Suy
Niệm Lễ Phục Sinh – Năm A
Hôm nay, toàn thể Giáo hội mừng lễ Phục
Sinh. Đây là biến cố quan trọng trong chương
trình cứu độ của Thiên Chúa và là nền tảng
niềm tin của mỗi Kitô hữu chúng ta. Biến cố
này đã được báo trước và được
củng cố bằng sự kiện ngôi mộ trống,
những lần hiện ra và sự thay đổi nơi các
môn đệ sau khi gặp Đức Giêsu Phục Sinh.
1. Đức
Giêsu phục sinh được tiên báo trước
Việc Đức Giêsu phục sinh đã
được tiên báo trước nhiều lần và
nhiều cách khác nhau:
- Câu
chuyện ông Giona: Ông Giona được
sai đi rao giảng cho dân thành Ninivê, nhưng ông đã không
vâng lời Thiên Chúa, ông xuống thuyền vượt
biển để trốn đi nơi khác. Thế rồi,
một cơn cuồng phong nổi lên. Những
người lái buôn cho rằng tại vì ông mà có cơn
cuồng phong đó. Vì thế, ông bị quăng xuống
biển, một con cá đã nuốt ông vào bụng và sau ba
đêm ngày ông được thả lên bờ gần thành
Ninivê (x. Gn 2,1-11). Ông cho đó là ý Chúa. Nên ông đã vào thành
Ninivê để thi hành nhiệm vụ rao giảng.
Hình ảnh ông Giona ở trong bụng cá ba
đêm ngày rồi được thả lên bờ tiên báo
việc Đức Giêsu ở trong mộ ba đêm ngày
rồi sống lại.
- Biến
cố Đức Giêsu tẩy uế đền thờ (x. Ga 2, 13-22). Tin Mừng Thánh Gioan cho
biết, khi Đức Giêsu thấy trong Đền Thờ
có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những
người đang ngồi đổi tiền.
Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi
tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi
Đền Thờ; còn tiền của những người
đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật
nhào bàn ghế của họ. Ngài nói với những kẻ
bán bồ câu: "Đem
tất cả những thứ này ra khỏi đây,
đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”
Người Do thái hỏi Đức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho
chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" Đức
Giêsu đáp: "Các ông cứ
phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi
sẽ xây dựng lại."
Thánh Gioan còn giải thích thiêm rằng: Đền
Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân
thể Người. Vậy, khi Người từ cõi
chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại
Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh
Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
- Đức
Giêsu phục sinh kẻ chết: Trong
ba năm đời sống công khai, Đức Giêsu đã
phục sinh cho con gái ông Giairô (x. Mc 5, 21- 24. 35-
43), cậu
con trai bà góa thành Naim (x. Lc 7, 11- 17) và ông Ladarô (x. Ga 11, 1- 44). Việc làm này cho chúng ta thấy
Đức Giêsu làm chủ cả sự chết lẫn
sự sống. Ngài dùng quyền năng của mình
để làm cho kẻ chết sống lại thì Ngài cũng
có thể dùng quyền năng để tự cho mình
sống lại. Việc Đức Giêsu phục sinh kẻ
chết báo trước việc Ngài sẽ phục sinh sau
này.
- Đức Giêsu tiên báo về sự
sống lại của Ngài: Ít nhất ba lần Đức Giêsu đã
loan báo về sự chết và sự sống lại
của Ngài: “Con Người
phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ
mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ,
bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc
8,31; Mc 9,31; Mc 10, 33-34). Chính Ngài đã khẳng định
với Matha rằng: “Ta là
sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có
chết cũng sẽ được sống. Và bất
cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ.” (Ga 11,25-26).
2. Ngôi mộ trống (x. Ga 20,1-9; Lc 24,1-12; Mc 16,1-8;
Mt 28,1-8). Cả bốn sách Tin Mừng đều
tường thuật về ngôi mộ trống của
Đức Giêsu. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta
biết, chính ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Madalêna
ra thăm mộ Chúa. Bà không thấy xác Chúa Giêsu đâu
cả. Bà vội vã chạy về báo tin cho các môn đệ
biết. Nghe vậy, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã nhanh chóng
chạy ra mộ. Tới nơi, hai ông thấy ngôi mộ
trống như bà nói. Ông Gioan cúi mình xuống thì thấy “khăn liệm để đó.”
Ông Phêrô thì “thấy những dây
băng nhỏ để đó, và khăn liệm che
đầu Người trước đây, khăn này không
để lẫn với dây băng, nhưng cuộn
lại để riêng một chỗ.” Đó là cái nhìn
của thể lý, nhưng Thánh Gioan đã đi xa hơn cái
nhìn của thể lý, Tin Mừng cho chúng ta biết: “Ông
đã thấy và đã tin” (Ga
20, 8).
Tuy nhiên, sự kiện ngôi
mộ trống chưa đủ thuyết phục các môn
đệ và mọi người về việc Đức
Giêsu sống lại. Bởi vì, bà Maria Madalêna vẫn nghi
ngờ xác Đức Giêsu bị đánh cắp (x. Ga 20,2). Còn
quân lính thì phao tin đồn rằng: “Ban đêm, đang
lúc chúng tôi ngủ thì các môn đệ của hắn đã
đến lấy trộm xác” (Mt 28, 14). Cho nên, niềm tin vào sự
sống lại của Đức Giêsu cần phải được
cũng cố bằng những bằng chứng khác.
3. Những lần
hiện ra của Đức Giêsu
Sau khi
sống lại, Đức Giêsu đã hiện ra nhiều
lần, nhiều nơi với rất nhiều
người. Ngài hiện ra với các môn đệ ngay
chiều Chúa nhật Phục Sinh (x. Ga 20, 19-23). Cũng ngay
ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Ngài hiện ra với hai môn
đệ đi làn Emmau (x. Lc 24, 36-42). Tám ngày sau, Ngài
hiện ra với các môn đệ và bảo Tô-ma xỏ ngón
tay vào cạnh sườn Ngài (x. Ga 20, 26-29). Rồi Ngài còn
hiện ra nhiều lần nhiều nơi khác nữa. Thánh Phaolô cho biết: “Người đã hiện ra
với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau
đó, Người đã hiện ra với hơn năm
trăm anh em một lượt, trong số ấy phần
đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã
an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra
với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông
Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra
với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa
trẻ sinh non.” (1Cr 15,5-8).
Những lần hiện ra của Đức Giêsu Phục
Sinh là bằng chứng về sự sống lại của
Ngài.
4. Sự thay
đổi của các Tông Đồ sau Đức Giêsu Phục
Sinh
Mặc dầu trong ba năm được sống
bên cạnh Đức Giêsu, chứng kiến việc Ngài phục
sinh kẻ chết, được nghe Ngài tiên báo về
sự sống lại của Ngài, nhưng không dễ gì các Tông
đồ đón nhận niềm tin đó. Ngay cả khi các
phụ nữ về báo tin (x. Lc 24, 11) hay khi Ngài hiện ra
đứng giữa các ông mà các
ông còn kinh hồn sợ hãi vì tưởng là ma (x. Lc 24, 36- 43). Sau nhiều
lần gặp gỡ, chuyện trò, thậm chí là
được ăn uống với Đức Giêsu
phục sinh thì các ông mới tin (x. Cv 1, 3- 4). Đặc
biệt, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần ở Nhà
Tiệc Ly, các Tông Đồ đã mạnh dạn làm
chứng Đức Giêsu đã sống lại. Bài
đọc thứ I, Thánh Phêrô đã nhân danh các Tông Đồ
lên tiếng rằng: "Chúng
tôi đã ăn uống với Người, sau khi
Người từ cõi chết sống lại." (Cv 10, 34a. 37-43). Không
những làm chứng bằng lời nói, các Tông Đồ còn
làm chứng bằng sự bắt bớ, tù tội và
cả cái chết.
Đức Giêsu đã sống lại, đó
là niềm tin của mỗi Kitô hữu chúng ta. Niềm tin
chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính, niềm tin chúng ta tuyên
xưng trong thánh lễ mỗi ngày. Nhưng chúng ta không
chỉ tuyên xưng niềm tin đó bằng môi miệng mà cần
phải cụ thể hóa niềm tin đó vào trong cuộc
sống hằng ngày. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô mời
gọi chúng ta: “Anh em đã
sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những
sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên
Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời,
chứ đừng nghĩ đến những sự
dưới đất.” (Cl 3,1-2). “Không nghĩ đến những sự dưới
đất” là gì nếu không phải là biết từ
bỏ ma quỷ và những gì thuộc về nó. “Tìm kiếm những sự trên
trời” là gì nếu không phải là sống niềm tin
vào sự sống lại của Đức Giêsu trong
cuộc sống hằng ngày để được “xuất hiện với
Người trong vinh quang.”(x. Cl 3,4).
Lạy Chúa
Giêsu Kitô, Chúa đã chịu chết để ban sự
sống đời đời cho chúng con. Xin cho chúng con
biết can đảm làm chứng về sự Phục Sinh
của Chúa, đồng thời biết sống làm sao
để mai sau được xuất hiện với
Người trong vinh quang. Amen.
Lm. Anthony Trung
Thành
|