Suy
Niệm THỨ SÁU TUẦN THÁNH 2017
Chúng ta
vừa nghe Thánh Gioan tường thuật lại Cuộc
Khổ Nạn đẫm máu của Đức Giêsu qua bài Thương
Khó. Qua đó, chúng ta thấy được hình phạt tàn
nhẫn mà con người nghĩ ra để đối
xử với Con Thiên Chúa như thế nào. Chúng ta biết,
vào thời của Đức Giêsu, thập giá là một hình
phạt dành cho các trọng tội, họ thuộc lớp
bần đinh hoặc nô lệ, các tên đại tặc
hoặc là phiến loạn. Tội nhân thường bị
đánh đòn, và sau đó phải vác thập giá đến
pháp trường. Thông thường tử tội bị
lột hết áo xống, và bị cột hoặc đóng
đinh vào khổ giá.
Hình phạt
cách chung chung là như vậy. Nhưng khi thi hành án,
người ta còn nghĩ ra nhiều cách khác nữa
để làm cho tội nhân thêm đau đớn như
chúng ta vừa nghe Thánh Gioan tường thuật lại Cuộc
Thương Khó của Đức Giêsu. Ngài không chỉ
phải vác thập giá, chịu đóng đinh mà Ngài còn
phải chịu trăm nghìn hình khổ khác: bị Philatô xét
xử như một tử tội, bị tên vệ binh
vả mặt, sự vô ơn của đám đông, bị
người ta nhạo cười là “vua dân Do Thái”, bị
trói, bị người ta kết vòng gai đội trên
đầu, chịu roi đòn suốt đêm ngày, chịu
vác thập giá, chịu đóng đinh, chịu uống
dấm chua, bị đâm thủng cạnh sườn
dầu đã chết…Họ tìm mọi cách để hạ
nhục Đức Giêsu. Họ làm cho Ngài trở thành thân tàn
ma dại, không còn ai nhận ra. Tiên tri Isaia đã thấy
trước những đau khổ tột cùng của Đức
Giêsu qua bài ca thứ tư của người tôi tớ
đau khổ rằng: “Người chẳng còn hình dáng,
cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn
ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích;
bị người đời khinh dể như kẻ
thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau
nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một
người bị che mặt và bị khinh dể, bởi
đó, chúng ta không kể chi đến người” (Is
53, 2-3).
Càng suy niệm
về sự đau khổ của Đức Giêsu, chúng ta
lại càng cảm nhận được tình yêu bao la vô
bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân
loại chúng ta. Có nhiều định nghĩa về Thiên
Chúa, nhưng có lẽ định nghĩa đầy
đủ và ý nghĩa nhất đó là của Thánh Gioan Tông
đồ, Ngài cho biết: “Thiên
Chúa là tình yêu.” (x. 1Ga 4,16). Thật vậy, vì tình yêu nên
Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta. Vì tình yêu nên Ngài đã sai
Con Một Xuống Thế làm người để
cứu chuộc nhân loại chúng ta. Tình yêu đó
được diễn tả một cách rõ nét nhất qua các
nghi thức của Tam Nhật Vượt Qua trong Tuần
Thánh, mà cao điểm là nghi thức chiều thứ sáu hôm
nay. Thật vậy, vì tình yêu nên Con Thiên Chúa đã chấp
nhận bước vào cuộc khổ nạn. Vì tình yêu nên
Ngài đã chấp nhận chịu vác thập giá. Vì tình yêu
nên Ngài chấp nhận chịu đội mạo gai. Vì tình
yêu nên Ngài đã chấp nhận chịu đóng đinh thân
mình vào Thập giá. Vì tình yêu nên Ngài đã để cho
một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh
nương long. Vì tình yêu nên Ngài đã tha thứ tội
lỗi cho Phêrô, cho các môn đệ, cho những kẻ
đóng đinh Ngài.
Tóm lại,
Đức Giêsu đã chấp nhận đau khổ vì yêu
thương nhân loại chúng ta. Trong bài đọc II, tác
giả thư Do Thái cho chúng ta biết: “Người đã
học vâng phục do những đau khổ Người
chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên
căn nguyên ơn cứu độ đời đời.”
(Dt 5,8-9).
Vậy
trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, chúng ta phải làm
gì?
Thứ
nhất, chúng ta hãy luôn suy niệm Cuộc Thương Khó của
Đức Giêsu để cảm nhận được
tình yêu của Ngài đã dành cho chúng ta, để từ
đó chúng ta luôn biết dâng lời cám tạ Ngài. Vì, “Không có tình yêu nào cao cả cho
bằng tình yêu của người hiến mạng sống
cho bạn hữu mình” (Ga 9,13).
Thứ hai,
chúng ta hãy đến với Chúa để lãnh nhận
nguồn ân sủng qua các Bí tích nhất là Bí tích Giao hòa và
Thánh Thể. Thư Do Thái cho chúng ta biết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không
phải là Đấng không biết cảm thương
những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã
chịu thử thách về mọi phương diện
cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi
thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai
Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót
thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” (Dt
4,15-16).
Thứ ba,
chúng ta hãy tránh xa các dịp tội và luôn giục lòng sám
hối vì những tội lỗi chúng ta đã phạm như
người trộm lành trên thánh giá, vì tội lỗi đã
góp phần vào sự đau khổ của Đức Giêsu: “Chính
Ngài đã bị đâm
vì chúng ta
phạm tội, Ngài bị nghiền nát vì chúng ta lỗi
lầm”
(Is 53,5).
Thứ tư,
chúng ta không dùng bạo lực để gây đau khổ
cho người khác, trái lại cố gắng đóng góp
phần mình làm giảm bớt đau khổ cho anh chị
em mình, tránh thái độ vô cảm với khổ đau
của người khác, như lời Thánh Vịnh: “Hãy
bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn
mọn; minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng, giải
phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi nanh vuốt
bọn ác
nhân” (Tv 82, 3-4).
Thứ
năm, chấp nhận thập giá mình để cộng
tác với Đức Giêsu trong việc cứu độ nhân
loại, nhất là để xứng đáng với môn
đệ Đức Giêsu, vì “Ai không vác thập giá mình mà
theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vâng
phục Chúa Cha trong việc chấp nhận bước vào
cuộc khổ nạn để nên duyên cớ cứu
độ nhân loại chúng con. Xin cho chúng con khi nhìn ngắm
Thánh giá biết nhận ra tình yêu của Chúa dành cho chúng con,
để chúng con biết yêu Chúa và chấp nhận
những thập giá trong cuộc đời chúng con. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
|