BÀI
LỜI CHÚA 109
ĐƯỢC
ThỜ phưỢng lÀ mỘt ơn phÚc (Phần I)
Trích lược sách thứ 2 các Vua, ch.22 và 23
Yôsia làm vua
nước Yuđa, và trong suốt 31 năm trị vì ở
Giêrusalem, ông đã thờ phượng Yavê hết lòng,
đi theo đường ngay chính như Đavít tổ
phụ. Năm thứ 18 triều đại ông, một
biến cố đặc biệt xảy ra :
nhân việc tu bổ Đền Thờ, người ta
đã khám phá ra bộ Luật Giao Ước bị bỏ
quên ở đó. Nghe đọc sách Lề luật Giao
ước này xong, vua xé áo mình, tỏ dấu đau
đớn, vì ông thấy ông cũng như toàn dân đã
đi sai những điều Chúa dạy trong sách luật
ấy, bỏ sự thờ phượng chân chính dâng lên
Yavê, mà thờ quấy nên đã làm bùng cháy cơn thịnh
nộ của Người... Lập tức, vua Yôsia truyền
triệu tập toàn dân từ lớn chí bé, cho đọc
Lề luật Giao ước ấy cho họ nghe, và cùng
toàn dân cam kết trung tín thờ phượng Yavê, giữ
các luật điều của Người hết lòng,
hết sức.
Vua bắt đầu tra tay cải tổ lại
đạo. Khởi sự bằng cách bắt các tư
tế đem thiêu hủy ngoài thàn hết các đồ
vật đã làm để kính tà thần Ba-an, As-Tê-ra. Rồi
ra lệnh đốt các ngẫu tượng, triệt
hạ trụ thần, các am và miếu thờ, các
điếm tế tự, đập tan tành quăng các
mảnh vụn xuống khe suối. Vua còn bài trừ các
đồng bóng, pháp sư...
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ
ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Trong bài Kinh Thánh trên
đây, trích tóm tắt nên đã không kể ra hết các chi
tiết của những việc sùng bái tà thần bậy
bạ, xấu xa, ghê tởm... mà vua Yôsia phải triệt
hạ, sợ làm cho anh chị em bẩn tai. Ví dụ :
họ tế thần bằng việc thiêu sống con trai
con gái nhỏ của họ ; họ có những nhà
điếm tế tự, nghĩa là các điếm nam,
điếm nữ được coi là “điếm
thần”, ông nào mong có con nối dòng, bà nào hiếm muộn,
đến giao phối với điếm nam, nữ ấy,
nếu
có con thì coi đó là con
của thánh.
Như thế, đủ
biết dân Israen đã ra hư đốn đến
chừng nào. Làm sao một Dân được Thiên Chúa làm
Thần của họ, cứu thoát họ khỏi cảnh
tôi đòi, giúp họ đánh thắng bao nhiêu vua chúa hùng
cường cản đường để họ
được vào chiếm Đất Hứa chảy tràn
sữa mật v.v…
thế mà họ lại có thể bỏ Chúa vinh quang và
hằng sống mà đi thờ những tà thần xú uế, nhảm nhí, quái đản như
thế để được một vài lợi lộc
vật chất?
Chỉ
vì ở những thời xa xưa, người ta sống
trong tối tăm mê muội, chưa được ánh sáng
của lời Chúa đến dạy cho biết về
Người, nên người ta đã dựa theo những
nhu cầu và ước vọng của mình mà tạo ra những
tà
thần, ngẫu tượng - tưởng là có thật, chứ
thực tình không có thật - để thỏa mãn những nhu
cầu và ước vọng của họ.
Bề
ngoài có vẻ như họ thờ những thần thánh ấy,
vì thấy họ làm những cử chỉ quì bái, đốt
nhang, van vái v.v…nhưng thực bụng chỉ muốn bòn
rút lợi lộc từ thần thánh mà chính họ đã tạo
ra : nào cầu lợi, cầu may, cầu phước, cho
gia đạo được bình an, cho con cái học hành,
thi cử đỗ đạt, cho làm ăn được
may mắn, cho được thăng quan tiến chức,
cho tình duyên khỏi trắc trở, đi đâu thì tránh
được những rủi ro, tai nạn v.v… Kỳ thật
họ chẳng biết thờ phượng thật sự
là gì, vì thờ phượng bao hàm lòng tôn kính mến yêu một
Đấng có thật, và sống động. Cứ hỏi
các thiện nam tín nữ… có ai đến đền chùa,
đến am miếu là vì yêu mến thần, thánh đâu ?
Cho nên đã có những câu chế riễu của dân gian : “Hữu
sự thì vái tứ phương, vô sự thì một nén
hương cũng không mất”.
Truyện kể rằng : Có một bà kia, mới trở
lại đạo, song còn chưa bỏ được thói
tục ngoại giáo, nên cũng tưởng đem tiền
xin lễ là để được lợi lộc mong
ước, như trước đây bà thường làm khi
đi lễ đền chùa, nên một lần kia bà đem
tiền đến xin lễ một linh mục, với
lời dặn là để xin được khỏi
bệnh thấp khớp. Một tháng sau bà đến
gặp lại linh mục và nói :
- “Tôi xin lễ để
được khỏi bệnh, mà bệnh không khỏi,
vậy cha trả lại tiền cho tôi.”
+ Người có
đạo thờ quấy thì khó bề được tha
thứ: Không
nghiệm thu được bài học nêu trên của dân
Israen, ngày nay có nhiều Kitô hữu cũng liều mình
bỏ Chúa, bỏ thờ phượng, vì họ thấy
thờ Chúa chẳng được
ơn phúc hay lợi lộc gì thực tế cả.
Nghèo thì suốt đời vẫn hoàn nghèo…Yêu nhau thì sao
phải chia tay… Thấy người ngoại van vái thần này thần nọ,
xem ra có thể được những ơn này ơn khác
như lòng mong ước …, nên muốn bắt chước…
Đối
với người ngoại không được Chúa
dạy cho biết chân lý thì Chúa còn nhắm mắt làm ngơ
(x. Cv 17.30), còn đối với dân Israen mà Chúa chọn
làm dân riêng, thì mặc dầu
sống giữa thiên
hạ thời đó hầu như tất cả
đều thờ đa thần, Thiên Chúa đã dạy cho họ cách cương
quyết rằng :
… “Ngoài Ta ra, không có thần nào nữa,
chẳng có thần công minh cứu độ,
ngoại trừ Ta.
…Hãy hướng về Ta, thì các
ngươi sẽ được cứu
độ,
vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn chúa
nào khác.” (Ys 45.21-22)
Phương chi
chúng ta, Kitô hữu, đã được Chúa và Hội Thánh
dạy cho biết Thiên Chúa độc nhất chân thật, thì
tội thờ quấy khó được tha thứ.
Họ đã được nghe Kinh Thánh dạy rằng làm
như thế là dại dột, vì chẳng có thần thánh nào ngoài Thiên Chúa, thì van vái,
cầu xin chúng chỉ là việc vô ích! “Trên thế gian
này, ngẫu tượng không có; mà thần cũng không…
Thật vậy, mặc dầu người ta cho là có
những thần ở trên trời hay dưới
đất - quả thực (người ta bầy ra) thần
cũng lắm mà chúa cũng nhiều - nhưng đối
với ta, thì chỉ có một Thiên Chúa là Cha, do tự
Người mà có mọi sự, và Người là cứu
cánh của ta…” (1 Cor 8.4-6). Do vậy :
+
Tinh thần cầu lợi là
phản đạo : Những
Kitô hữu nhiễm
tinh thần cầu lợi ấy không biết rằng: Nếu họ cứ
mong tìm lợi lộc vật chất trong việc thờ
phượng Chúa, thật ra họ đã đi ngược
với tinh thần của chính đạo, đã phản
đạo. Chẳng phải Chúa Giêsu vẫn dạy ai muốn
theo Ngài phải :
1) Từ bỏ của cải
:
“Phàm ai trong anh
em không từ bỏ của cải mình đi hết thảy
thì không thể làm môn đồ của Thầy.”(Lc 14.33)
2) Chối bỏ chính
mình, ý riêng, sở thích :
“Nếu
ai muốn đi sau Thầy, thì hãy
chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình
và hãy theo Thầy.” (Mt 16.24)
3) Từ bỏ người
thân, và cả mạng sống mình nữa :
“Kẻ nào đến
với Thầy, mà vẫn cứ lưu luyến cha mẹ,
vợ, con cái, anh chị em mình và cả mạng sống mình
nữa, ắt không
thể làm môn đồ
của Thầy. (Lc 14.26)
+
Vậy thờ phượng Chúa thì có được phúc gì
không ? Thánh Phaolô cho biết : ông đã
tin thờ Chúa và đã được phúc, song là những
phúc lộc như thế này : “Tôi coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất
lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được
biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ
mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi
được Đức Kitô…” (Pl 3.8).
Được phúc này
: được Chúa Kitô là được Thiên Chúa, mà
được Thiên Chúa là được tất cả mọi
sự, và không bao giờ còn sợ mất. Do đó người
ta sẽ không coi những đòi hỏi từ bỏ, hy sinh
v.v… của Chúa nêu trên, như những mất mát, trái lại
là những phúc lợi rất lớn lao ! Chúa Giêsu đã nêu
rõ : “Quả
thật, quả thật, Ta bảo các ngươi:… Ai
yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống
mình nơi thế gian này, thì sẽ giữ nó cho sự sống
đời đời! (Ga 12.24-25)
Anh chị em có hiểu
được lời Chúa Giêsu nói đấy không ? Hy
sinh, từ bỏ hóa ra chẳng hề là mất mát, mà là
điều kiện để giữ được
mạng sống cho đến đời đời.
Được phúc thật
là được như thế, chứ cứ chạy theo
những lợi lộc vật chất tạm bợ cho
thân mình, cho đời sống phàm trần này, thì sẽ
mất, và sẽ hỏng cuộc đời, vì Thánh Kinh
đã cảnh báo : “Ai gieo gì thì sẽ gặt nấy. Kẻ gieo vào xác
thịt mình, thì tự xác thịt sẽ gặt lấy
mục nát; còn kẻ gieo vào Thần khí, thì do tự Thần
khí, sẽ gặt lấy sự sống đời
đời.” (Gal 6.7-8). Ai chỉ chăm vun đắp, o bế, chiều
chuộng thân xác thì thân xác chẳng có gì ngoài sự thối
rữa ra lúc nó chết, vậy thì người ta thu
hoạch được gì từ nó ngoài sự thối tha ?
Trái lại, ai vun đắp cho đời sống tâm
hồn, tức là chăm chút sự sống với Chúa, thì
lúc họ chết, Chúa vốn là sự sống sẽ ban cho
họ sự sống đời đời !
Vả lại, ai chẳng biết vật chất
không làm cho con người hạnh phúc? Vẫn nghe
người đời thường nói : “Tiền có
thể mua được mọi thứ, nhưng không mua
được hạnh phúc !”
Con người gồm
hai phần, tâm linh và thể chất: phần thân xác thể
chất, con người cần vật chất, tuy
vậy vật chất chỉ có thể làm cho no thỏa hay
sung sướng chốc lát, nhưng không sâu xa trọn
vẹn được; thỏa mãn một lúc, rồi ta lại
thấy nhạt nhẽo, chán chường, nên con
người vẫn luôn trong tình trạng đói khát khôn
nguôi… Nhất là vật chất không làm thỏa mãn phần
tâm linh được. Đức Giêsu đã nói cách sâu
sắc : “Phàm ai uống
nước này sẽ còn khát lại; nhưng kẻ nào
một lần đã uống nước Ta sẽ ban, thì
đời đời sẽ không khát nữa, vì nước
Ta sẽ ban cho nó sẽ nên mạch suối trong nó có
nước vọt đến sự sống đời
đời.” (Ga 4.12-13). Chúa Giêsu nói : “ai
uống nước này” trực tiếp là nước
giếng Giacóp, mà lúc đó đi đường xa giữa
trưa nắng, Ngài khát và xin chị người Samari cho
Ngài một ngụm, song Ngài sử dụng nước
ấy làm tương trưng cho mọi sự vật
chất thế trần, không
thỏa mãn tâm hồn con người (nên sẽ còn khát lại), còn thứ “nước Ngài ban” tượng
trưng các ơn huệ của Ngài thì ai lãnh nhận,
muôn đời sẽ được hoàn toàn thỏa mãn,
không còn khao khát sự gì nữa “đời
đời sẽ không khát nữa”.
+ Nghe vậy có người sẽ
vặn lại : Nói như trên, có nghĩa là
phụng thờ Chúa thì Chúa ban các ơn thiêng liêng, còn
của cải vật chất, giàu có, sung sướng thì
chẳng được, mà chúng tôi sống ở trần
gian thì cần các cái này !
Xin thưa : Trên đây đã nói nhiều
về của cải vật chất không thỏa mãn tâm
hồn, vậy coi như đã trả lời. Về
vấn đề tiền của và sự giàu có, thì Chúa có một
quan niệm hơi khác chúng ta :
“Không ai có thể làm tôi hai chủ,…không thể vừa
làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt 6.24)
“Quả
thật, Thầy bảo anh em : giàu có khó mà vào được
Nước Trời. Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ
hơn là người giàu có vào được Nước
Trời". Nghe vậy môn đồ rất đỗi
kinh ngạc, mà rằng: “Vậy thế thì ai có thể
được cứu?” Đức Giêsu nhìn thẳng vào họ
mà nói : “Nơi loài người là điều không thể
được, nhưng nơi Thiên Chúa, mọi sự đều
là có thể". (Mt 19.23-26)
Đấy, chính các tông đồ
của Chúa mà còn nghĩ, người giàu có là được
Thiên Chúa chúc phúc, cho nên mới sung sướng được
nhiều tiền lắm của, còn người nghèo là những
người bất hạnh bị Chúa trừng phạt…Nhưng
Đức Giêsu lại cho biết một đạo lý mới
: người giàu ở trong tình trạng khốn khó, nguy hiểm,
đến nỗi chỉ mình Thiên Chúa mới có sức cứu
họ thoát khỏi mà thôi. Thử nghĩ mà xem : những lo
lắng để làm ra tiền, ra nhiều tiền… khiến
người ta quên mất việc lo cho phần rỗi linh
hồn. Vì vậy, Th.Phaolô cảnh cáo: “Những kẻ muốn làm giàu, thì sa vào cám dỗ, với
đủ thứ cạm bẫy và lắm đam mê ngông cuồng
tai hại, mà bị trầm luân diệt vong, hư khốn.
Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu
thỏa lòng tham, thì có kẻ đã lạc xa đức tin
và bị bao nỗi đớn đau xâu xé…” (Thư 1 gửi
Timôtê, 6.7-10).
Vậy đã rõ là Chúa không muốn
ta giàu có, lắm tiền, nhiều của. “Tiền vào thì Chúa ra !”
Truyện :
“Chữ tiền liền với chữ tai một vần”.
Tạp chí Paris Match thuật lại (ngày 3-9-1960) :
Ông Bazil Thorne mới trúng
số độc đắc 150 triệu quan Pháp, chưa
kịp mừng vui thì ngay sau đó, bọn người
xấu bắt cóc con trai độc nhất của ông và
đòi số tiền chuộc là 30 triệu. Thương
con, ông bảo sẵn sàng bỏ số tiền không
những 30, mà 50 và cả 150 triệu quan, miễn là cứu
được con ông. Do
sơ ý sao đó... làm bọn
xấu tưởng ông báo cảnh sát, nên đã giết
chết con trai ông, ném vào trong rừng. Mấy bạn
trẻ đi dạo chơi trông thấy, đã về báo
cho ông. Hàng triệu
người xem Tivi nghe
và thấy ông ôm đầu và úp mặt khóc, đều
cảm động thương thay…
™ ê ˜
|