Cảm thông
với nhau
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy
Tuyền)
Có một bác
sĩ nói rằng: mỗi lần mổ bệnh nhân khi
thấy thân thể họ tan nát ông thường
đắng lòng kêu lên “Lạy Chúa, lại Chúa tôi”. Đây là lời than ai oán, lời cảm
thương, lời chia sẻ với nỗi đau
của tha nhân. Đây cũng là lời chúng ta vẫn
thường nói hay thường nghe khi chứng kiến
một người bị tai nạn,
bị đói khổ, bất hạnh chúng ta cũng từng
kêu lên “lạy Chúa, lạy Chúa tôi”.
Cuộc đời quanh ta có
biết bao người khốn khổ lầm than. Có kẻ đói ăn. Có kẻ
đói hạnh phúc. Có kẻ cô đơn, bệnh
tật, bị bỏ rơi. Có biết bao mảnh
đời chung quanh khi nhìn thấy mà lòng
chúng ta cũng quặn đau với nỗi đau của
họ. Có chứng kiến được
những bất hạnh của tha nhân mới thấy nhu
cầu dấn thân xoa dịu nỗi đau thật cần
thiết. Có nhìn thấy nỗi bất
hạnh của tha nhân mới biết mình cần phải
làm gì để xoa dịu nỗi đau.
Ông Tôma năm xưa khi được
tận mắt thấy những dấu đinh đâm tan nát
nơi thân thể Chúa, khi ông trông thấy lỗ rách nơi
cạnh sườn Chúa, ông cũng đã thốt lên trong
đau đớn “lạy Chúa, lạy Chúa tôi”. Ông cảm thương với nỗi đau
của Thầy. Mặc dù ông đã chứng kiến
từ xa cảnh tan nát của Thầy, nhưng hôm nay ông
được tiếp xúc gần gũi,
gần đến nỗi có thể xỏ ngón tay vào các
lỗ đinh của Thấy thì nỗi cảm xúc của
ông cũng dâng trào trong trái tim ông. Dù rằng, ông đã không
xỏ một ngón tay nào vào lỗ đinh
của Chúa, nhưng trái tim mách bảo cho ông biết cần
phải làm gì để xoa dịu nỗi đau cho Thầy
Chí Thánh.
Khi cảm nghiệm về
nỗi đau của Thầy Giêsu, Tôma đã
được biến đổi. Ông
quỳ xuống tôn thờ Chúa. Ông mong
muốn dành cuộc đời để loan truyền tình
thương Chúa cho nhân loại. Ông
hiểu hơn về lòng thương xót của Chúa dành cho
nhân loại. Chính vì yêu. Chính vì
muốn biểu lộ lòng thương xót cho nhân loại mà
Thầy Giêsu đã can tâm tình nguyện chịu chết trên
thập giá. Chính Thầy Giêsu đã bày tỏ
lòng thương xót của mình khi tự nguyện gánh
lấy những cực hình, những đau đớn
để cứu độ chúng sinh. Chính Chúa không
chỉ nhìn thấy những khổ đau của con
người để xót xa, chạnh lòng thương mà
ngài còn dấn thân phục vụ để xoa dịu
nỗi đau cho chúng ta. Chúa xót thương
khi sống nghèo để đồng cảm với
những người nghèo. Chúa xót
thương khi sống phục vụ để xoa dịu
nỗi đau cho những kẻ bất hạnh. Chúa xót thương nhân loại đang chết
trong tội lỗi nên đã gánh lấy cực hình
để đền thay tội lỗi nhân gian. Lòng thương xót của Chúa mãi mãi chịu
hiến tế để cứu nhân gian.
Hôm nay, ngày lễ Lòng
Thương Xót của Chúa, Giáo Hội cũng tôn phong hai chân
phước lên bậc hiển thánh. Đặc
biệt Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một con
người của lòng thương xót. Lòng thương xót
của Ngài biểu hiện qua việc tha thứ cho kẻ
đã ám sát ngài. Lòng thương xót của ngài còn biểu
hiện qua việc cảm nhận sự liên đới
trách nhiệm với những sự chia rẽ trong quá
khứ do hiểu lầm hay do bất khoan dung, thế nên,
Ngài đã rất nhiều lần xin lỗi Chúa, xin lỗi
anh em, xin lỗi vì những đối xử bất khoan
dung đã gây nên những đổ vỡ.
Chính ngài cũng là tông đồ
của Lòng Thương Xót khi dấn thân cổ võ lòng
thương xót của Chúa. Chính ngài
đã thổi vào nhân loại này một năng lực
mới từ lòng thương xót của Chúa. Để rồi lòng thương xót của Chúa
như vũ khí mới để chiến thắng ba thù,
như làn nước trong xanh để đem lại
ơn phúc cho những ai tin tưởng chạy đến
với Lòng Thương Xót của Chúa.
Ước gì chúng ta luôn nhận
ra tình thương vô bờ bến của Chúa để
như Tôma quỳ lạy tôn thờ Chúa trên hết mọi
sự. Xin cho chúng ta luôn tín thác vào lòng thương xót
của Chúa để ân sủng của
Chúa chữa lành những vết thương tâm hồn và
thân xác cho chúng ta. Amen.
|