Dưới tác động Thánh Thần – Lm. Nguyễn Hữu An
Suốt các Chúa
Nhật Phục Sinh, các bài đọc 1 được trích
trong sách Công Vụ Tông Đồ. Một nhà chú giải Thánh
Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông
Đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn
sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giêsu, còn Công Vụ Tông
Đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.
Sách Công Vụ
Tông Đồ là một trong những tài liệu lịch
sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Đó là lịch
sử hiện hữu duy nhất của Ki-tô giáo
được viết ra trước thế kỷ thứ
III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn dậy
của Ki-tô giáo ở Palestina hay về công cuộc
Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hy-lạp và Rô-ma. Bình
minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló
dạng.
Giáo Hội
đã sống tuổi thanh xuân của mình giữa lòng
Đế quốc Rô-ma, phải đối diện với
ba thách đố lớn là Do-thái giáo, chính trị Rô-ma và
triết học Hy-lạp. Giáo Hội phải bung ra
khỏi Do-thái giáo, hội nhập vào triết học
Hy-lạp để lan rộng trên toàn đế quốc
Rô-ma. Chỉ với những người dân chài Ga-li-lê ít
học, chỉ với một Phao-lô nhiệt thành, thế
mà Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao
thử thách thời đại.
Chính Chúa Thánh
Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội.
Đúng như lời Thánh I-rê-nê đã nói: “Ở đâu có
Thánh Linh của Đức Ki-tô ở đó có Hội Thánh.
Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân
sủng”
Sách Công Vụ
Tông Đồ trình bày lịch sử dưới ánh sáng
đức tin. Sau khi Phó tế Stê-pha-nô bị ném đá thì
khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn
chống Giáo Hội ở Giê-ru-sa-lem. Cộng đoàn Ki-tô
hữu ở đây bị phân tán, nhiều tín hữu thoát
khỏi đô thị đi tìm nơi ẩn náu. Họ
đi tới đâu là rao giảng Tin Mừng tại đó.
Chính đây là lúc câu nói thời danh của văn hào Tertuliano
được ứng nghiệm “Máu các Thánh Tử
Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Ki-tô hữu”.
Các cộng
đoàn Diaspora được thành lập. Họ hội
nhập vào văn hoá địa phương để rao
giảng Tin Mừng. Đoạn sách Công Vụ Tông
Đồ của Chúa Nhật hôm nay kể lại vị
sứ giả đầu tiên đã mang Tin Mừng
đến cho người ngoại giáo, đó là
người Do-thái nói tiếng Hy-lạp, phó tế
Phi-lip-phê. Ngài tới thủ đô Sa-ma-ri rao giảng làm phép
lạ, chữa lành nhiều bệnh tật. Người ta
vui mừng đón nhận và xin theo Đạo (Cv 8, 5-8). Sau
khi xứ Sa-ma-ri được đón nhận Tin Mừng,
các Tông Đồ đã cử Phê-rô và Gioan đến
cũng cố Niềm Tin cho các tân tòng (Cv 8, 14-24).
Kinh nghiệm
sống đức tin của cộng đoàn tín hữu
sơ khai là bài học quý giá cho chúng ta. Họ bị
nhận chìm trong gian truân thử thách, nhưng chính lúc ấy
họ cảm nhận sự hiện diện và hoạt
động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần. Như
ngọn gió cuốn bay những hạt giống để
rồi hạt giống lại gieo mầm sống mới
ở nơi khác, ngọn gió Chúa Thánh Thần qua những
cơn bách hại cũng mang lại những hiệu
qủa lạ lùng. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo
Hội, càng bị bách hại Giáo Hội càng lớn
mạnh không ngừng.
Đọc
lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, sau sắc
dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các
cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những
người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ
Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang
để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra
an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành
hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm
đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự
Đức đã phân tán các cộng đoàn Ki-tô hữu.
Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất mới,
rừng thiêng nước độc, họ khai khẩn
điền địa và lập nên những cộng
đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến
Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin
được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.
Như hạt
giống gieo xuống đất và chờ đợi,
những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt
giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy
mầm, bén rễ, lớn nhanh, những cộng đoàn tín
hữu đang sống đức tin thầm lặng đã
gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh
và nhiều giáo xứ đã được thành lập.
Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới
nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh
Thần, trong mọi thử thách Giáo Hội luôn có Chúa Thánh
Thần nâng đỡ, trong mọi biến cố đau
thương luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt.
Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc
đời đều là lời mời gọi, lời
nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con
người cần biết giải mã các biến cố
ấy trong ánh sáng đức tin.
Ngày nay, có
lẽ không còn những cơn bắt bớ và bách hại
như xưa, thế nhưng những gian nan, những
thử thách vẫn không thiếu trong đời sống
đức tin. Thời đại hôm nay là thời
đại xẻ núi lấp sông, vượt trùng
dương, chinh phục không gian, bùng nổ thông tin, toàn
cầu hoá... Nhưng xã hội hôm nay đang bị tục
hoá với muôn ngàn cám dỗ ngọt ngào tinh vi của ma
quỹ?ã hội đang đánh mất chiều kích siêu hình,
không còn cảm thức về tội lỗi. Giáo Hội phải
đối diện với một xã hội mà như
triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã nói: “Thiên Chúa
phải chết để cho con người
được tự do”.
Người ta
đang xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, tôn giáo
bị tách ra khỏi xã hội. Con người mãi mê
chạy theo lối sống hưởng thụ thực
dụng, cá nhân chủ nghĩa. Như thế người
Ki-tô hữu phải sống và diễn tả niềm tin
của mình như thế nào đây? Bài Phúc Âm chiếu ánh
sáng soi đường. Chúa Giêsu đã loan báo: “Đấng
Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh
Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi
điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất
cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26).
Khi người
tín hữu chúng ta được Chúa Thánh Thần đổ
tràn ơn thiêng trong đời, chúng ta sẽ yêu mến Chúa,
được Chúa Cha và Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn
(Ga 14,21), được Chúa ban sự bình an tuyệt
vời, bình an không như thế gian ban tặng (Ga 14,27).
Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống
mới trong Đức Ki-tô. Dưới tác động
của Chúa Thánh Thần, người tín hữu làm
được mọi sự trong ân sủng Đức Ki-tô.
Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt
qua các thách đố thời đại như cộng
đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi
trở ngại để loan báo và mở rộng
Nước Chúa.
Ở đâu có
Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm
cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống,
Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức
sống mới. Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng trong
lòng mẹ” Đức Ma-ri-a hát lên bài ca Magnificat. Các Mục
đồng hớn hở đi Bê-lem. CácTông Đồ
trở nên những con người mới. Các Thánh Tử
Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta
cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống
chứng nhân cho tình yêu, can đảm loan báo Tin Mừng
Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
|