Thứ Sáu
Sự sống chiếu soi
"Đám dân chúng thích thú nghe
Người nói". Bài
Phúc Âm hôm nay (Marco
12:35-37) đã được kết
thúc như thế. Bởi vì, họ thấy vấn đề được Người đặt ra rất là kỳ lạ nhưng hết
sức lý thú mà họ chắc chưa bao giờ nghĩ ra hay đặt vấn đề.
Theo bài Phúc Âm của Thánh ký
Marco thì đây không phải là vấn đề được thành phần thông luật vốn chất vấn
ngài đặt ra, mà chính Người tự nêu lên:
"Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong
đền thờ rằng: 'Sao các luật sĩ lại nói Đấng Cứu Thế là con vua Đavít? Vì chính
Đavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi
rằng: 'Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới
chân con'. Chính Đavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Đavít
được?'"
Ở đây, trong bài Phúc
Âm này, không thấy Thánh ký Marco thuật lại những lời giải đáp của Chúa Giêsu về
vấn nạn chính Người tự nêu lên ấy. Thế
nhưng, căn
cứ vào chính vấn nạn tự đặt ra này của Chúa Giêsu: "Chính
Đavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Đavít được?", chúng
ta thấy dường như Người muốn kín đáo mạc khải cho dân Do Thái biết rằng Người là
vị Thiên Chúa nhập thể, có 2 bản tính, thiên tính và nhân tính.
Thiên tính ở chỗ: "Chính
Đavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi
rằng: 'Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới
chân con'". Nhân
tính ở chỗ: "Các luật sĩ lại
nói Đấng Cứu Thế là con vua Đavít... Chính Đavít gọi Người là Chúa".
Đây
là một mạc khải thần
linh do chính Đấng có 2 bản tính tỏ ra chứ không phải do loài người suy luận.
Loài người chỉ suy luận theo những dấu hiệu bề ngoài và lập luận theo lý
lẽ của trần gian mà
thôi. Ở chỗ, nếu "Đấng Cứu
Thế là con Vua Đavít", mà Vua Đavít là loài người thì tất nhiên con của vua
cũng phải là loài người và
chỉ là loài người như vua, chứ không thể nào lại là một Vị Thiên Chúa vô cùng
cao cả tự hữu và hằng hữu có trước vua và dựng nên vua.
Vấn đề ở đây
là tại sao Chúa Giêsu lại đặt vấn đề này ở đây, với mục đích gì? Thánh ký Marco
không cống hiến cho chúng ta một chút ánh sáng nào, trong khi đó Thánh Mathêu ở
cuối đoạn 22, đã cho biết thêm mấy chi tiết như sau: chi tiết thứ nhất đó là sở
dĩ Người đặt câu hỏi này là để răn cho thành phần Pharisiêu kiêu ngạo một bài
học biết mình trước mặt Người.
Thật vậy, theo trình thuật của
Thánh Mathêu thì sau khi thấy phái
Sađốc vừa bị Chúa Giêsu bịt miệng về vấn đề sống lại, (được
bài Phúc Âm hôm Thứ Tư tuần này thuật lại), nhóm
người Pharisiêu đã qui tụ lại như thể muốn chứng tỏ họ khôn ngoan thông giỏi hơn
nhóm Sađốc, với một câu hỏi khác còn độc hơn của vấn đề Sađóc nữa, đó là vấn đề
giới răn trọng nhất (được bài Phúc Âm hôm qua Thứ Năm thuật lại).
Thế rồi, sau khi Chúa Giêsu trả
lời cho nhóm Pharisiêu xong, Thánh ký Mathêu liền cho biết tiếp thế này: "Chúa
Giêsu đã đặt một câu hỏi ngược lại cho những người Pharisiêu qui tụ bấy giờ"
(22:41), đó là chính câu cũng được Thánh ký Marco thuật lại trong bài Phúc Âm
hôm nay, để rồi sau câu hỏi của Người, Thánh Ký Mathêu đã kết luận như sau: "Không
ai có thể trả lời, vì vậy, từ hôm ấy trở đi, chẳng có ai dám hỏi Người bất cứ
câu hỏi nào nữa"
(22: 46).
Thái độ tỏ ra thông luật mà lại
mù tịt trước vấn đề được Chúa Giêsu đặt ra như thế chứng tỏ thành phần thông
luật này chỉ là thứ đám con nít trước mặt một vị Đại Sư Thần Linh Giêsu vậy
thôi. Đó là lý do ngày mai chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu càng tỏ ra thẩm quyền của
mình đối với thành phần thông luật giả hình này như thế nào....
Thế nhưng, trình độ thông luật
nhưng vẫn như mù quáng chẳng biết gì trước nhan Chúa Giêsu của thành phần
Pharisiêu trong bài Phúc Âm đã được chính vấn nạn hóc búa của Chúa Giêsu như sự
sống chiếu soi chữa lành cho, nếu họ biết mình và hạ mình xuống, như nhân vật
Tobia cha là người công chính nhưng vẫn khiêm hạ trước Thánh Nhan Thiên
Chúa, được bài đọc 1 ở Sách Tobia (11:5-17) thuật lại về việc con trai ông sau
khi lấy vợ trở về nhà sử dụng phương thuốc của Thần Rapheal để chữa lành mắt
cho ông như sau:
"Bấy giờ Tobia lấy mật cá, xức lên mắt cha
mình. Chờ đợi nửa giờ, thì một vẩy trắng tựa như màng trứng tách ra khỏi
hai mắt. Tobia cầm vẩy trắng ấy kéo ra khỏi mắt cha mình, ông liền thấy
được. Rồi ông, vợ ông và những người quen thuộc ca tụng Chúa. Còn Tobia thì cầu
nguyện rằng: 'Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa sửa
phạt tôi, và lại cứu chữa tôi; đây chính tôi đang nhìn thấy Tobia con trai của
tôi'".
Những câu của bài Đáp Ca cho ngày
hôm nay như là
tâm tình của nhân vật Tobia công
chính bị hoạn nạn những đã được
chữa lành đôi mắt mù lòa:
1) Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa, tôi sẽ ngợi khen Chúa
suốt cả cuộc đời, bao lâu còn có thân tôi, tôi còn ca ngợi Chúa.
2) Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. Thiên Chúa mở mắt
những kẻ đui mù.
3) Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục,
Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.
4) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi, quả phụ và làm rối
loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên
Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.
Thứ Bảy
tận cùng sự sống
Phụng
vụ Lời Chúa cho Thứ
Bảy Tuần IX Thường Niên hôm nay với bài Phúc Âm cuối cùng của Thánh ký Marco
(12:38-44) là Phúc Âm có 16 đoạn được Giáo Hội chọn đọc cho 9 tuần đầu của Mùa
Thường Niên, và cũng là đoạn áp cuối của Sách
Tobia (12:1-5,20) ở Bài Đọc 1. Chưa hết, hôm nay bài Đáp Ca không được trích từ
Thánh Vịnh như thường thấy mà lại được trích từ đoạn cuối cùng của chính Sách
Tobia.
Trước hết, bài
Phúc Âm được Thánh ký Marcô thuật lại nhận định
của Chúa Giêsu cho dân chúng biết về thành phần "luật sĩ" và lời khuyên dạy của
Người giành cho "các môn đệ" về hành động dâng cúng chẳng là gì của một bà góa.
Đây là một cảnh tượng
trái nghịch nhau được Thánh ký Marco ghép lại từ hai
trường hợp
hoàn toàn tương phản nhau, giữa thành phần luật sĩ thông thái và bà góa đơn
nghèo.
Trước
hết Chúa
Giêsu đã nặng lời chê trách và cảnh báo thành phần thông luật trước mặt công
chúng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ
thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những
ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt
hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn". Trong
phán quyết này của Chúa
Giêsu, chúng ta thấy Người có nhắc đến thành phần "các bà góa", trong đó có một
bà góa được Người sử dụng để khuyên dạy các môn đệ của Người:
"Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ
tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến
bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: 'Thầy nói
thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bá goá nghèo này đã bỏ
nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang
túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống'".
Quả
thật là
thế, sở dĩ bà góa được Chúa Giêsu nói đến và khen tặng như một tấm gương sáng
cho các môn đệ "bỏ nhiều hơn hết", hơn cả "lắm người giầu bỏ nhiều tiền" hơn bà
nữa, là vì trong khi các người khác, nhất là các người giầu "bỏ của mình dư
thừa", thì người đàn bá góa ấy lại "đang
túng thiếu", nhưng
bất chấp túng thiếu, thậm chí chẳng cần khôn ngoan, hành động đến như điên
dại, ở chỗ bà "đã
bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống".
Tinh thần và hành động
của bà góa này đúng là anh hùng trước nhan Chúa hơn là trước mặt người đời, nhất
là trước mặt thành phần giầu sang phú quí, thành
phần có thể còn tỏ ra khinh bỉ bà nữa là đằng khác. Bà
góa này vốn nghèo còn có thể càng nghèo hơn nữa bởi sự bóc lột của thành phần
luật sĩ bị Chúa Giêsu vạch mặt trong bài Phúc Âm: "Họ
giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá".
Thế
nhưng, trước nhan Chúa,
bà lại giầu sang hơn ai hết, vì bà có một sự sống nội tại siêu việt trên cả thành
phần thông luật Chúa hơn bà, thành phần có
thể đã bóc lột tiền
bạc ngặt nghèo của bà.
Chính đức tin của bà và lòng trông cậy hoàn toàn vào Chúa của bà đã khiến bà có
những hành động phi thường trổi vượt đáng khâm phục. Bà đã
biết lợi dụng tiền bạc chẳng là bao của mình để trả về cho Chúa tất
cả những gì
Ngài ban cho bà. Sự sống
của bà do Chúa ban không thể lệ thuộc vào tiền bạc để sống hơn là vào chính
Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên bà và ban sự sống cho bà.
Sách Tobia trong bài đọc 1, qua
lời của Thiên Thần Raphael, cũng đề cập đến 2 loại người được Chúa Giêsu nêu lên
trong bài Phúc Âm, bao gồm cả bà góa tốt lành (trước) lẫn thành phần luật sĩ giả
hình cần phải cải thiện đời sống (sau): "Cầu
nguyện, ăn chay, bố thí, thì tốt hơn là cất giấu kho vàng, vì việc bố thí cứu
khỏi chết, tẩy sạch tội lỗi, mang lại lòng từ bi và sự sống đời đời. Còn
những ai phạm tội và làm điều gian ác, thì là thù địch của linh hồn mình".
Theo chiều
hướng của những gì được
Thần Raphael nói trên đây về hai loại người công
chính và bất chính này, bài Đáp Ca cũng vang lên những cảm nhận chân thực về
Chúa của người công chính là Đấng cũng từ bi nhân hậu với cả thành phần tội nhân
bất chính nữa.
1) Chúa trừng phạt, rồi Chúa lại tha thứ; Chúa đẩy xuống âm
phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay Chúa.
2) Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên
xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những
việc làm của các ngươi.
3) Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì
Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội.
4) Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực
hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với
các ngươi.
|