Ở
lại trong tình yêu - Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Tình yêu, một đề tài
rất xưa và cũng là một đề tài rất
mới. Rất xưa bởi vì, từ
khi có con người đã có tình yêu, rất mới cũng
bởi vì tình yêu vẫn là sự sống động trong
thế giới hôm nay. Rất mới và rất cũ
nhưng chẳng thể nào có thể hiểu nổi
được tình yêu, tình yêu có muôn mặt của thủy chung và những bội phản, sự
thực và lừa dối, tinh khiết và hoen úa, ngọt
lịm và cay đắng. Tình yêu là một
chủ đề hao tốn giấy mực và cũng hao
gầy nhiều thân phận.
“Ở lại trong Tình Yêu của Thầy” Ga
14 là một chủ đề quan trọng và cũng tìm
thấy trong di chúc của Chúa Giêsu cho các môn đệ
trước khi Ngài ra đi: “Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy yêu thương anh em”. Chúng ta
chỉ thực sự yêu thương khi ở lại trong
Tình Yêu của Thiên Chúa.
Tình Yêu tiếng nói của Chúa Thánh Thần:
Tình yêu bao giờ cũng có những thể
hiện bằng hành động: Hành động đầu
tiên và trước tiên đó là sáng tạo. Tình
yêu của Thiên Chúa là sự khai mở, đó là bản
chất của Tình Yêu. Sáng tạo là
sự khai mở của Thiên Chúa để đưa các
loài được tạo thành được tham dự
vào hạnh phúc của Thiên Chúa. Các loài
thụ tạo của Thiên Chúa được chia sẻ
vinh quang của Người. Tình yêu
đúng nghĩa bao giờ cũng là tình yêu mang đến
hạnh phúc cho người mình yêu. Hạnh
phúc không chỉ là một lời hứa mà còn là một con
đường. Thiên Chúa đã đề nghị
một con đường, con đường ấy là
“Thực thi ý muốn của Thiên Chúa”; qua con
đường giới răn thực thi ý muốn của
Thiên Chúa mở ra con đường đối thoại
tình yêu. Tình yêu làm nên những cái mới, chính là tác
động của Chúa Thánh Thần, “Thần Khí ban sự
sống” là gió là hơi thở của sự sống. Là gió
là hơi thở “Chúa hà hơi, súc vật được
sáng tạo và Ngài đổi mới mặt địa
cầu” (Tv 104, 30). Hơi hở thần linh làm cho mùa màng
được dồi dào thuận lợi, thời tiết
thuận hòa, con người được vui sống.
Ở lại trong Tình yêu nghĩa là ở lại trong sự
sống Thánh Thần ban tặng, sống dồi dào nhờ
hít thở trong bầu khí Thần Linh.
Thần Khí mới – Trái Tim mới:
Trái tim gợi lên
đời sống tình cảm, người Do Thái quan
niệm trái tim như tất cả những gì thuộc
về nội tâm của con người. Đông
Phương gọi đó là cái Tâm, Tâm vừa đóng vai trò
chính của con người vừa là nơi xuất phát
mọi hành vi của con người
cũng như là nơi thụ nhận tất cả
những gì thế giới giác quan mang lại. Tâm còn là nơi xuất phát niềm vui và hy
vọng, dự định và kết quả một hành
trình. Ở lại trong Tình Yêu, một lời mời
gọi mang lấy và sống trong trái tim
của Thiên Chúa. Châm ngôn nhắc tới: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà
sự sống phát sinh.” (Cn 4, 27). Trái tim còn là sự hiểu biết khôn ngoan:
“Người ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và
trái tim để chúng suy nghĩ” (Hc 17, 6). Trong Thánh Thần
chúng ta được sống và sự sống
được hướng dẫn bằng Thần trí khôn
ngoan, thông minh, thông hiểu, lo liệu, sức mạnh, dũng
cảm và kính sợ. Ở lại trong Thầy mang một ý
nghĩa đặc biệt trong vương quốc Thiên
Chúa, những ân huệ của Chúa Thánh Thần làm nên
một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hạnh phúc và thánh
thiện.
Trái tim chai đá. Con
người thích theo lối sống
của mình, ưa thich tìm những lạc thú làm cho mỗi
ngày trái tim trở nên chai cứng hơn. Trong đời
sống của dân Thiên Chúa chọn cũng xảy ra tình
trạng tráo trở này để ru ngủ mình trong tội
lỗi bằng những phụng tự bên ngoài (Am 5, 21)
với những lời lẽ sáo rỗng (Tv 78, 36) và bị
lên án “dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn tâm hồn thì
xa Ta” (Is 29, 13). Con người quyến luyến trong
tội lỗi, bởi chẳng cần nỗ lực
để sống thánh, chẳng cần thanh lọc
để trở nên tinh trong, mặc dù vẫn biệt
hậu quả của tội lỗi là đau khổ là
sự chết, nhưng thà rằng như thế còn hơn
là liên lạc với Thiên Chúa nghĩa là “liều bỏ
tấm lòng mình” (Gier 30, 21). Trái tim xơ cứng chai đá
của con người đã đến lúc cần phải
đập vỡ nó ra, nhưng ý muốn ấy chỉ có
thể đến từ phía con người, khi con
người nhận ra mình không còn đủ sức
chấp nhận đau khổ, bất hạnh và sự
chết.
Cần có một quả tim
mới: Khao khát này xuất phát từ nơi thẳm sâu
đau khổ của tội lỗi gây nên, nếu không
muốn trở thành con người cam chịu số
phận. Con người đọc qua lịch sử
của dân Israel
và lịch sử đời mình hiểu rằng tôn giáo
bề ngoài là một thứ tôn giáo bào mòn lòng yêu mến.
Muốn thực sự thoát ra khỏi trái tim xơ cứng
cần có một thay đổi quyết liệt, “tìm
kiếm Thiên Chúa với tất cả tâm hồn” (Đnl 4,
29), muốn đầy đủ sức mạnh để
chiến thắng sức ì của bản thân cần
“Gắn chặt tấm lòng vào Giavê” (1Sm 7, 3) để
thắp lên trong trái tim ngọn lửa “yêu mến Thiên Chúa
hết lòng, hết sức” (Đnl 6, 5).
Khao khát là vậy, lý tưởng là thế,
nhưng vẫn chẳng thoát ra ngoài được con tim
giả dối, tấm lòng bất trung từ nguyên thủy,
chỉ còn có thể đến với Thiên Chúa “với
tấm lòng tan nát rã rời” (Tv 51, 19) một tấm lòng tan
nát khiêm cung để khấn xin Chúa “tạo cho con một
tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần con
nên chung thủy” (Tv 51, 12).
Tình yêu không bao giờ là hủy diệt, Tình
yêu luôn luôn là một chữa lành, rất nhiều
người không biết Thiên Chúa rất lạ lẫm khi
thấy những con người Kitô giáo vượt qua
được thảm trạng tội lỗi của mình,
mặc dầu đã biết rằng, những người
ấy trước kia là một người tội
lỗi, xấu xa, đê tiện. Điều rất lạ
ấy xảy ra không chỉ do trái tim tan nát rã rời
của hối nhân mà còn nguyên do sức mạnh từ
nơi Thiên Chúa đã thực hiện cho con người
khiêm nhượng “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi và Ta
sẽ ban cho các ngươi trái tim mới, đặt vào
lòng trí các ngươi một thần trì mới; cất
khỏi các ngươi trái tim bằng đá và ban tặng
trái tim bằng thịt” (Ez 36, 25). Không có
sức mạnh Thiên Chúa, thắng được chính mình
chỉ là ảo tưởng và đôi khi trở nên quá khích
khi diệt mất chính mình.
Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần và mời
gọi ở lại trong Tình Yêu của Thầy, đó là
một lời gọi đích thật để trái tim
được tự do khỏi tội, để tấm
lòng an vui hạnh phúc thật sự khi không còn bóng dáng
tội lỗi, Chúa Giêsu chính là trái tim mới
được ban cho nhân loại, và Thánh Thần là
Đấng ban thần trí mới cho chúng ta.
Xin cho những bước chân đi hoang
của con người chúng con vào những lúc bế tắc
không nơi trọ, không nơi đón nhận, thì xin cho chúng
con cũng biết khiêm cung với tấm lòng tan nát ở
lại, lưu trú trong Tình Yêu của Người vì Tình Yêu
của Người đón nhận, chịu đựng, hy
sinh tha thứ và yêu thương tất cả.
|