Thuộc về Chúa
Kitô giáo là tôn giáo của
Đấng đã sống lại, Đấng đang
sống sự sống tràn trề của Thiên Chúa. Có lẽ, hơn ai hết, Thánh Phaolô đã cảm
nếm hương vị tuyệt vời về biến
cố sống lại của Đức Giêsu Kitô. Thánh
Phaolô đã bị cuốn hút bởi Đấng Phục
sinh sau biến cố lạ lùng xảy ra với ông trên con
đường Đamas. Rồi sau khi
được Đấng Phục sinh chinh phục, ông
cảm thấy được Ngài là tất cả của
ông. Không còn gì đáng mơ ước
hơn nữa nếu đã có được Ngài ở bên
và được thuộc về Ngài. Thánh Phaolô đã
dùng bao nhiêu là từ ngữ và lời nói phát xuất từ
con tim của Ngài để nói lên
hạnh phúc được thuộc về Chúa: “Không có gì có
thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong
Đức Giêsu Kitô”. Đó là tâm tình và sức
sống của một kẻ cảm nghiệm mình
được yêu và đang yêu.
Tất cả niềm hạnh
phúc và sức mạnh dấn thân của Phaolô
được khởi đi từ cảm nghiệm
Đức Giêsu Kitô đang sống và đang đồng
hành với ông trong cuộc đời này. Thánh Phaolô
đã thốt lên: “ Nếu Đức
Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng
của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin
của anh em cũng trống rỗng... Nếu
chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì
đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng
thương hơn hết mọi người.
Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi
dậy từ cõi chết, mở đường cho
những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,14.19-20),
để từ đây, ai thuộc về Đức Giêsu
Kitô là thuộc về thế giới của sự
sống, của kẻ sống và sống vĩnh cửu.
Trong cuộc đời này, có
những khi ta cảm tưởng mình như đang
bước đi trong bóng đêm dày đặc, đang
rơi xuống vực thẳm đen tối khi bao nhiêu
những dự định hay những mối quan hệ
tình cảm bỗng nhiên bị đổ vỡ và tan
biến. Đó phải chăng là một
cuộc chết đi cho những dự tính nông cạn,
thiển cận của con người được
mời gọi tham dự vào cuộc sống mới,
cuộc sống của Đấng Phục sinh.
Marian Picasso là cháu của hoạ
sĩ Picasso. Từ năm 1973 đến năm 1975, bà
phải chịu nhiều cái tang lớn: ông nội mất,
anh ruột tự tử, cha của bà đột ngột
qua đời. Đây thật là những mất mát không sao
bù đắp được, dù bà nắm trong tay một gia sản khổng lồ. Năm
1990, bà đến Việt Nam
và nhận các bé mồ côi hay bị bỏ rơi về làm
con nuôi và giúp các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
được nơi ăn học. Từ lúc ấy, bà cảm nhận được
một sự thay đổi nơi nội tâm “nhờ giúp
đỡ những trẻ em này, tôi tìm lại
được chính mình. Giờ đây,
tôi cảm thấy mình như sống lại, và tôi muốn
phân phát sự sống đó cho các em”.
Hẳn đã có những
người Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm
của Marina, kinh nghiệm thấy mình được sống
lại nhờ biết ra khỏi nổi đau của mình
để chia sẻ niềm hạnh phúc cho những ai
đang cần đến chúng ta. Kinh nghiệm tìm
lại được chính mình bình an khi
không còn bận tâm lo cho mình nữa. Kinh
nghiệm thấy sự sống được nhân lên
gấp bội khi biết chia sẻ tận tình.
Thuộc về Chúa Giêsu Kitô là sống theo gương mẫu của Ngài và sống
như Ngài đã sống. “hy sinh mạng
sống của mình vì người mình yêu”. Sống
thật là biết cho đi. Khi biết trao ban tận
tình là thuộc về Đấng hằng sống.
Đức Giêsu Phục sinh không chỉ hiện ra một
vài lần nhưng Ngài muốn ở mãi bên chúng ta cho đến
tận thế, một sự hiện diện 2 chiều,
mới mẻ và thâm sâu “anh em ở trong Thầy và Thầy
ở trong anh em”, một sự hiện diện tràn
đầy sức sống “Thầy sống và anh em cũng
sống”. Nhờ qua Bí tích Rửa tội,
người Kitô hữu tự bản chất đã
được Phục sinh và sự Phục sinh ấy không
ngừng lớn mạnh nhờ thông hiệp với
Đấng đang sống là Đức Giêsu Kitô.
Mùa Phục sinh là mùa nhắc
chúng ta nhìn lại sự sống nơi mình. Lắm khi chúng ta sống èo uột chỉ vì không
dám yêu thương, không dám hy sinh và không dám cho đi. Bắt đầu ra khỏi chính mình để
sống yêu thương là bắt đầu thấy Chúa
tỏ mình, thấy sự sống của Thiên Chúa bùng lên
mạnh mẽ nơi chúng ta. Thế giới hôm nay
đang cố làm cho cuộc sống được
đảm bảo hơn, tiện nghi hơn và kéo dài
hơn, nhưng con người vẫn sống trong lo
sợ, nguy hiểm và may rủi rất cao do chiến tranh,
khủng bố, tội ác, đói nghèo... cuộc sống
bị héo úa vì không tìm thấy ý nghĩa. Thế
giới đang đói khát sự sống đích thực.
Nếu chúng ta thật sự là người đang sống
trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta có thể trao ban cho thế
giới sự sống đó qua việc phục vụ trong
tình yêu.
|