1. Lời kể chuyện của ông Martin Blake:
Vào ngày 10 tháng 2 năm 1936, một linh mục trẻ khoảng 30 tuổi, tên là Georges Finet lái xe từ thành phố Lyon, nơi mà ngài là Giám Đốc ngành Giáo Dục của giáo phận, đến Châteauneuf-de-Galaure, trong vùng đồi núi Drôme để viếng thăm một phụ nữ mà ngài chưa bao giờ gặp. Trong xe của linh mục Finet có một bức hình của Đức Mẹ Maria, Đấng Trung Gian Các Ơn Lành. Tấm hình này là do một người bạn nhờ ngài chuyển giao cho bà Marthe. Về sau, ngài chia sẻ:
“Lúc ấy, tôi nghĩ mình mang tấm hình của Đức Mẹ Maria cho Bà Marthe Robin, nhưng chính Mẹ Maria đưa tôi đến gặp Marthe.”
Bà Marthe Robin sống với cha mẹ trong một ngôi nhà ở một trang trại nhỏ, cách xa ngôi làng chừng 1 dặm đường. Bà sinh năm 1902, là người con út trong gia đình. Bà nằm liệt giường từ năm 1928. Kể từ năm 1929 trở đi thì bà bị tê liệt. Bà ta được người ta biết đến như là một nhà thần bí, sống kết hợp sự đau khổ của mình với Chúa KiTô và Mẹ Maria. Vào tháng 10 năm 1930, bà nhận được những vết thương thánh của Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô, và mỗi ngày thứ sáu hàng tuần thì bà sống Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô trên thập giá.
2. Bà Marthe Robin và Lm Finet:
Cuộc gặp gỡ được xem là do Thiên Chúa quan phòng. Từ đó mối giây liên lạc thân tình trong Chúa được kết nối giữa Bà Marthe Robin và linh mục Finet, chỉ bị chia cắt bởi cái chết của bà vào năm 1981. Đến năm 1981, thì trên thế giới đã có hơn 60 nhà tình thương Foyers ở khắp năm châu.
Trong cuộc nói chuyện kéo dài 3 tiếng đồng hồ, Bà Marthe Robin đã thuyết phục linh mục Finet rằng ơn gọi của ngài là giúp đỡ cho bà. Trong một tiếng đồng hồ đầu tiên, họ nói về Đức Mẹ Maria và vai trò của Mẹ trong Giáo Hội. Cha Finet là người hằng giảng về Đức Mẹ Maria trong các Đại Hội, đi theo đường lối của thánh Louis Grignion de Monfort, vậy mà ngài rất kinh ngạc trước chiều sâu tư tưởng của bà.
Vào lúc 3 giờ chiều, bà bắt đầu nói về những biến cố lớn sẽ sớm xẩy ra, một số những biến cố ấy rất đau thương (Thế Giới Đại Chiến thứ II?), một số những biến cố ấy có nhiều ân sủng (Công Đồng Vaticana II?). Bà tuyên bố sẽ có: “Một Lễ Hiện Xuống của Tình Yêu” đến sau cuộc canh tân của Giáo Hội. Cuộc canh tân này được xẩy ra để cho các giáo dân có thể tham gia vào các công tác tông đồ. Bà nói:
“Các giáo dân sẽ có một vai trò quan trọng để thi hành. Các giáo dân sẽ lập thành cộng đoàn, nhất là trong những nhà tình thương Foyers với ánh sáng, bác ái và tình yêu.“
Do đó, bà tiên đoán về Công Đồng Vatican II, và ơn gọi để canh tân sẽ do ba vị Giáo Hoàng tương lai thi hành.
Khi linh mục Finet hỏi Bà Marthe Robin về định nghĩa của nhà Foyer thì bà trả lời:
“Đây là điều mới mẻ trong Giáo Hội. Sẽ có nhiều giáo dân thánh hiến, nhưng không phải là một Dòng Tu. Nhà Foyer là một gia đình lớn, với một linh mục là người trưởng và Đức Mẹ Maria là Bà Mẹ. Trong các buổi tĩnh tâm, mọi người sẽ thi hành theo cách giảng dậy của linh mục. Họ sống chung trong một cộng đoàn như là những chứng nhân cho sự hiệp nhất và cầu nguyện. Các thành viên của nhà Foyer sẽ tỏa lan ánh sáng đến với toàn thế giới. Đó là câu trả lời từ Trái Tim của Chúa KiTô cho thế giới, sau khi vật chất làm cho nhân loại bị thất bại và sau khi nhân loại tạo ra những lỗi lầm quỷ quái.”
Bà Marthe Robin còn nói rằng:
“Chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa Thế Tục, và Tam Điểm là những lỗi lầm ghê tởm và quỷ quái mà nhân loại đã phạm. Sẽ có cuộc can thiệp của Đức Mẹ Maria.”
Đến 4 giờ chiều, Bà Marthe Robin quay sang linh mục Finet và nói:
-Thưa Cha Finet, nhân danh Chúa, con có một yêu cầu nơi cha.
-Thưa cô, xin cô cứ nói!
-Cha chính là người sẽ phải đến đây, tại vùng Châteauneuf-de-Galaure này để thành lập nhà Tình Thương Foyer đầu tiên.
-Tôi à? Nhưng tôi không ở trong giáo phận này. Tôi ở vùng Lyon mà!
-Nếu Chúa muốn thì đâu có gì mà không làm được!
-Ồ, xin lỗi cô…Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc như thế này! Nhưng tôi sẽ làm gì?
-Rất nhiều điều. Việc chính là cha sẽ giảng tĩnh tâm.
-Nhưng tôi không biết làm cách nào?
-Cha sẽ học!
-Vâng, tôi nghĩ ba ngày tĩnh tâm sẽ tốt cho mọi người.
-Dạ không, trong ba ngày không thể thay đổi một linh hồn. Đức Mẹ Maria xin là 5 ngày tĩnh tâm trọn vẹn.
-Ồ, thế à? Những các buổi tĩnh tâm ấy dành cho ai?
-Cha sẽ bắt đầu với các phụ nữ và thiếu nữ.
-Chúng ta sẽ làm gì trong các buổi tĩnh tâm? Chia nhóm hay thảo luận chung?
-Dạ không, Đức Mẹ Maria muốn tất cả hoàn toàn thinh lặng.
-Cô nghĩ rằng tôi có thể làm cho các phụ nữ và thiếu nữ giữ im lặng trong năm ngày được sao?
-Vâng, đó là điều mà Đức Mẹ Maria xin như thế.
-Ồ, tôi xin lỗi nhé…Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy! Nhưng làm cách nào mà chúng ta quảng bá cho các cuộc tĩnh tâm này?
-Đức Mẹ Maria sẽ cho chúng ta biết. Chúa Giêsu sẽ ban rất nhiều ân sủng đặc biệt. Cha không cần việc quảng bá!
-Vậy các cuộc tĩnh tâm bắt đầu ở nơi nào?
-Trong ngôi trường học của các Nữ Sinh.
-Nhưng chúng ta cần những giường, cần một cái bếp. Ai sẽ làm những việc ấy?
-Chính là cha!
-Nhưng tiền lấy ở đâu ra?
-Xin cha đừng lo…Đức Mẹ Maria sẽ lo liệu việc này!
-Khi nào thì cuộc tĩnh tâm đầu tiên bắt đầu?
-Vào thứ hai, ngày 7 tháng 9 và sẽ kéo dài cho đến trưa Chúa Nhật, ngày 13 tháng 9.
-Tôi không thể từ chối, nhưng tôi sẽ phải xin phép các đấng Bề Trên của tôi chứ…
-Dĩ nhiên! Nhưng cha phải giữ đức vâng lời.
Sau đó, Bề Trên của cha Finet là Đức Ông Bornet đồng ý cho ngài đi, rồi Bề Trên Dòng ở Lyon cũng chấp thuận. Cuối cùng, vị linh hướng của cha Finet vốn là một linh mục giáo sư Thần Học của Đại Học cũng rất tán thành sáng kiến thành lập các buổi tĩnh tâm. Vì vị giáo sư ấy cũng đã được gặp gỡ Bà Marthe Robin.
3. Các cuộc tĩnh tâm ở nhà Foyers.
Do đó, cuộc tĩnh tâm đầu tiên được diễn ra với 30 người, tất cả đều là phụ nữ. Rất nhiều người ấy sau này trở nên thành viên thường trực của các nhà tình thương Foyers. Ngày nay, nơi đây có đủ chỗ cho 200 người đến tĩnh tâm ở vùng Châteauneuf-de-Galaure. Ngoài ra, còn có một trường học cho nữ sinh và một trường học cho nam sinh ở làng lân cận. Dĩ nhiên, nơi này là một cộng đồng lớn mạnh. Có thêm 15 nhà tình thương Foyers được thành lập ở nước Pháp, và hơn 70 nhà ở khắp nơi trên thế giới, trong 40 quốc gia. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể sáng tạo ra hiện tượng này. Các thành viên không mặc đồng phục hay tuyên khấn. Họ chỉ dấn thân, nên có người vào thì cũng có người đi ra.
Hiện nay, người ta đang tiến hành thủ tục xin phong thánh cho Bà Marthe Robin ở Rôma. Nếu được phong thánh thì bà là người thuộc phần thứ hai của thế kỷ 20, còn chị thánh Têrêsa là người thuộc phần thứ nhất của thế kỷ 20. Trong thực tế, hai người phụ nữ này có liên hệ thân cạn với nhau. Chị thánh Têrêsa chết năm 24 tuổi và được biết đến qua cuốn sách tự thuật của chị, còn bà Marthe sống được 79 tuổi (chết năm 1981), nhưng bà phải sống như là một kẻ liệt, trong một thời gian dài ở căn phòng nhỏ của nhà cha mẹ mình.
Bà được xem là một nhà thần bí, vì bà luôn hiệp thông với Chúa KiTô và Mẹ của Ngài. Vì thế bà có rất nhiều khách và các tham dự viên cuộc tĩnh tâm đến thăm bà. Người ta cứ lũ lượt kéo đến Châteauneuf-de-Galaure để gặp mặt bà trong suốt thời gian dài 50 năm. Theo dự đoán thì bà đã gặp gỡ hàng trăm ngàn người. Mỗi người chờ đợi trong căn phòng nhà bếp và được phép có 10 phút với Bà Marthe Robin, trong căn phòng tối của bà.
Bà tỏ ra chú ý mọi điều về mỗi một người khách. Bà cho lời khuyên tốt lành, và luôn kết thúc buổi gặp gỡ bằng lời cầu nguyện dành cho khách thăm viếng. Bà có trí khôn ngoan và thông minh để dạy cho những ai xin lời khuyên của bà. Tất cả khách khi trở về thì đều trở nên tốt lành hơn trước.
Một số cộng đoàn lớn mạnh ở nước Pháp, như cộng đoàn Thánh Gioan và cộng đoàn Thiên Phúc đều được Bà Marthe Robin yểm trợ.
Khi về với Chúa, bà để lại một số những lời cầu nguyện, suy niệm và quan sát (nhưng bà không thể tự viết được.). Đã có một số tài liệu được in, và một số sách do bà viết ra. Trong nhà tình thương Foyers, người ta thường trích dẫn những lời cầu nguyện của bà. Hiện nay, chưa có nhiều sách viết về Bà Marthe Robin bằng Anh Ngữ. Chúng tôi đang chờ đợi việc xây dựng căn nhà tình thương Foyer đầu tiên ờ nước Anh.
Có lẽ tài liệu thiêng liêng quan trọng nhất của Bà Marthe Robin là “Hành động Thánh Hiến” mà bà dâng lên Chúa năm 1925, vào lứa tuổi 23. Trong bài thánh hiến này, từ ngữ tình yêu được lập đi, lập lại 22 lần, nhưng không hề có từ ngữ công lý. Từ đó, bà thánh hiến chính mình qua Đức Mẹ Maria, để đến với Chúa Giêsu và trở nên một hy lễ sống động dâng lên Thiên Chúa.
Tác phẩm tự thuật đầy đủ nhất của Bà Marthe Robin, được viết bởi ông Raymond Peyret. Dù ông này chưa hề gặp bà Marthe, nhưng ông viết sách có tên là “Take My Life, Lord”, tạm dịch là: “Xin Chúa Nhận Đời Sống Của Con.” Tác phẩm này có tiểu đề là “The Long Mass Of Marthe Robin”, dịch là “Thánh Lễ Dài Của Bà Marthe Robin”. Thật ra, bà không còn có thể tham dự Thánh lễ sau năm 1928, nhưng cả cuộc đời bà như là một Thánh Lễ, một lời tạ ơn, hiệp thông với hy lễ của Chúa Kitô trên thánh giá, vì tình yêu.
“Ta chỉ có thể làm cho mọi người yêu đến mức độ ta có thể chứa đựng tình yêu, cũng như ta có thể tỏa sáng nếu ta chứa đựng chân lý của ánh sáng.” (Lời của bà Marthe Robin ngày 16/2/1930)
(Kim Hà, 22/10/06)
|