CHÚA GIÊSU PHỤC SINH VÀ HAI MÔN
ĐỆ TRÊN ĐƯỜNG EMMAU
.
Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện
Bài
Tin Mừng hôm nay (Lc 24,13-35) kể cho
chúng ta một câu chuyện rất cảm động
về sự hiện diện và về vai trò của Chúa
Phục Sinh trong cuộc sống của các đồ
đệ Chúa Kitô.
“Hôm ấy, có hai người trong nhóm môn
đệ đi đến một làng kia
tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây
số. Họ trò
chuyện với nhau về tất cả những sự
việc mới xảy ra [tức là về biến cố
Đức Giêsu bị đóng đinh và về sự
kiện ngôi mộ trống]. Đang lúc
họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến
đến gần và cùng đi với họ. Nhưng
mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra
Người. Người
hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa tranh luận
với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng
lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai
người tên là Clêôpas trả lời: "Chắc ông là người
duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết
những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa
nay" (cc.13-18).
“Đức
Giêsu hỏi: "Chuyện gì vậy?" (c.19a). Câu hỏi
này của Đức Giêsu dẫn trình thuật vào một
câu trả lời rõ ràng mang tính chất một lời rao giảng
của Hội Thánh tiên khởi, nhưng còn thiếu lời
công bố mầu nhiệm phục sinh và thiếu quy
chiếu Thánh Kinh: “Họ thưa: "Chuyện ông Giêsu
Nadarét. Người là một ngôn sứ
đầy uy thế trong việc làm cũng như lời
nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các
thượng tế và thủ lãnh của chúng tôi đã
nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh
Người vào thập giá. Phần chúng tôi,
trước đây vẫn hy vọng rằng chính
Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những
việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba
rồi. Thật ra, cũng có mấy
người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh
ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không
thấy xác Người đâu cả, về
còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo
rằng Người vẫn sống. Vài
người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy
sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người
thì họ không thấy" (cc.19b-24).
Sự thất
vọng do bởi cái chết của Đức Giêsu đã
không hề khiến các đồ đệ đưa ra
những phán đoán tiêu cực về Ngài. Các
ông đã không hề coi Ngài là một ngôn sứ giả
chẳng hạn. Cuộc khổ nạn
đã không làm cho cuộc sống thế tạm của
Đức Giêsu, vốn đầy uy thế trước
mặt Thiên Chúa và toàn dân, trở nên không còn giá trị.
Ngài vẫn là một ngôn sứ vĩ
đại “trong việc làm cũng như trong lời nói”. Cái chết của Đức Giêsu, mặc dù là cái
chết thập giá, không hề bị coi là dấu hiệu
của sự chúc dữ của Thiên Chúa như cách hiểu
sai lầm của “các thượng tế và thủ lãnh
của chúng tôi”. Nhưng cái chết ấy quả
thực đã đặt dấu chấm hết cho sự
kỳ vọng của các đồ đệ, sự
kỳ vọng về một cuộc giải phóng theo nghĩa phục hưng dân tộc Israel. Những dấu hiệu
của sự phục sinh cũng được nhắc
đến, nhưng chính Đấng Phục Sinh thì họ
chưa được gặp. Và vì
thế, họ chán nản và thất vọng.
“Bấy giờ Đức Giêsu nói
với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả!
Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời
các ngôn sứ!” (c.25). Chúa Phục Sinh, vốn từ đầu câu
chuyện chỉ là người lắng nghe, bây giờ
trở thành chủ thể hành động và dẫn dắt
sự tình. Trước tiên, Người khiển trách các ông
chậm tin vào lời các ngôn sứ. Đoạn Ngài nói
tiếp: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải
chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong
vinh quang của Người sao?” (c.26). “Rồi bắt đầu từ
ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải
thích cho hai ông những gì liên quan đến Người
trong tất cả Sách Thánh” (c.27). Ở đây, chúng
ta gặp một chủ đề quan trọng trong Lc:
việc giải thích Sách Thánh trong Hội Thánh. Tác giả
khẳng định rằng: chính Chúa Giêsu Phục Sinh là
Đấng giải thích “những gì liên quan đến Người
trong tất cả Sách Thánh”. Ngài mở ra cho
các đồ đệ sự hiểu biết đích
thật về Sách Thánh, và như thế, Ngài chính là
nguồn mạch của những suy niệm Kitô giáo về
Sách Thánh. Tác giả Tin Mừng không
đề cập đến một đoạn Sách Thánh
cụ thể nào, nhưng nghĩ tới Sách Thánh trong tính
cách toàn thể của Sách Thánh. Chính Chúa Kitô Phục
Sinh hiện diện ở ngọn nguồn của việc
giải thích mang tính Kitô luận về Sách Thánh Cựu
Ước. Việc đọc Sách Thánh của các Kitô
hữu và lời rao giảng của Hội Thánh tìm thấy
nơi chính Chúa Phục Sinh những đảm bảo
chắc chắn cho tính chính thực của mình.
“Khi gần tới làng họ
muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải
đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người
rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì
trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở
lại với họ. Khi đồng bàn
với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời
chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt
họ liền mở ra và họ nhận ra Người,
nhưng Người lại biến mất” (cc.28-31). Có lẽ Chúa Giêsu đã
bẻ bánh như là một hành động mang tính nghi
lễ trong bữa ăn bình thường của
người Do Thái. Nhưng đối với
những người đọc là Kitô hữu, các hạn
từ được tác giả Lc lựa chọn
để miêu tả hành động này lại rất có ý
nghĩa: chúng rõ ràng là những cách nói về việc cử
hành Thánh Thể; và thực chất, đối với Lc cách
riêng, “bẻ bánh” là thuật ngữ chuyên dùng để
chỉ bữa tiệc Thánh Thể (x. Cv 2,42.46;
20,7). Đàng khác, ngữ cảnh cũng hướng
đến cách đọc theo nghĩa Tiệc Thánh Thể,
và do đó, nhấn mạnh đến ý nghĩa giáo lý
hơn là giá trị sử học của hành động bẻ
bánh mà Chúa Giêsu thực hiện ở câu 30. Chính
trong Tiệc Thánh Thể, cuộc gặp gỡ trong lòng tin
của các đồ đệ với Đức Chúa
Phục Sinh đã được thực hiện.
Họ chợt nhận ra rằng Ngài vẫn hiện
diện gần gũi với họ
từ trước, trong cuộc hành trình cuộc
đời họ. “Họ mới bảo nhau: "Dọc
đường, khi Người nói chuyện và giải
thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng
cháy lên sao?" (c.32).
“Ngay lúc ấy, họ
đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm
Mười Một và các bạn hữu đang tụ
họp tại đó” (c.33). Bất chấp đêm tối, trong ánh sáng của lòng
tin và của kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh, các
đồ đệ quay trở về nơi đã xảy
ra biến cố Phục Sinh, điểm xuất phát
của lời rao giảng của các Tông Đồ. Đó
là cuộc trở về hiệp thông với Nhóm
Mười Một và các anh em khác, tức là với hạt
nhân của Hội Thánh vừa được khai sinh.
Nhưng trước khi hai đồ
đệ Emmau có thể kể lại trải nghiệm
của chính họ, thì họ được nghe Nhóm
Mười Một công bố tin mừng phục sinh. “Những người này bảo hai ông:
"Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra
với ông Simôn" (c.34). Rõ ràng tác giả Tin Mừng
muốn nói: lòng tin của các chứng nhân chính thức (Nhóm
Mười Một) và của cộng đoàn tiên khởi
không dựa trên lời chứng của các nhân vật nào
khác nếu không phải trước hết là kinh nghiệm
thiết thân của chính ông Phêrô, người đứng
đầu tập thể các Tông Đồ. Chính kinh
nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh của Nhóm
Mười Một mà ông Phêrô đứng đầu đó
sẽ xác định giá trị của chứng từ mà
hai đồ đệ Emmau công bố, chứ không phải
là những câu chuyện của các phụ nữ về ngôi
mộ trống.
Bấy giờ, “hai ông
thuật lại những gì đã xảy ra dọc
đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế
nào khi Người bẻ bánh” (c.35). Hai đồ đệ Emmau đã kể lại
cho Nhóm Mười Một và các anh em đang quây quần bên
Nhóm Mười Một những trải nghiệm của
họ. Tuy nhiên, chứng từ của
họ lúc này sẽ chỉ là chứng từ thêm vào và xác
nhận chứng từ của các Tông Đồ mà thôi.
Đáng chú ý là tác giả Tin Mừng đã cố ý nhấn
mạnh hai điểm quan trọng trong kinh nghiệm Emmau:
(1) “những gì đã xảy ra dọc đường”
tức là việc Đức Giêsu đồng hành và giải
thích Sách Thánh cho các đồ đệ; (2) việc các ông
“nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh”. Rõ ràng là
đối với cộng đoàn Kitô hữu, Thánh Kinh và
Thánh Thể chính là nơi gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1.
Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng hiệp nhất cộng
đoàn các đồ đệ của Ngài.
Trong phần thứ nhất của bài
Tin Mừng (cc. 13-24), một trong những yếu tố
nổi bật là sự chia tách. Hai đồ đệ rời khỏi Giêrusalem,
nơi xảy ra biến cố Phục Sinh, và rời xa nhóm
các đồ đệ (c.13); giữa hai ông hình như
cũng xảy ra những sự bất đồng (c.17:
động từ antiballein có thể được
hiểu là tranh luận) và nhất là khoảng cách lớn
lao giữa hai ông với Chúa Phục Sinh mà các ông
tưởng là một người xa lạ, và giữa hai
ông với những biến cố cứu độ mà các
ông chưa hiểu thấu. Vì thế, các ông
buồn bã (c.17), nói cách khác, các ông đang ở trong một
tình trạng bi đát và thất vọng ê chề. Chúa Giêsu đến trong tình cảnh bi đát
ấy. Ngài đi vào tận điểm
trung tâm của tình cảnh chia ly và xa cách đó. Và từ câu 25 của trình thuật, tất cả
đã thay đổi. Chúa Giêsu Phục
Sinh đảm nhận vai trò là chủ thể hành
động và chính Ngài làm chủ tình hình. Ngài giải
thích cho hai đồ đệ những biến cố
xảy ra dưới ánh sáng Thánh Kinh, rồi chính Ngài
“bẻ bánh”. Lập tức, những
khoảng cách được xoá bỏ. Chúa Phục
Sinh được các đồ đệ nhận
biết, tâm hồn các đồ đệ “bừng cháy
lên”, họ quay trở lại Giêrusalem, trở về trong
cộng đoàn các chứng nhân. Rất nhiều khi, trong
cuộc sống thực tế của cộng đoàn
Hội Thánh, xảy đến những tình trạng chia
rẽ và xa cách… Chính Chúa Phục Sinh, trong Lời và Thánh Thể
của Ngài, là nguyên lý thiết yếu và tối hậu
kiến tạo sự hiệp nhất của cộng
đoàn Hội Thánh. Sự gặp gỡ
thiết thân của mỗi người chúng ta với Chúa
Phục Sinh chính là yếu tố quyết định
đưa chúng ta đến sự hiệp thông và hiệp
nhất đích thực trong lòng Hội Thánh.
2. Thánh
Thể, dấu chỉ tuyệt hảo về sự
hiện diện của Chúa Phục Sinh giữa những
kẻ thuộc về Ngài, chính là đỉnh điểm và
là xuất phát điểm của đời sống Kitô
hữu.
Câu
chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Kinh Thánh
chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đức
Chúa Phục Sinh, và Đức Chúa Phục Sinh
được các đồ đệ nhận biết
trong Thánh Thể. Để vượt thắng những
chướng ngại vật đang ngăn cản các
đồ đệ nhận ra Chúa Giêsu, rõ ràng phải có
sự lắng nghe lời Kinh Thánh được giải
thích trong Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô; và một khi tâm hồn
của các ông đã “bừng cháy lên” nhờ lời Kinh Thánh
đó, thì chính trong hành động “bẻ bánh” nhiệm
mầu của Chúa Giêsu, các ông nhận ra Người.
Rồi từ cuộc gặp gỡ thiết thân trong Thánh
Thể ấy, lòng tin bừng sáng. Chính trong Thánh Thể, các
tín hữu được mời gọi tham dự bàn
tiệc do Chúa Kitô Phục Sinh chủ toạ. Ở
đó, họ sẽ được trải nghiệm
sự hiện diện mầu nhiệm và rất thực
của chính Ngài.
3.
Chúa Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta.
Một
trong những sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài Tin
Mừng hôm nay là chủ đề “hành trình”, vốn là
một chủ đề quan trọng trong Lc. Trình thuật
Emmau hôm nay khai triển chủ đề này cách đặc
biệt. Trong cuộc hành trình của mình,
người đồ đệ không cô độc. Theo một cách thức vô hình nhưng rất
thực, Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với
người đồ đệ trên những nẻo
đường cuộc sống, và đưa họ
đến chỗ gặp gỡ chính Ngài. Chính Ngài giúp
đỡ người đồ đệ nhận ra Ngài
trong lòng tin đã được soi sáng bởi Kinh Thánh và
trong ân huệ Thánh Thể. Nhưng một khi người
đồ đệ đã được trải
nghiệm sự hiện diện gần gũi và rất
thực của Ngài, thì Chúa Phục Sinh liền thoát khỏi
sự chiếm hữu của anh ta, để lại mời
gọi anh ta lên đường làm chứng cho sự
hiện diện thực sự của Ngài. Đó
cũng là thực tại vẫn đang diễn ra trong
cuộc sống hiện tại của chúng ta hôm nay
vậy.
|