Thiên Chúa hay thần
tài? - Lm Nguyễn Hồng Giáo.
Trong bài Phúc Âm Mt 6, 24-34 mà chúng ta nghe đọc trong
Chúa Nhật 8 Thường Niên năm A, và trong dịp
Tết Nguyên Đán, Đức Giêsu dùng ba ví dụ rất
nên thơ gợi cảm để chỉ cho chúng ta
thấy một sự lo lắng thái quá về đời
sống vật chất là vô lý nếu như chúng ta còn tin có
Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ví dụ thứ nhất: chim trời
không gieo, không gặt nhưng chúng vẫn được Cha
trên trời nuôi sống. Ví dụ thứ hai: cuộc
đời của mỗi người chúng ta có một
quảng thời gian nhất định sống ở
trần gian này, - điều đó chúng ta không thay
đổi được, dù có lo lắng cũng chẳng
kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc! Và cuối
cùng: hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, không kéo
sợi, thế mà dù vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc cũng
không mặc đẹp bằng nó. Kết luận của ba
ví dụ là: nếu như Thiên Chúa quan tâm nuôi sống chim
trời và ban áo mặc cho hoa đồng cỏ nội, thì
lẽ nào Chúa lại không lo lắng cho con người
hơn gấp bội sao? Kết thúc bài giảng, Chúa Giêsu
tuyên bố: "Vậy đừng quá lo lắng về ngày
mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó".
Chúng ta đồng ý rằng
lời Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay thật là hấp
dẫn. Có gì đáng mong ước hơn là có Cha Trên
Trời lo lắng cho ta? Tuy nhiên, càng suy nghĩ và
đi sâu vào thực tế, chúng ta càng thấy mọi
sự chẳng đơn giản chút nào.
Những lo lắng chính
đáng
Con người thời
đại ta cũng như mọi thời đại,
đều có trăm ngàn nỗi lo, và những nỗi lo
chính đáng. Đừng nói gì xa xôi, chỉ nguyên những
nhu cầu tối thiểu của cuộc sống đã làm
điên đầu nhiều bậc cha mẹ gia đình: lo
sao cho có cái ăn, cái mặc, cho căn nhà ở khỏi
giột nát khi tới mùa mưa, cho con cái được
học hành, cho có thuốc thang khi bệnh tật, cho giá
cả đừng tăng vọt, mùa màng không thất thoát...
Những nỗi lo như thế phát xuất
từ trách nhiệm của mỗi người, đều
chính đáng và đẹp lòng Chúa.
Chúa Giêsu không
muốn cho chúng ta lười biếng hoặc sống vô
trách nhiệm. Chim trời cũng
phải vất vả tìm mồi. Có những thứ
chim phải bay thật xa mới tới chỗ có thức
ăn. Hoa huệ ngoài đồng cũng có khi
phải đâm rễ len lỏi giữa sỏi đá
để tìm chất nuôi sống. Đàng khác chính Chúa
cũng nói rằng: "Ngày nào có cái khó, cái khổ của
ngày đó". Vậy khó nhọc, gian khổ là điều
có thực, gắn vào thân phận con người.
Không
những Chúa không muốn ta sống lười biếng, vô
lo, vô trách nhiệm, mà còn muốn ta phải làm việc
để cùng với Người hoàn hiện thế
giới này và góp phần vào công cuộc cứu độ
thế giới. Ngay lúc vừa mới
dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra lệnh cho
họ phải canh tác trái đất và làm chủ vạn
vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt
25, 15-25), Chúa Giêsu đã hỏi mỗi người đã
dùng tài năng Chúa ban mà làm lợi cho Người
được bao nhiêu, chứ không phải đã chôn
giấu nó an toàn như thế nào. Thế thì
ta có quyền và có bổn phận phải lo lắng, tính
toán, phải có kế hoạch, phải phòng xa. Điều Chúa không chấp nhận là chúng ta lo
lắng về đời sống vật chất như
thể đó đã là cùng đích của đời
sống, là tuyệt đối cho đời mình.
Thiên Chúa hay Thần Tài?
Câu then chốt nhất
của bài Phúc Âm hôm nay là: "Tiên vàn hãy lo tìm kiếm
Nước Chúa và đời sống công chính như
Nguời đòi hỏi, còn các thứ kia
(nghĩa là của cải vật chất), Người
sẽ thêm cho." Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa: đây mới là vấn đề ưu tiên.
Nỗi lo
số một của người môn đệ Chúa Giêsu là
nước Thiên Chúa. Mọi sự khác
cũng cần thiết. Nhưng không
được đặt lên trên Nước Thiên Chúa.
Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa,
rồi mới đến các thứ khác. Đó là trật tự phải tôn trọng. Nhưng đây không phải là vấn đề
thời gian sau trước nhưng là vấn đề giá
trị mà khi cần phải chọn lựa, ta phải
biết đâu là thiết yếu đâu là thứ yếu.
Lời
dạy của Chúa Giêsu là hệ trọng. Và nó cũng phù hợp với kinh nghiệm
sống của chúng ta. Người ta thường
lấy của cải vật chất làm ưu tiên số
một và cho rằng của cải giàu sang sẽ giải
quyết được mọi vấn đề của xã
hội và của con người. Nhưng
thực tế luôn luôn chứng minh rằng suy nghĩ và hành
động như thế là sai lầm. Xã hội
tư bản lấy sự sản xuất của cải
hàng hoá dư dật và sự hưởng thụ tự do
làm mục tiêu, và bắt mọi sự khác phải phục
vụ cho mục tiêu ấy, nên đã rơi vào khủng
hoảng về tinh thần, về lý tưởng sống.
Và vì mục tiêu ấy, người ta khai thác các tài nguyên
thiên nhiên một cách vô độ và ngày nay thiên nhiên quay
lại "trả thù" con người, đe dọa
cuộc sống trên trái đất. Ở các nước xã
hội chủ nghĩa trước đây, theo lý thuyết
người ta coi kinh tế là yếu tố quyết
định mọi sự khác, và tuy vẫn nói kinh tế
phải phục vụ con người, nhưng trên thực
tế con người và các giá trị đạo đức
bị chà đạp trầm trọng... Sau khi hàng loạt
nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp
đổ, những nước khác đã quay sang kinh tế
thị trường và cũng đang phát triển theo hướng phương Tây, liệu có
tránh nổi những tiêu cực gắn liền vào tư
bản chủ nghĩa không? Của cải
vật chất là ông chủ không dễ gì khuất phục
nổi. Tinh thần thường tỏ ra yếu
đuối và không hấp dẫn bằng của cải
giàu sang. Ở Việt Nam xã
hội chủ nghĩa "thời mở cửa",
điều đó cũng đang được chứng
minh.
Của
cải là cần thiết. Nhưng của cải
tự nó không mang lại hạnh phúc cho con người. Nó phải là một phương tiện, một
người tôi tớ. Nhưng khốn
thay, tên đầy tớ này rất có uy quyền, rất
dễ trở thành ông chủ của con người,
để con người phục dịch nó với bất
cứ giá nào.
"Tiên vàn hãy tìm kiếm
Nước Thiên Chúa và đời sống công chính như
Người đòi hỏi": Sống theo ưu tiên
đó, có nghĩa là chúng ta vẫn phải làm việc,
phải vất vả, phải lo lắng và biết tiên
liệu, nhưng chúng ta sẽ không nô lệ vật
chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì đồng
tiền bát gạo, sẽ coi trọng con người
hơn của cải và đặt các giá trị luân lý
đạo đức lên trên các giá trị vật chất.
Sống theo ưu tiên
của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ
giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay
giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì
họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và
với họ, và chỉ có Người mới đem
lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà
họ hằng mong ước.
|