả những cảm nhận đó
rất quí, nhưng thấy Chúa thương mình khi mình
được ơn là bình thường. Độc đáo
hơn làthế này: cách đây không lâu cha vào bệnh viện
thăm một bệnh nhân. Người ấy kể cho cha
nghe cơn đau của bệnh ung thư khủng
khiếp như thế nào, đến độ cha nghe
cũng cảm thấy sợ! Nhưng có điều
rất lạ; người ấy vừa kể mà cứ
nói cám ơn Chúa, Chúa thương cho mình sức chịu
đựng. Cha khâm phục một đức tin như
thế!... Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là ơn quí
nhất mà Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta.
Ơn
quí nhất, tình thương lớn nhất mà Chúa Ba Ngôi dành
cho chúng ta là gì các con biết không?... Là Ba Ngôi Thiên Chúa bao
bộc cuộc sống của ta. Con người khi
mới sinh bé xíu, rồi lớn lên thành người
lớn, thêm tuổi nữa thì già và cuối cùng là chết.
Chết là hết phải không chúng con?... Không! Chết là
về với Chúa. Vậy cuộc đời của
người Kitô hữu là con đường về nhà Cha
trên Trời. Nói một cách chính xác thì mỗi ngày trong
cuộc sống Chúa Giêsu dẫn ta về, Chúa Cha đang
đứng đợi, Chúa Thánh Thần ban sức
để ta đi. Đây chính là ơn quí nhất Thiên Chúa
ban cho chúng ta, và đây cũng chính là ý nghĩa của
mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống chúng
ta.
Quí
ÔBACE, và các em thiếu nhi thân mến. Tạ ơn Chúa đã
mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Ba
Ngôi, một khi hiểu về ý nghĩa của Mầu
Nhiệm dựa trên Lời Chúa thì thái độ sống
của chúng ta cần thiết thế này: Vì Chúa Cha đang
đợi nên em luôn cầu nguyện. Vì Chúa Giêsu dẫn
đường nên phải theo Ngài sát, đừng làm gì khác
với Ngài. Vì Chúa Thánh Thần ban sức nên em luôn xin Ngài
sức mạnh để thực hiện lời Chúa Giêsu.
Amen.
|