Chờ đợi
Kinh nghiệm cho hay
một phần lớn thời gian trong cuộc sống là
chờ đợi. Có cái phải chờ
đợi mấy phút, vài giờ, một tuần, cả
tháng hay vài năm. Có khi lại phải
chờ đợi cả đời người.
Cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc hay không tùy theo thái độ của chúng ta trong lúc
chờ đợi.
Hôm nay chúng ta mừng
lễ Chúa Giêsu lên trời. Đây là thời gian
chờ đợi của các thánh tông đồ. Thánh
Matthêu kể lại cho chúng ta biết rằng: “Khi ấy,
mười một môn đệ đi về Galilêa,
đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước”. Luca ghi
lại rằng: “Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh
em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh
em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận
được quyền năng từ trời cao ban
xuống”. Và sách Công vụ Tông đồ cũng nói
rằng: “Người đã ra lệnh cho các ông chớ
rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi
điều Chúa Cha đã hứa”.
Các tông đồ
chờ đợi sự xuất hiện vinh quang của
Thiên Chúa được biểu lộ ra cho họ qua
biến cố Chúa Giêsu lên trời. Và qua lời hứa
của Chúa Giêsu, các tông đồ lại chờ đợi
sự hiện xuống của Đức Chúa Thánh Thần
cùng với sức mạnh của Thần Khí được
ban cho các ngài.
Thánh Augustinô đã
giải thích lý do tại sao chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu
lên trời như sau: “Vinh quang của Thiên Chúa chúng ta,
Đức Giêsu Kitô, đã được hoàn tất
bởi sự sống lại và lên trời của Ngài. Vào Chúa nhật Phục sinh, chúng ta cử hành
sự sống lại; hôm nay chúng ta cử hành sự lên
trời của Ngài. Cả hai lễ
đều thuộc về chúng ta, vì Ngài đã sống
lại để cho chúng ta một bằng chứng về
sự sống lại của chính chúng ta; Ngài đã lên
trời để bảo vệ chúng ta từ trên trời
cao”.
Sách Giáo lý Công giáo
số 661 nói rằng: “Vinh quang của sự Chúa lên trời
đã gắn liền với giai đoạn của sự
đi xuống của mầu nhiệm Nhập Thể.
Chỉ một mình Đấng đã “bởi Chúa Cha mà ra”
mới có thể “trở về với Chúa Cha”: đó là
Đức Kitô. “Không một ai đã lên
trời bao giờ, trừ Con Người đã từ
trời xuống thế”. Với sức mạnh
tự nhiên của mình, loài người không có
đường nào để tới “nhà Cha”, tới sự
sống và vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ
một mình Chúa Kitô đã có thể mở đường
cho con người, “để chúng ta, những chi thể
của Ngài, chúng ta có hy vọng đoàn tụ với Ngài,
Đầu của chúng ta và Nguyên lý của chúng ta, ở
nơi mà Ngài đã đến trước chúng ta”.
Đối với
người Kitô hữu, trong khi chờ đợi
để được đoàn tụ với Đức
Kitô thì chính thái độ và cách sống sẽ đưa
chúng ta vào vương quốc Thiên Chúa, vương quốc
của an bình, công chính, và hạnh phúc cho
mọi người. Chúng ta phải có thái
độ nào đang khi chờ đợi?
Hãy nhìn vào đời
sống của các tông đồ, chúng ta sẽ học
được thái độ phải có. Các ngài
đã không chờ đợi ở Giêrusalem với một
thái độ thụ động, tiêu cực và nhàm chán.
Nhưng các ngài đã chờ đợi với niềm vui chung của toàn thể Giáo Hội, xét như
thân thể của Chúa Giêsu Kitô như Luca đã diễn
tả: “Bấy giờ các ông bái lạy Người,
rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ”.
Trước hết,
các
ngài đã quy tụ chung lại với
nhau, thờ phượng Thiên Chúa, và cầu nguyện
với lòng ước ao gặp gỡ Thiên Chúa. Các
ngài và những người tín hữu tiên khởi đã
tiếp tục công việc của Chúa Giêsu khởi sự
qua các sinh hoạt của Giáo Hội, với đời
sống cầu nguyện, cử hành các bí tích, nhất là Bí
tích Thánh Thể, và đặc biệt qua đời
sống bác ái yêu thương.
Thứ đến, các
ngài chờ đợi trong tin tưởng và trung thành vào
lời hứa của Chúa Giêsu. Tin tưởng và
trung thành vào lời hứa của Thiên Chúa là tìm kiếm
những dấu chỉ của Thiên Chúa ở mọi nơi
trong đời sống của chúng ta. Đôi
khi Thiên Chúa xuất hiện trong những hoàn cảnh và môi trường
xem ra rất tức cười.
Nếu chúng ta không
nhận ra những dấu chỉ của việc Thiên Chúa
làm, chúng ta sẽ không bao giờ thấy. Tôi tự hỏi
rằng đã có biết bao nhiêu người chăn chiên
đã đi qua bụi cây rừng đang cháy trong câu
chuyện của Môsê, và họ đã không nhìn thấy gì
cả! Chỉ có Môsê là người tin
tưởng và trung thành nên đã đón nhận
được sự biểu tỏ của Thiên Chúa. Môsê đã tìm kiếm tích cực, nên mới gặp
gỡ.
Chúng ta cũng có
thể sẽ bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ Thiên
Chúa nếu chúng ta không tìm kiếm Ngài một cách tích
cực. John Westerhoff, giảng sư của trường Duke University, trong các bài nói
chuyện với sinh viên thường kể câu chuyện
về một người có tên là Nostradam. Trong nhiều
năm, Nostradam đã đi qua biên giới bằng con
lừa kéo chiếc xe chở đầy
rơm khô. Những người lính biên phòng
biết rất rõ Nostradam đang buôn lậu một cái gì
đó. Họ chặn ông lại và lục soát kỹ
lưỡng chiếc xe chở cỏ
khô. Đôi khi họ còn lấy cỏ xuống
mang đi đốt, nhưng vẫn chẳng tìm thấy
sự gì. Sau cùng, khi ông già yếu,
phải nghỉ làm công việc buôn bán này. Họ tổ chức một buổi tiệc cho
ông. Những người lính biên phòng nói
với ông, “Thưa cụ Nostradam! Bây
giờ cụ đã nghỉ ngơi rồi, xin cụ có
thể nói với chúng tôi, cụ đã buôn lậu cái gì trong
những năm qua”. Nostradam thản nhiên
trả lời, “buôn những con lừa”. Điểm chính của câu chuyện là những
thứ buôn lậu ở ngay trước mắt của
họ, nhưng họ không nhìn thấy.
Sự hoạt
động của Thiên Chúa cũng giống như vậy. Không
phải là Ngài không có mặt trên trần gian, nhưng con
người đã làm ngơ, quên đi tất cả các
dữ kiện và dấu chỉ về sự hoạt
động của Ngài.
|