Nơi chân trời và mặt đất giao nhau
(Trích trong ‘Niềm
Vui Chia Sẻ’)
Có hai nhà đạo sĩ kia,
một hôm đọc thấy trong một cuốn sách
khảo cổ cho biết: có một nơi chân trời và
mặt đất giao nhau. Hai nhà đạo
sĩ bèn quyết định lên đường đi tìm
cho được nơi chân trời và mặt đất
giao nhau như trong sách đã cho biết. Hai
ông còn thề nguyền sẽ không trở về bao lâu
chưa tìm được nơi trời đất giao nhau
đó. Bởi vì hai ông được
biết ở nơi đó sẽ có một cánh cửa
mở ra chân trời. Khi cửa mở
ra, người ta sẽ được nhìn thấy Thiên
Chúa.
Sau một cuộc hành trình lâu dài và gian
khổ, hai nhà đạo sĩ đã tìm được
nơi chân trời và mặt đất giao nhau. Hai ông
cũng đã mở được cánh cửa trời…
Nhưng đến lúc bước vào cửa trời, hai ông
hết sức bỡ ngỡ, vì hai ông gặp lại chính
căn phòng quen thuộc của mình… Lúc ấy hai ông mới
hiểu: con đường lên trời bắt đầu
từ mặt đất này, trong đời thường,
nơi mình đang sống hằng ngày.
Anh chị em thân
mến, đường lên trời bắt đầu
từ mặt đất này, nơi “Trời Mới
Đất Mới” sẽ xuất hiện trong ngày Chúa chúng
ta “trở lại cũng một cách y như Ngài đã lên
trời”. Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài ra
đi. Bởi vì ra đi là để
lại sự vắng mặt. Đàng này, Chúa không
để chúng ta đơn độc, Ngài còn “ở
lại với chúng ta mãi cho đến tận thế”.
Chúa lên trời là Chúa
“khuất dạng”, không còn hiện diện bằng
xương bằng thịt trước mắt chúng ta
nữa, để bắt đầu một sự hiện
diện ẩn khuất, nghĩa là Chúa vẫn có mặt
đó mà chúng ta không thấy được. Ngài vẫn ở
giữa chúng ta, trong những nơi mà Ngài đã dạy chúng
ta biết để nhận ra Ngài: trong Lời Chúa, trong các
bí tích, trong anh chị em, trong những người nghèo
khổ… Ngài không chỉ hiện diện mà còn
ở, còn cư ngụ. Một chỗ ở có ý
nghĩa sâu sắc hơn một sự hiện diện:
Người ta có thể hiện diện trên
đường phố, còn ở thì chỉ ở trong nhà mà
thôi. Thiên Chúa chỉ muốn có một chỗ ở, một
ngôi nhà riêng của Ngài và ngôi nhà đó là chính chúng ta: “Ngài
ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận
thế”, Ngài ở với chúng ta như ở trong ngôi nhà
của Ngài.
Khi nói “Chúa lên
trời ngự bên hữu Chúa Cha” hay khi cầu nguyện:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời”, chúng ta đừng
tưởng Chúa ở xa cách chúng ta. Ngài ở
trên các tầng mây xanh. Không! Nếu
đóng khung Chúa ở trên trời là chúng ta bắt Ngài
phải di tản. Chúng ta đánh mất Ngài! Nhưng
qua kiểu nói tượng hình của Kinh Thánh, chúng ta hãy
hiểu việc Chúa lên trời là một cuộc thăng
quan tiến chức, được thêm uy quyền,
hiệu năng, và do đó được hiện diện
một cách sâu đậm, thắm thiết hơn, chứ
không phải một cuộc thăng thiên xét theo không gian,
khiến Ngài xa lìa thế giới chúng ta.
Vì vậy, thiên
sứ phải lay tỉnh các môn đệ đang mải mê
nhìn lên trời: “Hỡi các ông, người Galilê, thôi
đừng đứng đó mà nhìn lên trời nữa!”. Nhưng hãy đi mở mang Nước Chúa
và sự hiện diện của Ngài bằng cách hoàn thành
công trình đang dang dở của Ngài ở trần gian này:
“Hãy đi đến với muôn dân, làm phép Rửa cho
họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy
bảo họ tuân giữ những điều Thầy
đã truyền cho anh em, để muôn dân trở nên môn
đệ của Thầy”. Đó, như thế là Chúa lên
trời là để khởi đầu sứ vụ
của Giáo Hội: Các môn đệ phải ra đi làm
chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu, không
phải chỉ ở Giêrusalem và nơi những
người Do Thái mà thôi, mà còn ở khắp nơi, cho
đến tận cùng trái đất và nơi tất
cả dân tộc.
Anh chị em thân
mến, từ ngày Chúa lên trời, sứ mạng của
chúng ta là phải đi vào trần gian, trở về
với thực tế, nhìn kỹ vào cuộc sống
của nhân loại, của mọi người anh em trên
mặt đất này, để cùng với mọi
người ra sức xây dựng Nước Trời
đang thành hình ngay trong trần thế này, giữa thế
giới hôm nay, tuỳ theo mức độ chính thế
giới này có thể hiện được tình
thương, có phản ảnh được tình yêu vô biên
của Thiên Chúa hay không. Đúng theo tinh
thần của Tin Mừng: Nước Trời không
phải chỉ là chuyện đời sau, mà còn phải là
thực tế hiện tại: như hạt cải trong
thửa vườn, như men trong bột, như muối
cho đời: “Nước Trời ở giữa anh em”.
Như thế,
thưa anh chị em, Thiên Chúa không đóng đô ở riêng
một chỗ nào trong không gian, trên các tầng trời. Ngài
ở bất cứ nơi nào có tình yêu thương. Nếu cứ luyến tiếc nhìn lui lại quá
khứ, hãy mải mê ngước mắt lên trời, chúng ta
sẽ quên rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta
mọi ngày cho đến tận thế. Thiên Chúa đang hiện diện bất cứ
nơi nào có tình yêu thương nhau, đùm bọc nhau, chia
sẻ cho nhau. Và chỗ nào có một
cộng đoàn, một xã hội như vậy, lớn hay
nhỏ, đang thành hình thì từ chỗ đó, Nước
Trời đang bắt đầu hiện diện.
Trái lại, chỗ
nào người ta còn giành giựt nhau, còn áp bức, khai thác,
bóc lột nhau, còn coi nhau như thù nghịch, thì khỏi
cần tìm địa ngục ở đâu xa hơn nữa:
địa ngục đang bắt đầu từ chỗ
đó. Thiên đàng hay địa ngục, chúng
ta đang bắt đầu xây dựng hay đào sâu ngay
từ trong cuộc sống chúng ta hôm nay.
Vậy, ngày Chúa lên
trời, thay vì chỉ mải mê nhìn lên trời, thụ
động trông chờ ngày Chúa trở lại, chúng ta hãy
nhìn xuống mặt đất, hãy cùng nhau góp sức xây
dựng con đường lên trời ngay từ mặt
đất này; vì chính từ mặt đất này mà
“Trời Mới Đất Mới” sẽ xuất hiện
trong ngày Chúa chúng ta “trở lại cũng một cách y
như Ngài đã về trời”.
Công đồng
Vaticanô II đã nói: “Vẫn biết rằng quê hương
vĩnh cửu của chúng ta không phải ở trần gian
này và chúng ta chỉ đi qua để về quê
hương trên trời, nhưng thực là sai lầm,
nếu vì đó mà nghĩ rằng mình có thể xao lãng
nghĩa vụ của mình ở trần gian” (Mv 43,1b). Vì
thế, trông đợi “Trời Mới Đất Mới”
không những không làm giảm bớt mà còn tăng thêm nơi
chúng ta ý chí xây dựng trời đất hiện tại
này. Bởi vì xây dựng trời đất
hiện tại là xây dựng “Trời Mới Đất
Mới” (MV 39,2a), là xây dựng quê hương vĩnh
cửu của chúng ta vậy.
|