Cửa ràn
chiên – Lm. Gioan Nguyễn
Văn Ty
Chương 10 Phúc Âm Gio-an
chia thành hai mảng đề tài: Mục Tử nhân lành và
Lễ Cung Hiến đền thờ. Mảng đề tài
thứ nhất lại đưa ra hai hình ảnh: cửa
ràn chiên (câu 1-10) và người mục tử nhân lành (câu
11-18). Phụng vụ ngày Chúa NhậtChúa Chiên Lành hôm nay
triển khai hình ảnh thứ nhất là chính: “Tôi là
cửa cho chiên ra vào”. Trong nội dung đó Đức Giêsu
mới đề cập tới một hạng mục
tử chân chính nào đó mà tiên quyết họ phải là
những người ‘đi qua cửa’; ‘ai đi qua cửa
mà vào, người ấy là mục tử’. Người xác
định: chỉ những mục tử đi qua cửa
mới có thể có các phẩm chất tốt đẹp
như ‘chiên nghe tiếng anh…; gọi tên từng con rồi
dẫn chúng ra…; anh ta đi trước và chiên đi theo sau…; chúng nhận biết tiếng của
anh…” Như vậy thì việc đi qua cửa
trở thành dấu hiệu tiên quyết để Hội
Thánh và mọi người nhận ra một mục tử
chân chính; “người giữ cửa mở cho anh ta vào’,
bởi vì bất cứ ai ‘trèo qua lối khác mà vào,
người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp’.
Những ngày làm việc ở Mông Cổ
đã cho tôi hiểu được thế nào là ràn chiên và
cửa ràn chiên. Người chăn chiên chuyên nghiệp
ở đó đều là dân du mục (tương tự
như chăn vịt chạy đồng ở xứ ta)
cứ tối đến họ lùa chiên vào ràn. Ràn không phải là một thứ chuồng trại
cố định như heo bò của ta. Ràn (tiếng
Anh chính xác dịch là ‘enclosure’, ‘stable’ chỉ là theo nghĩa rộng) là miếng đất
trống gần lều trại được rào dậu
bằng đá xếp hoặc cành cây. Chiên có thể
thuộc nhiều đàn khác nhau được lùa vào ràn qua
một lối mở duy nhất gọi là cửa. Sẽ có một người trực qua đêm canh
gác bên đống lửa đốt ngay giữa lối ra
vào được che chắn cách sơ sài. Sáng ra, các
người chăn chiên sẽ vào lùa đàn chiên của mình
ra dưới sự giám sát của người trực
đêm. Chỉ khi nào thấy có những
biểu hiện thuận thảo giữa chiên và
người chăn dắt, anh giữ cửa hay trực
đêm mới xác định được người
chăn chiên đó quả thật là mục tử của
đàn vật mình đang lùa đi ăn.
Câu hỏi được đặt ra ở
đây là: tại sao Đức Giêsu lại so sánh mình
với cửa ràn chiên trước cả khi giới
thiệu mình là mục tử nhân lành?
Hãy nhớ rằng đám thính giả chính
của các lời tự giới thiệu này là các Pha-ri-sêu,
“Thật, tôi bảo thật các ông…” Nhóm này trong Gio-an chương 9 đã có cuộc đối
chất căng thẳng với Đức Giêsu về
việc chữa lành người mù từ thuở mới
sinh. Chính họ đã nêu lên lời phản bác: “Thế ra
cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” Phải, chính với
nhóm lãnh đạo này mà Đức Giêsu muốn xác
định: “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng
trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ
trộm kẻ cướp”.
Các Pha-ri-sêu nói riêng, các thượng tế và
trưởng lão kinh sư Do Thái nói chung,
dựa vào luật pháp mà Mô-sê đã ban hành mà biện minh cho
vị thế lãnh đạo của họ; trong tư
thế đó họ không quan tâm tới gì khác hơn là làm sao
luật được cặn kẽ tuân giữ. Nhiều
giai thoại đã cho thấy thái độ này làm cho các
Pha-ri-sêu thường xuyên có thái độ cực đoan,
xét nét và khắt khe với đám quần chúng, tới
độ Đức Giêsu đã phải nghiêm khắc lên án:
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và
người Phai-ri-sêu giả hình! Các người khóa
cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ
muốn vào các người cũng không để cho họ
vào!” (Mt 23 13) Vấn đề chính ở đây là:
đối với các Pha-ri-sêu, cũng như với bất
cứ ai chăn dắt bằng luật pháp, sẽ không
hề có cửa hoặc không thể có sự ra vào nào.
Luật pháp tự nó bao giờ cũng đóng lại,
cũng khép kín, và có khuynh hướng ngày càng chặt
chẽ, bưng bít hơn.
Với những con người như
thế, thật là ý nghĩa khi Đức Giêsu trịnh
trọng tự giới thiệu: “Thật, tôi bảo
thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào!” Đây quả là
khác biệt một trời một vực giữa Tin
Mừng cứu độ và tôn giáo của luật pháp:
một bên là rộng mở, còn một bên là đóng
chặt. Đức Giêsu đang giới thiệu mình như
một Mô-sê mới, mới ở đây không có nghĩa là
cùng một Mô-sê luật pháp được đánh bóng
lại cho sáng đẹp hơn, nhưng là một tác
phẩm hoàn chỉnh so với một phác thảo
đầy những khiếm khuyết cần
được chỉnh sửa, đôi chỗ là cơ
bản; và có lẽ điểm cơ bản nhất chính là
“Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp
được đồng cỏ”. Luật
pháp nào thì cũng không thể khảng định
được điều này, trự phi đó là luật
pháp của tình yêu, lòng nhân từ và cứu vớt.
Thiết tưởng trước khi tự giới
thiệu mình là Mục Tử nhân lành, Đức Giêsu đã
sử dụng hình ảnh ‘cửa ràn chiên’ là để
khảng định mình chính là luật pháp mới của
lòng nhân từ và cứu vớt. Do đó Người lên
tiếng quả quyết: “Còn ai đi qua cửa mà vào,
người ấy là mục tử”. Đương nhiên các
Pha-ri-sêu không thể chấp nhận được lối
lãnh đạo mới này, đơn giản là vì họ
vẫn khư khư với luật pháp Mô-sê và không tin vào
Đức Giêsu với thái độ ‘cứu vớt’
của Người (xem giai thoại chữa người mù
từ thuở mới sinh Ga 9). Họ thậm chí lên
tiếng kết án Người cách cay
độc: “Ông ấy bị quỉ ám và điên khùng
rồi, nghe ông ta làm gì!” (Ga 10,20)
Như thế đối
tượng trước hết của bài Tin Mừng hôm
nay chính là giới giáo sĩ chúng ta, được mệnh
danh là linh mục, tức là mục tử của
Đức Ki-tô. Là linh mục trong một Hội Thánh
cứu độ thì luật pháp đối với tôi không
được là gì khác hơn là Đức Ki-tô - ‘cửa
ràn chiên’. Chính thông qua cửa đó, và chỉ
qua cửa đó thôi mà công tác mục vụ của tôi
được thi hành và triển khai. Giáo hội
đã chẳng luôn nhắc nhở tôi: luật tối
thượng của toàn bộ giáo luật chính là cứu
vớt các linh hồn là gì? Chỉ có như thế tôi
mới có thể là mục tử như lòng Chúa từ nhân
mong muốn, “chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên
từng con rồi dẫn chúng ra; khi đã cho chiên ra
hết, anh đi trước và chiên đi theo
sau vì chúng nhận biết tiếng của anh!”
Lạy Chúa là
‘cửa ràn chiên’, dầu con đã được học
giáo luật… nhưng chính Chúa mới đích thực là
cửa ràn chiên, là ‘giáo luật’ mà con phải ra vào trong công
tác mục vụ của mình. Nếu chỉ quan tâm tới
luật pháp, kể cả luật Hội Thánh, con vẫn
luôn có nguy cơ trở thành như các Pha-ri-sêu ‘khóa cửa
Nước Trời không cho thiên hạ vào’. Xin ‘Người
giữ của’ mở cho con được vào ràn mỗi
sáng tối khi con dâng Thánh Lễ, để qua đó các chiên
sẽ không còn thấy tiếng con xa lạ mà chạy
trốn. Ước gì chúng cũng luôn nghe được
tiếng nói của lòng nhân ái và tự hiến của Chúa
vang vọng nơi con! Amen.
|