Chúa
Thánh Thần sức mạnh nâng đỡ đức tin
Nếu sự
kiện Chúa lên trời kết thúc Phúc âm theo thánh Luca, thì
chính sự kiện này lại mở đầu sách Công vụ
Tông đồ. Không phải ngẫu nhiên ma Luca làm thế.
Trong Phúc âm của mình, Luca hé mở một phần suy
nghĩ khi ghi lại câu nói của Chúa Giêsu ngay trước
lúc Người lên trời: “Thầy sẽ gởi cho các con
điều mà Cha Thầy đã hứa” (Lc 24, 49). Và trong Công
vụ Tông đồ, điều mà Chúa Cha đã hứa trở
nên hiệu lực: Chúa Thánh Thần đang hoạt động
mạnh mẽ trong thế giới. Như vậy điều
quan trọng đối với thánh Luca, có lẽ không phải
kết thúc hay mở đầu một quyển sách. Trên hết,
ngài muốn nói với chúng ta rằng: Chúa lên trời kết
thúc một giai đoạn lịch sử mà trong đó lời
hứa cứu độ đã được thực hiện
và mở ra một giai đoạn lịch sử mới,
bao gồm các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Một
trong các hoạt động đó là nâng đỡ đức
tin chúng ta.
1) Người nâng đỡ đức
tin trong chính ý thức truyền giáo nơi mỗi người
Điều này
rõ ràng qua thái độ của các tông đồ. Thánh Gioan kể
lại: một buổi chiều Chúa nhật, các tông đồ
tụ họp và “đóng kín” cửa lại. Ở đây hai
từ “đóng kín” cần được nhấn mạnh.
Vì các ngài không “đóng kín” để tránh sự ồn ào,
không “đóng kín” để tạm quên đi những lo toan
đời thường, không “đóng kín” vì gặp gỡ
Thiên Chúa. Nhưng “đóng kín” vì “sợ người Do thái”.
Và bởi “sợ”, nên dù “đóng kín”, các thánh tông đồ vẫn
ở trong tâm trạng rối bời.
Nhưng khi Chúa
Thánh Thần ngự đến, tâm trạng rối bời
này bị phá vỡ. Ý thức truyền giáo phát triển từ
con số không, bỗng vượt quá sức người
bé bỏng của các tông đồ, và tỷ lệ thuận
với lòng can đảm phát xuất từ một đức
tin dũng mãnh: Tin vào Đấng phục sinh. Từ đây,
chính Thánh Thần tác động, làm cho các ngài mạnh dạn
loan báo Lời Chúa, dám sống, dám chết cho đức tin
dũng mãnh ấy.
Lẽ nào, sau
khi nhận ra thái độ truyền giáo của các thánh tông
đồ, chúng ta lại trở về với cuộc sống
đời thường mà không có gì thay đổi? Ngay từ
bây giờ, ta hãy truyền giáo bằng chính trách nhiệm hằng
ngày của ta: đó là trách nhiệm của một linh mục,
một người buôn bán, một người dạy học,
một công nhân, một học sinh... Ta cũng có thể thể
hiện tinh thần truyền giáo trong những việc làm hết
sức nhỏ bé như: tha thứ cho một người mất
lòng ta, dắt một cụ già qua đường, chào hỏi
những người ta quen biết...
Nếu ta có một
ý thức truyền giáo trong trách nhiệm và trong những việc
làm từ ngày này qua ngày khác như thế, không những
đức tin không bị lung lạc giữa các môi trường
ta sống, mà còn vững mạnh và có sức thu hút nữa.
Bởi vì Chúa Thánh Thần đang hoạt động
nơi ta, làm cho nó trở thành khí cụ đưa công việc
truyền giáo thầm lặng của mọi người
đạt hiệu quả.
2. Chúa Thánh Thần nâng đỡ
đức tin trong những hoàn cảnh khó khăn của
đời sống
Ai mà không ít là một
lần thấm thía nỗi đau, nỗi bất hạnh?
Đó có thể là cái chết bất ngờ của một
người thân, một cơn bạo bệnh, một tình
yêu bị phụ bạc... Đó cũng có thể là cái
nghèo, cái dốt, là đứa con chưa ngoan, vợ chồng
thiếu tin tưởng nhau... Trong hoàn cảnh khó khăn
như thế, đức tin bị chùn bước
chăng?
Vì tính người
mỏng dòn, nên đức tin cần được tôi luyện.
Các thánh tông đồ cũng từng được tôi luyện
như thế. Đức Giêsu, người mà Phêrô đại
diện anh em mình tuyên xưng là Con Thiên Chúa; người
đã từng hiển dung trước mặt Phêrô, Gioan,
Giacôbê; người đã từng làm phép lạ như “Đấng
có uy quyền” trước mặt các ngài, bây giờ chỉ
là một người bị đánh bại thê thảm.
Trong hoàn cảnh đó niềm hy vọng của các tông
đồ như một tim đèn chực tắt. Đức
tin đang lụi dần.
Khi Chúa Thánh Thần
đến, đức tin các tông đồ trở nên mạnh
mẽ. Người không chỉ nâng đỡ cách nhất
thời, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào mà các ngài
gặp phải như: bị chống đối, bị sỉ
nhục, bị tù đày, nhất là bị sát hại.
Ngày nay Chúa Thánh
Thần vẫn ở với ta. Tôi có kinh nghiệm thế
này: trong những hoàn cảnh xem ra bi đát nhất, tôi lại
được ơn nâng đỡ nhiều nhất. Khi biến
cố ấy qua rồi, tôi thường nhìn lại, và rất
nhiều lần phải tự thốt lên: ôi tình yêu nhiệm
mầu!
Tôi đồng
cảm rất sâu với tư tưởng của Hội
đồng Giám mục Việt Nam trong bản góp ý cho tài liệu làm
việc của Thượng Hội đồng Giám mục
Á châu. Tư tưởng đó là: “Hội Thánh tại Á châu
phải trở nên một Giáo Hội không quyền lực”.
Nhìn vào Hội Thánh Việt nam, tôi thấy rất đúng!
Nhưng cũng rất lạ lùng, vì một Hội Thánh
như thế lại có sức sống căng tràn và đức
tin vững vàng.
Cũng thế,
chính tôi tận mắt hoặc nghe kể lại những cảnh
đời rất bế tắc, nhưng niềm tin yêu lại
sáng ngời. Có ai đã từng chứng kiến cảnh một
cô gái trẻ bị bệnh ung thư sắp chết, an ủi
người mẹ đang nứt nỡ chưa? Đó là một
giáo lý viên. Thấy tôi đến thăm, cô nhờ tôi nói
chuyện với mẹ cô để xoa dịu nỗi
đau của bà. Cô hứa, trước tòa Chúa, cô sẽ cầu
nguyện cho gia đình cô, cho cha sở, cho tôi và cho lớp
giáo lý mà cô đang phụ trách. Trong tình cảnh đó, tôi chỉ
còn biết im lặng đón nhận bài học về đức
tin mà cô vừa giúp tôi nhận ra.
Bởi đâu một
Giáo Hội còn trẻ trung, còn thiếu thốn nhiều mặt
như Giáo Hội tại Việt Nam lại căng tràn sức
sống? Bởi đâu nơi một cô gái yếu mềm lại
ẩn chứa một đức tin can đảm đến
thế? Chính Chúa Thánh Thần tạo nên tất cả. Đấng
“Phù Trợ” mà Chúa Giêsu ban đang âm thầm nâng đỡ
đức tin của Hội Thánh, của mỗi người.
Chỉ cần biết mở lòng ra, chỉ cần khiêm tốn
một tí, và đừng ở lỳ trong sự cứng cỏi,
chúng ta sẽ khám phá ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần
đang tác động nơi niềm tin của mình. Đành
rằng ai cũng sợ đối đầu với
đau khổ, nhưng đau khổ lại là phương
thế rèn luyện đức tin. Tin rằng Chúa Thánh Thần
sẽ không để chúng ta chiến đấu một
mình, Người nâng đỡ như đã từng nâng
đỡ các thánh tông đồ khi xưa.
Lời của
Đấng Phục sinh nói với chúng ta: “Bình an cho anh em”.
Xin Ngài ban ơn bình an đó cho chúng ta, vì ơn bình an rất
cần cho những người sống đời truyền
giáo. Ơn bình an cũng rất cần cho những biến
động, những thăng trầm của cuộc đời.
Xin dâng tất cả lên Chúa Thánh Thần, Đấng là sức
mạnh nâng đỡ đức tin chúng ta.
|