Lãng quên
Sách thánh kể
rằng: khi thánh Phaolô đặt chân tới kinh thành Nhã
Điển, thủ đô nước Hy Lạp, ngài đã rảo
qua một vòng phố xá, ngài nhận thấy dân Nhã Điển
thật sùng mộ các thần minh. Đường phố
nào cũng có những bàn thờ, những chùa miếu.
Nhưng ngài để ý thấy một bàn thờ, trên
đó khắc ghi hàng chữ “Kính thần vô danh”. Và ngài bắt
đầu bài giảng về Đức Kitô như thế
này: “Vị thần vô danh mà quí vị thờ kính nhưng lại
không biết đến, thì giờ đây tôi xin loan báo để
quí vị được rõ: vị thần vô danh ấy
chính là Đức Kitô”. Điều thánh Phaolô nói về Đức
Kitô với người Nhã Điển, thì bây giờ chúng ta
cũng có thể nói như vậy về Chúa Thánh Thần.
Phải, là
người Kitô hữu, chúng ta biết rất nhiều về
Chúa Cha cũng như về Chúa Con. Thế nhưng nếu
có ai hỏi chúng ta về Chúa Thánh Thần, về những
việc Ngài đã làm cũng như về vai trò của Ngài
trong cuộc sống, thì rất có thể chúng ta sẽ trả
lời không hơn gì những tín hữu Ephêsô thuở
trước. Thực vậy, thánh Phaolô đã hỏi họ:
“Các ngươi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần chưa?”.
Và họ đã trả lời: “Chúng tôi chưa hề hay biết
có một Chúa Thánh Thần”. Phải, Chúa Thánh Thần chính là
vị Thiên Chúa vô danh, vị Thiên Chúa bị quên lãng nhiều
nhất trong cuộc sống. Vậy Ngài là ai? Ngài có phải
là vị Thiên Chúa chúng ta tôn thờ hay không?
Sách giáo lý đã
cho biết: Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Thứ Ba, bởi
Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, cùng một bản
tính, một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy.
Làm sao chúng ta biết được Thiên Chúa có ba ngôi và ngôi
thứ ba lại là Chúa Thánh Thần? Sở dĩ chúng ta biết
được là vì Chúa Giêsu đã tỏ lộ, đã dạy
bảo.
Thực vậy,
khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđan, thì Tin Mừng
đã ghi nhận: bấy giờ trời mở ra, Chúa Thánh
Thần lấy hình chim bồ câu mà ngự xuống, rồi
từ trời có tiếng phán: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp
lòng Ta mọi đàng”.
Trước khi
về trời, Chúa Giêsu cũng đã truyền cho các môn
đệ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội
cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Nếu không có
Chúa Thánh Thần thì ba ngôi Thiên Chúa sẽ không hoàn toàn và niềm
tin của chúng ta sẽ bị thiếu sót. Thực vậy,
Chúa Giêsu đã thực hiện chương trình cứu
độ, nhưng Chúa Thánh Thần mới là Đấng áp
dụng công phúc cứu độ ấy cho chúng ta. Chính Chúa
Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ:
“Thầy sẽ xin với Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho các con một
Đấng phù trợ mới. Ngài là chính chân lý sẽ luôn ở
với các con. Các con hãy ở trong thành cho đến khi
được mặc lấy sức mạnh từ trời
cao”. Tất cả những điều này đã được
thực hiện trong ngày hôm nay, ngày lễ Hiện xuống,
ngày các môn đệ được đầy tràn Chúa Thánh
Thần.
Các tín hữu
sơ khai cũng đã xác tín Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Thực
vậy, thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Tất cả những
ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn
sẽ là con Thiên Chúa. Ngài đã ban Thánh Thần xuống trong
tâm hồn chúng ta.
Thánh Luca trong
sách Công vụ Tông đồ kể lại câu chuyện hai vợ
chồng Anania và Saphira bán ruộng, đã đồng tình xén
bớt một phần tiền rồi mới đem nộp
cho thánh Phêrô. Và thánh Phêrô đã nói với họ: “Hỡi
Anania sao ma quỉ đã cám dỗ lòng ngươi dối trá
Chúa Thánh Thần mà giữ lại một phần tiền.
Làm như thế, ngươi không chỉ lừa gạt
người ta mà còn lừa gạt cả Thiên Chúa nữa”.
Còn thánh Gioan thì xác quyết: “Trên trời có Ba Đấng làm
chứng, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Bấy
nhiêu mà thôi cũng đã đủ để chúng ta xác tín và
tuyên xưng: “Chúa Thánh Thần chính là Thiên Chúa Ngôi thứ Ba,
Đấng chúng ta phải tôn thờ.
Trong mạch sống
Giáo Hội, tác động của Chúa Thánh Thần thật
vô cùng quan trọng cho Giáo hội cũng như cho mỗi
người chúng ta. Không những cần cho các thừa tác
viên của Giáo hội để chu toàn phận sự mà còn
cần cho mọi người để sống đức
tin và bác ái. Mọi cố gắng của Giáo hội và của
mỗi người đều cần có sự hiện diện
của Chúa Thánh Thần, nếu không sẽ trở nên lố
bịch và vô vọng, như Đức Thượng phụ
Athênagôrat, Giáo chủ Contantinốp đã nói: “Nếu cuộc
sống thiếu vắng Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ
nghìn trùng xa cách. Đức Kitô chỉ là một nhân vật
quá khứ. Tin Mừng chỉ là một mớ chữ không hồn.
Giáo hội khác nào một cơ cấu cứng nhắc, biến
quyền bính thành thống trị điêu ngoa, và giảng dạy
chỉ là tuyên truyền láo khoét, việc thờ phượng
chỉ là phù phép, và luân lý sẽ thành xiềng xích vong nô”.
Chúa Thánh Thần
vô cùng quan trọng như vậy, thế mà chúng ta thật
vô tâm, vô ý thức đến thờ ơ cũng như
không biết có Chúa Thánh Thần ở trong lòng mình ngày
đêm. Thử hỏi nếu ai có 10 lượng vàng trong
túi, có lẽ nào họ thờ ơ đến nỗi để
mất số vàng đó khi nào mà họ không hay biết không?
Trái lại, phải chăng bất kỳ đi đâu hay
làm gì họ cũng sờ tay vô túi coi vàng còn hay không? Và nếu
mất rồi, tâm hồn họ bãi hoải, tâm trí rối
loạn, buồn phiền, chán nản biết bao! Vậy sự
hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn không
có giá trị bằng 10 lượng vàng sao? Thế mà ngày này
qua ngày khác chúng ta hầu như chẳng để ý đến
một lần. Ý thức sự vô tâm và thiếu sót đó,
cũng như hiểu biết được sự quan trọng
và cần thiết của Chúa Thánh Thần trong đời sống,
từ nay chúng ta hãy năng nhớ đến Chúa Thánh Thần
hơn, bằng cách cầu xin Ngài hằng ngày, xin Ngài soi
sáng, hướng dẫn và trợ giúp để chúng ta luôn
sống tốt đẹp và làm mọi việc đúng thánh
ý Chúa.
Lạy Chúa, giờ đây một
lần nữa con muốn tuyên xưng tự đáy lòng con:
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng
ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và
Đức Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng
thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa
Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
|