Suy
Niệm Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm A
Thiên Chúa Ba Ngôi là một tín
điều và là một trong những mầu nhiệm chính
trong đạo Công giáo. Là mầu nhiệm nên chúng ta không
thể thấu hiểu được. Là tín điều
nên buộc mỗi người kitô hữu phải tin. Không
hiểu nhưng chúng ta tin vì đã được Đức
Giêsu mạc khải và được Giáo hội
định tín. Để thêm sự xác tín và sống
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi xin được gợi ý
chia sẻ một số điểm sau đây.
Trong cuộc sống hằng
ngày, có những điều chúng ta không thể thấu
hiểu hết nhưng chúng ta vẫn tin. Chẳng
hạn, cơm cá chúng ta ăn vào làm sao lại trở nên
xương thịt ta? Cùng một chất đất mà cây
cối hấp thụ lấy thì làm ra sản phẩm khác
nhau: cây lúa làm ra gạo, cây lạc làm ra dầu, cây mía làm ra
đường...mỡ bỏ vào nồi rán lên thì chảy
ra nước, trứng bỏ vào thì đông lại...Chúng ta
không thấu hiểu hết vì trí khôn chúng ta có hạn,
nhưng chúng ta tin vì những điều đó là có
thật. Những vấn đề này thường gọi
là những mầu nhiệm tự nhiên.
Trong đời
sống đức tin, ngoài ba mầu nhiệm chính (Một
Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai xuống thế làm người, Ngôi Hai
chuộc tội cho nhân loại), còn có vô số các mầu
nhiệm khác, đặc biệt những mầu nhiệm
liên quan đến cuộc đời của Đức
Giêsu, đó gọi là những mầu nhiệm siêu nhiên. Sách
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho biết, cả cuộc
đời của Đức Giêsu là một mầu
nhiệm (x. số 512-570): Mầu nhiệm Giáng sinh;
những mầu nhiệm của tuổi thơ ấu
như sự cắt bì, lễ Hiển linh, sự dâng Chúa
Giêsu trong đền thờ, sự trốn sang Ai-cập;
những mầu nhiệm của đời sống ẩn
dật như sự vâng phục của Chúa Giêsu đối
với Đức Maria và Thánh Giuse, sự kiện tìm
lại được Chúa Giêsu trong đền thờ;
những mầu nhiệm liên quan đến cuộc
đời công khai như việc Đức Giêsu chịu
phép rửa, Ngài bị cám dỗ, sự biến hình;
những mầu nhiệm liên quan đến sự chết
và sống lại, lên trời...
Ngoài ra, các Bí tích
cũng là những mầu nhiệm. Chúng ta thường
gọi là các Bí tích hay các Nhiệm tích. Bởi vì, Bí tích hay
Nhiệm tích là dấu chỉ bề ngoài Chúa Giêsu đã
lập để ban ơn bề trong. Chúng ta chỉ có
thể chấp nhận được các Bí tích nhờ
đức tin mà thôi. Cho nên, trong thánh lễ, sau khi truyền
phép, linh mục đọc: “Đây
là mầu nhiệm đức tin.” Và trong bài “Đây Nhiệm Tích” chúng ta hát
“Ta hãy lấy đức tin bù
lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.”
Trở lại
với Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, tuy chúng ta không
thấu hiểu nhưng qua mạc khải chúng ta biết
được đây là mầu nhiệm của tình yêu:
Từ thời
Cựu Ước, dân Chúa chỉ biết có một Thiên Chúa
độc nhất. Ngài là một vị Thiên Chúa yêu
thương. Ngài yêu thương con người “như gà mẹ ấp ủ gà
con dưới cánh”(x. Lc 13,34).
Ngài yêu thương con người đến nỗi “dầu cha mẹ có bỏ con
đi nữa thì Ngài vẫn không bỏ rơi con
người” (x. Tv 26,10). Chúng
ta thấy rõ hơn điều này nơi nội dung của
bài đọc I hôm nay: Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và
từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín. Chính Ngài
đã giải thoát dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ
Ai-cập, nhưng dân Israel lại phản bội Ngài. Thay
vì thờ lạy Ngài, họ đúc con bò vàng để
thờ lạy. Dầu vậy, nhờ lời chuyển
cầu của ông Mô-sê, Thiên Chúa không những đã tha
thứ cho họ mà còn lập giao ước đối
với họ nữa (x. Xh 34, 4-6.8-9).
Sang thời Tân
Ước, qua Đức Giêsu nhân loại mới biết
rõ ràng về một Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần:
“Cả
Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng luôn hiệp nhất với
nhau nên chỉ có một Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi ngang bằng
nhau: không có ngôi nào có trước, ngôi nào có sau; không có ngôi nào
hơn, ngôi nào kém vì cả Ba Ngôi có tự đời
đời và có cùng một bản tính thần linh.”(x. bài Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi,
http://www.simonhoadalat.com). Đức
Giêsu đã nhiều lần nói về Chúa Cha. Ngài cũng
mạc khải về Ngài là Ngôi Hai, là Chúa Con và Ngôi Ba là Chúa
Thánh Thần. Vì yêu thương, Chúa Cha đã dựng nên con
người giống hình ảnh Ngài. Ngài dựng nên muôn loài
muôn vật cho con người hưởng dùng. Vì yêu
thương, nên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài là
Đức Giêsu xuống thế làm người chuộc
tội cho nhân loại. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết:
“Thiên Chúa đã yêu thế gian
đến nỗi đã ban Con Một Người
để tất cả những ai tin ở Con của
Người, thì không phải hư mất, nhưng được
sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của
Người giáng trần để luận phạt thế
gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người
mà được cứu độ. Ai tin Người Con
ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã
bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một
Thiên Chúa.” (Ga 3,16-18). Cũng
vì yêu thương nhân loại nên Chúa Con đã vâng phục
Chúa Cha để chấp nhận làm người như
chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Thánh Phaolô đã
diễn tả sự vâng phục của Chúa Con rằng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ
là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân sống như người
trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng
lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Vì yêu
thương, và nhờ lời chuyển cầu của
Đức Giêsu, Chúa Cha đã ban Thánh Thần xuống
để thánh hóa nhân loại. Chúng ta thấy vai trò thánh hóa
của Chúa Thánh Thần qua những thay đổi nơi
các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần và trong Giáo
hội sơ khai. Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục
vai trò thánh hóa trong Giáo hội và nơi mỗi người
Kitô hữu mãi cho tới tận thế.
Tóm lại, trong
thực tế cuộc sống có nhiều vấn
đề chúng ta không hiểu nhưng chúng ta vẫn
chấp nhận, đó là những mầu nhiệm tự
nhiên. Trong đời sống siêu nhiên, có những vấn
đề vượt quá trí hiểu của chúng ta, chúng ta
không thấu hiểu nhưng nhờ mạc khải mà chúng
ta biết, đó là mầu nhiệm siêu nhiên. Đặc
biệt, trong số các mầu nhiệm siêu nhiên đó, có
mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng kính hôm
nay. Vậy, sứ điệp nào mời gọi chúng ta trong
ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay?
Thứ nhất,
luôn luôn tin kính, mến yêu và cầu nguyện với Thiên
Chúa Ba Ngôi. Hãy siêng năng đọc Kinh Sáng Danh, làm dấu
thánh giá một cách sốt sắng. Không chỉ cầu
nguyện với Chúa Ba Ngôi cho mình, mà còn nhân danh Chúa Ba Ngôi
để cầu nguyện cho người khác như
lời cầu chúc của Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm
nay: “Nguyện xin ân sủng
Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn
thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất
cả anh em” (2Cr 13,13).
Thứ hai, Thiên
Chúa Ba Ngôi là tình yêu. Vì vậy, đời sống của
chúng ta phải phản chiếu đời sống của
Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta hãy yêu thương nhau và yêu
thương hết mọi người. Tình yêu đó
phải có hành động cụ thể trong đời
sống gia đình và xã hội: giữa vợ chồng
với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa mỗi thành
viên trong gia đình, giáo xứ, và những người chúng
ta gặp gỡ hằng ngày, nhất là những
người nghèo đói, bệnh tật, cô thế cô thân. Tình
yêu đó được diễn tả qua sự hy sinh mà
cao điểm của sự hy sinh là “chết cho người mình yêu.” Khi chúng ta yêu
thương nhau là chúng ta đang làm chứng cho tình yêu
của Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi ta thiếu bác ái yêu thương là
chúng ta đang chối từ niềm tin vào sự hiện
diện của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thứ ba, Thiên
Chúa Ba Ngôi là hiệp nhất. Hiệp nhất đến
nỗi Đức Giêsu đã nói: “Ai
thấy Thầy là thấy Cha Thầy.”(x. Ga 14,7-14).
Mặc dầu giáo lý phân biệt các công việc của Ba
Ngôi: Chúa Cha là Đấng tạo dựng; Chúa Con là
Đấng Cứu Chuộc; Chúa Thánh Thần là Đấng
thánh hóa. Nhưng trong thực tế thì trong việc tạo
dựng vẫn có công của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong
việc Cứu chuộc vẫn có công của Chúa Cha và Chúa
Thánh Thần và trong việc Thánh Hóa vẫn có công của Chúa
Cha và Chúa Con. Nghĩa là, cả Ba Ngôi cộng tác với nhau
để Tạo dựng, Cứu chuộc và Thánh hóa nhân
loại. Ước mong rằng, trong mọi phương
diện của đời sống mỗi thành viên trong gia đình,
Giáo hội và xã hội biết phát huy tinh thần cộng
tác, hiệp nhất như Chúa Ba Ngôi.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin thêm lòng
tin, cậy, mến cho chúng con và giúp chúng con biết sống
yêu thương hiệp nhất với nhau. Amen.
Lm.
Anthony Trung Thành
|