Tu nhà và tu chợ
Theo “Từ
Điển Bách Khoa Việt Nam”, về
việc tu thân, sửa mình, “khoa học hiện nay có khái
niệm tự giáo dục: cá nhân trau dồi năng lực
hoạt động đạo đức, hình thành ý thức
đạo đức của mình, hoàn thiện những tính
tốt và khắc phục những thói xấu. Phương
pháp của tự giáo dục không chỉ là học tập
để có tri thức và đạo đức, mà chủ
yếu là tích cực tham gia vào thực tiễn xã hội,
bởi vì chỉ có trong quá trình tham gia thực tiễn xã hội,
con người mới cải tạo và hoàn thiện
bản thân”.
Câu
trích dẫn trên đây mang nặng tính cách lý thuyết và trừu
tượng, riêng gã thì thích kiểu nói cụ thể
hơn, đó là môi trường bên ngoài, như gia đình và
xã hội, sẽ giúp chúng ta dễ dàng tu thân, sửa mình,
đồng thời việc tu thân, sửa mình của chúng
ta sẽ là một góp phần làm cho gia đình và xã hội
được tốt đẹp hơn. Chẳng thế mà
các cụ ta ngày xưa vốn thường chủ
trương chữ tu kia cũng có ba bảy
đường.
- Thứ
nhất thì tu tại gia,
Thứ hai
tu chợ, thứ ba tu chùa.
Vì là con nhà có
đạo, nên gã xin sửa lại câu ca dao này thành:
- Thứ
nhất thì tu tại gia,
Thứ hai
tu chợ, thứ ba tu…dòng.
Trước
hết là việc tu tại gia, các cụ ta ngày xưa đã
xác định một cách rõ ràng và minh bạch:
- Tu đâu cho bằng
tu nhà,
Thờ cha,
kính mẹ mới là chân tu.
Chuyện
xưa kể lại rằng: Dương Phủ,
người đời nhà Minh, đỗ tiến sĩ và nổi
tiếng là một vị quan thanh liêm. Lúc nhỏ nhà nghèo,
nhưng hết sức cày cấy để phụng
dưỡng song thân.
Một
hôm nghe bên đất Thục có một vị Vô Tế
đại sĩ, tức là một nhà tu hành vô cùng đắc
đạo, ông bèn thưa với song thân xin từ biệt ít
lâu để theo hầu bậc Vô Tế.
Đi được
nửa đường, gặp một lão tăng, vị này
bảo ông rằng:
- Gặp
được bậc Vô Tế không bằng gặp
được Phật.
Ông hỏi:
- Phật ở
đâu?
Vị lão
tăng nói:
- Nhà ngươi
cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái
áo như thế này, đi đôi dép như thế kia, thì
đó chính là Phật đấy.
Dương
Phủ háo hức quay trở về, dọc
đường không gặp một ai như thế.
Đến khuya mới tới nhà, ông gọi cửa, mẹ
ông nghe tiếng mừng quá vội vàng xỏ ngược
cả đôi dép, áo sống xộc xệch ra đón.
Dương Phủ ngẩn người nhìn, thì ra đấy
chính là hình dáng Phật mà vị lão tăng đã chỉ
dạy. Ông chợt ngộ ra thâm ý trong lời dạy
của vị lão tăng. Từ đấy ông ở nhà, hết
lòng thờ kính cha mẹ, không phải cầu kỳ đi
mộ Phật ở đâu xa nữa.
Chính Đức
Phật cũng đã từng dạy các đệ tử:
- Sinh thời
không gặp Phật, khéo phụng dưỡng cha mẹ,
tức là thờ Phật vậy (Kinh Pháp cú).
Trong
truyền thống đạo đức của
người Việt Nam, hiếu
với cha mẹ là một trong những đạo lý hàng
đầu, thiêng liêng và cao cả. Có sự thành công nào của
những đứa con, mà đằng sau không có bóng dáng của
những người cha, những người mẹ
tuyệt vời?
Và
như vậy, tu tại gia hay tu nhà có nghĩa là cứ
ở tại nhà, tại gia đình của mình mà tu bằng
cách sống đúng với đấng bậc của mình:
Là con cái thì phải thảo kính và vâng lời cha mẹ; là vợ
chồng thì phải yêu thương và trung thành với nhau;
là anh chị em thì phải hoà thuận và giúp đỡ
lẫn nhau.
Trong
giờ giáo lý, chị giảng viên kể cho các em nghe mẩu
chuyện về thánh Simon Cột. Ngài sống vào thế
kỷ thứ năm tại Syrie, nổi tiếng là một
người thánh thiện và khổ hạnh. Ngài làm một
cái chòi nhỏ trên đầu một cây cột và sống
ở đó suốt 35 năm trời. Sau khi ngài chết,
để nêu cao mẫu gương thánh thiện và khổ
hạnh của ngài, Giáo Hội đã tôn phong ngài, và người
ta thường gọi ngài với biệt danh là Simon Cột.
Nghe
xong câu chuyện này, một em nhỏ như được
thôi thúc muốn bắt chước sự thánh thiện và lối
sống khắc khổ của ngài. Thế là khi về
đến nhà, em chồng những chiếc ghế
đẩu trên một cái bàn để leo lên. Giữa lúc
đang loay hoay như thế, thì mẹ em nhìn thấy, bà
đã la mắng và cấm không cho em được leo lên và
bà nói tiếp:
- Con ơi, làm
thánh ở trong nhà cũng khó lắm con à.
Đây
là một lời nói đơn sơ, nhưng quả
thực có một ý nghĩa sâu xa khiến chúng ta phải suy
nghĩ. Làm thánh ở trong nhà cũng khó lắm.
Tuy
nhiên, chúng ta không phải chỉ sống với những
người thân yêu trong cùng một mái ấm, mà hơn thế
nữa chúng ta còn phải sống với những
người khác, mỗi khi bước chân vào xã hội, vì
thế mới nảy sinh ra một thứ tu khác, được
gọi là…tu chợ.
Tu
chợ có nghĩa là tu tại chợ cũng như tại
phố xá, tu giữa tiếng ồn ào của xe cộ
cũng như giữa những sinh hoạt tấp nập
của cuộc sống, tu giữa những vất vả
của nghề nghiệp cũng như giữa những
bươn chải kiếm tìm cơm áo gạo tiền. Tóm
lại, tu chợ là tu giữa giòng đời, hay nói một
cách chuyên môn hơn, là tu giữa đời, tu tại
thế, tu ngay trong trần gian.
Viết
tới đây gã bỗng nhớ tới lời kinh Hoà Bình của
thánh Phanxicô Assisi và tìm thấy trong đó cả một
chương trình cho việc tu chợ: “Để con
đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào
nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp,
đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem
tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất
vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối
tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”.
Cũng
trong chiều hướng ấy, Công Đồng Vaticanô II
đã kêu gọi chúng ta, là những người sống
giữa đời và làm việc với đời, hãy trở
nên như men trong bột, như ánh sáng trong đêm tối,
nghĩa là trở nên chứng nhân cho đức tin giữa
lòng cuộc đời. Việc tu chợ như thế
sẽ biến chúng ta thành một bông sen như ca dao Việt
Nam đã diễn tả:
- Trong đầm gì đẹp bằng
sen,
Lá xanh, bông
trắng, lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Thảo nào mà trong lòng Giáo Hội hôm nay, các thứ dòng ba, các thứ tu hội
đời, các thứ phong
trào tại
thế…đua nhau mọc lên như nấm sau cơn mưa, hay như
trăm hoa đua nở, báo hiệu một mùa xuân mới!!!
|