Ai biết
Thầy là biết Chúa Cha
(Suy niệm
của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
“Thưa
Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế
là chúng con mãn nguyện”, thiết tưởng lời thỉnh cầu
của ông Philipphê cũng đồng thời diễn
tả ước nguyện sâu xa của chính tôi, cũng
như của nhiều tín hữu khác qua mọi thời
đại. Như
biết bao người ‘có đạo’ khác, tôi vẫn
đinh ninh rằng mình thật sự tin có Thiên Chúa, và mình
có trách nhiệm phải nói, phải chứng minh, phải
thuyết phục để mọi người cùng tin
rằng thật sự có Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa thực
sự hiện hữu. Thế nhưng thú thật, khi làm
công việc đó tôi thấy mình cần phải là một
triết gia, một nhà lý luận hơn là một tín
hữu; đồng thời cũng nhận ra rằng, cho
dầu có học hành thông minh tới mấy tôi cũng chẳng
thuyết phục được mấy người.
Nhiều người trong chúng ta đã từng có lần
tự vấn: có thật tôi biết, tôi tin cách xác thực
Thiên Chúa, như thể tôi đã tận mắt thấy Ngài?
Trong thâm tâm biết bao người trong chúng ta vẫn
thầm ấp ủ mộng ước một ngày nào
đó mình sẽ được ‘thấy’ Thiên Chúa, qua
một phép lạ nhãn tiền chẳng hạn, khi Ngài
tỏ lộ cách công khai quyền năng và thượng trí
khôn ngoan của Ngài.
Cũng
thế đối với các môn đệ, cụ thể
hai ông Tôma và Philipphê.
Biết sâu hơn về Thiên Chúa là ước vọng chính
đáng, đồng thời cũng là mục đích
của việc các ông đi theo Thầy Giêsu.
Chắc chắn các ông đã từng được nghe
Thầy nói nhiều về Chúa Cha; tuy nhiên giữa những
gì Đức Giêsu trình bày và ý niệm các ông có về
Đức Chúa Cựu Ước xem ra chẳng mấy
ăn khớp với nhau. Trong thâm tâm các ông vẫn mơ
ước một ngày nào đó Đức Giêsu tỏ cho các
ông được thấy Chúa Cha trong uy quyền sáng láng,
như hình ảnh các ông vẫn có về Ngài. Chỉ như
thế các ông mới cảm thấy toại nguyện: “xin
tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!”
Đức Giêsu
tỏ thái độ vô cùng kinh ngạc trước lời
thỉnh nguyện này của các ông: “Tại sao anh lại
nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?” Quả
thật Người ngạc nhiên vì vẫn yên trí rằng
sự hiện diện trần thế của Người
hiển nhiên là để mạc khải Chúa Cha, rằng
Người chính là Lời của Cha. Người coi
như minh nhiên việc các môn đệ phải hiểu
được điều căn bản đó. Vậy mà
các ông vẫn hoàn toàn mù tịt! “Thầy ở
với anh em bấy lâu, thế mà… anh chưa biết
thầy ư? Nếu anh em biết
Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ
bây giờ, anh em biết Người và đã thấy
Người… Ai thấy Thầy là thấy Chúa
Cha”.
Giai thoại
trên cho thấy: có nhiều cách để một
người tin hoặc biết về Thiên Chúa. Sơ đẳng nhất là người ta
mơ hồ biết rằng có Thiên Chúa; sau đó
người ta có thể biết thêm một vài yếu tính
của Ngài như Ngài tự hữu, Ngài tạo dựng
trời đất, Ngài quyền năng, thông minh, thánh
thiện vô cùng… Đầu óc suy luận
của con người có thể tiến tới một
niềm tin, hay hiểu biết về Thiên Chúa đại
loại như thế. Thế nhưng có một
thứ ‘biết’ khác, thứ biết mà Kinh Thánh quen sử
dụng, biết trong tương quan sống động và
mật thiết mà chỉ có tiếp xúc trực tiếp
mới có được. Thứ biết này cần một
tiếp súc, hay ít ra một cầu nối, và như thế
thì chỉ duy nhất một mình Đức Giêsu,
Đấng từ cung lòng Thiên Chúa mà đến, mới có
thể cho biết được. “Không ai
đã lên trời (để mà thật sự hiểu
biết được Thiên Chúa), ngoại trừ Con
Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3, 13).
Thiên Chúa mà người Kitô hữu tin khác xa một trời
một vực với Thiên Chúa của triết học, hay
của các tôn giáo khác. Vì thế cho nên, dầu không phủ
nhận những khái niệm về Thiên Chúa của
người Do Thái đương thời, Đức Giêsu,
bằng lời giảng dạy, nhưng nhất là bằng
chính cuộc sống và cái chết thập giá của
Người, đã tỏ lộ cho các môn đệ
thấy một Thiên Chúa vô cùng độc đáo: “Ngài yêu
thế gian đến nỗi đã ban Con Một… Ngài không
lên án thế gian… nhưng muốn thế
gian được cứu độ” (Ga 3, 16-17).
Trong
cụ thể, một linh mục như tôi đã bao giờ
được ‘thấy’ Thiên Chúa chưa? Hay ít ra tôi đã ‘hiểu
biết’ về Ngài như thế nào, cái biết chi phối
cuộc sống tôi và làm nền tảng cho những gì tôi
trình bày cho giáo dân trong hướng dẫn mục vụ?
Rất có thể hình ảnh và hiểu biết tôi có về
Thiên Chúa, sau bao năm tu học, vẫn quá nặng tính
triết học hay Cựu Ước, chứ chưa
phải thực sự là diện mạo mà Đức Giêsu
cố tâm trình bày? Tôi vẫn thấy một Đức Chúa
hùng mạnh, thưởng phạt công minh vừa dễ
hiểu lại vừa thiết thực hơn, nhất là
trong việc giữ cho các giáo dân làm lành lánh dữ...;
thậm chí đôi lúc tôi còn dám đối kháng chính
Đức Giêsu với Cha Ngài khi khảng định cái
chết của Người trên thập giá là để làm
nguôi cơn thịnh nộ công thẳng của Chúa Cha?! Cái
lô-gic hạ đẳng rất nhân cách hóa đó đã bị
Đức Giêsu thẳng thắn gạt bỏ, vì nó phá
vỡ nội dung Tin Mừng của sứ điệp
cứu chuộc của Người: Người và Chúa Cha
chỉ là một, không thể bị chia cắt. “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa
Cha ở trong Thầy sao? Các lời
Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra.
Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính
Người làm những việc của mình. Anh em hay tin
Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong
Thầy”. Khi khảng định Thiên Chúa là
Đấng từ bi và giầu lòng thương xót, chúng ta
không ngụ ý chỉ nói riêng về Đức Giêsu,
Đấng đã chết trên thập giá để cứu
độ chún ta. Cái chết đó là một khảng
định hùng hồn: chính Thiên Chúa, toàn bộ Thiên Chúa
(Cha, Con và Thánh Thần), là giầu lòng thương xót. Ta
nghe biết điều đó qua những lời giảng
dạy của Đức Giêsu, tôi đã thấy
điều đó trong cái chết thập giá tự hiến
của Người, và ta gọi điều đó là Tin
Mừng, là niềm tin cất khỏi chúng ta mọi mối
sợ hãi, kể cả trong trường hợp ta có
lỗi phạm và sa ngã vào những tội tày trời
nhất. Thấy và biết một Thiên Chúa
như thế sẽ làm cho toàn bộ đời sống ta
trở thành một niềm vui bất tận, cho dầu
vẫn tồn tại nơi bản thân ta những yếu
đuối và thất bại nặng nề. Tông
đồ Phao-lô, trong chương 5 thư
gửi các tín hữu Rô-ma, khảng định với chúng
ta rằng: niềm tin Kitô hữu chính yếu hệ tại
ở điều này.
Như
thế, là Kitô hữu, tôi không cần cầu xin
được thấy Chúa Cha, vì Đức Giêsu đã cho
tôi được thấy rồi đó. Người cho tôi
được thấy tỏ tường bộ mặt
thật của Thiên Chúa qua chính Thập Giá của
Người!
Lạy Chúa từ nhân, kể
từ lần được thoáng gặp Chúa qua biến
cố chết lâm sàng tại Mongolia cuối năm 2007, con
mới thực sự được‘thấy’ Chúa,
trước hết như một Thiên Chúa giầu lòng
từ nhân và hay thương xót. Lẽ ra con đã phải
nhận biết điều này từ lâu trước, khi
con từng học giáo lý và thần học. Tạ ơn Chúa
đã cho con được ‘thấy’ Chúa Cha là như
thế. Con cầu xin để tất cả các Kitô
hữu đều cùng con cảm nghiệm được
Thiên Chúa là như thế, để niềm vui của chúng
con được nên trọn vẹn, và để chúng con
vui mừng lên đường loan báo Tin Mừng về
một Thiên Chúa yêu thương cứu độ cho mọi
người. Amen.
|