1. Một chứng nhân anh hùng và một tiên tri.
Bà Marthe Robin là một phụ nữ rất can đảm và có đầy sức mạnh. Bà có một tình yêu sâu đậm dành cho Chúa Giêsu Kitô và cho Gíáo Hội. Bà Marthe Louise Robin sinh ngày 13 tháng 3 năm 1902, tại vùng Chateauneuf-de-Galare, gần Lyons, ở miền Đông Nam nước Pháp. Bà qua đời ngày 6 tháng 2 năm 1981, hưởng thọ 78 tuổi, sau khi đã bị tê liệt toàn thân trên 50 năm trời.
Bà Marthe Robin, Một Linh Hồn Được ChọnBà Marthe Robin là một phụ nữ vùng quê có tính tình thẳng thắn, nhưng rất dịu dàng và khôn ngoan. Bà luôn lắng nghe và khuyên bảo những ai cần đến lời khuyên của bà. Bà nói về cách cầu nguyện, về Chúa Giêsu và Mẹ Maria rất dễ dàng. Người ta rất yêu mến và kính trọng bà. Trong đám tang của bà vào năm 1981, có hàng ngàn người thương tiếc đến dự, có 6 giám mục và hơn 200 linh mục đồng tế trong thánh lễ.
Trong đời sống của bà, các thông điệp, tấm gương sáng và sự can đảm của bà đã khuyến khích và tạo nguồn hứng khởi cùng sự hướng dẫn cho rất nhiều người nam và nữ, ở mọi lứa tuổi và trong mọi tầng lớp xã hội.
Bà Marthe Robin yêu mến Đức Mẹ Maria cách đặc biệt. Bà sống gần gũi với Chúa Giêsu và hiệp thông các sự đau khổ của bà với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô. Bà sẵn sàng chia sẻ Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô và sự chết của Ngài.
Vào tháng 10 năm 1930, bà nhận được năm dấu thương thánh, các vết roi đòn, và sau đó, vào mỗi ngày thứ sáu hàng tuần, bà trải qua những giờ phút kinh hoàng và đau đớn mà Chúa Giêsu đã chịu trên thánh giá.
Trong khi bà cầu nguyện thì Thiên Chúa tiết lộ một thị kiến về Lễ Hiện Xuống mới của tình yêu. Chúa kêu gọi hãy có một sự canh tân Giáo Hội, qua việc Thánh hiến của các tông đồ nam và nữ là những người đang sống trong các cộng đoàn cầu nguyện và lao động. Các cộng đoàn này được gọi là: ”Nhà ánh sáng và nhà tình thương”. Đó là những trung tâm và ngôi nhà của ánh sáng, bác ái và tình yêu. Đây là thông điệp chính của Bà Marthe Robin:
“Chúng ta phải đi theo Chúa Giêsu với sự trợ giúp và quyền năng của Mẹ Maria.”
Trong cuộc đời, bà Marthe Robin gặp gỡ hàng vạn người đến thăm bà trong căn phòng nhỏ mà bà đã nằm liệt giường gần trọn cuộc đời của bà. Bà thường nói chuyện khoảng 10 phút với từng người. Bà rất cởi mở và thoải mái khi nói chuyện. Nhờ đó, bà giúp soi sáng các vấn đề hay sự quan tâm của người đối diện. Cuối cùng, bà luôn kết thúc bằng một lời kinh đơn sơ.
Ngoài những người mà bà gặp gỡ hàng ngày bên giường bịnh, bà còn phải đọc và trả lời hàng ngàn lá thư, dù cho bà bị mù năm lên 38 tuổi. Bà đã để lại một số tài liệu thiêng liêng, những suy nghĩ, những bài viết gây niềm hứng khởi và các lời hướng dẫn cho linh mục Georges Finet, vị giám đốc linh hướng của bà và cũng là người đồng sáng lập các nhà tình thương Foyers.
Các bài viết và lời khuyên giải của bà soi sáng những vấn đề và những thách đố mà Giáo Hội Công Giáo đương thời gặp phải. Đồng thời bà cũng nhìn thấy trước những bóng tối. Bà kêu gọi hãy gia tăng việc rao giảng Tin Mừng và canh tân để cho có nhiều giáo dân tham gia trong các sinh hoạt của Giáo Hội.
2. Thời niên thiếu:
Ông Joseph và bà Amélie Robin là những người nông dân đơn sơ. Họ có một nông trại nhỏ nằm trên cao nguyên, nơi vùng đồi núi của con sông Galaure, thuộc vùng Drôme, miền Đông Nam nước Pháp.
Vào ngày 13 tháng 3 năm 1902, hai tuần trước lễ Phục Sinh, người con thứ sáu của họ được sinh ra và có tên là Marthe Louise. Người chị lớn của gia đình ấy tên là Célina, 13 tuổi, rồi đến Gabrielle, Alice, Clémence, và Henri, người con trai duy nhất. Ba tuần lễ sau, vào ngày thứ bảy đầu tháng tư, bé Marthe được rửa tội trong nhà thờ của giáo xứ Thánh Bonnet-de-Galaure. Lúc ấy, anh của bé là Henri, 6 tuổi là cha đỡ đầu, và chị của bé là Alice, 8 tuổi là mẹ đỡ đầu của bé Marthe.
Bệnh tật và bi kịch xẩy đến cho gia đình Robin sau khi Marthe được sinh ra. Một dịch sốt thương hàn gây ra cái chết của bé Clémente, lúc ấy 5 tuổi, và gây bệnh tật cho bé Marthe, và sức khoẻ của bé cứ suy yếu dần.
Bé Marthe Robin rất vui tươi, bé luôn làm những gì mà người khác sai bảo bé. Bé luôn nghĩ đến người khác. Lễ cưới của chị Celina vào năm 1908 là cơ hội mừng vui cho cô bé 6 tuổi. Cô bé nhẩy nhót và vui đùa thỏa thuê. Năm ấy, bé bắt đầu đến trường học. Mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều, bé cùng các chị phải đi bộ 2 cây số đi và về để theo học ở trường Châteauneuf-de-Galaure. Rồi bé thường đến trường trễ vì sức khỏe suy sụp. Việc học của bé cũng suy giảm theo.
Vào lúc 10 tuổi, bé chịu lễ lần đầu. Đây là giờ phút quan trọng trong đời sống của bé. Sau này, cô Marthe Robin nói rằng cô tin rằng chính giây phút ấy, Thiên Chúa đã nhận cô là của riêng Ngài và chiếm hữu cô. Khi còn bé, cô Marthe đã là một đứa trẻ thích cầu nguyện. Bé thường hay cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, nhưng bé hay cầu nguyện trong bí mật, đặc biệt là nơi giường ngủ vào buổi tối. Chuỗi Mân Côi là bạn thân của cô. Cô tâm sự:
“Khi tôi đi vào làng để lo các việc lặt vặt, tôi luôn có Chuỗi Mân Côi nơi túi áo, và tôi cầu nguyện với Chuỗi Mân Côi trên đường đi.“
Cô Marthe rời trường học lúc 14 tuổi, không hề có một tấm bằng cấp nào trong tay. Cô làm công việc của một cô gái nhà nông, làm việc nhà và việc đồng áng. Cô vui vẻ và hài lòng với đời sống của mình và với gia đình. Cô thích đời sống thôn quê, và thích ở với anh và các chị. Anh chị em cô thích chơi với các gia đình hàng xóm. Các thanh thiếu niên luôn đến thăm nhà của nhau. Cô Marthe tụ tập với các bạn trẻ, cùng nhau cười đùa, ca hát, nhảy nhót và nói giỡn. Cô sung suớng với hạnh phúc của mình.
3. Sự đau khổ.
Hai năm sau, sức khỏe của cô xuống dốc, cô bắt đầu chịu đựng các cơn đau đầu nặng nề. Một ngày vào tháng 11 năm 1918, cô bị té trong nhà và không thể tự mình đứng lên được nữa. Cô bị tê liệt một phần và mắc phải một chứng bệnh bí ẩn, có thể là do sự mất ngủ, hay là do bộ óc không làm việc bình thường. Trong suốt 30 tháng sau đó, cô rơi vào tình trạng nửa hôn mê, nửa tỉnh táo. Cô cảm thấy đau đớn và thống khổ. Cô thường hay khóc. Cô rất khó có thể chuyển động tay chân hay nói chuyện. Cô không thể ăn uống gì cả, và cô thường hay ngủ lơ mơ. Gia đình cô nghĩ là cô sắp chết, nên vào tháng 4 năm 1921, khi được 19 tuổi, cô được nhận bí tích xức dầu Thánh của Giáo Hội. Nhưng rồi trước sự ngạc nhiên của gia đình, cô từ từ bình phục và có thể ngồi lên được.
Marthe lấy lại sức mạnh và có thể đi lại với chiếc gậy trên tay. Trong 8 năm kế tiếp, cô lặng lẽ thêu quần áo trẻ em, đọc sách, cầu nguyện, ngồi nơi chiếc ghế bành ở nhà bếp. Vào mùa Xuân năm 1922, cô đến giữ nhà cho chị Gabrielle ở gần đó, vì chị ấy phải đi tới tỉnh Marseilles. Khi dọn dẹp căn gác xép của nhà chị, cô tình cờ mở một cái rương cũ và tìm thấy một cuốn sách suy niệm tôn giáo, có thể là cuốn “Bí Mật của Mẹ Maria” (The Secret of Mary) của thánh Louis De Monfort. Trong cuốn sách ấy có hai câu đánh động cô nhất, đó là:
“Con đường của con phải là con đường đau khổ.”
Và: “Con phải dâng cho Chúa tất cả.”
Ngay sau đó, sức khỏe của Marthe ngày càng sút giảm. Thị giác của cô yếu kém, và cô chỉ còn có thể đi bộ một cách khó khăn. Giáo xứ sắp xếp cho cô được đi hành hương ở Lộ Đức, nhưng vào giờ chót, Marthe nhường chỗ của mình cho một người bịnh từ một làng bên cạnh để họ có thể đi.
Marthe dâng hiến sự đau khổ lên Chúa Kitô, và vào ngày 15 tháng 10 năm 1925, khi cô được 23 tuổi, cô bắt đầu viết các tài liệu thiêng liêng. Có nhiều lần, cô đọc cho các bạn thiếu nữ viết. Các tài liệu này được các thành viên xem như gia nghiệp quý báu của gia đình Nhà Tình Thương Foyers.
Trong bài viết “Thánh hiến hoàn toàn để trở nạn nhân của tình yêu”, có nghĩa là một hành động tuyệt đối là từ bỏ ý riêng để tuân theo Ý Chúa, cô viết rất dài về tình yêu và tỏ ý muốn mình trở nên một nạn nhân sống động của Chúa:
“Ôi lạy Đấng Cứu Thế! Chúa là Đấng nắm giữ linh hồn con và toàn thể con người của con. Xin hãy nhận lấy hy lễ mà mỗi giây phút và mỗi ngày con dâng lên Chúa trong thinh lặng.”
Cô Marthe dâng lời cầu nguyện và sự đau khổ của mình để đổi lấy sự tốt lành cho hàng triệu những con tim không yêu mến Chúa, cho các người tội lỗi được ơn ăn năn, thống hối, cho sự trở lại của những ai xa lạc Chúa, và cho những người phản bội, cho sự thánh thiện và nhiệt tâm làm việc tông đồ của các linh mục, con cưng của Chúa , và cho tất cả mọi tạo vật.”
Từ đó trở đi, cô Marthe có một mục tiêu trong đời sống là dâng hiến chính bản thân mình lên Thiên Chúa.
4. Đầu Phục:
Vào tháng 10 năm 1926, cô Marthe trở bịnh nặng và lại được nhận thêm bí tích xức dầu Thánh. Cô luôn yêu mến chị thánh Têrêsa Martin, một nữ tu Dòng kín Camêlô, vốn là người ở thành Lisieux. Chị Thánh Têrêsa qua đời năm 1897, khi ở lứa tuổi 24. Con đường nhò bé của chị Thánh là đơn sơ, trẻ thơ và phó thác. Lối sống ấy trở nên phổ thông trong nước Pháp. Chị Thánh Têrêsa được phong thánh năm 1925. Chị hiện ra với Marthe qua ba thị kiến khác nhau. Chị Thánh Têrêsa nói với Marthe rằng cô sẽ không chết nhưng cô sẽ sống và thực hiện sứ mệnh của Têrêsa và làm cho lối sống ấy trở nên phổ thông.
Vào thời kỳ ấy, Marthe nói rằng: “Đau khổ là trường học tốt nhất để học yêu thương cách chân thành, ” và cô thường xuyên dâng hiến sự đau đớn và khổ lụy lên Chúa. Khoảng 18 tháng sau đó, đôi chân của cô bị xoắn lại và cô trở nên tê liệt hoàn toàn. Trong trí cô, Thiên Chúa nhận lấy tất cả những gì mà cô dâng hiến lên Ngài. Một người thợ mộc làm một tấm phản gỗ và đặt ở phòng ngủ dưới nhà. Trên tấm phản ấy, cô Marthe sống suốt cuộc đời mình.
Sau đó, cô không thể sử dụng được hai bàn tay. Cô bị tê liệt từ đầu đến chân, không thể ăn, uống, và ngay cả không thể tìm sự an ủi là giấc ngủ nữa. Điều tốt nhất mà ba mẹ cô có thể làm giúp cô là tắm rửa cho cô và thỉnh thoảng thấm ướt đôi môi cho cô với nước lã hay cà phê.
Từ đó trở đi, trong suốt 50 năm, cho đến khi chết năm 1981, Marthe chỉ có thể rước Thánh Thể Chúa mỗi tuần một lần, thường là vào ngày thứ tư. Cô chuẩn bị chu đáo trước khi rước Mình Thánh Chúa. Vào buổi sáng, cô nhắc lại lời thề nguyền của tháng 10 năm 1925, và tỏ ra hăng say. Đến chiều, cô xưng tội và làm hòa với Chúa, và rồi cô rước Thánh Thể Chúa từ tay vị linh mục của giáo xứ. Sau khi rước lễ, cô ngất trí và chỉ trở lại bình thường vào buổi sáng hay buổi trưa của ngày hôm sau.
Cô Marthe được 28 tuổi khi cô nhận được Năm Dấu Thương Thánh, những vết thương của Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô hiện ra trên đôi tay, đôi chân, thân thể và đầu óc của cô. Cuối tháng 9 năm 1930, Chúa Giêsu Ki Tô hiện ra trong một thị kiến với Marthe và hỏi xem cô có muốn được nên giống như Ngài không. Câu trả lời của cô rất rõ rang và ngay lập tức là: “Xin cho Thánh ý Chúa thể hiện!” Ba ngày sau, cô lại được Chúa Giêsu bị Đóng Đinh đến thăm viếng lần nữa.
5. Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô:
Về sau, cô Marthe mô tả rằng cô thấy mình được nâng lên trên không khí trước Chúa Giêsu Kitô trên thánh giá. Hai tay cô bị kéo ra về phía cây thánh giá, và một lưỡi lửa bắn ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, trở nên như hai lưỡi nhọn và đâm thâu hai bàn tay Marthe. Cũng như thế, hai chân tàn tật của Marthe bị kéo thẳng ra và lưỡi lửa đâm thâu vào đôi bàn chân cô. Cô nói rằng lúc đó, cô tưởng đời sống mình ra khỏi con người mình. Một tia lửa đâm ngay vào ngực cô và quay tròn, xuyên thủng trái tim cô, làm cho cô đau đớn, muốn ngất xỉu và cô bị nhức nhối trong nhiều giờ. Rồi Chúa Kitô nhấn sâu mão gai của Ngài lên đầu cô.
Cô Marthe kể rằng Chúa Giêsu nói với cô như sau:
“Bây giờ Ta sẽ gọi con là con nhỏ của Ta, con bị đóng đinh với tình yêu. Sau Mẹ Ta, con là người sẽ sống Cuộc Khổ Nạn cũa Ta cách trọn vẹn nhất.”
Buổi sáng, mẹ của Marthe rửa các vết máu trên thân thể cô. Những dấu thương thánh ấy ở lại trong suốt cuộc đời của Marthe, và cô thường nhỏ từng giọt máu ra từ các vết thương ấy.
Từ đấy, cứ mỗi ngày thứ sáu hàng tuần thì cô Marthe sống lại Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô. Thỉnh thoảng, trên thân xác cô chịu những khổ hình mà Chúa Kitô đã chịu. Cô kêu lên những lời của chính Chúa kêu than khi Ngài ở trên thánh giá, và cô xin Thiên Chúa cứu giúp và ban cho cô sự giải thoát. Rồi, vào buổi chiều, cô hét lên một tiếng lạ kỳ trước khi đầu của cô ngả ra phía sau, và cô nằm trong tư thế ấy rất nhiều giờ. Cô nằm yên lặng cho đến ngày hôm sau hay hai ngày sau.
Cô Marthe khóc lên hay cầu nguyện lớn trong Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô hàng tuần, cho đến khoảng năm 1948 thì cứ mỗi lần có Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô thì cô lại chịu đựng trong thinh lặng hoàn toàn. Hình như cô hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô và ở trong một nơi bí mật.
Là một phụ nữ khiêm nhường, cô từ chối không muốn nói về Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô và các nỗi thống khổ mà cô phải chịu trong đời sống của mình. Cô không bao giờ nhắc đến các dấu vết thương thánh và những giọt máu đổ ra từ các vết thương ấy. Cô không nói đến việc mình không ăn, không uống, và không ngủ. Tất cả những điều ấy được cô sống như là một hình thức đầu phục theo Thánh ý Chúa và tình yêu của Chúa Kitô.
Vào tháng 12 năm 1930, cô Marthe diễn tả niềm vui và hạnh phúc sâu đậm của mình dù cô vẫn đau đớn nhiều, đó là những điều thiêng liêng mà cô có thể chịu đựng nổi. Cô nói tiếp:
”Khi có nhiều gai nhọn, Chúa Giêsu luôn nâng đỡ tôi hơn để tôi có thể tiếp tục chịu đựng các vết thương với đức tin và sự can đảm! Chúa Giêsu tỏ ra yêu thương và nhân hậu đối với một linh hồn nhỏ bé đang bị bao bọc bởi các vết máu.”
Cô Marthe đã theo chân Chúa Giêsu Kitô mà không hề chống cự Ngài.
(Kim Hà, Ngày 25/8/2006, Lễ Thánh Louis và Thánh Joseph Calasanz)
6. Nhiệm vụ tông đồ.
Tin tức về việc Marthe được hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô được loan truyền rộng rãi quanh quận lỵ và khắp nơi. Dân làng và gia đình họ bắt đầu đến gặp cô Marthe. Cha xứ và gia đình cô phải tổ chức và sắp xếp cho các cuộc gặp gỡ này.
Dân chúng đến kể cho cô Marthe nghe về các vấn đề của họ, rồi họ xin cô cầu nguyện và lời khuyên giải. Họ kiên nhẫn đứng xếp hàng trong căn nhà bếp của gia đình cô, kể cả linh mục cũng như giáo dân. Cô Marthe đặc biệt thích thú khi tiếp xúc với các trẻ em. Các học sinh nhỏ thường đến thăm cô sau giờ học hay vào những ngày lễ nghỉ. Khi các em nói, cô thường lắng nghe các câu chuyện của chúng và cầu nguyện chuỗi Mân Côi với chúng. Cô dịu dàng khuyến khích và nói với các em về lòng trông cậy và tình yêu đối với Chúa. Cô cho rằng trẻ thơ rất gần gũi với Chúa Kitô, chúng là kho tàng của Chúa.Vì thế, chúng ta phải cho các em biết rằng chúng ta thương yêu các em.
Một trong những ơn đặc biệt của cô Marthe là đặt các lời kinh đẹp đẽ và đầy quyền năng. Cô biết rõ sức mạnh của lời cầu nguyện và khi nào thì Chúa nhậm lời những lời cầu nguyện của chúng ta. Có rất nhiều trẻ thơ được cứu thoát nhờ sự cầu bầu của người khác.
Cô Marthe bắt đầu nhận ra rằng Chúa Giêsu đã chọn cô để làm một công trình to lớn mà Ngài muốn ban cho thế giới.
Đó là vào đầu năm 1930, cô khởi sự bước đầu để xây dựng công trình ấy. Chúa tiết lộ cho cô rằng địa phương của cô cần một trường học Công giáo. Rồi cô khẩn xin vị linh mục chính xứ hãy làm mọi cách để mở một trường học như thế. Thoạt đầu, vị linh mục do dự, làm sao một ngôi làng sống với tinh thần thế tục mà dân làng lại muốn gởi con học trường của giáo xứ chứ?
Tuy nhiên, Marthe cứ nài nỉ mãi nên linh mục chính xứ phải làm theo. Ngài bèn tìm mua một tòa lâu đài bỏ hoang và sửa chữa lại. Thế là ngôi trường học được mở cửa vào tháng 10 năm 1934, với hai thầy giáo và 7 học sinh.
Dần dần, ngôi trường làng trở nên một trường học dành cho nữ sinh, với hàng trăm học sinh, từ 5 tuổi đến 18 tuổi. Rồi lại có một trường dành cho nam sinh ở làng bên cạnh thuộc vùng St. Bonnelo, và một đại học cộng đồng nông nghiệp ở gần đó. Từ 7 học sinh đầu tiên năm 1934, nay có 3 đại học cung cấp nền giáo dục cho cả ngàn sinh viên.
Ở trong trường, Marthe muốn có một tấm hình Đức Mẹ Maria. Sau khi đọc sách của Thánh Louis de Monfort, với tựa đề “Bí Mật của Mẹ Maria” (The Secret of Mary). Marthe thuộc và nhớ nằm lòng, và sau đó, cô được Đức Mẹ Maria hiện đến thăm viếng nhiều lần, và Mẹ nói chuyện với cô hàng ngày. Đức Mẹ Maria có tràn đầy ơn phúc, Mẹ của Thiên Chúa và là Nữ Vương Thiên Đàng. Thế là Marthe xin họa một bức tranh về Đức Mẹ Maria, Đấng Trung Gian mọi ơn phúc. Người họa sĩ vẽ tranh ấy ở vùng Lyons.
Linh mục Georges Finet là một linh mục ở Lyons. Ngài đem bức tranh về cho Marthe ở vùng Châteauneuf vào ngày 10 tháng 2 năm 1936. Cha nói chuyện với Marthe khoảng 3 tiếng. Đó là cuộc thăm viếng làm thay đổi cuộc đời cha, và cha sẽ cùng Marthe làm việc cho Chúa Giêsu Kitô.
Vị linh mục ấy sùng kính Mẹ Maria và thán phục công việc của Thánh Louis de Monfort. Khi lắng nghe Marthe nói về Đức Mẹ Maria, về Giáo Hội hiện đại và thế giới, về việc làm đổi mới lại Giáo Hội, thì ngài biết ngay đây là một linh hồn hiếm quý. Điều làm cho cha Finet ngạc nhiên là khi Marthe nói rằngThiên Chúa có một nhiệm vụ dành cho cha:
“Cha là người đến vùng Châteauneuf để thành lập một nhà Tình Thương Foyer.”
Ý niệm thành lập một trung tâm tâm linh (hay foyer) bùng nổ với ánh sáng, từ thiện và tình yêu. Đó là nơi mà các gíáo dân nam nữ có thể tham dự những buổi tĩnh tâm dài một tuần . Đây cũng là nơi mà các thành viên của nhà Foyer trở lại lối thực hành và giá trị của Giáo Hội vào những thế kỷ đầu tiên, sau khi Chúa Giêsu KiTô sinh ra và chịu chết. Điều này được Chúa tiết lộ với Marthe năm 1933.
Marthe kể lại việc Chúa Giêsu nói với cô về công tác huy hoàng mà Ngài muốn thực hiện ở đây để cho vinh quang của Chúa Cha, cho quyền thống trị của Ngài nơi toàn thể Giáo Hội, và cho sự canh tân của toàn thế giới. Chúa Giêsu đòi cô phải tham gia trong công tác này. Cô lo lắng không biết làm cách nào để làm, nhưng Chúa phán:
“Đừng sợ hãi, Ta sẽ làm mọi sự.”
Chúa Giêsu nói tiếp rằng Ngài sẽ gửi một vị linh mục đến bắt đầu công việc và đưa công tác này đến thành công. Ba năm sau, Chúa sai linh mục Finet.
7. Nhà Tình Thương Foyer.
Dưới sự điều khiển của một linh mục, những người nam nữ đã chịu phép Rửa tội sống chung trong một cộng đoàn, chia sẻ các tài sản về tài liệu, trí tuệ và tâm linh. Các thành viên của cộng đoàn liên kết với nhau và với linh mục, trong các công tác tông đồ và làm chứng nhân, qua đời sống của họ, lời cầu nguyện, và công việc. Họ đến với ánh sáng, lòng từ thiện và tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Họ có một ơn gọi làm việc bác ái.
Cộng đoàn này chia sẻ Phúc Âm, rao giảng Tin Mừng , đón chào các người nam và nữ, giúp đỡ họ cách cụ thể và thiêng liêng, không thiên vị, và không vặn hỏi.
Đối với những giáo dân và tu sĩ, trung tâm Foyer cống hiến các chương trình tĩnh tâm, chủ yếu là cho người lớn hay cho gia đình, cả các người trẻ cũng được tham dự. Mỗi kỳ tĩnh tâm có một chủ đề riêng biệt, nhằm tạo cơ hội cho mọi người lắng nghe và hiểu Lời Chúa, khi sống đơn sơ và thinh lặng.
Cuộc tĩnh tâm đầu tiên bắt đầu ngày 7 tháng 9 năm 1936, tại ngôi trường nữ ở Chateauneuf-de-Galaure. Cuộc tĩnh tâm thứ hai được tổ chức 3 tháng sau đó. Từ đấy, các nhà tình thương Foyers được xây dựng khắp thế giới, và tầm hoạt động của họ sinh sôi nẩy nở khắp nơi.
Hiện nay, nhà tình thương Foyers có hơn 100 người sống trong các Cộng đoàn và có đủ chỗ cho thêm 200 người khác đến tĩnh tâm, kể cả một chi nhánh dành cho người trẻ.
Hiện nay có 70 nhà tình thương Foyers trên thế giới: tại Âu Châu, ngay ở Pháp có 16 nhà, tại Phi Châu, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, vùng miền tây Ấn Độ, và Á Châu. Tuy nhiên, chưa có nhà tình thương nào ở Anh quốc, nhưng người ta đã biết đến cô Marthe và công việc của cô, các thông điệp và ý định ngay lành của cô. Hy vọng sẽ có một nhà tình thương ở Anh Quốc.
Mỗi năm, các người dân Anh và Ái Nhĩ Lan đến tham dự các cuộc tĩnh tâm ở Pháp Quốc. Có nhiều thành viên của Foyers mở trường học, đóng các vai trò quan trọng trong các công tác tôn giáo cho người trẻ, một mục vụ tông đồ mà Marthe cho là quan trọng.
Vào tháng 11 năm 1975, Đức Giáo Hoàng VI nói về nhà tình thương Foyers như sau:
“Các nhà tình thương Foyers cung cấp những cách thức chân thành và thiêng liêng, trong một không khí tĩnh lặng, bác ái và sùng kính Đức Mẹ Maria. Vì thế họ sẽ giúp hé mở các linh hồn cho sự trở lại, và làm cho đời sống họ sung mãn trong Thiên Chúa.”
8. Sự trung thành.
Kể từ ngày đầu tiên gặp gỡ Marthe vào năm 1936, linh mục Finet rất gần gũi với bà Marthe trong suốt 45 năm, và ngài cảm nhận được những giây phút khác thường và cao cả, cùng với sự đơn sơ của những biến cố xẩy ra hàng ngày. Đây là một quan hệ độc đáo trong lịch sử của Giáo Hội.
Cô Marthe bị mù năm 1940, cô dâng hiến thị giác của mình lên Chúa để cầu xin sự hòa bình và hoán cải cho nước Pháp, nhưng sự mù lòa không cản trở gì đến công tác của cô làm để vinh danh Chúa. Như Marthe nói, cô rút lấy tình yêu từ trong Thánh Tâm Chúa Giêsu KiTô và ban tình yêu đó cho những ai đến thăm viếng cô và hàng ngàn người viết thư cho cô.
Sứ mệnh của cô là làm cho các người nam nữ ở khắp nơi liên hệ với Chúa và với nhau. Cô siêng năng cầu nguyện và cầu cho sự canh tân của Giáo Hội. Dù là người nhỏ bé, bất động, và yếu nhược, cô Marthe tự gọi mình là dụng cụ của Thánh Ý Chúa, và qua cô, cha Finet và vô số người khác được kêu gọi để phục vụ trong các công tác tông đồ xuất sắc.
Gần về cuối đời, Marthe tiếp tục bị thử thách trầm trọng, và những năm cuối cùng được đánh dấu bằng những cơn đau đớn và thống khổ. Vào tháng 11 năm 1980, xương sống bà trở nên co xoắn lại và gây đau đớn vĩnh viễn, và một vài tuần sau đó, bà bị một cơn ho dai dẳng.
Marthe không còn có thể nói hay nhìn, và bà chịu muôn ngàn sự thống khổ và đau đớn. Người ta không cho khách đến thăm viếng bà nữa vì sức khỏe của bà quá tồi tệ. Đầu tháng 2 năm 1981, bà bảOcha Finet rằng thời giờ trên trần gian sắp hết. Bà xin gia đình bà tụ họp chung quanh bà. Vào ngày thứ Tư, khi các thân nhân bà ở quanh thì bà rước Mình Thánh Chúa. Ngày hôm sau, bà chịu đựng Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô, rồi bà tỉnh lại vào buổi tối. Vào chiều ngày thứ Sáu, ngày 6 tháng 2 năm 1981, bà Marthe chết.
Xác bà Marthe được mặc toàn màu trắng, như các trẻ nữ mới rước lễ lần đầu, xác bà được đặt trên giường mà bà đã nằm trong gần hết cuộc đời bà. Khuôn mặt bà sáng láng, hạnh phúc và bình an, nhưng nét mặt vẫn ẩn chứa nhiều sức mạnh và sự kiên cường. Lúc ấy các sự đau khổ và đau đớn dường như thua cuộc, và bà Marthe đã hoàn toàn sống với Chúa KiTô.
Vào ngày thứ Ba, mùng 10 tháng 2 năm 1981, xác bà được đặt trong một quan tài và đưa ra khỏi căn nhà trang trại mà bà đã sống suốt cuộc đời. Quan tài bà được đưa tới một nhà nguyện Foyer mới, nơi mà lúc sống, bà chưa hề được đến viếng thăm.
Hai ngày sau, tang lễ được tổ chức trong nhà Foyer này. Những người thương tiếc bà đến chào bà lần cuối. Họ đến bằng xe cộ, xe lửa, từ khắp nơi trên nước Pháp hay ở ngoại quốc. Các linh mục và giám mục cùng đồng tế Thánh lễ cầu hồn, và có khoảng chừng 6 ngàn người rước Mình Thánh Chúa. Sau tang lễ, quan tài được chuyển về nhà thờ St. Bonnet-de-Galaure, và Bà Marthe Robin được chôn cất trong thinh lặng, nơi mộ phần dành cho gia đình Robin.
Trong tang lễ, Đức Giám mục Valance khen ngợi về đời sống và các sự đau khổ của bà, cũng như nhiệt tâm và niềm vui của bà Marthe. Ngài nói:
“Tất cả chúng ta phải chu toàn nhiệm vụ của mình đối với Giáo Hội, bằng tài năng, các đức tính, và niềm khao khát tìm kiếm Chúa. Bà Marthe đã hoàn thành nhiệm vụ của bà một cách toàn hảo.”
Bà Marthe Robin có vẻ như là một màu nhiệm, một gương mẫu để noi theo. Bà mất tất cả khả năng thể lý và trở nên lệ thuộc người khác. Bà sống để mà chết nên bà có thể ở với Chúa mãi mãi. Với nhiều người, cuộc đời và định mệnh của bà thật là phi thường. Thật sự, bà là một người đơn sơ, một người con nhỏ bé, đáng yêu của Thiên Chúa và là một người con trung thành của Giáo Hội. Đời sống bà có nghĩa là đời sống Chúa Giêsu KiTô. Bà là một Ki Tô Hữu gương mẫu.
Bà Marthe Robin thường xuyên nói về một lễ Hiện xuống mới của tình yêu, khi Giáo Hội có thể được canh tân bằng các công tác tông đồ của các giáo dân, những người này sẽ giữ những vai trò quan trọng trong Giáo Hội. Khi được hỏi về điều này, bà trả lời rằng bà không thấy đó là điều khác thường. Bà nói:
“Tôi nhìn sự việc này như là một biến cố bình an và đến chầm chậm. Sự thay đổi sẽ đến từ từ. Nói về tương lai, các bạn biết người ta nói về các ý tưởng, nhưng tôi biết một điều chắc chắn là: Tương lai là Chúa Giêsu.”
Kim Hà, 26/8/2006
|