Nuôi dưỡng
niềm tin Chúa
Phục Sinh
Kính thưa quý
OBACE, các tông đồ và các phụ nữ thời Giáo
Hội sơ khai đã may mắn hơn chúng ta, vì họ
đã là những người tận mắt chứng
kiến ngôi mộ trống, đã từng chứng kiến
việc Chúa Giêsu hiện ra sau khi Người từ cõi
chết sống lại, nhiều người trong họ
được đồng bàn với Người,
được đụng chạm đến
Người. Còn chúng ta là những thế
hệ tín hữu sau các tông đồ chúng ta không
được tận mắt thấy những lần Chúa
hiện ra và cũng không thấy mồ trống, nhưng
chúng ta vẫn tin Chúa đã sống lại thật. Vây
thì dựa vào đâu để chúng ta tin Chúa đã sống lại?
Đó cũng là điều bài Tin Mừng hôm
nay nói với chúng ta.
Đoạn Tin
Mừng thuật lại hai lần Chúa Giêsu phục sinh
hiện ra, và lần thứ hai cuộc hiện ra như
được dành riêng cho một tông đồ thiệt
thòi hơn các tông đồ khác, đó là Tôma. Có
lẽ vì quá thất vọng và hoảng sợ, trong khi các
tông đồ khác dựa vào nhau để nâng đỡ
nhau, thì Toma lại chọn một hướng khác, có
lẽ ông bỏ về quê. Vì thế ngay
buổi chiều ngày thứ nhất, Chúa Phục Sinh
hiện ra với các tông đồ, đã không có Toma ở
đó. Với lần hiện ra này, Chúa Phục sinh
đã ban cho các tông đồ một sức sống mới
và một ơn thật đặc biệt, thật cần
thiết cho các ông lúc này, đó là sự bình an. Vì cái chết
của Chúa Giêsu quả thật còn đang đè nặng trên
các tông đồ, những tiếng la hét giết đi,
đóng đinh nó vào thập giá, của đám đông Do Thái
như còn đang ám ảnh các ông, khiến các tông đồ
sợ hãi, rút vào trong nhà và đóng kín cửa.
Biết
được tâm trạng của các tông đồ,
biết được nhu cầu của các ông, Chúa Giêsu
đã hiện ra trước mặt các ông, và Ngài nói: Bình an cho các con. Không chỉ như thế,
để củng cố đức tin cho các ông, Chúa Giêsu
đã cho các ông xem tay và cạnh sườn Người,
Người đã thổi hơi trên các ông và nói: Các con hãy
nhận lấy Thánh Thần. Thánh Thần chính là quà tặng
sự sống mà Chúa Phục sinh trao ban, cùng với hình
ảnh thổi hơi, nhắc cho chúng ta nhớ đến
hơi thở đầu tiên Thiên Chúa thổi vào Ađam khi
ông còn là tượng đất, Thiên Chúa đã thổi sinh
khi vào lỗ mũi và cho con người có sự sống,
thì hôm nay, hơi thở của Đấng Phục Sinh
được thổi trên các tông đồ, để trao
ban cho các ông một sức sống mới, biến các ông
thành con người mới, thành tạo vật mới và
sống trong một thế giới mới, thế giới
của sự sống.
Cùng với
hơi thở Thánh Thần, Chúa Phục Sinh còn trao cho các tông
đồ một sứ vụ hết sức quan trọng,
đó là sai các ông ra đi, cùng ban cho các ông quyền tha
tội. Với năng quyền tha tội, các tông
đồ thực hiện và trao ban tình yêu thương và
sự tha thứ của Chúa, hay cụ thể hơn, đó
là các ông trở thành hiện thân của lòng thương xót
của Thiên Chúa trong thế giới, và để biến
đổi thế giới nên một thế giới
mới, thế giới của tình yêu thương và tha
thứ.
Với
những sự kiện và sứ vụ quan trọng
được trao cho các tông đồ như thế,
nhưng rất tiếc, tông đồ Tôma đã không có
mặt. Chính vì tách
lìa khỏi cộng đoàn các tông đồ, tức là Giáo
Hội, nên khi các tông đồ khác làm chứng về
việc Chúa sống lại, Tôma đã không thể đón
nhận được tin mừng Phục sinh. Không chỉ
như thế, ông còn đi đến một thái độ
cực đoan khi ông tuyên bố: Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc
bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin.
Chúa Giêsu đã
không nỡ để cho đức tin của Tôma bị khô
héo, cũng không muốn để cho ông đứng bên ngoài
cộng đoàn Giáo Hội, nên có thể nói tám ngày sau Chúa
đã hiện ra cho riêng Tôma. Việc làm này
thể hiện lòng thương xót của Chúa, vì Thiên Chúa
không muốn để cho bất cứ một ai phải
rơi vào tuyệt vọng. Tin Mừng nhấn
mạnh: Tám ngày sau các môn đệ tụ họp trong nhà và
có cả Tôma ở đó với các ông. Chi tiết này cho
thấy dường như Tôma đã quay trở lai với
cộng đoàn sau những ngày, vì lý do gì đó, ông đã
chọn tách ra khỏi anh em tông đồ. Trong bầu khí
xum họp và hiệp nhất này, Chúa Giêsu lại một
lần nữa hiện ra với các tông đồ, và
Người gọi đích danh Tôma: Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy xem tay Thầy, hãy
đưa bàn tay con ra và thọc vào cạnh sườn Thầy,
chớ cứng lòng nhưng hãy tin. Trước đặc ân to lớn này, Tôma đã tuyên xưng
đức tin của mình: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa
của con. Ông đã tuyên xưng Đức
Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa, Đấng tổ tiên ông vẫn tôn
thờ. Chúa Giêsu đã trả lời Tôma: Vì con đã
thấy Thầy nên con tin, phúc cho những ai đã không
thấy mà tin. Qua lời này, Chúa Giêsu đã chúc phúc cho
những thế hệ tín hữu sau này, họ không
được chứng kiến những lần hiện ra
của Chúa, cũng không được diễm phúc
đụng chạm, ăn uống với Chúa như Tôma và
các tông đồ, nhưng họ vẫn tin nhờ lời
làm chứng của các tông đồ và của cộng
đoàn Giáo Hội.
Từ mệnh
lệnh của Chúa Phục sinh, các tông đồ đã
miệt mài lên đường để loan truyền tin
mừng phục sinh cho thế giới, các ngài đã hình
thành nên nhiều các cộng đoàn Giáo Hội sơ khai.
Sách Công Vụ cho thấy: Các tín hữu chuyên cần nghe các
tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau,
siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện
không ngừng. Lời mô tả này cũng
đủ để cho thấy có một sức sống
đang tuôn chảy trong Giáo Hội và chi phối mọi
hoạt động, và làm nên đời sống đức
tin của các tín hữu.
Thưa quý OBACE,
chúng ta sẽ không thể có được đức tin
vững chắc vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh nếu
chúng ta không gắn kết một cách chặt chẽ với
Giáo Hội, vì Giáo Hội chính là người mẹ sinh ra chúng
ta trong đức tin, đồng thời cũng là thầy
dạy chúng ta trong đức tin, và cũng là điểm
tựa đức tin của chúng ta. Vì thế, ngày nay
muốn có được một đức tin vững
chắc, chúng ta cũng phải gắn kết một cách
chặt chẽ với Giáo Hội và chuyên tâm lắng nghe
lời giảng dạy của Giáo Hội, đồng
thời cũng như các tín hữu sơ khai, chúng ta còn
cần phải sống tinh thần hiệp thông với nhau
trong cầu nguyện, và nhất là tham dự Thánh lễ,
đó là những phương thế giúp cho đức tin
của chúng ta nên vững mạnh.
Chúng ta đang
sống trong một thế giới mà nhiều
người, nhiều nhóm, cùng với các phương
tiện truyền thông, họ đang cố tình bôi xấu
Giáo Hội bằng thổi phồng một số những
sai phạm của các thành viên trong Giáo Hội, tạo
sự nghi ngờ của chúng ta vào Giáo Hội, và thâm
độc hơn, họ muốn tách chúng ta ra khỏi
sự hiệp thông với Giáo Hội, nếu chúng ta
để mình rơi vào cái bẫy của thế gian, nó
sẽ kéo chúng ta về phía nó, và biến chúng ta thành những
kẻ thù nghịch, hoặc có thái độ bất mãn
với Giáo Hội. Hãy hết sức cẩn thận
với những cám dỗ và các khuynh hướnh đó, hãy
tin tưởng, khiêm tốn lắng nghe sự hướng
dẫn của Giáo Hội, vì chỉ khi gắn bó với
Giáo Hội, chúng ta mới có được một
đức tin tinh tuyền và chính thống mà thôi, mà Giáo
Hội cụ thể là Giáo phận, là Giáo xứ, là nơi
chúng ta được nuôi dưỡng đời sống
đức tin và được sự săn sóc của Giáo
Hội là mẹ chúng ta.
Không chỉ củng cố
đức tin cho bản thân chúng ta, Đấng Phục Sinh
còn mời gọi chúng ta trở thành những người
loan truyền tin vui phục sinh và lòng thương xót
của Chúa cho mọi người. Chúng ta không thể
đem Tin Mừng Phục Sinh cho người khác khi chúng ta
chưa được biến đổi, chúng ta không
thể báo tin vui cho người khác nếu chúng ta sống
buồn bã chán nản hay thất vọng. Vì thế
để có thể trở thành người loan Tin
Mừng, thì trước tiên chúng ta phải là những
người thực sự cảm nghiệm
được Chúa Phục Sinh thực sự là Tin Mừng
cho bản thân, Người đang hiện diện và
đang thúc đẩy chúng ta, qua lối sống, qua cách làm
việc va qua cách cư xử của chúng ta. Có
như thế thì Tin Mừng mới có thể ảnh
hưởng đến người khác được.
Mỗi
người hãy là những người loan truyền tin
Mừng Phục Sinh cho những người chung
quanh bằng một đời sống vui tươi,
được thể hiện trên gương mặt, trong
đời sống, và trong cách làm việc thường ngày.
Hãy sống niềm tin phục sinh bằng việc tin
tưởng nơi Chúa và gắn bó với Giáo Hội, hãy
góp phần làm cho cuộc cá nhân, cuộc sống gia đình
và xã hội thêm vui tươi. Hãy bước ra khỏi
sự ngại ngần sợ hãi để nói về Chúa
Giêsu cho mọi người, và sống giới răn
của Chúa trong xã hội hôm nay, đồng thời góp
phần làm cho cuộc sống xã hội mỗi ngày thêm
tốt đẹp hơn.
Xin lòng Chúa
thương xót ban thêm đức tin cho chúng ta, và biến
chúng ta trở thành những chứng nhân không mệt mỏi
cho lòng thương xót và tình yêu thương của Chúa cho
những người mà chúng ta thường gặp gỡ. Amen.
|