KẾT ÁN
Kết án là định tội và tuyên bố hình phạt. Kết án có thể đúng hoặc sai, nhưng vẫn là tình trạng chịu phạt vì tội phạm – dù người bị kết án chịu hàm oan. Chúa Giêsu đã từng bị những kẻ thủ ác kết án oan sai và chịu hình phạt thê thảm nhất trong lịch sử nhân loại.
Trong một lần giảng dạy, Đức Giêsu nói: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mc 12:38-40; tương tự Mt 23:1-36; Lc 20:45-47). Quá rõ ràng. Những lời lẽ này khiến người nghe cảm thấy rất “nhức óc”.
Đọc câu này của Chúa Giêsu, có lẽ chúng ta “thích” nghĩ rằng Ngài nói tới người khác chứ mình không liên quan. Lầm to! Ngài đã và đang nói thẳng với mỗi chúng ta chứ “còn ai trồng khoai đất này” nữa? Chúng ta không có vẻ vênh vang tự đắc, biểu lộ rõ ràng ra mặt, nhưng chúng ta có cách thể hiện “ta đây” một cách rất tinh vi, người ngoài khó có thể nhận ra.
Văn hóa và phong cách mỗi nước, mỗi vùng, mỗi miền, mỗi dân tộc khác nhau, nhưng vẫn có “nét” nào đó tương tự. Người xưa thường mặc khăn đóng và áo dài, nhất là những người có chức có quyền, nhưng họ có hai loại áo dài: Một loại có vạt trước ngắn (vạt sau dài), một loại có vạt sau ngắn (vạt trước dài). Áo gì kỳ vậy, và để làm gì?
Vạt nào dài hay ngắn đều có công dụng của nó. Khi đứng trước vua chúa hoặc ông quan lớn hơn mình, họ mặc áo-dài-có-vạt-trước-ngắn và vạt-sau-dài. Nghĩa là họ phải khom lưng, phải qụy lụy, chịu “lép vế”, chịu luồn cúi,... cần có vạt trước ngắn để không vướng víu, vạt sau dài để che chắn “khu nhạy cảm”. Nhưng khi đứng trước đám dân đen, họ mặc áo-dài-vạt-sau-ngắn và vạt-trước-dài. Nghĩa là họ ưỡn ngực, cao ngạo, vênh vang, hống hách, truyền lệnh, thị uy, hét ra lửa,... cần có vạt trước dài để che chắn và vạt sau ngắn để không vướng víu.
Mỗi chúng ta cũng thường có hai loại áo ấy để… “tùy cơ ứng biến”. Nhưng những loại “áo đặc biệt” đó ngày nay là loại “siêu trang phục”, khó phát hiện vạt nào dài và vạt nào ngắn!
Hôm đó, khi vào Đền Thờ, Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền (hòm tiền, giỏ tiền) dâng cúng cho Đền Thờ. Ngài quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó thế nào. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền, họ ngó quanh rồi hãnh diện “giơ cao, thả mạnh”. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma, bà lúi cúi đến gần thùng tiền rồi bước đi nhanh, sợ người khác nhìn thấy.
Xin mở ngoặc nhỏ: Theo Hy ngữ, đồng tiền kẽm gọi là “lepton” (số ít, “lepta” là số nhiều). HAI đồng kẽm có giá trị bằng MỘT quadrans, tương đương 1/4 đồng xu Rôma – đơn vị tiền tệ nhỏ nhất của đế quốc Rôma thời đó. Khi lưu hành ở Palestine, một lepton trị giá khoảng “sáu phút làm công” theo lương trung bình mỗi ngày.
Thấy “phong cách” của mỗi người khác nhau, Ngài liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12:43; Lc 21:3). Quá “sốc”, quá khó lọt tai! Thế nhưng lại hoàn toàn đúng, vì “mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12:44).
Danh từ “bà góa” được dùng để chỉ người phụ nữ có chồng nhưng chồng chết, có thể đã có con, và dù còn trẻ nhưng người ta vẫn gọi là “bà”. Họ là “người đi biển mồ côi một mình”. Gian khổ lắm, khó khăn lắm, buồn lắm! Nhưng họ vẫn chân thành hy sinh vì muốn sống trọn Thánh Luật của Thiên Chúa.
Có nhiều người trong chúng ta vẫn ảo tưởng đi làm từ thiện hoặc làm những việc mà chúng ta gọi là “việc bác ái” hoặc “việc tông đồ”, cho rằng như vậy là “oai” lắm, nhưng đôi khi chỉ là “chiếc áo tàng hình”. Đọc hoặc nghe trình thuật Lời Chúa này khiến chúng ta phải “giật mình”, phải tự minh định lại động lực thúc đẩy mình hành động. Vì ai và vì mục đích gì?
Khi quan sát những người giàu có đóng góp phần công đức, Chúa Giêsu nhấn mạnh việc “dâng cúng” chỉ hai đồng kẽm của bà góa nghèo. Ngài biết số tiền đó nhỏ nhoi, chẳng đáng chi về vật chất, nhưng đó là tất cả những gì bà góa đã có, trong khi những người khác chỉ cho một phần rất nhỏ trong số tài sản lớn của riêng mình. Và Ngài chú trọng phần tinh thần, sự chân thành, vì Ngài “chẳng ưa gì tế phẩm” (Tv 51:18).
Qua đó, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng sự hy sinh của bà góa quý giá hơn sự dư thừa những người giàu có. Theo tầm nhìn của Thiên Chúa, bà góa là người dâng cúng nhiều hơn cả trong tất cả những người dâng cúng vào nhà thờ hôm đó. Tiêu chuẩn đánh giá của Giêsu là tiêu chuẩn của Thiên Chúa, không đánh giá qua “số lượng tiền” mà là “tính cách tổng thể” của mối tương quan giữa những gì được dâng với người dâng. Cách cho quan trọng hơn của cho. Chúa Giêsu nói rằng bà góa đã “bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” là để ám chỉ việc tích trữ kho tàng trên trời – tương tự các luận điểm mà Ngài vẫn đề cập trong một số dụ ngôn khác. Ngoài ra, Ngài cũng chỉ trích giới lãnh đạo Do Thái giáo đã đạo đức giả trong cách hành xử đối với cách sống của mình, chỉ nhằm tìm kiếm tư lợi, muốn người ta phải tôn trọng mình, làm ra vẻ đạo đức, nghiêm túc, nhưng sẵn sàng “nuốt hết” tiền bạc và công sức của người khác.
Ngày 29-10-2012, website CWN đưa một tin ngắn về việc Đức TGM Socrates Villegas, TGP Lingayen-Dagupan (Philippines), viết thư gởi các linh mục thuộc giáo phận của ngài, trong đó ngài nhấn mạnh: “Chư huynh linh mục thân mến, các bí tích không được cử hành để lấy tiền. Thương mại hóa sự thánh thiêng là buôn thần bán thánh (practice of simony). Đó là tội lỗi”. Giám mục cương quyết như vậy mới đúng là chủ chăn đích thực của Chúa, là mục tử như Ngài mong ước, biết sống hết mình vì lợi ích của Thiên Chúa và của dân Chúa.
Thiên Chúa luôn thương xót và nâng đỡ, quan tâm và chăm lo cho những người nghèo khổ, Ngài mong muốn và bắt buộc thành luật: “Tuyệt nhiên giữa anh em sẽ không có người nghèo” (Đnl 15:4). Đó là một trong những điều khiến chúng ta phải “giật mình” mà phải “xét mình” nghiêm túc hơn, trước khi Đức Kitô đến thế gian lần thứ hai để xét xử!
Chúa Giêsu thường chỉ trích nghiêm khắc với các tư tế, các kinh sư, nhóm Xa-đốc và nhóm Pha-ri-sêu, không phải vì họ có chức quyền, mà vì họ giả dối, là “mồ mả tô vôi” (Mt 23:27), chỉ ưa bề ngoài mà coi thường nội tâm và cố ý “quên” yêu thương. Có lần có một người thuộc nhóm Xa-đốc thấy Chúa Giêsu đối đáp hay, ông đã hỏi xem điều răn nào đứng đầu trong mọi điều răn. Ngài bảo rằng, thứ nhất là “phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” (Mc 12:30), thứ nhì là “phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12:31). Rồi Ngài kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12:31). Ông kinh sư nói rằng Chúa Giêsu “nói hay lắm, nói rất đúng” (Mc 12:32).
Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài ra không có Đấng nào khác; yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12:33). Chúa Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan quá sức, Ngài bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12:34). Ước gì chúng ta cũng được Chúa Giêsu khen như vậy!
Lạy Thiên Chúa, chúng con cúi đầu và đấm ngực mà xin lỗi Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương Con Chúa là sẵn sàng chia sẻ mọi nỗi đau những con người nhỏ bé nhất hằng ngày ở bên cạnh chúng con, bằng cách mở rộng tấm lòng và mở rộng đôi tay để sáng danh Chúa chứ không vì danh tiếng của chúng con, để cứu các linh hồn, và để đền tội riêng của chúng con. Xin đừng kết án chúng con, và giúp chúng con đừng kết án người khác. Chúng con cậy nhờ Công Nghiệp của Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
|