Không
chỉ bằng cơm bánh
(Suy niệm của Lm Nguyễn Hồng Giáo)
Ngoài cơm bánh, con người còn đói khát
nhiều thứ: sự thật, tình thương, phẩm
giá, tự do, lòng kính trọng, kiến thức, lẽ
sống, lý tưởng... Các tôn giáo sẽ làm gì
trước tình trạng đạo đức xã hội
chúng ta đang sa sút?
"Người ta sống không nguyên
bằng cơm bánh mà thôi..." Đức Giêsu,
người đã nói ra câu đó, không phải là một
kẻ mơ hồ hoặc sống toàn bằng những lý
tưởng cao đẹp hoặc đã có dư ăn dư
mặc để có thể dễ dàng lên mặt dạy
đời về sự tầm thường của
vật chất. Ngài hiểu rõ giá trị
của đồng tiền bắt gạo và đã khó
nhọc làm ăn, nuôi mình và nuôi gia đình mình. Ngài
biết rằng có thực mới vực được
đạo, bằng chứng là có lần Người đã
phải cho ăn một đám đông
đói khát sau những ngày tìm kiếm đến với mình
để nghe thuyết pháp. Ngài cũng
biết nữa rằng bần cùng sinh đạo tặc
bởi đã thường xuyên lui tới với đám
người khốn khổ nhất của xã hội,
biết rõ hoàn cảnh sống của họ. Nhưng
Đức Giêsu nhất định không để cho nhu
cầu ăn uống, dù là một nhu cầu thiết
yếu căn bản, ngự trị trên các nhu cầu khác
của con người; Ngài nhất định không coi
của cải vật chất là tất cả, đến
nỗi đã phải bất cứ cách nào cho có
được.
"Người ta sống không nguyên
bằng cơm bánh..."
Có một thời cách đây không xa lắm,
chúng ta không khỏi ngạc nhiên tự hỏi tại sao
thanh niên Âu Mỹ lại chán chường, hoặc nổi
loạn phá phách, hoặc làm những chuyện điên
rồ, có vẻ vô nghĩa khi mà họ đã có thừa
mứa mọi thứ tiện nghi hưởng thụ, và xã
hội đồng loã xoá cho họ nhiều thứ rào
cản về mặt luân lý hoặc luật lệ (như
tự do quan hệ tình dục trước hôn nhân, phá
thai...). Người ta giải thích cho chúng ta rằng sở
dĩ như thế là vì lớp thanh niên đó có mọi
thứ nhưng lại thiếu lý tưởng, thiếu
lẽ sống, thiếu cái gì đó cao cả để
vươn tới... Thời ấy chúng ta
nghe, nhưng vẫn cảm thấy đó là điều
hơi xa lạ, viễn vông.
Bây giờ nhìn thấy một lớp tuổi
trẻ sống vô lý tưởng, sống thực dụng,
bất chấp đạo nghĩa, đặc biệt
những con ông cháu cha ngay trong xã hội Việt Nam, chúng ta mới
thực sự thấm thía. Và trước
viễn ảnh xã hội mở cửa ngày càng rộng rãi,
chính chúng ta bắt đầu biết lo, biết sợ.
Do đó mà có phong trào "trở về nguồn" và
"bảo vệ văn hoá dân tộc".
"Người ta sống không nguyên bằng cơm
bánh...".
Cha ông ta vẫn hiểu điều đó khi
nói, chẳng hạn:
- Tốt danh hơn lành áo
- Chết vinh hơn sống nhục
- Ở đời muôn sự của chung,
hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi...
Và điều đó,
hẳn là mọi người có lương tri cũng
đều hiểu. Bởi thế tôi đã gần như bàng
hoàng khi nghe một cô giáo trường B. T. X ở Tp Hồ
Chí Minh kể lại rằng: hồi ấy, nhân dịp
học sinh tới nhà cô chơi, cô ta kể cho học sinh
câu chuyện về Cha Maximilien Kolbe đã tình nguyện
chết thay cho một người cha gia đình con trẻ,
bị Đức Quốc Xã giam cùng trại với cha, vì
cha nói: "Tôi già rồi, nếu có sống cũng không có
ích và cần thiết bằng người cha gia đình
này". Nghe xong, một nam học sinh đã phê phán một
câu sâu sắc như nhát chém: "Đồ ngu!". Tôi lại sửng sốt
khi đọc báo trong báo Thanh Niên số tân niên (tháng 2/92) ý
kiến cô Tố Loan, 18 tuổi, làm nghề chiêu đãi viên
và "đã có quan hệ tình dục với nhiều
người". Loan chẳng lo lắng gì về
sự lựa chọn này. Vẫn vui vẻ và
có ý định tiếp tục. Loan
cũng không mong gì hơn là có thật nhiều tiền,
"có tiền người ta không khinh mình", cô nói. Hôn nhân đối với Loan không quan trọng.
Ở được với nhau trăm năm thì ở,
không thì chia tay cũng được,
không việc gì phải nặng nề (tr. 21).
"Người ta sống không nguyên bằng cơm
bánh..."
Ngoài cơm bánh, con người còn đói khát
rất nhiều thứ: sự thật, tình thương,
phẩm giá, tự do, lòng kính trọng, kiến thức,
lẽ sống, lý tưởng... Có lẽ hơn bất
cứ tổ chức xã hội nào, các tôn giáo chân chính
hiểu rõ điều đó vì tôn giáo chân chính nào cũng
nhằm đưa con người vươn lên,
vươn lên khỏi chính mình, và cứ vươn xa
hơn mãi, cao hơn mãi, hướng tới cái Toàn Chân, Toàn
Thiện, Toàn Mỹ...
Các tôn giáo sẽ làm gì trước tình
trạng đạo đức xã hội chúng ta đang sa sút?
|