Xác nhận lòng tin - McCarthy
Suy Niệm 1. BƯỚC
NHẢY VỌT CỦA LÒNG TIN
Đôi khi, chúng
ta ghen tị với các Tông đồ và các
môn đệ đầu tiên. Chúng ta cho rằng họ có lợi
thế hơn tất cả các Kitô hữu sau này, bởi vì
họ thực sự nhìn thấy Đức Giêsu, đôi bàn
tay của họ đã được đụng chạm
vào Người. Do đó, lòng tin thật dễ dàng đối
với họ. Và chúng ta cho rằng cũng thật dễ
dàng đối với chúng ta, nếu giống như các Tông
đồ, chỉ cần cá nhân chúng ta có thể được
gặp gỡ Đức Giêsu, hoặc giống như các
môn đệ đầu tiên, chúng ta được nhìn thấy
những phép lạ mà Người đã thực hiện cho
chúng ta.
Vâng, các môn đệ
đầu tiên có lợi thế được tận mắt
nhìn thấy Đức Giêsu. Nhưng phải chăng điều
đó tạo ra bất cứ sự dễ dàng nào hơn cho
lòng tin của họ? Khi nhìn vào Đức Giêsu, họ có thể
nhìn thấy gì? Họ không thể nhìn thấy và không thể
nhìn thấy được Thiên Chúa, bởi vì không ai ngay lập
tức có thể nhìn thấy và nhận biết Thiên Chúa
được. Nơi Đức Giêsu, họ chỉ nhìn thấy
một con người có bên ngoài hình giống như họ.nhưng
khởi đi từ đó, để tin tưởng
được rằng Người chính là Con Thiên Chúa,
đòi hỏi một động tác vĩ đại của
lòng tin.
Điều này
giải thích cho sự kiện rằng có nhiều người
đã từng được nghe Đức Giêsu nói và
được nhìn thấy Người hành động, mà
vẫn không hề có lòng tin nơi Người. Ngay cả
chính bản thân các Tông đồ, đã từng được
ở với Người ngay từ đầu, mà vẫn tỏ
ra chậm tin. Được nhìn thấy không nhất thiết
là tin tưởng.
Cú sốc do cuộc
thương khó và cái chết trên thánh giá của Người
gây ra, quả thật là quá lớn lao, đến nỗi làm
cho các Tông đồ chậm tin tưởng vào nguồn tin
tức về Sự Sống Lại. Khi Đức Giêsu hiện
ra với họ vào buổi tối ngày Phục Sinh. Người
đã khiển trách họ vì sự không tin tưởng và sự
cứng lòng của họ, bởi vì họ đã không chịu
tin lời những người đã được nhìn thấy
Người, sau khi Người sống lại (Mc 16,14).
Tất cả
những điều này để lại cho cái gì cho chúng
ta? Chúng ta không thể nhìn thấy Đức Giêsu theo cách thức
mà các Tông đồ đã nhìn thấy Người. Chúng ta
không thể hiện diện trong căn phòng nơi diễn
ra các sự kiện của Tuần Thánh, khi Đức Giêsu
ghé vào. Chúng ta không thể được xỏ tay vào những
vết thương của Đức Giêsu. Chúng ta không thể
được nhìn vào khuôn mặt của Người và nói
“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Chúng ta phải sống
bằng lòng tin, chứ không phải bằng sự nhìn thấy.
Tuy nhiên, nếu tin tưởng nơi Đức Giêsu, thì chúng
ta phải nhìn thấy Người bằng một cách nào
đó. Nhưng bằng cách nào để những người
như chúng ta có thể nhìn thấy Đức Giêsu? Chúng ta
phải làm gì, để có được lòng tin?
Chúng ta là những
môn đệ gián tiếp. Mà vì là những môn đệ gián
tiếp, nên mọi sự đều khó khăn hơn theo
cách thức nào đó, nhưng lại dễ dàng hơn theo
cách khác. Mọi sự đều khó khăn hơn, bởi
vì 20 thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi Đức
Giêsu bước đi trên trái đất này. Nhiều lớp
bụi đã phủ lên, ánh sáng đã bị phai mờ.
Nhưng về khía cạnh tích cực, khái niệm rằng
Con Thiên Chúa bước đi trên trái đất đã trở
nên “tự nhiên” theo thời gian, và vì thế, theo cách thức
nào đó, đã lại trở nên dễ dàng hơn để
tin. Nhưng đến khi mãn thời, thì về cơ bản,
tất cả các môn đệ đều như nhau –tất
cả đều phải làm một cú nhảy của lòng
tin. Chúng ta trở nên những người môn đệ
thông qua lòng tin.
Các bạn bè của
Đức Giêsu đã được nhìn thấy và nghe tiếng
Người nói, chỉ một thời gian ngắn sau ngày
Phục Sinh, nhưng cuộc sống của họ đã
được hoàn toàn thay đổi. Và bằng cách chia sẻ
lòng tin của họ, cuộc sống của chúng ta cũng
sẽ được thay đổi. Chúng ta sẽ có khả
năng bước đi trong niềm hy vọng, bởi vì
chúng ta biết rằng lòng tốt sẽ chiến thắng
sự dữ, và sự sống sẽ chiến thắng cái
chết, bởi vì Đức Giêsu đã sống lại.
Suy Niệm 2. VIẾNG MỘ
Vào buổi sáng
Phục Sinh, các phụ nữ đi ra ngôi mộ, nơi chôn
cất Đức Giêsu. Họ phải thực hiện một
công việc u buồn –hoàn tật việc ướp xác
Đức Giêsu. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất
để họ đi ra mộ. Họ muốn được
gần gũi với Đấng đã đem lại thoả
mãn cho cuộc sống của họ, và cái chết của
Người đã nhận chìm họ vào một nỗi u buồn
không thể nào khuây khoả được.
Bản thân chúng
ta cũng thường làm điều tương tự
như vậy. Khi một người thân yêu nào đó của
chúng ta qua đời, chúng ta nhận thấy thật khó chấp
nhận được là người đó đã vĩnh
viễn rời xa khỏi chúng ta. Chúng ta cảm thấy có
nhu cầu duy trì mối quan hệ với người chết.
Một trong những cách thức để chúng ta đáp ứng
được nhu cầu này, đó là đi viếng mộ.
Tuy nhiên, thay vì làm dịu đi nỗi đau của sự
mất mát, thì điều này lại có thể làm cho nỗi
đau đó càng gia tăng thêm. Điều này thậm chí có
khuynh hướng làm cho kẻ chết lại càng đúng là
kẻ chết hơn, bởi vì không có nơi nào làm cho chúng
ta tin chắc chắn rằng người thân yêu của
chúng ta đã bị chết, cho bằng ở ngay tại mộ.
Trong buổi
sáng ngày Phục Sinh đầu tiên đó, nếu mọi việc
cứ diễn tiến như lòng mong muốn, thì các phụ
nữ sẽ ướp xác Đức Giêsu, đóng cửa
mộ lại, và hơn bao giờ hết, họ càng thêm tin
tưởng rằng sự kiện xảy ra trong ngày Thứ
Sáu không phải là một cơn ác mộng, mà là một thực
tại khủng khiếp. Nhưng mọi việc lại
không diễn ra như dự định.
Tại mộ,
họ đã gặp hai thiên thần, hai vị đó đã
nói với họ “Tại sao các bà lại đi tìm người
sống giữa kẻ chết? Người không còn ở
đây nữa, nhưng Người đã sống lại rồi”.
Sứ điệp Phục Sinh lần đầu tiên
được gửi đến cho những nữ môn
đệ có lòng tin này: Đức Giêsu không chết, Người
đang sống. Như vậy, họ không được
phí phạm thì giờ trong việc tìm kiếm Người tại
chốn mồ mả.
Tất cả
chúng ta thường cảm thấy đau buồn khi ở
trong nghĩa trang, vì tại đó, tất cả mọi sự
đều nói lên cái chết. Tuy nhiên, chính tại một
nơi như vậy, mà lần đầu tiên sự sống
lại đã được loan báo. Thật là phù hợp
khi tại nơi đây, một nơi dường như
cái chết thống trị, mà tin vui về sự sống lại
của Đức Giêsu lần đầu tiên đã
được công bố.
Thông qua tiếng
nói của Phụng vụ, cũng sứ điệp đó
đem đến cho chúng ta: Đừng tìm kiếm người
thân yêu của bạn tại mộ. Người chết
không còn ở đó nữa. Đức Giêsu đã chế ngự
cái chết, không phải chỉ cho bản thân Người,
nhưng cho tất cả chúng ta. Người là Đấng
đầu tiên sống lại từ cõi chết, chúng ta sẽ
được đi theo Người. Vậy đối với
người Kitô hữu, theo ý nghĩa cuối cùng của sự
huỷ diệt, không có điều gì giống như cái chết.
Những người thân yêu đã qua đời của
chúng ta không phải là người chết nữa, họ vẫn
còn sống, thậm chí họ còn được sống một
cuộc sống thực sự và đẹp đẽ
hơn cả chúng ta. Họ không ở cách xa chúng ta. Những
người nào được chết trong ơn nghĩa
Chúa, họ không ở cách xa chúng ta hơn so với Thiên Chúa,
mà Thiên Chúa thì rất gần gũi với chúng ta.
Chúng ta hãy tiếp
tục cầu nguyện cho những người thân yêu
đã qua đời của chúng ta, trong trường hợp
họ vẫn còn cần đến sự giúp đỡ của
chúng ta. Và chúng ta hãy tiếp tục đi viếng nghĩa
trang, nếu điều này giúp cho ký ức về họ
được sống động. Nhưng chúng ta đừng
tìm kiếm họ tại đó. Và nếu nỗi buồn vẫn
cứ đeo đẳng trong tâm hồn chúng ta, thì nhờ sự
kiện đã xảy ra vào buổi sáng ngày Phục Sinh, nỗi
buồn của chúng ta sẽ được hoà lẫn với
một niềm hy vọng âm thầm.
NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÁC
1. Viktor Frankl
đã trải qua 3 năm tại Auschwitz. Anh vẫn còn sống
sót, mặc dù vợ và gia đình của anh đều
đã chết. Anh kể lại rằng vào một ngày kia,
liên sau khi được phóng thích khỏi trại giam, anh
đã đi bộ xuyên suốt vùng đồng quê, hướng
về khu phố chợ, cách trại giam vài dặm
đường.
Cánh đồng
cỏ trổ đầy hoa. Những con chim chiền chiện
hót vang trong khi bay vào bầu trời. Suốt nhiều dặm
khắp chung quanh đó, anh không nhìn thấy một người
nào, không có gì cả, ngoại trừ mặt đất và bầu
trời bao la, tiếng hót của những con chim chiền
chiện, và sự thoáng đãng của không gian. Anh dừng
chân lại, nhìn ra chung quanh mình, rồi ngước mắt
nhìn lên bầu trời trong xanh. Thế rồi anh quỳ gối
xuống cám ơn Thiên Chúa, vì đã được phóng
thích. Trong khi cầu nguyện, một câu nói chợt nảy
đến trong anh, diễn tả được cảm
giác mà anh đang có: “Tôi đã kêu cầu Thiên Chúa từ
nơi nhà tù chật hẹp của tôi, và Người đã
đáp lại trong sự tự do của không gian”.
Anh không thể
nói được là mình đã quỳ gối tại đó
trong bao lâu, miệng cứ lập đi lập lại câu nói
này. Nhưng sau này, anh kể “Trong ngày hôm đó và ngay tại
thời điểm đó, cuộc sống mới của
tôi bắt đầu. Tôi tiến triển từng bước
một, cho đến khi một lần nữa, tôi
được trở thành một con người”.
Chúng ta không thể
tách biệt niềm vui mà Frankl đã cảm nhận
được ngày hôm đó, trong một cánh đồng phủ
đầy hoa, với nỗi đau khổ mà anh đã trải
qua trong trại giam. Trên thực tế, niềm vui này sẽ
không có ý nghĩa, nếu trước đó, không xảy ra nỗi
đau khổ. Tương tự như vậy, chúng ta không
thể tách biệt sự sống lại của Đức
Giêsu với cuộc thương khó và cái chết của
Người. Không thể tách biệt vinh quang của Người
với nỗi đau đớn của Người. Mặc
dù một cách chậm chạp, nhưng các Kitô hữu tiên khởi
đã thấu hiểu rằng cuộc thương khó và cái
chết của Đức Giêsu chính là cách thế
để Người đi vào trong vinh quang của Người.
Chúng ta không thể có được ngày Chúa Nhật Phục
Sinh, mà không có ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng khi đang
trải qua ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thì chúng ta nên nhớ
đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh.
2. Sáng ngày Chúa Nhật
Phục Sinh, khi các nữ môn đệ lên đường
đi ra viếng mộ Đức Giêsu, thì họ rất thắc
mắc rằng: Ai đã lăn tảng đá lớn đặt
ở lối đi vào mộ?
Có một
người đàn ông đã cãi nhau với cha của mình, hậu
quả là suốt mấy năm trời, anh ta không hề
nói chuyện với ông cụ, mặc dù hai cha con chỉ sống
cách xa nhau vài dặm đường. Anh ta là người
con trai duy nhất; mẹ của anh đã rời bỏ gia
đình. Vì thế hiện nay, ông cụ sống cô
đơn một mình. Thế giới của ông càng ngày càng
nhỏ bé và tối tăm hơn, với từng ngày trôi
qua. Ông cụ chưa chết đi, nhưng về mặt ý
nghĩa, thì ông cụ đã như ở trong mồ rồi.
Chúng ta kinh ngạc
về năng quyền mà Đức Giêsu có, để cho kẻ
chết sống lại, quả thật đúng là như thế.
Chẳng hạn, người con trai trong câu chuyện trên có
thể lăn tảng đá ra khỏi ngôi mộ của
người cha. Bằng một lời nói hoặc một cử
chỉ, anh ta có thể giải thoát ông cụ khỏi ngôi mộ
của nỗi cô đơn và tuyệt vọng của ông.
Và bằng cách giúp đỡ người cha, anh ta cũng sẽ
giúp đỡ được chính bản thân mình. Đây là
một trong những cách đền bù đáng quý của cuộc
sống, mà chúng ta không thể làm phấn chấn tinh thần
cho người khác, nếu chúng ta không biết cũng tự
gây phấn khởi cho chính bản thân mình.
|