Hãy tìm một chỗ trong trái tim Chúa
Bài đọc 1
hôm nay cho chúng ta cơ hội tốt để kiểm tra
lại tình hình giáo hội địa phương. Các bài
đọc công vụ mùa Phục sinh gây ấn tượng Hội
thánh tiên khởi có sự đoàn kết chặt chẽ và
vững bền, nhờ đức tin vào Chúa Kitô sống
lại. Nhưng thực tế chúng ta không luôn cảm
nghiệm như vậy ở các Hội thánh địa
phương. Thường xảy ra những tranh cãi
lớn nhỏ. Trên bình diện quốc gia và quốc tế
cũng vậy, luôn có đe doạ chia rẽ về
nhiều vấn đề. Thí dụ, những năm
cuối đời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II,
tiếng nói đòi ngài từ chức không phải là
hiếm, có những lúc tưởng như đổ
vỡ. Hiện nay ở giáo phận tôi phục vụ, các
trường công giáo đang là một vấn đề.
Kẻ đòi đóng cửa vài trường vì không
đủ kinh phí, người khác đề nghị
đầu tư thêm. Cuộc tranh cãi có lúc bùng nổ
lớn, lan đến các phương tiện truyền
thông xã hội. Không hiểu tháng 9 tới đây (mùa khai
trường) vụ việc sẽ được
quyết định ra sao? Hiện thời thì chưa ngã
ngũ. Lại còn việc các giáo sỹ gây gương
xấu, trách nhiệm của các vị lãnh đạo giáo
phận đến đâu Ai buộc phải từ
nhiệm, ai không?
Trước
sự lớn mạnh và nhiệt thành của giáo đoàn
tiên khởi, hình như sách công vụ tông đồ chỉ
chú ý ghi lại phần tích cực, bỏ qua những tiêu cực,
cho nên chúng ta nghĩ rằng mình kém cỏi hơn các vị
tiền bối trong đức tin. So sánh với Hội
thánh tiên khởi, các Giáo hội hiện thời luôn phải
đối mặt với nhiều sa sút, chia rẽ. Vì
vậy, hình như chúng ta không được “chính
thống” như các tín hữu đầu tiên. Đó là
cảm nghiệm chung mọi người đều thấy
được. Tuy nhiên, bài đọc 1 hôm nay không củng
cố quan điểm đó, ngược lại nó cho
thấy các tín hữu cũng có những “khó khăn” riêng:
Số là khi cộng đồng thêm đông, các tín hữu
gốc Do thái nhưng nói tiếng Hy lạp cảm thấy
bị thiệt thòi vì các goá phụ của họ không
được anh em đồng đạo Do thái chính
gốc đối xử cộng bằng. Sách Công vụ
kể: “Thời đó các môn đệ thêm đông, thì các tín
hữu Do thái theo văn hoá Hy lạp kêu trách những tín
hữu Do thái bản xứ, vì trong việc phân phát
lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ
bị bỏ quên.” Rõ ràng giáo đoàn tín hữu đã gặp
sự khác biệt về sắc tộc và bất bình
đẳng trong các thành phần cộng đoàn. Dấu
chỉ hợp nhất chứng minh Chúa phục sinh đang
hiện diện không còn chặt chẽ nữa. Tuy lúc
đầu, sách công vụ kể cộng đoàn làm chứng
mạnh mẽ Chúa đã phục sinh bằng dấu chỉ
họ yêu thương, đoàn kết với nhau khăng
khít. Nhưng bây giờ chủ nghĩa thiên tư đã
để lộ chân tướng. Họ cố tình bỏ
quên những kẻ thấp cổ bé miệng trong cộng
đoàn. Đây cũng là thách đố của chúng ta hôm
nay. Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta nên thành
thực với ơn Chúa Thánh Thần, loại trừ
khỏi tâm hồn thói giả hình giả điệu,
dấu diếm những lỗi lầm, làm ra vẻ là môn
đệ Chúa, nhưng thực tế lòng đầy gian
tham, ghen tỵ và loại trừ lẫn nhau. Hãy noi
gương giáo đoàn tiên khởi, giải quyết các khó
khăn trong ơn Chúa và sự thật. Duy chỉ sự
thật mới giải thoát chúng ta khỏi chia rẽ.
Lấp liếm không phải là cách giải quyết tốt.
Cứ như tông đồ công vụ thuật lại thì
toàn bộ giáo hữu tụ họp, không thấy kể có
ai vắng mặt. Họ cùng bàn bạc và nhất trí
chọn ra 12 thanh niên Do thái gốc Hy lạp, đầy
Thánh thần. Các tông đồ đặt tay trên họ
để thành lập một nhóm riêng, có nhiệm vụ
trông coi vật chất cho cộng đoàn. Chẳng bao lâu
sau, người ta thấy nhóm này cũng đi rao giảng
Lời Chúa như Stêphanô ở Giêrusalem, Philiphê ở Samaria. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính
yếu của họ là giúp đỡ các tông đồ, phân
phát nhu cầu vật chất cho những người
thiếu thốn. Hôm nay trước bàn thờ thánh thể,
chúng ta cùng cầu xin cho chúng ta ý thức được
nhiệm vụ chính yếu của mình là rao giảng
Lời Chúa, săn sóc những người thiếu
thốn, yếu đau, bệnh tật và đừng tìm
kiếm thanh danh, lợi lộc riêng tư.
Bài Phúc âm trích
diễn từ cuối cùng của Chúa Giêsu trong bữa
tiệc ly. Bối cảnh là sau biến cố rửa chân,
Chúa Giêsu loan báo Giuđa phản bội. Các môn đệ nhìn
nhau bối rối, rồi chuyển sang hoang mang về
tương lai. Chúa Giêsu trấn an các ông: “Anh em đừng
xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha
Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không Thầy đã
nói với anh em rồi.” Các tông đồ hoang mang vì khi Chúa
ra đi rồi các ông sẽ rơi vào hoàn cảnh như
rắn mất đầu, con cái không cha mẹ, đạo
binh không tướng lãnh. Họ biết chống đỡ
ra sao với các thế lực thù địch, nhất là
với quyền bính đền thờ đang tìm cơ
hội để tiêu diệt họ? Đúng là họ
sẽ gặp nhiều khó khăn nếu vắng bóng Chúa Giêsu
giữa họ. Ngày nay cũng vậy, Hội thánh sẽ vô
cùng lo sợ nếu Chúa không hiện diện để nâng
đờ hằng ngày. Bởi kẻ thù của mình,
đứng đầu là Satan, luôn chờ cơ hội
để quấy phá và nếu có thể được thì
tiêu diệt luôn. Đức Thánh cha, hàng giáo phẩm,
những vị có trách nhiệm đều cảm thấy
được như vậy. Cho nên, năm 1978, khi vừa
đắc cử giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã
phải tuyên bố ngay trước giáo dân tại quảng
trường thánh Phêrô: “Anh chị em đừng sợ!”
Một lời bảo đảm vững chắc nhưng
bao hàm tình hình quá ư bấp bênh, đầy nguy hiểm.
Cho nên chúng ta không lấy làm lạ về thái độ
của Chúa Giêsu đối với các môn đệ đang
sợ sệt. Ngài nói nhiều về Chúa Cha: “Trong nhà Cha
Thầy có nhiều chỗ ở”(c 2). Ngài là đường
dẫn đến Chúa Cha (c 4). Xem thấy Thầy là xem
thấy Cha (c 7). Những lời ngài giảng dạy, các
việc ngài làm là của Chúa Cha (c 10). Tất cả
những nội dung đó bảo đảm Ngài luôn ở
với các môn đệ và Hội thánh. Ngài không để
chúng ta một mình bơi qua biển đời trần gian,
chống chọi với phong ba bão táp của hoả
ngục. Đến đây, xin liên tưởng tới
trường hợp của Phêrô đi trên biển vào ban
đêm để đến với Ngài (Mt 15, 22), hay mẻ
cá lạ lùng sau một đêm làm vịêc luống công (Ga 21,
3).
Lời tuyên
bố của Chúa Giêsu: “Thầy là con đường, là
sự thật và là sự sống” bao hàm nhiều chân lý khác
nữa và đối với các môn đệ, chúng hợp
thành nền tảng đức tin của họ vào Ngài. Ngài
thực sự là con đường để các môn
đệ đến với Chúa Cha, thay vì những tục
lệ của các lãnh đạo tôn giáo áp đặt trong
việc tuân thủ lề luật, thì chỉ cần tin vào
Chúa Kitô. Ngài chính là con đường để mọi
người được cứu độ. Ngoài Ngài ra
không có con đường nào khác nữa. Tin vào Chúa Giêsu,
chúng ta được hưởng tràn đầy thánh nhan
Thiên Chúa. (Tôi và Cha tôi là một). Ai thấy Chúa Con thì cũng
thấy Chúa Cha (Ga 6, 16). Ngoài ra, Ngài là con đường yêu
thương đưa đến sự sống. Cho nên,
muốn học biết yêu thương thì phải học
với Ngài, chứ không bày ra những tưởng
tượng rồi gọi đó là yêu thương. Yêu
mến Chúa Giêsu là tuân giữ các giới răn của Ngài.
Yêu thương nhân loại là làm gương lành
gương sáng cho họ, lôi kéo họ về với tình
thương của Thiên Chúa. Như vậy, Ngài đích
thực là con đường chúng ta tin cậy. Con
đường duy nhất mặc khải cho chúng ta
biết về bản tính Thiên Chúa. Chúng ta vững lòng tin theo
khi Ngài rao giảng về lòng thương xót của Thiên
Chúa, về sự tha thứ Người ban cho những linh
hồn sám hồn. Nếu ai đó rêu rao về một Thiên
Chúa trả thù, oán giận, hằn học, chúng ta có thể
bỏ ngoài tai. Chúa Giêsu chính là chân lý về Chúa Cha. Sống
theo như Ngài đã sống dẫn đưa nhân loại
đến thể hiện hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa. Do đó,
nếu chúng ta mường tượng ra một lối
sống khác, kỳ quặc thì đấy là lối sống
của ma quỷ. Tai hại thay, thiên hạ thường
cỗ võ lối sống này, rồi hô là văn minh, hợp
thời đại, không bị tụt hậu, hay nói
nhẹ nhàng hơn “nhân bản”. Tôi nhớ cha Bernard Pro O.P.
phát biểu một câu chí lý: “Dieu seul est humain - Chỉ
một mình Đức Chúa là nhân bản”, còn loài
người dù sống tốt thế nào đi nữa
cũng vương mùi tục luỵ. Cho nên, đừng
kiêu ngạo, tự hào mình “nhân bản” hơn Thiên Chúa. Con
đường của Chúa là nhân bản tối
thượng.
Chúng ta không có
khả năng tự thân sống theo cuộc sống
của Chúa Giêsu, cũng chẳng tự sức lấy Ngài
làm gương mẫu. Đúng hơn, Ngài là “sự
sống” của mỗi người. Chúng ta hoàn toàn lệ
thuộc vào ơn Ngài để có thể sống như
Ngài. Đây là chân lý nền tảng của cuộc
đời tinh thần. Chúng ta phải ghi nhớ luôn,
kẻo sai lầm, sống theo khả năng riêng, xa
rời giới răn của Chúa Giêsu. Từ đó, sinh ra
tự phụ về đàng thiêng liêng. Chúa Giêsu là nguyên lý
của sự sống siêu nhiên, chúng ta hoàn toàn lệ
thuộc vào Ngài để có thể sống tốt. Ngoài
ơn Ngài ra là sống sai lầm. Sống buông thả theo
dục vọng của mình thì thế nào gọi là có ơn
Chúa hướng dẫn? Khi Ngài tuyên bố với các môn
đệ: “Thầy về cùng Thiên Chúa Cha” tức thời
các môn đệ nhớ lại lời hứa của Ngài là
Ngài sẽ trở lại mang họ cùng đi với Ngài:
“Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở nếu không
Thầy đã nói với anh em rồi, Thầy đi dọn
chỗ cho anh em và Thầy sẽ trở lại đem anh em
về với Thầy.” Trong khi chờ đợi Chúa
thực hiện chân lý đó, chúng ta cần cầu xin
Thần khí của Ngài gìn giữ mình trung thành với ơn
nghĩa Chúa. Lễ Ngũ tuần đã gần kề, nhớ
lại biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống chan
hoà trên Giáo hội tiên khởi, chúng ta cũng mong ước
biến cố này còn tiếp tục xảy ra trong hội
thánh ngày nay, để Thần khí Chúa thúc đẩy mỗi
tín hữu, ban cho mỗi người khả năng
sống thánh thiện theo đời sống Chúa Kitô.
Trong các
trường phổ thông cơ sở công giáo, đôi khi
người ta tổ chức ngày họp mặt các cựu
học sinh. Thường thì vài năm một lần.
Đúng là một truyền thống tốt đẹp,
đáng ghi nhớ. Mỗi lớp sẽ gửi thiếp
mời đến các học sinh cũ của nhà trường,
chỉ định ngày giờ. Mọi người hồi
hộp đợi ngày trở về tổ ấm
(homecoming), gồm cả những nhân vật thành
đạt trên trường đời như tổng
thống, thương gia, nghĩ sĩ, nghị viện,
không loại trừ vô danh tiểu tốt. Trong thánh lễ
tạ ơn, người ta chọn đọc bài phúc âm hôm
nay. Đó là một chọn lựa khôn ngoan, bởi lẽ
Chúa Giêsu tuyên bố Ngài đi là để dọn chỗ cho
các môn đệ và Ngài sẽ trở lại mang họ theo.
Phải chăng đây không phải là một sự trở
về tổ ấm thực sự hay sao? Ý nghĩa thật
sâu sắc! Những học sinh đã rời nhà
trường tản lạc đi khắp ngả đông
tây để kiếm sống, danh vọng, địa
vị, tiền tài. Bao nhiêu thời giờ, nghị lực,
tham vọng đã bỏ ra cùng muôn nỗi nhớ nhung ngôi
trường cũ, bạn bè xưa. Nay được
trở về sum hợp, đúng là cơ hội mừng
vui. Những mối giàng buộc thân tình ngày xưa lại
được làm cho sống lại. Ai nấy đều
cảm thấy hạnh phúc, tạm thời gạt bỏ
những khó nhọc vì công việc hằng ngày.
Có điều gì
đó liên quan đến lời tuyên bố của Chúa Giêsu:
“Ta là con đường, là sự thật và là sự
sống” cho những cựu sinh viên, và cho toàn thể tín
hữu, khi mà việc trở về họp mặt với
Chúa Giêsu trong vương quốc ân sủng, trong hạnh
phúc tuyệt vời. Bởi Ngài chính là tổ ấm của
chúng ta. Những linh hồn đón nhận Ngài đều
cảm nhận nơi Ngài có nhiều chỗ ở, không
phải đợi tới đời sau mới được,
mà ngay từ đời này. Chính cuộc sống của Ngài
là địa chỉ họp mặt của tất cả
chúng ta. Khi Ngài đồng bàn với các môn đệ không thấy
đặt bảng hiệu chỉ rõ chỗ ngồi cho
những chức sắc hay vị trí của những
kẻ thân cận tri kỷ. Mọi người đều
bình đẳng, không phân biệt nghèo khó, sang giàu,
người thu thuế hay thợ chài lưới, Phêrô hay
Gioan. Ngược lại, Ngài cung cấp chỗ nghỉ
ngơi cho những ai gồng gánh nặng nề, ủi an
những linh hồn đau khổ, phiền muộn.
Tất cả đều được danh dự
trước mặt Ngài, tìm thấy sự ấm cúng trong
trái tim Ngài và được Cha Ngài yêu thương.
Chẳng lạ gì mọi người dù tội lỗi
đến đâu cũng được Ngài tiếp
đón. Khi rao giảng Ngài luôn ban phát ơn lành cho những
linh hồn gặp Ngài. Thí dụ, các phụ nữ nơi
công cộng, Ngài chấp nhận họ như những môn
đệ của mình, điều mà các thầy thông
luật, các biệt phái từ chối. Nếu họ là
những tội nhân, những người bị thần ô
uế ám hại, các kẻ bị loại trừ vì lý do tôn
giáo, các thân phận ngoài lề xã hội, chắc chắn
họ tìm thấy nơi nương ẩn nơi lòng
thương xót của Ngài, vì Ngài giải thích lề
luật theo căn bản của nó, chứ không đặt
thêm gánh nặng trên vai người có lỗi bằng các
tập tục, các thói lệ của đời xưa, xa
lìa ý định Thiên Chúa. Ngài là sự hiện diện
của Thiên Chúa trước mặt các tội nhân. Vì
vậy, người trộm lành được một
nơi cư ngụ tốt đẹp trên thiên đàng.
Chị phụ nữ ngoại tình được ơn tha
thứ và bình an. Ngài ngỏ lời với tất cả các
linh hồn tìm kiếm Thiên Chúa: “Chúc mừng cuộc trở
về tổ ấm nhà ta.”
Đúng vậy,
Chúa Giêsu cung cấp mái ấm cho những ai lắng nghe và
chấp nhận lời Thiên Chúa. Nội dung được
gói ghém trong tuyên bố: “Ta là con đường, là sự
thật và là sự sống”. Bất cứ những ai
chấp nhận Ngài như vậy đều tìm thấy
nơi cư ngụ trong trái tim Thiên Chúa, không sợ bị
loại bỏ ra ngoài. Hãy để những thứ phù
phiếm trôi vào quá khứ. Những tội lỗi, tham
vọng, gánh nặng vào hư vô. Bởi chúng ta là con Thiên
Chúa, chúng ta có thể cảm nghiệm Ngài như cha mẹ
và Ngài ra đi để dọn chỗ cho chúng ta.
Đức tin vào Chúa Giêsu như vậy là nơi cư
ngụ của nhân loại. Ngài ban khả năng cho chúng ta
sống tốt, làm điều thiện hảo. Nhờ
đó, những kẻ còn ở xa có thể tìm thấy
nơi ở vững bền. Những người yếu
kém về kinh tế, xã hội tìm được sự nâng
đỡ thăng tiến. Hôm nay, trước bàn thờ
Thánh thể, buổi phụng vụ của chúng ta đúng
lý phải là nơi cư ngụ quen thuộc cho hết
thảy mọi người, thường xuyên dự
lễ hay khô khan nguội lạnh. Nhưng thực tế
không được như vậy. Có những kẻ còn
bị loại trừ như di dân, ly dị, đồng
tính luyến ái, con hoang, xì ke, ma tuý, trộm cướp, v.
v. Chúng ta cầu xin Chúa cho mọi người tìm thấy
chỗ ở trong trái tim Chúa. Xin Ngài củng cố chúng ta
trong các hoạt động bác ái ngõ hầu Hội thánh,
thế giới này trở thành mái ấm cho mọi linh
hồn, không phân biệt già trẻ, trai gái, sắc tộc,
trình độ, sang hèn. Chúng ta đợi trông Chúa Thánh
Thần đổi mới mọi sự để trái
đất này thực sự là mái ấm cho loài
người cư ngụ. Bởi vì tự thân chúng ta
chẳng thể thực hiện được ước
mơ đó. Amen.
|