Thánh Thần, Đấng ban bình an
Tự thâm tâm
sâu thẳm của từng người, cách này hay cách khác, mỗi
người chúng ta đều khát khao hạnh phúc và một
trong những dấu hiệu của một tâm hồn hạnh
phúc, đó là sự bình an. Bình an là một
cái gì không thể thiếu trong đời sống của
con người. Vì thế, chúng ta tìm mọi cách để
có được bình an. Trong quá trình tìm kiếm đó đã
có không ít người nghĩ rằng: tiền bạc, danh vọng
có thể đem lại cho họ hạnh phúc và sự bình
an. Do đó, họ tìm mọi cách kiếm cho thật nhiều
tiền, nhiều quyền. Đối với họ: “Đồng
tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi
trẻ, là sức khoẻ của ông già, là cái đà danh vọng,
là cái lọng che thân, là cán cân công lý. Đồng
tiền là hết y”. Với sức mạnh của kim tiền, có những lúc, người ta có
thể đổi trắng ra đen, nói trái thành phải. Họ nghĩ rằng có tiền, họ có thể
mua được mọi sự kể cả hạnh phúc.
Nhưng thực tế có đúng như vậy
không?
Với kinh nghiệm
của cuộc sống, hẳn mỗi người chúng ta
đều nhận ra rằng: Tiền bạc nay còn mai mất,
nay trong tay ta mai ở trong tay người và quan trọng
hơn: Tiền bạc không mang lại cho ta sự bình an và
không những nó không mang lại hạnh phúc, mà lắm khi nó
còn là nguyên nhân của biết bao nỗi bất hoà, lục
đục trong gia đình: giữa cha mẹ với con cái,
giữa anh chị em với nhau. Nó còn là nguyên
nhân của biết bao cuộc tranh chấp, cãi vả thậm
chí dẫn đến việc người ta giết nhau,
gia đình tan vỡ, anh chị em thưa kiện nhau
cũng chỉ vì đồng tiền.
Nhận ra
được nỗi thao thức, khắc khoải của
con người, Đấng Phục Sinh, khi hiện ra với
các môn đệ, cùng với việc trao ban Thánh Thần,
Ngài đã ban bình an cho các ông và cũng là cho từng người
chúng ta: “Bình an cho các con”. Bình an mà Thiên Chúa
ban là sự bình an nội tâm khác hẳn với bình an của
con người.
1. Đặc điểm
của bình an nội tâm
Bình an nội
tâm mà Thiên Chúa ban không lệ thuộc vào ngoại cảnh,
thánh Phaolô kêu gọi chúng ta: “Hỡi anh em, hãy vui mừng
trong Chúa” (Pl 3, 1). Thánh nhân kêu gọi chúng ta vui
trong Chúa, vì ngoại cảnh có thể không làm chúng ta vui,
nhưng trong Chúa, chúng ta vẫn có thể vui và bình an. Điều
này chúng ta dễ dàng nhận ra khi nhìn lại hoàn cảnh của
các Tông đồ lúc bấy giờ. Sau khi Thầy của
mình đã bị bắt và giết, các ông hoang mang, lo lắng,
sợ hãi như lời tường thuật của thánh
Gioan trong bài Tin mừng mà chúng ta vừa nghe: “Vào buổi chiều
ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn
đệ họp đều đóng kín, vì sợ người
Do Thái” (Ga 20, 19). Nhưng ngay sau đó, khi gặp được
Đấng Phục Sinh và nhận lãnh được Thánh
Thần, các ông đã vui mừng cho dù ngoại cảnh vẫn
không thay đổi, như lời thánh Gioan kể lại
cho chúng ta: “Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem
thấy Chúa.” (Ga 20, 20). Các
tông đồ vui mừng vì tìm lại được Chúa là
nguồn bình an. Và niềm vui thật sự và mạnh mẽ
đó, các ngài đã không thể giữ nó cho riêng mình. Các ngài đã biến niềm vui đó thành một
hành động thật cụ thể. Các ngài đã mạnh
dạn mở tung cửa rao giảng tin
mừng Phục Sinh cho mọi người như trong bài
sách Tông đồ Công Vụ chúng ta vừa nghe.
Như thế,
bằng hai cách khác nhau, thánh Gioan và thánh Luca cùng diễn tả
đặc điểm của tâm hồn bình an. Đó là tâm
hồn của một người không lệ thuộc vào
ngoại cảnh, một tâm hồn luôn quy hướng về
Chúa, có Chúa ở cùng, một tâm hồn chan chứa niềm
vui. Sự bình an nội tâm đó còn được
được tác giả Thánh vịnh 4 diễn tả thật
cụ thể như sau: “Thư thái bình an, vừa nằm
con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con
được sống yên hàn.” (Tv 4,
9-10). Vâng, một hình tượng thật cụ thể và
cũng thật súc tích: “Thư thái bình an, vừa nằm con
đã ngủ”. Biết bao đêm trường
chúng ta thao thức, trằn trọc cho dù tiền của,
danh vọng chúng ta không thiếu. Chúng ta thao thức bởi
tâm hồn chúng ta không có sự bình an. Sự bình an này không do
chúng ta, nhưng là do ân ban của Thiên Chúa. Và đây mới
là sự bình an thực sự. Nhưng
chúng ta phải làm thế nào để nhận lãnh
được sự bình an này?
2. Bình an nội tâm,
điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần
Trong bài Tin Mừng
hôm nay, có lẽ không phải vô tình mà Đức Giêsu trước
khi thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ
đã lập lại một lần nữa lời cầu
chúc “Bình an cho anh em!”. Như
vậy phải chăng để nhận lãnh Thánh Thần,
thì điều kiện quan trọng là phải có tâm hồn
bình an? Và đồng thời bình an
cũng lại là kết quả của một tâm hồn
tràn đầy Thánh Thần (x. Gl 5, 22)? Thực ra, điều
kiện quan trọng để nhận được Thánh
Thần là phải có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha
nhân, nghĩa là phải có tâm hồn trong sạch. Chính vì thế
mà Giáo Hội buộc những ai lãnh nhận bí tích Thêm Sức
- tức lãnh nhận Thánh Thần - phải sạch tội,
nghĩa là có ân nghĩa với Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa.
Một khi đã sạch tội, sống trong ân nghĩa với
Thiên Chúa, sống theo tinh thần của
Ngài thì đương nhiên sẽ có sự bình an trong tâm hồn.
Sống theo tinh
thần của Đức Kitô hay của Thánh Thần là sống
tinh thần hiệp nhất, vì như lời thánh Phaolô trong
bài đọc hai tất cả chúng ta được nhận
lãnh cùng một Thánh Thần để làm nên một Thân Thể.
Do đó, bình an này chỉ đến với
hoặc ở với những ai biết sống hiệp nhất
kiến tạo hoà bình. Mặt khác, bình an
này cũng chỉ được ban cho những ai có lối
sống siêu thoát xứng đáng với nó. Những người
chạy theo tinh thần thế tục,
coi trọng tiền bạc, danh vọng, địa vị
hơn tình nghĩa, sống ích kỷ, vụ lợi, tham
lam… không thể có được thứ bình an sâu xa này. Do
đó, thay vì nói có ân nghĩa và tình yêu đối với
Thiên Chúa là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần,
có thể nói cách khác: bình an nội tâm là điều kiện
để lãnh nhận Thánh Thần. Thánh Thần có thể
được ban cho người không có bình an vật lý hay
thể lý, nhưng chắc chắn không thể ban cho người
không có bình an nội tâm.
Tóm
lại, để có được bình an, mỗi người
chúng ta cần có một tâm hồn trong sạch, ngay thẳng
không quanh co dối trá. Vì thế, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, mỗi
người chúng ta hãy dọn mình sốt sắng, để
con người chúng ta xứng đáng trở nên đền
thờ cho Ngài ngự đến, nhờ đó, tâm hồn
chúng ta luôn được bình an và hạnh
phúc. Sự bình an của một người
có Chúa ở cùng. Amen.
|